Ba Điều Ước – Bài 3

Ngọc Diệp

Quý vị thính giả thân mến,

Ngọc Diệp xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị thính giả xa gần đã dành thì giờ quý báu của mình để đóng góp ý kiến về những gì đã được trình bày trong hai tuần lễ vừa qua. Một số thính giả đã thắc mắc, rằng ngoài ba điều ước chính được nhiều người ước nhất là sức khỏe, hạnh phúc và tiền bạc ra, người ta còn có điều ước nào khác nữa mà sao chưa thấy người viết nhắc đến.

Thưa quý vị, một vài điều ước khác được nhiều người đề cập đến, đó là những điều ước về ngoại hình cá nhân và tuổi thọ. Người ta ước sao cho mình cao thêm chút nữa, gầy đi chút nữa, có nhiều tóc hơn, da trắng hơn, môi thắm má hồng hơn. Người trung niên thì ước sao mình được đẹp hơn hiện tại, nhưng trẻ lại như lúc thanh xuân, người cao tuổi thì ước mình đừng già thêm nữa, nghĩa là họ mong sao cho “đêm nay thời gian đứng yên lắng đọng, cho đôi tình nhân đắm trong giấc mộng”, cho dù đôi tình nhân ngày nào giờ đây sắp kỷ niệm 30, 40, 50 năm thành hôn, và đã trở thành ông bà nội, ông bà ngoại. Nói tóm lại, thì không ai muốn nghĩ đến ngày mình phải từ giã cõi đời. Có thể lắm, rằng trong tận cùng sâu thẳm của tâm tư, mọi người đều biết mình sẽ không là một ngoại lệ, như trong Kinh Thánh, sách Giáo Huấn có nhắc nhở rằng: “Rốt cuộc, tất cả đều đi về cõi chết! Nào có ai tránh thoát được?” Ngoài ra, còn có những điều ước khác nữa, như ước mình được trúng số độc đắc, ước mình được nổi tiếng, vv.

Chắc quý vị thính giả vẫn còn nhớ, người viết đã từng nói rằng khi “bật mí” những điều ước của mình, con người cũng hé mở những cánh cửa bí mật trong tâm tư và thể hiện phần nào nhân cách của họ. Một số người cứ đắn đo mãi, không dám nói ra ước mơ của mình, vì cho rằng họ cần phải có thật nhiều thì giờ để suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định là mình sẽ ước điều gì. Họ quên rằng khi cơ hội đã qua đi, thì nó sẽ không buồn trở lại mà thăm viếng chúng ta lần thứ hai nếu chúng ta cứ chần chờ mãi. Một số người khác lại quá dễ dãi, biến điều ước của mình thành một trò đùa như người vợ trong câu chuyện cổ tích đã kể. Có một số người lại cho rằng họ chỉ cần sử dụng một hoặc hai điều ước mà thôi và vui vẻ kết luận là nếu chỉ đạt được 1 hoặc 2 điều ấy thôi, thì đã đủ lắm rồi, không cần dùng đến điều ước thứ 3. Có người lại phàn nàn rằng tại sao họ lại không thể có thêm nhiều điều ước nữa, vì 3 điều ước là quá ít ỏi và không đủ đáp ứng những gì họ muốn. Có một số người lại ước sao cho mình có được chút tự do cá nhân để thoát khỏi cảnh “cá chậu, chim lồng”, mặc dù đang được sống tại xứ Down Under tự do dân chủ chứ không phải bị “trên đe dưới búa” như những xứ độc tài. Thậm chí, có người còn ước sao cho người phối ngẫu của mình tự nhiên biến mất trên cõi đời này, như thể đó là cách giải quyết tốt đẹp nhất, nhanh chóng nhất, tiện lợi nhất, it tốn kém thì giờ, tiền bạc và công sức nhất cho mọi bế tắc giữa hai vợ chồng, và rằng điều ước ấy sẽ giúp họ khỏi phải tìm cách giải quyết bao nhiêu rắc rối, ràng buộc trong cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Khi nghe những điều ước ao này, người viết không khỏi giật mình kinh ngạc, rồi lại đâm ra thắc mắc, tự hỏi rằng nếu điều ước của những người vợ, người chồng này trở thành sự thật, thì rất có thể chính phủ khắp nơi trên thế giới sẽ phải liên tục thực hiện nhiều cuộc kiểm tra dân số và lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tìm kiếm người mất tích sẽ phải tuyển dụng thêm nhân viên mỗi ngày. Cũng rất có thể là thị trường lao động toàn cầu sẽ bị xáo trộn thường xuyên vì số người tự nhiên biến mất trên cõi đời này càng ngày càng nhiều, thì làm sao có đủ thời gian mà đào tạo nhân viên mới? Như vậy thì tương lai xã hội loài người sẽ ra sao? Tuy nhiên, điều đáng mừng là có một số người khác lại ước sao cho mình có được “a second chance”, tức là có thêm một cơ hội nữa để hàn gắn lại những đỗ vỡ hoặc rạn nứt trong cuộc sống hôn nhân mà họ đã gây ra bằng lời nói hay hành động.

Một số thính giả đã cho rằng người chồng trong câu chuyện cổ tích Ba Điều Ước là một người quá nóng tính và hồ đồ nên đã để lỡ mất cơ hội có một không hai trong cuộc đời. Thật ra, khi nói về chuyện của người khác, chúng ta thấy mình có thể giải quyết một cách khá dễ dàng, nhưng biết đâu, khi đặt mình vào hoàn cảnh ấy, nhiều khi chúng ta cũng lúng túng không thua gì họ. Chúng ta ai cũng có thể dễ dàng “sỉ vả” cái ông chồng nóng tính kia, rằng phải chi ông đừng quá nóng giận và thốt ra những lời độc ác, hồ đồ, thì hai vợ chồng vẫn còn được hai điều ước để làm cho cuộc sống nghèo khổ của họ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp; và rằng câu chuyện cổ tích ấy sẽ có một kết thúc “có hậu” hơn nhiều, như những câu chuyện thần tiên khác.

Thế nhưng, khi gặp phải một hoàn cảnh tương tự, thì có thể cơn nóng giận của chúng ta lại còn dữ dội hơn và đưa đến những hậu quả tệ hại hơn nữa. Chẳng phải đã bao lần chúng ta thầm ước, rằng phải chi trong cơn nóng giận, mình đừng làm chuyện này, chuyện nọ, đừng nói câu này, câu kia và làm đổ vỡ những mối quan hệ không có cách chi hàn gắn được đó sao? Sách Châm Ngôn 14:17 trong Kinh Thánh đã cảnh cáo rằng “Người nóng tính hành động ngu dại”, và rằng “kẻ nóng tính vi phạm nhiều” (Câu 22). Có lẽ quý vị thính giả thân thương cũng đồng ý với người viết, rằng trong cuộc sống gia đình hàng ngày, chúng ta cũng thường xuyên kinh nghiệm được rằng sự nóng giận dễ khiến chúng ta trở nên độc ác, ngay cả với những người mà chúng ta xem là thân yêu nhất trong đời như vợ, chồng, con cái của chính chúng ta. Nhiều khi trong cơn nóng giận hoặc khi cảm thấy bị thương tổn, chúng ta có khuynh hướng muốn trả đũa ngay lập tức bằng lời nói hay hành động, và quên mất rằng cái người mà chúng ta muốn “ăn miếng, trả miếng” , muốn trả đũa cho “đã nư” ấy lại là những người mà chúng ta gần gũi và thương yêu nhất.

Cách đây khá lâu, khi còn làm thông dịch viên, người viết đã chứng kiến một trường hợp rất đáng thương của một gia đình người Việt Nam kia. Trong lúc nóng giận và gây gỗ với vợ, ông A đã chụp chảo dầu đang sôi trên bếp và tạt vào người vợ lúc ấy đang đứng nấu bữa ăn tối cho gia đình. Bà A, theo phản xạ tự nhiên, đã né sang một bên nên tránh được phần nào, và vì có quần áo che bên ngoài nên bà không đến nỗi bị phỏng nặng. Điều đáng tiếc nhất trong câu chuyện buồn này, là đứa con gái mới 3 tuổi cũng đang đứng sau lưng mẹ, nhưng vì ông bà A đang lo cãi nhau nên chẳng ai để ý đến sự có mặt của em trong bếp cả. Cũng tại vậy nên khi bị chồng tạt dầu sôi vào người, Bà A tránh né sang một bên, thì một phần dầu sôi trong chảo đã tạt thẳng vào mặt của em. Rủi thay, lại trúng nhiều nhất vào phần mắt, là vùng da nhạy cảm, nên sau đó em đã phải trải qua vài cuộc phẫu thuật để ghép da rất đau đớn, và một con mắt của em bị hoàn toàn hư hoại. Tôi tin rằng khi nhìn đứa con gái nhỏ mà mình hết lòng yêu thương phải chịu đựng những đau đớn do chính mình gây ra, cha mẹ của em đã đau lòng bội phần. Tiếc thay, họ không được may mắn như những nhân vật trong câu chuyện thần tiên để có thể lấy điều ước ra biến thành hiện thực. Ông bà A không có cơ hội để chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra trong cơn nóng giận như người chồng trong câu chuyện Ba Điều Ước, vì không có cách chi chữa lành được con mắt cho con gái của họ. Và điều đáng buồn hơn nữa, là thay vì tha thứ cho nhau để chung sức lo lắng cho con gái, họ lại tiếp tục đổ lỗi cho nhau, tức giận lẫn nhau và chia tay trong đắng cay…

Có lẽ quý vị thính giả cũng đồng ý với người viết, đó là chúng ta không luôn luôn có cơ hội để hàn gắn lại những đổ vỡ đã gây ra cho chính mình và cho người khác. Ba điều ước trong câu chuyện cổ tích chỉ là những tô mì ăn liền và không có giá trị lâu bền, cũng không góp phần xây dựng hạnh phúc hoặc giải quyết những nan đề trong cuộc sống, lại càng không thể giúp cho con người được sống bình an.

Câu chuyện về Ba Điều Ước xin được kết thúc nơi đây với những lời nhắn nhủ mà người viết đã sưu tầm được như sau:

Hãy coi chừng tư tưởng của bạn, vì chúng sẽ biến thành lời nói.
Hãy coi chừng lời nói của bạn, vì chúng sẽ biến thành hành động.
Hãy coi chừng hành động của bạn, vì chúng sẽ biến thành thói quen.
Hãy coi chừng thói quen của bạn, vì chúng thể hiện nhân cách của bạn.
Hãy coi chừng nhân cách của bạn, vì nó cho thấy sự kết thúc cuộc đời của chính bạn sẽ như thế nào.

Những ngày tháng này không biết quý vị thính giả thân thương đang có những ước mơ và hoạch định gì cho tương lai của mình? Ngọc Diệp xin kính tặng quý vị một câu Kinh Thánh trong sách Thánh Thi, tức Thi Thiên 37:5 kêu gọi chúng ta rằng: “Hãy giao phó đường lối mình cho Chúa, và tin cậy nơi Ngài, thì chính Ngài sẽ làm thành tựu”.

Xin hẹn gặp lại quý vị thính giả vào một chương trình khác và xin kính chúc quý vị những điều tốt đẹp nhất trong tuần lễ sắp đến.

Xin xem những bài đọc khác