(Trích “Chân Trời Mới” Tháng Ba 2002)
Kính thưa quý thính giả,
Chết là một thực sự rất đau thương cho mỗi gia đình. Mỗi ngày trên trang cáo phó, báo chí vẫn đăng tên tuổi của người chết thuộc về đủ từng lớp trong xã hội. Ta lại còn đọc được cả danh sách con cái, dâu rể, cháu chắt của người quá cố nữa. Ta có thể không biết người quá cố là ai, nhưng tự hiểu, có một ngày tên ta cũng có thể xuất hiện trên trang trong của một tờ báo như vậy. Ngặt một nỗi là không biết khi ấy là bao giờ.
Kinh Thánh dạy rằng: “Theo như đã định cho loài người là phải chết”. Như thế ai có thể tránh khỏi con đường chung của nhân loại?
Từ “chết” là một từ làm cho người ta sợ. Từ này khi đem áp dụng cho chính mình thì thấy không tự nhiên, và không muốn nhắc đến, nhưng lại rất tự nhiên khi nói ra cho người khác. Nhưng chết cũng là một từ đưa tất cả mọi người xuống cùng một đẳng cấp. Đây là từ có khả năng lột bỏ y phục của người giàu bạc tỉ, cũng y như tấm áo rách của kẻ nghèo nhất. Chết là một từ chúng ta thấy ngường ngượng khi phải nói ra, nhưng rồi vẫn phải tuyên bố. Từ ông vua cho đến anh nông phu, kẻ vô học cho đến triết gia, kẻ sát nhân cho đến một vị thánh đều sẽ có lúc mà người ta long trọng tuyên bố là người ấy đã chết.. Một chữ làm tham vọng tiêu tan, hy vọng bất mãn, nhưng vẫn có khi lại giải quyết tất cả các nan đề và chữa lành tất cả các vết thương trong đời. Ta rất dễ nghĩ rằng một người nào đó phải nhớ cuộc hẹn hò với cái chết, nhưng rất khó hiểu được rằng chính mình cũng phải giữ cái hẹn đó. Chết đã là chỗ hẹn của mỗi người và vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi. Những cuộc hẹn hò khác trong đời, hẹn hò về công việc hay thú vui, ta đều có thể bỏ qua, lỡ hẹn và chịu lấy hậu quả, nhưng cuộc hẹn với tử thần không ai bỏ qua, và cũng không ai lỡ hẹn được. Chúng ta chỉ gặp cái chết hay tử thần một lần mà thôi, nhưng đều phải gặp một lần. Giả sử như ta được định cho là phải chết hai lần, thì lần thứ nhất có thể không quan trọng cho lắm vì ta còn hy vọng sửa chữa lại những gì sai trái trong đời ta để chuẩn bị cho lần thứ hai gặp gỡ tử thần. Nhưng chết chỉ dành cho mỗi chúng ta một cuộc hẹn độc nhất: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần”
Ông vua nước Ai cập, Pharaoh Shishak I, người được nêu danh trong Kinh Thánh Cựu Ước, sống cách đây trên 3000 năm có xác ướp để trong Kim Tự Tháp. Một cái xác khô quắt lại. Ông ta đã gặp tử thần trong một cuộc hẹn. Trong Công Trường Đỏ tại Moscow, nước Nga, ông Lenin, lãnh tụ mà người Nga tôn thờ một thời, vẫn còn xác ướp. Ông này cũng đã giữ hẹn với tử thần. Mỗi một ngôi mộ và nghĩa trang, dù cho có vĩ đại như Kim Tự Tháp Ai cập hay chỉ là một nấm đất trong một mảnh ruộng, đều nói lên cái chết. Chết đã bắt đầu từ vườn địa đàng Eden khi Adam và Eva vi phạm luật Chúa. Đáng lẽ họ đã được sống mãi trong khu vườn lý tưởng này nếu không bất tuân lệnh Chúa. Vì Chúa đã cảnh cáo: “Ngày mà hai ngươi ăn quả trái cây này, hai ngươi chắc chắn sẽ chết”. Con người đã ăn và đã chết, đúng như Chúa đã cảnh báo.
Kinh Thánh dạy: “Vì như do một người mà tội vào thế gian, do tội mà có sự chết; như thế sự chết đã truyền sang tất cả mọi người, vì tất cả đều đã phạm tội”. Sự chết đã trở thành phổ thông, nghĩa là không ai tránh được. Hậu quả phổ thông này đòi hỏi một nguyên nhân phổ thông. Nguyên nhân đó là tội. Tất cả mọi người đều phải chết, trẻ sơ sinh, người già, người đạo đức, người hư hỏng, không thừa trừ ai.
Tuy nhiên, hơn 2000 năm trước đây trên mặt đất này có một Người sống làm nhiều điều thiện lành. Người làm bạn với kẻ nghèo và khốn cùng. Người làm cho mắt mù thấy được, tai điếc nghe được, người câm nói được và kẻ què đi được.
Người ấy là Chúa Giê-xu. Vào năm 33 tuổi, Chúa bị đưa ra trước các tòa án, có các nhân chứng làm chứng dối chống lại Người và các nhà lãnh đạo lên án tử hình. Môn đệ Chúa nhìn Người chết trên cây chữ thập. Người đã cúi đầu và nói lời cuối cùng trước khi chết: “Hoàn tất”. Chúa Giê-xu cũng đã giữ hẹn với tử thần.
Chúa Giê-xu chết vào một ngày Thứ Sáu và hai môn đệ bí mật đã xin lấy xác, tẩm liệm rồi đặt vào một hang mộ trong núi. Các môn đệ lúc ấy than khóc về cái chết của Thầy. Một số người khác chán nản muốn trở lại đời sống bình thường. Họ hy vọng rằng Chúa Giê-xu sẽ là vị anh hùng, con Thiên Chúa, vào đời giải phóng dân tộc. Nhưng khi vị này chết, hy vọng tiêu tan. Nếu đến đây là chấm dứt câu chuyện, thì những người tin Chúa Giê-xu ngày nay có thể nói rằng: “Trong cả nhân loại, chúng ta là những người khốn khổ nhất”. Nhưng cảm tạ Thiên Chúa, có một trang sử mới đã mở ra.
Vào ngày thứ nhất trong tuần lễ, một nhóm phụ nữ gồm bà Ma-ri thuộc vùng Magdalene, Ma-ri mẹ Chúa, và Salome lên đường đến mộ Chúa Giêxu. Lúc ấy có một trận động đất lớn, vì có thiên sứ của Chúa hiện xuống từ trời và đẩy tảng đá chận cửa hang mộ sang một bên, và ngồi trên tảng đá đó. Mặt vị này như ánh chớp và áo trắng như tuyết. Những lính canh mộ thấy vị này, sợ hãi trở nên như người chết. Thiên sứ nói với ba bà đến thăm mộ rằng: “Các bà đừng sợ, tôi biết các bà đi tìm Chúa Giê-xu, đã bị đóng đinh chết trên thập giá. Ngài không ở nơi đây, Ngài đã phục sinh, như lời Ngài đã nói trước”. Các bà bàng hoàng không tin nổi, vì đây là một tin mừng mà tai nhân loại chưa bao giờ nghe nói: “Chúa không ở nơi đây, vì Ngài đã phục sinh”. Trên thế giới có nhiều tin mừng, như tin về những cuộc đình chiến, nhưng tin Chúa Giê-xu phục sinh vẫn là tin mừng quan trọng nhất trong lịch sử loài người.
Vâng, tin mừng quan trọng nhất mà tai phàm nhân từng nghe được vẫn là sứ điệp mà các bà đã nhận được trong ngày Lễ Phục Sinh đầu tiên. Kể từ khi ấy cuộc đời nhân loại đã hoàn toàn thay đổi. Một hy vọng mới bừng lên trong lòng người.
Tất cả nhưng lăng tẩm đều thiêng liêng vì có thân xác của nhân vật nằm trong đó, nhưng hang mộ của Chúa Giê-xu quý giá cho tâm hồn hằng triệu người vì nó trống rỗng, không có xác chết nằm trong đó.
Thường khi đi thăm mộ, chúng ta đứng bùi ngùi thương tiếc vì biết rằng bên dưới bia mộ, dưới đám cỏ kia là thân xác tàn tạ của một người thân yêu. Nhưng nếu đến thăm ngôi mộ của Chúa Giê-xu bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem ngày nay, không ai bùi ngùi than khóc vì tất cả biết rằng thân xác Chúa Giê-xu không nằm trong hang mộ ấy, vì Chúa đã phục sinh. Chúa đã dùng hang mộ trống không xác người ấy làm cơ bản cho giáo lý của một cơ sở cấu trúc mà Ngài gọi là Hội Thánh hay Giáo Hội. Cuộc phục sinh của Chúa Giê-xu rất cần thiết không những cho việc hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại, nhưng còn là bằng cớ không chối cãi được về Giê-xu, người vùng Nazareth là con Đức Chúa Trời, là Chúa Cứu Thế cho bất cứ ai tin nhận.
Đó không những chỉ là hy vọng cho chúng ta được cứu khỏi tội ác, nhưng còn là hy vọng cho thân xác chúng ta phục sinh căn cứ vào sự kiện ngôi mộ trống không có xác Chúa Giê-xu. Thiên sứ ở mộ Chúa khi xưa bảo “Đừng sợ”, câu nói này có thể hiểu là “Đừng sợ cả sự chết nữa, vì Chúa đã đắc thắng tử thần và những ai tin nhận Ngài cũng được hưởng cuộc chiến thắng ấy”.
Tất cả mọi lo âu và sợ hãi về tương lai và sự chết đã được giải quyết tại ngôi mộ trống của Chúa Giê-xu.
Xin kính chào quý vị và các bạn.
Xin xem những bài đọc khác