Ba Điều Ước – Bài 1

Ngọc Diệp

Mấy tuần lễ vừa qua, cuộc sống của quý vị có biến động hoặc thay đổi gì không, hay vẫn cứ trôi qua “một ngày như mọi ngày” đến độ nhàm chán? Thành phố Melbourne đã bước vào mùa đông, lá vàng rơi đầy trên đường phố, và cái giá lạnh lại trở về, khiến chúng ta – những người Việt Nam tha hương – cảm thấy thèm một chút ấm áp, nóng nực của Sài gòn. Mùa đông Melbourne không giá buốt như mùa đông Paris trong thơ nhạc, nhưng cũng đủ lạnh để làm người Melbourne thích ở nhà hơn vào buổi tối. Rồi vì mặt trời đi ngủ sớm làm cho ngày ngắn, đêm dài, nên mọi sinh hoạt cũng theo đó mà đơn giản đi để người Melbourne lên giường ngủ sớm hơn thường lệ. Cũng nhờ thế, mà tôi đã dành nhiều thì giờ với cô con gái út để nghe nó đọc sách, và để kể chuyện cổ tích cho nó nghe.

Hai mẹ con đã có giao ước ngay từ đầu, rằng mẹ sẽ chỉ kể một chuyện mỗi buổi tối mà thôi, rồi con phải nhắm mắt lại để dỗ giấc ngủ. Nhưng khó thay, giao ước ở đây là giao ước giữa hai mẹ con, nên thế nào cũng phải có những du di ngoại lệ như bất kỳ một giao ước nào khác giữa người với người trong xã hội. Nhiều buổi tối con gái tôi nũng nịu, bảo rằng nó không ngủ được, và sau khi đã ôm cổ mẹ hôn vài cái hôn hối lộ, thì nó liền sà ngay vào lòng mẹ, năn nỉ mẹ kể thêm cho nó nghe một chuyện cổ tích khác. Cũng tại vì vậy, nên chưa hết mùa đông, mà kho tàng chuyện cổ tích trong đầu tôi đã cạn dần dần. Con bé lại có trí nhớ tốt, nên đôi ba lần mẹ định ăn gian, kể lại một chuyện cổ tích đã kể rồi với hy vọng nó sẽ vì buồn ngủ mà không phản đối, thì nó liền ngồi bật dậy và nói: “Mẹ ơi, con đã nghe chuyện này rồi cơ mà! Mẹ kể chuyện khác được không hả mẹ?”. Một lần kia, sau khi đã vật lộn với cái trí nhớ có thể nói là “càng ngày càng đi vào ngõ hẹp” của mình, tôi chợt nhớ đến một chuyện cổ tích mà tôi đã đọc được từ khi còn bé. Vậy là chuyện cổ tích dân gian Ba Điều Ước được đem ra kể lại, và người viết xin kính mời quý vị thính giả thân yêu cùng nghe như sau.

“Ngày xửa ngày xưa, vào một đêm đông giá lạnh, có hai vợ chồng người nông dân kia ngồi bên nhau sau bữa ăn tối đơn sơ, để cùng sưởi ấm bên bếp than hồng sau một ngày dài làm việc ngoài đồng. Căn nhà nhỏ bé của họ chìm vào trong không gian mờ tối của một đêm đông buốt giá. Họ không nói nhiều với nhau, vì hai vợ chồng ở với nhau lâu rồi, cũng chẳng có nhiều điều để nói nữa ngoài việc chia sẻ những thông tin cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Họ tuy ngồi bên nhau, nhưng mỗi người theo đuổi những ước mơ thầm kín và ý nghĩ của riêng mình. Tuy vậy, ước mơ của họ lại giống nhau ở chỗ họ đều ước ao được giàu có và nhàn hạ chứ không phải vất vả để kiếm sống mỗi ngày như hiện tại. Chợt một luồng khói trắng trong bếp than hồng từ từ bay lên rồi hóa thành một ông tiên râu tóc bạc phơ. Cả hai vợ chồng người nông dân chưa hết kinh ngạc và sợ hãi, thì ông tiên đã mỉm cười và nói: “Ta sẽ ban cho các con 3 điều ước. Các con có thể ước bất cứ điều gì trong thế gian này, và 3 điều ước của các con sẽ được biến thành sự thật.” Bàng hoàng xúc động vì mừng rỡ, rồi sững sờ ngạc nhiên đến độ hoang mang, không dám tin vào những gì mình vừa nghe thấy, cả hai vợ chồng đều im lặng, không biết nói gì hơn. Rồi trước khi họ có thể mở miệng hỏi thêm chi tiết hoặc nói lời cảm ơn, thì ông tiên đã biến thành một làn khói trắng tan loãng vào không gian.

Chúng ta có thể tưởng tượng được sự vui mừng của hai vợ chồng lớn đến chừng nào. Cái viễn ảnh sẽ có thật nhiều ngọc ngà châu báu và tiền bạc, sẽ được sống trong giàu sang nhung lụa với kẻ hầu người hạ làm cho họ mê đi vì sung sướng. Họ lại ngồi trầm ngâm bên nhau, miên man với những ước mơ mới ập đến trong tư tưởng. Chưa thấy điều ước nào được thực hiện, nhưng họ giờ đây thấy mình đã trở thành những con người mới có đầy quyền lực trong tay. Hết rồi, những ngày tháng nhọc nhằn lao động trên cánh đồng lạnh lẽo. Hết rồi, những lo âu vất vả và nghèo đói. Ước giàu có ư? Dĩ nhiên rồi. Đó là ưu tiên số một cơ mà. Chẳng phải người ta thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được” hay sao? Còn điều ước thứ hai? Biết đâu điều ước thứ hai, rồi điều ước thứ ba, sẽ làm cho cả hai vợ chồng đâm ra lúng túng và bất đồng ý kiến với nhau? Là phụ nữ, có lẽ người vợ đang thầm ước chi mình được trẻ lại, và sẽ trẻ mãi không già; ước chi mình trở nên một người nữ đẹp nhất, lịch sự trên thế gian này. Nhưng như vậy thì cái anh chồng hôi như cú đang ngồi bên cạnh có còn xứng đáng với mình nữa hay không? Vậy mình sẽ dùng điều ước thứ ba để ước cái chi đây, hay mình sẽ ước một điều gì “hay hay” cho ông ấy? Về phía người chồng, thì vì là đàn ông, nên có lẽ người chồng lại đang thầm ước mình trở thành một người có thật nhiều quyền thế trong tay. Người đàn ông nào mà lại chẳng thầm ước ao mình sẽ lập nên một sự nghiệp lớn trong đời, để lại tên tuổi cho hậu thế kính phục? Cái căn bệnh say mê quyền lực nào phải là cái căn bệnh của riêng ông, vậy ông đâu có gì đáng trách? Ông suy nghĩ mãi, xem mình có nên ước được làm vua, làm chúa hay không? Ông mơ thấy lâu đài rực rỡ, cung tần mỹ nữ chung quanh múa ca những điệu khúc tuyệt vời làm cho tâm hồn ông khoan khoái… Hai vợ chồng cứ thế mà ngồi trầm ngâm bên nhau, miên man với những ý tưởng và ước mơ cứ liên tục thay đổi từng giây từng phút.

Màn đêm buông xuống, cái giá buốt của mùa đông càng về khuya càng dữ dội. Cuối cùng, người vợ cũng trở về với thực tế. Trời lạnh, lại thức đêm, mà bữa ăn tối đơn giản từ lúc trời vừa chập choạng tối giờ đây đã tiêu hết khiến bà thấy bụng đói cào. Bà chép miệng nói bâng quơ: “Ước gì bây giờ mà có miếng dồi nóng ăn thì thích biết mấy!”. Trước khi cả hai vợ chồng kịp bước ra khỏi những ước mơ thầm kín của mỗi người để trở về với thực tại, thì điều ước thứ nhất đã biến thành hiện thực: một khúc dồi ngon lành, béo ngậy, thơm phức và nóng hổi được đặt trên một chiếc đĩa to đã hiện ra trước mặt 2 vợ chồng. Người chồng ngẩn người vì kinh ngạc, rồi sự kinh ngạc ấy nhanh chóng nhường chỗ cho một cơn giận dữ vì bà vợ ngu dốt đã dám phí phạm hết một điều ước quý giá, cái cơ hội ngàn năm một thuở mà nhiều khi cả đời người không có được. Người chồng thấy mình nghẹn lời vì giận dữ: “Đồ con đàn bà ngu dốt! Tại sao trong muôn ngàn của cải vật chất thế gian, trong muôn ngàn tước vị cao sang quyền quý, bà lại không tìm được một điều ước ao nào khác hơn là cái miếng dồi kia hay sao?” Rồi bị cơn giận chiếm ngự đến độ điên cuồng, người chồng đứng bật dậy, nhìn vào mặt người vợ lúc ấy đang thập phần ân hận, ông hằn học nói: “Tôi thì tôi ước chi cái miếng dồi ấy nó dính ngay vào mũi của bà đi cho rồi!” Cầu được, ước thấy, phép tiên quả là linh nghiệm thập phần! Kìa, cái miếng dồi nóng thơm ngon đang nằm trong đĩa chợt như có cánh bay bổng lên không rồi dính ngay vào mũi của người vợ đang há hốc miệng vì kinh ngạc. Rú lên vì sợ hãi và đau đớn, người vợ đưa tay ra đỡ miếng dồi giờ đây dính chặt vào mũi và trở thành một phần khuôn mặt của mình.

Hối hận về lời nói cay nghiệt của mình giờ đây đã trở thành một lời nguyền rủa ác độc cho người vợ thân yêu, người chồng đã hứa sẽ dùng lời ước thứ ba để ước giàu sang, tiền muôn bạc biển, rồi sắm cho bà một cái túi đính đầy kim cương ngọc ngà châu báu để bà che cái mũi của mình đi. Nhưng khổ nỗi, che thì che, cho dù là được che đậy bằng ngọc ngà châu báu đi nữa, thì khuôn mặt của bà cũng đã trở thành dị dạng. Vậy thì bà còn mặt mũi gì để nhìn chị nhìn em? Thế là bà … lắc đầu quầy quậy, “em hổng chịu đâu, em hổng chịu đâu..” và đoạn kết của câu chuyện cổ tích này thì chúng ta ai cũng đã biết: cả hai vợ chồng đã “đồng tâm nhất trí” trong việc sử dụng điều ước cuối cùng để cái miếng dồi quái ác kia biến mất, và từ ấy cuộc sống của họ trở lại bình thường. Nghĩa là dù nghèo thì nghèo, nhưng mà vẫn là một cuộc sống bình thường như bao người khác, theo kiểu “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” để mà còn thương yêu và còn có nhau trong cuộc đời.

Quý vị thính giả thân thương có lẽ cũng đồng ý với người viết, rằng cùng một câu chuyện cổ tích, nhưng ở mỗi lứa tuổi khác nhau chúng ta lại học được những bài học khác nhau? Câu chuyện trên đã khiến tôi mạnh dạn làm một cuộc phỏng vấn chỉ với một câu hỏi duy nhất: “Nếu được ban cho 3 điều ước, thì quý vị sẽ ước điều gì?”. Có khoảng hơn 300 người đã được phỏng vấn, bao gồm cả nam, phụ, lão, ấu, tức là gồm cả phái nam, phái nữ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ các em nhỏ khoảng 9, 10 tuổi đến các em thanh thiếu niên, quý vị trung niên, cao niên tuổi đã hơn 70. Người viết đã nhận được nhiều câu trả lời hết sức lý thú, thậm chí có những câu trả lời mà khi vừa nghe qua, người viết đã giật mình vì kinh ngạc.

Quý vị thính giả thân mến, riêng phần quý vị, nếu được ban cho 3 điều ước thì quý vị sẽ ước điều chi đây? Câu trả lời của các tham dự viên trong cuộc thăm dò ý kiến do người viết thực hiện đã hé mở những cánh cửa hết sức bí mật trong tâm tư của họ, và cho thấy con người vẫn luôn luôn là một sinh vật đa dạng và phong phú, “thấy dzậy mà hổng phải dzậy đâu!”. Ngọc Diệp xin tạm dừng nơi đây và hẹn gặp lại quý vị thính giả vào tuần tới với kết quả cuộc thăm dò ý kiến về ba điều ước. Xin mời quý vị cùng đón nghe.

Xin xem những bài đọc khác