Ba Câu Hỏi Khó

Mục sư Ngô Minh Quang

Kính thưa quý vị và các bạn,

Nhà văn Leo Tolstoy kể lại câu chuyện của một ông vua nọ. Một ngày kia, vua nghĩ rằng: giá mà mình trả lời được ba câu hỏi không ai giải đáp được thì mình sẽ không bao giờ bị thất bại trong mọi cảnh ngộ. Ba câu hỏi ấy là:

  1. Làm sao để biết được đâu là thời gian thuận lợi nhất cho từng hành động của mình?
  2. Làm sao để biết được đâu là công việc cần thiết nhất ta phải thực hiện ngay?
  3. Làm sao để biết được người nào là người nào ta cần phải lưu tâm hơn hết?

Biết mình không thể tìm được câu giải đáp, nhà vua liền ban chiếu chỉ ra khắp trong bàn dân thiên hạ và hứa rằng vua sẽ ban thưởng trọng hậu cho bất cứ ai tìm được ba câu giải đáp đó. Các bậc hiền nhân sau khi đọc chiếu chỉ liền tìm tới kinh đô. Nhưng mỗi người lại dâng lên vua những câu trả lời khác nhau.

Có người trả lời câu hỏi thứ nhất rằng: Thời gian thuận lợi nhất cho mỗi hành động là thời gian được sắp xếp, được phân ra thời biểu đàng hoàng, phải có ngày giờ năm tháng và phải thi hành cho thật đúng thời biểu ấy. Như vậy mới mong hoàn thành công việc làm đúng lúc. Cho câu trả lời thứ hai là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện là những điều đang xảy ra trước mắt ta, ta phải thực hiện ngay. Cho câu trả lời thứ ba: Người khác nói nhà tôn giáo, những vị lãnh đạo tinh thần. Người khác lại nói: Vị tư lệnh quân đội. Nhưng những câu trả lời cho ba câu hỏi trên đã không làm thỏa mãn vua. Nên sau cùng nhà vua lên núi để tìm một vị đạo sĩ xin ý kiến.

Nhà vua gặp vị đạo sĩ đang lúc ông ta đang cuốc đất, nghe ba câu hỏi của nhà vua, ông không trả lời mà tiếp tục cúi xuống làm việc. Nhà vua xin được cuốc đất thay ông. Đang khi nhà vua cuốc đất, thì một người bị thương nặng chạy đến và ngã quỵ bên đường. Nhà vua đến cứu chữa và băng bó vết thương.
Sau khi tỉnh giấc người nói: “Xin bệ hạ tha tội cho thần”.
Vua hỏi “Khanh có làm gì nên tội đâu mà trẫm phải tha?”
Ông trả lời “Hạ thần là người thù của bệ hạ, hạ thần đã thề sẽ giết bệ hạ cho bằng được bởi vì khi xưa, trong chiến trận bệ hạ đã giết anh của hạ thần và tịch thu gia sản của hạ thần. Hạ thần biết rằng bệ hạ sẽ đến đây nên đã mai phục trên đường trở về để giết bệ hạ cho bằng được. Nhưng tối rồi mà bệ hạ vẫn chưa về, nên hạ thần đến đây tìm bệ hạ. Thay vì gặp bệ hạ, thần lại gặp bốn vệ sĩ của bệ hạ. Họ biết âm mưu hạ thần nên đã xông vào tấn công. Hạ thần bị thương nặng, chạy đến đây, nếu không nhờ bệ hạ cứu thì hạ thần đã chết vì máu ra nhiều quá. Hạ thần hối hận quá! Nếu được bệ hạ ban ơn tha mạng, thì hạ thần và con cái hạ thần, nguyện sẽ làm tôi mọi cho bệ hạ suốt đời! Xin bệ hạ dủ lòng thương xót, ban lượng hải hà”.

Thấy mình hòa giải được với kẻ thù một cách dễ dàng nhà vua rất vui mừng. Vua không những tha cho y mà còn hứa sẽ trả lại gia sản cho y đồng thời gửi ngự y cùng quân hầu đến tận nhà săn sóc cho y cho đến khi lành bệnh. Trước khi nhà vua từ giả trở về kinh đô, vị đạo sĩ cho biết rằng ba câu hỏi của nhà vua đã được trả lời thỏa đáng:

  1. Thời gian hiện tại là thời gian quan trọng nhất, như vua đã không bỏ lỡ cơ hội, cứu người gặp nạn và biến thù thành bạn.
  2. Công việc quan trọng nhất là công việc trong hiện tại của vua. Vua đã không vì ham mê vui thú trần gian mà xao lãng những việc đang xảy ra trước mắt. Vua chú ý đến mọi việc đang xẩy tớivà làm bất cứ gì xét vua xét thấy cần thiết, đó là ý nghĩa chính của đời sống.
  3. Người nhà vua cần quan tâm nhất chính là những người sống quanh sống vua, những người vua đang tiếp xúc.

Kính thưa quý vị,

Hai ngàn năm trước Chúa Jêsus đã cho ta câu giải đáp trên qua câu chuyện ngụ ngôn sau: “Một người Do-thái đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, giữa đường bị cướp. Chúng lột hết quần áo, tiền bạc, đánh đập tàn nhẫn rồi bỏ nằm dở sống dở chết bên vệ đường. Tình cờ, một thầy tế lễ đi ngang qua, thấy nạn nhân liền tránh sang bên kia đường, đi luôn. Một thầy Lê vi đi qua trông thấy, cũng bỏ đi. Đến lượt một người Sa-ma-ri qua đường nhìn thấy nạn nhân thì động lòng trắc ẩn, nên lại gần, lấy thuốc thoa bóp và băng bó các vết thương, rồi đỡ nạn nhân lên lưng lừa mình chở đến quán trọ cấp cứu. Hôm sau, người ấy trao cho chủ quán một số tiền bảo săn sóc nạn nhân và dặn: ‘Nếu còn thiếu, khi trở về tôi sẽ trả thêm’. “Vậy, trong ba người đó, ai là người lân cận với kẻ bị cướp?” Thầy dạy luật đáp:“Người đã cứu giúp nạn nhân.” Chúa dạy: “Ông hãy đi và làm đúng như vậy.” (Lu-ca 10:30-37)

Qua chuyện nầy ta thấy cả hai nhà lãnh đạo tôn giáo đã lạnh lùng, lẫn tránh nỗi khổ nạn của người bị cướp lột, bỏ mặc cho anh ta nằm dở sống dở chết. Còn người ngoại quốc lại tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, thì chạnh lòng thương. Ông đã tận tình cứu chữa, không sợ mất thì giờ, không sợ hao phí tiền bạc, không sợ những lâm nguy có thể xảy đến cho mình.
Qua tâm tình của người ngoại quốc nầy, ta thấy ông đã hành động nhanh nhẹn, đúng lúc, không bỏ lỡ cơ hội cứu người! Ông chẳng những động lòng trắc ẩn, cảm thấy đau nhói trong lòng khi thấy nạn nhân bị đả thương sắp chết, mà còn thể hiện lòng thương cảm đó qua hành động cứu giúp.

Cách đây không lâu tại một trường tiểu học Lake ở Oceanside, California Hoa Kỳ, 13 học sinh lớp năm đồng một lòng đến tiệm hớt tóc cạo đầu để bày tỏ lòng cảm thông người bạn tên Ian O’Gorman bị chứng bệnh ung thư máu của em (lymphoma). Hành động nầy được khởi xướng bởi em Kyle Hanslik, mười tuổi, em nói với các bạn rằng: “Các bồ ơi! Tụi mình phải cùng nhau cạo đầu để giúp Ian không cảm thấy đau lòng khi bị trọc đầu.” Sau khi biết được tấm lòng yêu thương của các bạn học của Ian, cha của em đã không ngăn được dòng lệ! Nhìn vào 14 đầu trọc của các trẻ thơ ông nói: “Thật khó mà dùng lời nào để diễn tả hết nỗi lòng tôi! Các em đã mang gánh nặng cho nhau, là các em đã chu toàn luật Chúa Cứu Thế!”

Trở lại câu chuyện, ta thấy người ngoại quốc tốt bụng nầy lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho nạn nhân và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Hành động của người Sa ma ri tốt bụng nầy cũng chính là hành động Chúa Cứu Thế đối với loài người chúng ta. Đang khi chúng ta bị bán làm tôi mọi cho tội lỗi, chúng ta bị biển đời dồi giập, bị án phạt tội lỗi hành hạ, Chúa Jêsus phải lìa bỏ ngai trời đến trần gian cứu vớt chúng ta, giựt chúng ta ra khỏi móng vuốt của quỷ vương, ban cho ta sự sống vĩnh phúc như lời hứa của Chúa Jêsus rằng: Kẻ trộm chỉ đến để cướp phá và hủy diệt. Phần Ta, Ta đến để cho chiên Ta được sống và sống sung mãn. Ta chính là Người Chăn nhân từ. Người Chăn hy sinh mạng sống mình cho bầy chiên. (Giăng 10:10-11) Chúa Cứu Thế Jêsus cũng phán rằng: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sự sống đời đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con Ngài, mà được cứu độ. Ai tin vào Con Ngài, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Chúa Trời. (Giăng 3:16-18).

Chúa yêu quý vị, Chúa đến trần gian vì quý vị, Chúa mang gánh mọi khổ đau của quý vị. Cảm thông niềm riêng của quý vị, Ngài đã chết vì quý vị và sống lại để ban sự sống vĩnh phúc cho quý vị với điều kiện là quý vị đặt trọn lòng tin mình vào nơi Chúa. Rất mong quý vị tiếp nhận tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa ngay giờ nầy.

Kính Chào Quý Vi & Các Bạn.

Xin xem những bài đọc khác