Bạn Làm Gì Khi Nóng Giận Trong Gia Đình? (bài 1)

Ngọc Diệp

Quý thính giả thân mến,

Cuối tuần vừa qua, quý vị đã làm những gì? Có lẽ một số thính giả đã tổ chức sinh nhật cho con cái hoặc mừng sinh nhật của chính mình? Một số khác có thể đã bận rộn với công việc dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua sắm, đưa đón con cái đi chơi thể thao hoặc đi học thêm giờ phụ trội… Riêng phần người viết, thì đã hân hạnh được dự đám cưới của một cô bạn gái cùng sở làm. Mùa xuân đã trở về trên lục địa Úc Châu. Mùa đông ảm đạm đã qua rồi, nhường bước cho một mùa xuân rực rỡ, thắm tươi như tình yêu của lứa đôi. Mùa xuân cũng có thể gọi là mùa cưới, vì phần lớn các cặp tình nhân đều chọn mùa xuân để chính thức tuyên bố với mọi người rằng họ đã quyết định có nhau trong đời… Đám cưới diễn ra thật vui vẻ, cô dâu tươi cười trong bộ áo cưới truyền thống theo kiểu Tây Phương để hở đôi vai, lót voan màu ngà tuyệt đẹp. Nghi thức hôn phối được trang trọng thực hiện, những lời hứa hẹn thương yêu và đầy trách nhiệm đã được cô dâu chú rể trao đổi, nhẫn cưới được đeo vào ngón tay như một lời kết ước trăm năm… Đó cũng là hình ảnh mà nhiều người trong chúng ta đã trải qua trong ngày cưới nhiều năm về trước, phải không quý vị? Sau tuần trăng mật đắm đuối tay trong tay, mắt trong mắt, đi đâu, làm gì cũng phải có nhau, đôi vợ chồng mới cưới rồi cũng phải trở về với thực tế và học cách thích nghi với cuộc sống mới. Họ không còn là hai cá nhân riêng biệt và độc lập nữa, mà phải học cách chia sẻ với nhau mọi thứ, từ công việc nhà, tiền bạc, thì giờ, đến những mối liên hệ gia đình và bạn bè của cả hai bên. Rồi ngày qua tháng lại, những thử thách và xung đột sẽ dần dần xuất hiện như một điều không thể tránh được. Hai vợ chồng là hai con người được nuôi dưỡng trong hai gia đình khác biệt từ lúc ấu thơ cho đến lúc trưởng thành; cách ăn uống, nuôi nấng, sinh hoạt và dạy dỗ cũng khác nhau; “gien” di truyền, cá tính và sở thích cá nhân cũng không giống nhau thì làm sao mà hoàn toàn hòa hợp với nhau cho được. Chẳng phải ông bà ta cũng thường nói: “Chén dĩa trong sóng chén cũng còn có khi khua” thì làm sao mà tránh được những va chạm trong cuộc sống vợ chồng. Có thể lắm, hình ảnh của đôi vợ chồng vừa nêu trên cũng khiến quý thính giả liên tưởng đến hoàn cảnh của chính mình trong những tháng năm đầu của cuộc sống lứa đôi.

Quý thính giả đã lập gia đình được bao lâu rồi? 1, 2 năm? 5, 10 năm? Hay vừa kỷ niệm 20, 30 năm thành hôn và đã được lên chức ông bà nội, ông bà ngoại? Có lẽ quý thính giả có thừa kinh nghiệm trong việc làm sao để giữ hạnh phúc gia đình? Riêng phần người viết, thì đã nhanh chóng áṕ dụng ngay cái bí quyết để giữ hạnh phúc mà ông bà ta đã “bật mí” cho con cháu trong câu ca dao:

“Chồng giận thì vợ làm lành,
Cơm sôi nhỏ lửa, một đời không khê”

hoặc câu

“Chồng giận thì vợ làm lành,
Miệng cười chúm chím, rằng anh giận gì?”

Một số quý thính giả thuộc phái phụ nữ tiên tiến – hết lòng tranh đấu cho nữ quyền và luôn luôn đòi hỏi việc thực hiện triệt để vấn đề “nam nữ bình quyền” trong mọi lãnh vực – có thể hơi cảm thấy bất mãn khi nghe những lời khuyên trên của ông bà ta ngày xưa; rằng sao các cụ chỉ khuyên phụ nữ làm lành mà không thấy đả động gì đến việc khuyên cánh đàn ông nên hạ bớt cái máu Trương Phi đi một chút cho yên nhà yên cửa; và rằng sao các cụ không khuyên các ông cũng học cách làm lành khi vợ chồng giận nhau? Những thắc mắc này, nếu có, thì cũng là điều dễ hiểu; vì thật ra, quan hệ trong hôn nhân là một mối quan hệ hai chiều; rằng hạnh phúc gia đình cần được cả hai vợ chồng chung nhau xây đắp vì “đồng vợ, đồng chồng, tát bể Đông cũng cạn” kia mà. Nếu quý thính giả cho phép, người viết xin mạn phép thay những chữ như “vợ, chồng, anh, em” trong các câu trên bằng các đại danh từ “YOU, ME” trong Anh Ngữ thì những lời khuyên hữu ích nêu trên sẽ mất ngay tính cách sexist, không còn kỳ thị phái tính nữa. Và như thế, cả vợ lẫn chồng đều có thể vui vẻ mà áp dụng cho trường hợp của chính gia đình mình, quý thính giả có đồng ý không? Vậy từ nay, mỗi khi bà xã hay ông xã trong nhà nhập vai “Tạc-giăng nổi giận”, thì chúng ta có thể làm một ly trà … đá đưa cho nàng, cho chàng rồi se sẽ ngâm nga rằng:

“YOU giận thì ME làm lành (nè)
Miệng cười chúm chím rằng YOU giận gì?”

Biết đâu cũng nhờ thế mà chúng ta sẽ luôn luôn có cơ hội làm lành với vợ hoặc chồng mình vì bà ấy, ông ấy sẽ phì cười và mắng yêu chúng ta là “Hôm nay lại bày đặt thơ với thẩn… Ngâm thơ gì mà kỳ cục, nửa ta nửa tây như vậy rồi làm sao mà dạy con nói cho đúng cú pháp tiếng Việt đây?”. Còn ly trà đá của chúng ta thì hoàn toàn có tính giải nhiệt. Nếu “đối phương” chịu cầm ly uống, thì chắc chắn chúng ta sẽ có cơ hội làm lành nhanh chóng. Trường hợp nó phải chịu một số phận hẩm hiu, bị gạt phắt xuống sàn nhà, thì chúng ta nên nhanh chóng áp dụng ngay: “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” rồi sẽ “hạ hồi phân giải”… Mong rằng quý thính giả thân thương sẽ không vội thất vọng mà hãy tự an ủi mình rằng: “Dù sao đi nữa thì trà đá – vì không có đường – nên cũng dễ lau dọn; và dù mình có bị chút nước đá văng vào chân thì cũng không bị phỏng da…”

Thưa quý thính giả,

Trong xã hội tân tiến hiện đại, việc phổ biến các bí quyết giữ hạnh phúc gia đình chẳng còn là một nan đề nữa. Các nhà cố vấn tâm lý, tư vấn hôn nhân đã mở văn phòng tư vấn, đã viết nhiều sách về nghệ thuật giữ hạnh phúc gia đình. Trên internet cũng có nhiều trang mạng nói về vấn đề này. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện trên toàn nước Úc từ năm 2001 đến năm 2003, với khoảng 20.000 người Úc tham dự, thì đã có một tỉ lệ gia tăng trong vấn đề ly dị. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến này được đăng tải trên báo The Herald Sun ngày 12 tháng Tư 2006 cho thấy 32% các cuộc hôn nhân đã kết thúc bằng một cuộc ly dị. Trong số này, thì 23.6% đã chia tay nhau trong vòng có 2 năm, 19.6% ly dị sau 3 hoặc 4 năm chung sống, và 11.3% đã ly dị sau 7 năm kết hôn. Quý thính giả nghĩ gì khi nhìn thấy một kết quả đáng buồn như vậy? Vấn đề đâu phải nằm ở chỗ người ta thiếu thông tin? Chúng ta ai cũng biết tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời làm hại cho da, và có thể dẫn đến ung thu da, nhưng mấy ai trong chúng ta đã để ý mà sử dụng kem chống nắng, nhất là vào mùa hè? Hơn thế nữa, quan hệ trong hôn nhân lại còn rắc rối hơn nhiều, và hạnh phúc gia đình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác chứ đâu có đơn giản như việc sử dụng kem chống nắng? Ngày 8 tháng Tám năm 2006 vừa qua, Sở Thống Kê Liên Bang Úc đã thực hiện một cuộc kiểm tra dân số và các con số thống kê mới sẽ được công bố vào khoảng năm sau. Người viết hy vọng khi kết quả mới được công bố cho báo chí thì chúng ta sẽ nhìn thấy con số thống kê về tỉ lệ vợ chồng ly dị giảm sút đi, và xin hứa sẽ theo dõi vấn đề này để loan tin đến mọi người…

Những con số thống kê đáng buồn vừa nêu trên chỉ cho chúng ta thấy sự kết thúc của những cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhưng không cho chúng ta biết lý do đưa đến sự đổ vỡ ấy. Làm sao có thể biết hết được nỗi khổ tâm của người khác, vì nào có ai giống ai đâu? Mỗi người, mỗi cảnh, chẳng ai giống ai… Tuy nhiên, đã bước vào con đường tình, thì có lẽ mọi người cùng mang một phần nào tâm sự giống nhau như trong hai câu thơ:

“Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió?
Trông lại cùng chung cảnh khổ thôi”

Điều mà chúng ta có thể đoan chắc, rằng phần lớn các cặp vợ chồng đã được kết hợp với nhau bằng một nhân tố tích cực, là tình yêu giữa đôi bên – cho dù đó là “tình đầu” giữa cặp “trai tài, gái sắc” trong tuổi thanh xuân, hay là “tình cuối”, “tình muộn” giữa hai kẻ mang con tim rách nát đã một đôi lần dở dang hạnh phúc, tìm đến với nhau một cách khá muộn màng để nương dựa nhau lúc tuổi xế chiều. Khi đang yêu thì người ta yêu như điên cuồng:

“Anh thương em,
Thương lún, thương lụn,
Thương lột da óc,
Thương tróc da đầu,
Ngủ quên thì nhớ,
Thức dậy thì thương…”

Cũng vì thế nên đám cưới mới linh đình, vui vẻ. Ai cũng mơ ước rằng lấy nhau rồi sẽ mãi mãi ngụp lặn trong hạnh phúc vì cả hai vợ chồng đã là của nhau, và có cả một tổ ấm riêng tư để tiếp tục cùng nhau đắp xây mộng ước ban đầu. Vậy mà đến lúc lấy nhau rồi, cả hai lại dần dần bớt đi cái tình nồng nhiệt, sôi nổi ban đầu sau mỗi lần có sự bất đồng ý kiến trong gia đình, thậm chí còn cãi cọ và hờn giận nhau cả tuần lễ. Nhiều người trong cơn giận dữ, lại còn đối xử với vợ hoặc chồng một cách khá tệ bạc và tàn nhẫn với nhiều thủ đoạn. Nói như thế có quá đáng hay không? Người viết có bi quan quá hay không?

Riêng phần quý vị thì sao? Khi nóng giận trong gia đình thì quý thính giả thường phản ứng như thế nào? Ngọc Diệp mong được đón nhận ý kiến khắp nơi và xin hứa sẽ trình bày tất cả câu trả lời mình nhận được. Có thật không, rằng người ta vì “yêu nhau lắm” nên đã “cắn nhau đau”? Ngọc Diệp xin hẹn quý thính giả vào tuần sau, sẽ trình bầy lời khuyên của những nhà tư vấn hôn nhân về chuyện này. Ước mong sẽ được quý thính giả đón nghe và xin kính chúc quý vị luôn ngập tràn hạnh phúc bên nhau.

Xin xem những bài đọc khác