Ngọc Diệp
Quý vị thính giả thân mến,
“Nếu được ban cho 3 điều ước, thì quý vị sẽ ước điều gì?”
Hy vọng rằng trong tuần lễ vừa qua, quý vị đã suy nghĩ và tìm ra cho mình 3 điều ước mà quý vị mong muốn được trở thành hiện thực nhiều nhất. Như đã hứa với quý vị, hôm nay người viết xin trình bày về kết quả cuộc thăm dò ý kiến sau khi hơn 300 người đồng ý tham dự đã thành thật “bật mí” những điều ước ao hết sức thầm kín của riêng mình. Cuộc thăm dò ý kiến này không đặt trên tiêu chuẩn đúng hay sai, “thánh thiện” hay “phàm tục”, mà tiêu chuẩn đòi hỏi duy nhất, là các tham dự viên phải thành thật với chính mình. Kết quả đã được người viết tổng kết lại như sau:
Sức khỏe dồi dào, là điều ước ao số 1 của nhiều người, chiếm tỉ lệ đến 90% trong tổng số câu trả lời.
Hạnh phúc gia đình là điều ước ao số 2, chiếm tỉ lệ 79%.
Phần lớn những người đã có gia đình, từ thành phần thanh niên, trung niên, đến cao niên, đều ước rằng gia đình luôn luôn có hạnh phúc, vợ chồng gắn bó với nhau, con cái thuận thảo trong gia đình và thành công ngoài xã hội. Nói chung, thì người ta ước sao cho gia đình được “trên thuận, dưới hòa”. Về điểm này, thì người Việt Nam chiếm đến 92%, còn người Úc thì lại rất ít ước ao điều chi cho gia đình của họ. Lạ hơn nữa, là chỉ có 8% người Úc ước ao một điều gì đó cho con cháu. Điều ấy có chứng tỏ rằng chủ nghĩa cá nhân đã hoàn toàn thống trị trong thế giới phương Tây hay không, thì người viết không dám lạm bàn, mà chỉ dám nhận xét rằng người Việt Nam thường đặt nặng vấn đề hạnh phúc gia đình, và thường ước ao những điều tốt đẹp cho gia đình và con cháu mình.
Điều ước thứ ba được nhiều người nhắc đến là tiền bạc và sự giàu có, chiếm tỉ lệ 77%. Điều đáng ngạc nhiên, là đa số các tham dự viên không hề ước ao có được tiền muôn bạc biển, hoặc giàu sụ như Bill Gate – ông hoàng không ngai trong đế quốc không biên giới của khoa học kỹ thuật computer -, hay ít hơn nữa là Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị của Anh Quốc, mà họ chỉ ước sao cho có tiền bạc dư giả để có thể sống một cuộc sống vật chất thoải mái. Tuy nhiên, người viết cũng xin mở ngoặc ở đây để lưu ý quý vị thính giả rằng quan niệm về một cuộc sống vật chất thoải mái của mỗi người lại không hoàn toàn giống như nhau đâu nhé.
Nói tóm lại, thì 3 điều ước của các tham dự viên được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: Thứ nhất, là bản thân được có sức khỏe dồi dào; thứ hai, là gia đình được có hạnh phúc; thứ ba, là có được tiền bạc dư giả để có thể “muốn gì, được nấy”!
Điều kỳ lạ, là khi nhìn vào thực tế cuộc sống, người viết lại nhận thấy rằng con người đang tự mâu thuẫn với chính mình, vì trong khi tiền bạc đứng hàng thứ ba trong bảng sắp hạng các điều ước được nhiều người ước nhất, thì người ta lại thường bận rộn hết sức trong việc kiếm tiền, đến nỗi không có thì giờ để chăm lo cho sức khỏe của chính mình, và thậm chí vì bận rộn với công ăn việc làm, họ cũng không dành nhiều thì giờ để gần gũi với vợ, chồng, con cái để xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ và tốt đẹp trong gia đình. Trong khi hạnh phúc gia đình được sắp hạng thứ tự ưu tiên số 2, thì lạ thay, con số thống kê cho thấy phần lớn những cãi vã, xung đột trong hôn nhân lại thường xảy ra từ vấn đề tiền bạc. Một điều kỳ lạ khác, đó là rất ít người chịu bỏ thì giờ để tập thể dục, hoặc để tìm cho mình một đời sống tâm linh tốt đẹp, tĩnh tâm để tâm hồn hướng thượng hơn hầu có được sức khỏe thể chất và tâm thần tốt như câu nói: “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.
Vậy thì đâu là sự thật? Người viết sau khi đã uống vài viên thuốc Panadol để trị bịnh nhức đầu vì cứ phải cộng đi cộng lại, chia đi chia lại các câu trả lời để xem mình có làm sai các con số thống kê vừa nêu trên hay không, và cuối cùng chỉ còn biết lắc đầu mà mượn lời của Vua Salômôn trong sách Giáo Huấn để than thở rằng: “… loài người không thể nào hiểu được những việc xảy ra trên đời. Dù loài người cố tâm tìm kiếm vẫn chẳng hiểu thấu được gì. Ngay cả người khôn ngoan tưởng mình hiểu biết, cũng không hiểu nổi.” (Giáo Huấn 8:17)
Ngoài những kết quả chính vừa nêu trên, người viết còn nhận thấy có vài điều khá thú vị được rút ra từ cuộc thăm dò ý kiến này – dù nó chỉ được thực hiện trong một phạm vi hết sức nhỏ hẹp – và xin trình bày cùng quý vị thính giả như sau:
Thứ nhất, đã là con người thì ai cũng có những ước mơ thầm kín trong cuộc đời. Thật vậy, nếu không có ước mơ gì, thì có lẽ cuộc sống của con người sẽ phần nào mất đi sự thú vị, và ngày tháng tương lai cũng chẳng có gì hứng thú để chúng ta trông mong và hy vọng. Sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh, đoạn 13 câu 19 có chép rằng: “Ước vọng được thành đạt là điều ngọt ngào cho linh hồn.” Tuy vậy, ước mơ hoặc ước vọng của con người lại không có tính cách bất biến, nhất định lâu dài, mà thường xuyên thay đổi tùy theo thời gian, không gian, hoàn cảnh cá nhân, kinh nghiệm cuộc sống và tuổi tác. Điều nầy khá dễ hiểu, vì trẻ con có những điều ước ao khác với người lớn, thanh niên thiếu nữ đang yêu có những điều ước ao khác với người tuổi đã xế chiều, những người mà kinh nghiệm sống và sự khôn ngoan đã đóng những dấu ấn hằn sâu trên mặt. Chẳng vậy, mà Muhammad Ali, võ sĩ quyền Anh hạng nặng, đã từng một thời nổi tiếng trên các võ đài quốc tế – nhất là tại Hoa Kỳ- đã nói một cách rất hóm hỉnh rằng: “Một người 50 tuổi đầu mà vẫn nhìn cuộc đời giống hệt như lúc chỉ mới có 20 tuổi, thì coi như người ấy đã lãng phí mất 30 năm của cuộc đời mình.”
Nhận xét thứ hai của tôi, là con người thường có khuynh hướng yêu thích chính mình, và không có ai ước được biến thành một người khác, hoặc sống cuộc đời của một người khác, cho dù cái người khác ấy chính là Bill Gate, hoặc nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị của Anh Quốc, vừa giàu có, vừa nhiều quyền lực, lại sang trọng và nổi tiếng khắp thế giới.
Điều nhận xét khá thú vị thứ ba mà tôi thấy, đó là ước mơ hoặc ước vọng trong trí tưởng của con người có thể là những ước mơ vĩ đại hoặc xa rời thực tế, nhưng khi ước mơ được cho phép biến thành hiện thực, thì phần lớn con người thường chọn lọc và có những điều ước tương đối thực tế hơn chứ không phải những điều vĩ đại hoặc viễn vông như chuyện “vá biển, lấp trời”.
Sức khỏe, hạnh phúc và tiền bạc, là những điều mà con người có thể đạt được chứ nào đâu phải là chuyện mơ hồ như bắt gió trong tay? Thế nhưng quan niệm về sức khỏe, hạnh phúc và tiền bạc của mọi người lại không giống nhau, và người ta thường có khuynh hướng “đứng núi này, trông núi nọ” nên không hài lòng với những gì mình có. Chỉ khi nào nằm trên giường bệnh, chúng ta mới thấy sức khỏe là quý; khi đánh mất tình yêu, chúng ta mới thấy mình thiếu sót và tiếc là mình đã không nỗ lực đắp xây.
Vấn đề nằm ở chỗ, nếu mọi điều ước của chúng ta đều trở thành hiện thực mà chúng ta không cần phải nỗ lực làm một điều gì cả, thì chúng ta có biết trân quý những gì mình có, và có chắc chắn thấy mình được hoàn toàn hạnh phúc hay không? Và cái thế giới mà chúng ta đang sống đây có trở nên một nơi chốn tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người hay không? Hay nó lại trở nên hỗn độn hơn, phức tạp hơn, và có thể lắm, sẽ bị chi phối bởi nhiều luật lệ mới được đặt ra hầu đem lại một trật tự mới trong xã hội, vì điều ước của người này rất có thể lại trở thành điều làm cho người khác phải “dở khóc dở cười” như người vợ của anh chàng nông dân trong câu chuyện Ba Điều Ước.
Ngọc Diệp xin hẹn tái ngộ quý thính giả thân yêu vào tuần sau, và xin hứa sẽ chia sẻ cùng quý vị một vài bài học quý báu mà bản thân mình đã học hỏi được từ kết quả cuộc thăm dò ý kiến vừa thực hiện, cũng như qua câu chuyện cổ tích Ba Điều Ước đã kể trong Thứ Bảy tuần trước. Hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của tất cả quý vị về vấn đề này, và xin lưu luyến chia tay…
Xin xem những bài đọc khác