Bạn Làm Gì Khi Nóng Giận Trong Gia Đình? (bài 2)

Ngọc Diệp

Quý thính giả thường phản ứng thế nào khi nóng giận trong gia đình? Để có những ý kiến thực tế, người viết đã làm một cuộc thăm dò ý kiến nho nhỏ với khoảng 70 người tham dự, Úc-Việt đề huề. Tất cả tham dự viên đều đã lập gia đình, và đang sống với người phối ngẫu. Kết quả cho thấy đa số người Việt, nhất là những người càng lớn tuổi, thì lại càng kín đáo trong việc bộc lộ những vấn đề riêng tư. Có lẽ họ e ngại mình sẽ “vạch áo cho người xem lưng” chăng, nên nhất định áp dụng câu “đèn nhà ai nấy sáng”. Những người trẻ, nhất là người Úc thì ngược lại, đa số hết sức cởi mở, mạnh dạn và hăng hái trong việc bày tỏ những suy nghĩ và phản ứng của mình khi vợ chồng có chuyện nóng giận với nhau.

Đa số tham dự viên đều đồng ý rằng khi có chuyện giận hờn trong nhà, thông thường nhất thì người ta tự nhiên bị chứng “lãng tai” hạng nặng, vì người phối ngẫu có nói gì họ cũng không nghe được; có người lại bị virus “á khẩu” tấn công, nên trong suốt 2, 3 ngày liền họ chỉ có thể mang cái mặt bí xị, lầm lầm lì lì đi ra đi vào chẳng hé môi nói câu nào, nhất định áp dụng cái triết lý “im lặng là vàng”. Có người lại còn… “kỳ thị” cái giường ngủ của hai vợ chồng nên hờn dỗi ôm gối ra ngủ ngoài … ghế sa-lông mất mấy ngày liền. Tuy vậy, họ cũng thú nhận rằng tuy làm ra vẻ lạnh nhạt như thế, nhưng hình ảnh của “đối phương” vẫn luôn ngập tràn trong tâm trí họ. Họ vẫn theo dõi “nhất cử nhất động” của “đối phương” và trong thâm tâm vẫn mong muốn có cơ hội ngồi xuống giải quyết vấn đề.

Đa số vẫn tiếp tục làm tròn bổn phận của mình, nhất quyết chứng tỏ cho “đối phương” thấy mình là người có tinh thần trách nhiệm cao, thí dụ như vẫn nấu cơm cho… “đối phương” ăn, mặc dù là sau khi nấu rồi thì vẫn để nguyên trong nồi, không dọn ra bàn ăn chung như thường lệ. Hoặc họ vẫn đẩy thùng rác ra khi đến ngày đổ rác, nhưng không biết làm sao mà lại quên cái bao rác đang “bốc mùi” nằm trong bếp. Có người lại nhất định lên giường nhắm mắt ngủ vùi cho quên buồn, quên giận, như thể nhờ giấc ngủ mà cái sự “sầu đời” của họ sẽ chấp cánh bay theo những giấc mơ. Một vài tham dự viên lại cho biết rằng mình vẫn tiếp tục nấu cơm, nhưng dĩ nhiên là chỉ nấu cho “mình ên” ăn mà thôi. Họ đắc ý khoe rằng khi ăn xong, thì bao nhiêu thức ăn và cơm còn lại sẽ được làm bạn với cái thùng rác chứ họ “chớ hề cho thằng chả rớ dzô” – Ngọc Diệp xin đoan chắc rằng mình lập lại nguyên văn câu nói của một người được phỏng vấn. Và thú thật là sau khi nghe xong, người viết chỉ còn biết nén tiếng thở dài và thầm cầu chúc cho “đối thủ” của họ… thật nhiều may mắn.

Một vài phản ứng khá tiêu cực khác cũng được áp dụng. Người thì nhất định rủ “Lưu Linh” làm bạn nhậu cho quên sầu; người thì tìm một góc vắng để khóc thầm cho “thân gái 12 bến nước”, ngồi thở than “cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra”… Nếu sử dụng thuật ngữ chuyên môn của ngành tâm thần học, thì chúng ta có thể cho rằng đây là những bước khởi đầu sẽ dẫn đến chứng depression nếu tình trạng cứ tiếp tục kéo dài. Có người lại nhất định làm ngược lại với Nguyễn Bỉnh Khiêm khi ngâm nga “Ông dại ông tìm nơi vắng vẻ, Ta khôn ta đến chốn lao xao**” để nhào vào các khu shopping đi mua sắm, như thể nhờ những vật chất cụ thể mà họ thấy mình khẳng định được giá trị bản thân theo triết lý hiện sinh “…because I’m worth it”… Có người lại giận dỗi bỏ ăn cơm nhà mất vài ngày để … “góp gạo thổi cơm chung” với mấy tiệm take away, hoặc kết bạn với mấy thùng mì ăn liền, mặc kệ cho nồi thịt kho và tô canh chua nằm chờ đợi đến buồn thỉu buồn thiu.

Điều đáng khích lệ là một số tham dự viên khác lại có những phản ứng tích cực hơn. Thay vì giận dữ la hét, đánh chó mắng mèo hoặc đập phá cho hả cơn giận; họ chọn cách dắt chó đi dạo hoặc dẫn con ra công viên chơi cho khuây khỏa. Có người thì sau khi đã sử dụng body language bằng cách trừng mắt nhìn đối phương như một hình thức chứng tỏ sự tức giận và bất mãn đến tột độ, rồi bỏ đi xem TV một mình, hoặc vào phòng đọc sách. Một vài người lại chọn giải pháp hết sức khôn ngoan là bỏ ra vườn ngồi hóng gió để… thà “vạch lá tìm sâu” trong vườn còn hơn là “vạch lá tìm sâu” trong nhà. Biết đâu nhờ thế, mà cỏ dại trong vườn sẽ được dọn sạch sẽ và đẹp mắt. Đa số những người có thể tự chủ bản thân, kiềm chế được cơn nóng giận; đã chọn các phản ứng tích cực và thường giữ im lặng trong 1, 2 ngày, rồi, hoặc bỏ qua luôn vì xem đó là “chuyện nhỏ”, hoặc trở lại “bàn hòa đàm” cùng vợ, chồng giải quyết những bất hòa. Những cặp vợ chồng nầy xem ra lại khôn ngoan, hòa hợp và hạnh phúc.

Quý thính giả thân mến,

Người Việt Nam chúng ta thường lấy câu “Dĩ hòa, vi quý” làm đầu trong cách xử thế với người khác. Có thể nói, hiếu hòa là một đức tính hết sức tốt đẹp của người Việt, đã được đề cập đến trong câu “Một sự nhịn là chín sự lành”, kêu gọi mọi người nên nhường nhịn nhau trong mối tương quan giữa người với người trong gia đình và ngoài xã hội. Vậy mà Margery Rosen, một chủ bút của tạp chí The Ladies Home Journal đặt trụ sở tạo New York lại khuyên vợ chồng đừng e ngại khi phải cãi nhau, và rằng sự cãi cọ trong hôn nhân là điều cần thiết để bước lại gần nhau hơn. Bà cho rằng tức giận đến cãi nhau là điều cần thiết trong hôn nhân vì khi vợ chồng cùng chung sống với nhau, thế nào họ cũng sẽ có những bất đồng ý kiến – từ những chuyện nhỏ nhặt như chia phiên dắt chó đi dạo, chuyện bếp núc, giặt giũ, đến những việc lớn hơn như cách tiêu xài và quản lý tiền bạc, việc dạy dỗ và kỷ luật con cái, cách cư xử trong quan hệ bạn bè và gia đình hai bên, v.v. Bà đã chia sẻ một số bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình, trong đó, bí quyết thứ 3 là “Tranh cãi một cách công bằng” mà người viết cảm thấy khá lý thú và xin được đề cập đến trong bài viết hôm nay.

Khi bất đồng ý kiến và bắt đầu có “lời qua tiếng lại” thì cả hai vợ chồng được khích lệ nên áp dụng một số nguyên tắc như sau:

Thứ nhất, là nên tránh tìm cách đặt phần thắng về phía mình, vì mỗi người đều có một phần đúng, một phần sai chứ không ai hoàn toàn đúng, hoàn toàn sai cả.

Theo thiển ý của người viết, thì trong cuộc sống thực tế, “nói thì dễ, làm mới khó”, nhất là đối với những người có cá tính cương quyết và độc đoán. Khi đang tức giận, làm sao chúng ta có thể nhìn nhận rằng “đối thủ” của mình cũng có lý và có phần đúng được, phải không quý vị? Nếu công nhận bà ấy, ông ấy có phần đúng, thì hóa ra cái giận, cái nóng của mình lại là sai và vô lý hay sao? Chính họ là lý do khiến chúng ta phải nổi giận kia mà? Nếu họ không tồn tại, không làm điều này điều nọ thì chúng ta tức ai? và giận cái gì đây? Dĩ nhiên, cơn tức giận của chúng ta ập đến là phải có nguyên do chứ? Như vậy, làm sao chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc thứ nhất, là công nhận chúng ta chỉ đúng có một phần nào? Kinh Thánh đã nhắc nhở chúng ta trong cách đối xử rằng: “… lòng thương xót thắng hơn sự xử đoán.” (Gia-cơ 2:13a), và rằng: “Vì tất cả chúng ta đều vấp phạm nhiều cách. Ai không vấp phạm trong lời nói mới là người toàn hảo, có khả năng kiềm chế cả thân thể.” (Gia-cơ 3:2). Chỉ cần chúng ta biết bớt sự chủ quan của mình đi thì sẽ có thể nhìn thấy quan điểm của người khác. Người viết đã có lần được xem một bức tranh đen trắng vẽ rất khéo, cho thấy ở một góc độ cao, thì đó là hình ảnh của một cô gái trẻ xinh đẹp và lịch sự với chiếc khăn quàng trên cái cổ cao ba ngấn rõ ràng, nhưng khi nhìn kỹ lại ở một góc độ thấp hơn, thì đó lại là chân dung một cụ già với chiếc mũi khoằm và làn da nhăn nheo vì tuổi tác. Như vậy, cùng một bức tranh, nhưng nhìn ở hai góc độ khác nhau sẽ có hai chủ đề khác nhau. Hy vọng quý thính giá sẽ đồng ý với người viết rằng khi nhìn một vấn đề ở hai khía cạnh khác nhau, chúng ta sẽ dễ dàng áp dụng được nguyên tắc thứ nhất vừa nêu trên.

Cũng theo bà Margery Rosen thì nguyên tắc thứ hai để vợ chồng có thể tranh cãi một cách công bằng, là nên chọn một thời điểm và nơi chốn thích hợp để giải quyết vấn đề.

Quý thính giả có lẽ cũng đồng ý rằng thời điểm là yếu tố rất quan trọng góp phần giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp. Thí dụ như khi vợ hoặc chồng, hoặc cả hai, đang mệt mỏi, căng thẳng hoặc quá bận rộn thì chúng ta nên tránh đem vấn đề gây xung đột trong gia đình ra mổ xẻ vì sẽ chẳng có ai nghe ai cả. Điều này, thì người viết có thể nhìn thấy hình ảnh của chính mình qua kinh nghiệm bản thân. Khi đi làm về, chúng ta vừa mệt, vừa đói; cũng có thể đang căng thẳng thần kinh vì vừa trải qua những cuộc họp gay cấn trong sở làm; có những lỗi lầm kỹ thuật trong công việc cần phải khắc phục vào hôm sau, tuần sau mà chúng ta đang ráo riết tìm kiếm chưa được; hoặc một báo cáo phải nộp vào trước cuối tuần mà chúng ta chưa có thì giờ hoàn tất. Không biết quý thính giả nghĩ sao, riêng phần người viết, thì vì là phụ nữ, nên điều cần nhất khi về đến nhà, là được nhìn thấy khuôn mặt vui tươi, mạnh khỏe của những người mà mình yêu quý. Rồi tiếp theo đó là giờ phút bận rộn trong bếp, thầm ước mình có bốn cánh tay để lo nấu nướng bữa ăn chiều của gia đình cho nhanh chóng. Dĩ nhiên, lúc ấy chúng ta hoàn toàn không có chút tâm trí nào để đặt vào việc gì khác hơn là lo hoàn tất việc nấu nướng. Sau khi có được một bữa ăn ngon miệng, và chút thì giờ thoải mái để nhâm nhi ly cà phê hoặc ly trà nóng sau bữa ăn tối, là lúc mà người viết sẽ lại có thêm năng lực và sẵn sàng đón nghe, ghi nhận và giải quyết bất kỳ một vấn đề nào. Không có gì đáng buồn cho bằng một bên thì có rất nhiều điều muốn nói, nhưng lại chọn không đúng thời điểm để “xì hơi” quả bóng tâm sự của mình, nên đã bị bên kia từ chối lắng nghe, hoặc nghe theo kiểu câu còn câu mất, chẳng đầu chẳng đuôi, và cuối cùng là một sự thất vọng, giận dữ và hoàn toàn bế tắc cho cả vợ lẫn chồng.

Margery Rosen không những khuyên hai vợ chồng nên chọn lựa một thời điểm thích hợp, mà còn khuyên cả hai nên chọn một nơi chốn thích hợp nữa.

Người viết xin được giơ cả hai tay lên mà đồng ý với bà, vì chắc chắn rằng chúng ta phải tránh cho con cái việc nghe những tranh cãi của cha mẹ. Khi cả hai vợ chồng nóng giận, gây gỗ, to tiếng với nhau trước mặt con cái thì chúng vô tình bị cha mẹ đẩy ra khỏi vòng đai an toàn và sẽ cảm thấy bất ổn ngay. Tại sao không đưa nhau đi dạo ngoài công viên? Hẹn nhau ở một quán cà phê để cũng vừa ăn trưa vừa tìm cách giải quyết vấn đề? Hoặc tản bộ ngoài đường sau bữa ăn chiều? Rất có thể, khi cùng đưa nhau ra khỏi khung cảnh chật hẹp và quen thuộc của căn phòng ngủ, của căn bếp bừa bãi, thì khung cảnh thiên nhiên rộng lớn và nếp sinh hoạt của người khác trong xã hội cũng phần nào giúp cho cả hai người nhận thức được những giới hạn của bản thân, và rằng vấn đề của mình so với một thế giới bao la rộng lớn này chỉ bé nhỏ như một hạt cát trong đại dương.

Ngọc Diệp xin tạm biệt quý thính giả và xin hẹn quý vị vào tuần sau sẽ tiếp tục trình bày những nguyên tắc giúp cho cả hai vợ chồng có thể giải quyết những xung đột trong hôn nhân dựa trên căn bản “Tranh cãi một cách công bằng” của nhà tâm lý học Margery Rosen. Xin kính chúc quý thính giả một tuần lễ mới thật nhiều hạnh phúc và bình an.

**Chú thích: Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao”

Xin xem những bài đọc khác