Bạn Làm Gì Khi Nóng Giận Trong Gia Đình? (bài 3)

Ngọc Diệp

Quý thính giả thân mến,

Tuần vừa qua, người viết đã trình bày hai nguyên tắc mà bà Margery Rosen cho rằng vợ chồng có thể áp dụng khi nóng giận và cãi cọ nhau, đó là tránh việc tìm cách đặt phần thắng về phía mình vì không ai đúng hoặc sai hoàn toàn cả; và rằng cả hai nên tìm một thời điểm và nơi chốn thích hợp để giải quyết vấn đề tranh cãi giữa đôi bên. Trong bài nói chuyện hôm nay, xin thưa ngay, nguyên tắc thứ ba, là khi có cơ hội ngồi xuống để nói chuyện với nhau thì nên trình bày điều mình muốn một cách rõ ràng, và đi thẳng vào vấn đề chính chứ đừng lôi hết chuyện này đến chuyện khác ra nữa. Cả hai phải nêu từng vấn đề một mà thôi, chú tâm giải quyết vấn đề ấy cho đến nơi đến chốn. Nên tỏ ra thông cảm với người phối ngẫu khi trình bày ý kiến, và cần phải biết lắng nghe nữa chứ đừng quá bảo thủ và bắt lỗi nhau về những việc đã qua.

Ngọc Diệp xin chia sẻ kinh nghiệm của một nữ thính giả, đã tâm sự cùng người viết như sau: “… Có thể nói, điều khiến cho hôn nhân của tụi em gặp nhiều bế tắc, đó là ông xã của em có một trí nhớ quá tốt. Mà điều đáng buồn lại nằm ở chỗ, ảnh không nhớ những điều tốt đẹp và đóng góp tích cực mà em đã làm cho gia đình và bản thân ảnh, mà ảnh chỉ nhớ những điều làm cho ảnh buồn, ảnh giận. Rồi mỗi lần có chuyện gì không vừa ý, gây lộn nhau là ảnh lại đem tất cả những chuyện cũ từ hơn 5, 10 năm trước ra để bắt lỗi em. Là con người thì có ai mà hoàn hảo phải không chị? Cho dù rằng em đã có lỗi trong chuyện này chuyện nọ đi nữa thì anh cũng dư biết bản thân ảnh cũng đâu có hoàn toàn tuyệt đối, nên nếu mình cứ bắt lỗi nhau thì cuộc sống làm sao mà vui vẻ được. Hiện thời em rất buồn, gần như bó tay, không giải quyết được những bế tắc trong gia đình, vì hễ có một chuyện nhỏ xảy ra thôi, là ảnh sẽ đem hết những giận hờn cay đắng hoặc bất bình gì đó trong suốt bao năm tháng ra nói hoài, cũng chẳng giải quyết được gì mà còn khiến cho em thêm chán nản trong gia đình. Rễ đắng đã mọc đầy trong lòng của ảnh, không còn một chỗ nào cho tình yêu của em len vào được nữa…”

Quý thính giả thân mến,

Quý vị nghĩ sao về những chia sẻ vừa nêu trên? Có lẽ chúng ta đều thấy rằng những gì đã xảy ra, đều không thể làm lại; những gì đã nói ra, đều không thể lấy lại, vì nào ai có thể quay ngược bánh xe thời gian? Vậy tại sao con người ta cứ tiếp tục đem hết cái “mớ bòng bong” của quá khứ ra để dằn vặt lẫn nhau? Đã gọi là “mớ bòng bong” thì làm sao chúng ta có khả năng tìm được đầu dây mối nhợ để gỡ nó ra được nữa? Thay thì vậy, tại sao lại không nhận chìm nó đi, đốt nó thành đống tro tàn để tập trung năng lực vào vấn đề chính của hiện tại? Điều tốt nhất mà hai vợ chồng có thể làm, là triệt để áp dụng nguyên tắc thứ ba. Hãy nêu lên một vấn đề chính mà thôi, và giải quyết cho đến tận gốc rễ, chứ đừng lôi hết chuyện này đến chuyện khác ra, vì cả hai vợ chồng sẽ cảm thấy bế tắc và không còn năng lực tập trung vào vấn đề chính nữa.

Nguyên tắc thứ tư, là hãy đưa ra nhiều biện pháp khác nhau chứ đừng khăng khăng ôm lấy giải pháp của mình như là giải pháp duy nhất có khả năng giải quyết vấn đề. Sau khi nhiều giải pháp được đặt ra, thì cả hai nên chọn giải pháp tương nhượng, tốt đẹp cho cả vợ lẫn chồng. Nếu không đồng ý được với nhau rằng giải pháp nào là thích hợp vào thời điểm ấy, thì đừng thất vọng mà hãy dành nhiều thì giờ tiếp tục thảo luận và góp ý với nhau về những phương thức giải quyết vấn đề chung.

Có lẽ quý thính giả cũng sẽ đồng ý với người viết, rằng vào một thời điểm nào đó, chúng ta nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác và chọn cách giải quyết vấn đề theo chiều hướng ấy. Nhưng con người là một sinh vật rất kỳ lạ, ý tưởng con người lại luôn luôn thay đổi, nên biết đâu, chỉ giây lát sau, chúng ta lại có những suy nghĩ khác đi và chọn được một giải pháp thích hợp hơn, tốt đẹp hơn, miễn là chúng ta thật tâm muốn xây dựng trong yêu thương và thông cảm. Kinh Thánh dạy rằng: “Những người hòa giải gieo trong hòa bình thì gặt hái hoa quả công chính.” (Gia cơ 3:18)

Nguyên tắc thứ năm, là rút lui có trật tự. Người Việt mình có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”, ngạn ngữ Tây phương cũng nói: “Ngọn gió của cơn thịnh nộ dập tắt ngọn đèn của sự khôn ngoan”. Thật vậy, nếu cảm thấy cơn tức giận đang trào dâng và mình sắp làm, hoặc sắp nói những điều mà sau này có thể phải hối tiếc, thì quý vị nên nhanh chóng rút lui khỏi cuộc thảo luận, và thẳng thắn nói rằng: “Ngay lúc này em đang bực mình lắm, và hiện thời không muốn giải quyết vấn đề gì cả. Có thể tối nay vợ chồng mình sẽ nói tiếp sau khi các con đã đi ngủ thì tốt hơn.” Hoặc: “Anh đang nóng giận lắm, và sắp nổ tung ra rồi đấy. Mình cần phải để cho nhau yên vào lúc này rồi ngày mai hẵng nói.” Sau đó, quý vị hãy chú tâm làm những việc cần vận dụng sức lực như đi bộ nhanh, dọn dẹp garage, hay cắt cỏ, v.v. để làm cho cái nồi nước đang sôi sùng sục trong lòng được có thì giờ xả bớt ra ngoài.

Nguyên tắc thứ sáu, đó là đừng tỏ ra độc ác. Cả hai vợ chồng hãy hứa với nhau và với bản thân mình, rằng mình sẽ không độc ác, không hung bạo, không thủ đoạn và tránh việc phê bình, chê trách, chỉ trích người phối ngẫu. Lời Chúa trong Kinh Thánh sách Ê-phê-sô 4:29 có khuyên mọi người rằng: “Môi miệng anh chị em đừng thốt ra một lời độc ác nào, nhưng nếu cần hãy nói lời lành để xây dựng, để đem lại ân phúc cho người nghe.” Điều đáng buồn là có những cặp vợ chồng đã độc ác và thủ đoạn với nhau, “ăn miếng, trả miếng” theo kiểu “ông ăn chả, bà ăn nem” mà để quên lũ trẻ con đang phải gánh chịu những hậu quả do hành động nông nỗi của cha mẹ gây nên. Trong cơn nóng giận, họ quên rằng “đối thủ” đang ở trước mặt mình kia là cái người mà mình “đầu ấp, tay gối” mỗi đêm, chia sẻ bao cay đắng ngọt bùi trong gia đình suốt những năm tháng qua.

Nguyên tắc thứ bảy, đó là đừng dành phần đưa ra lời kết luận sau cùng, vì chúng ta có thể thắng trong cuộc tranh cãi, nhưng ngược lại, làm cho người chúng ta yêu bị thương tổn và cả hai vẫn tiếp tục giận hờn nhau. Thế thì chúng ta dành phần thắng hơn để làm gì? Trong trường hợp ấy, “thắng” lại là “thua” vì mình vừa đào thêm một cái hố sâu ngăn cách tình cảm giữa đôi bên và không cho người phối ngẫu thấy được tình yêu của mình. Đừng “ra trận” với ý nghĩ mình phải là người “thắng trận”, vì rất nhiều khi chiến thắng lại không ngọt ngào chút nào, thậm chí nó còn giết chết tình yêu lứa đôi và làm cho gia đình tan vỡ.

Theo thiển ý của người viết, thì con người vốn yếu đuối, nên nhiều khi chúng ta không thể không nóng giận khi có những đụng chạm, gặp điều bất như ý xảy ra. Đã sinh ra làm người với đầy đủ “thất tình, lục dục”, biết yêu thương, thì cũng biết giận ghét, chứ làm sao mà con người lại có thể tự biến mình trơ trơ như gỗ đá, nhất định diệt hết tình cảm, không giận, không hờn, không ghét, không thù? Vấn đề nằm ở chỗ, thái độ con người ta đối xử với nhau như thế nào trong cơn nóng giận mới là đáng nói, nhất là trong quan hệ lứa đôi. Vua Sa-lô-môn trong Kinh Thánh Cựu Ước, sách Giáo Huấn 7:9 khuyên mọi người: “Đừng vội nóng giận, vì cơn giận dữ sẵn chờ trong lòng kẻ dại”, và trong đoạn 10:4b cho thấy “… thái độ ôn hòa tháo gỡ được những lỗi lầm nghiêm trọng”. Quý thính giả chắc cũng đồng ý với người viết rằng sự nóng giận và cãi cọ trong gia đình không phải là vấn đề chính, mà chính cái cách hai vợ chồng giải quyết vấn đề, đối xử với nhau như thế nào trong cơn nóng giận, mới là nguyên do đưa mối quan hệ của họ đến bờ vực thẳm.

Ngọc Diệp xin kể cho quý thính giả nghe câu chuyện “Chàng Trai Và Túi Đinh” như sau:

“Có một chàng trai tính tình rất nóng nảy. Không nghe nói chàng ta có đẹp trai như Phan An, Tống Ngọc theo cách mà nhà văn Hồ Trường An thường ví von hay không, nhưng chắc chắn rằng cậu là một người rất nóng tính và thường nổi nóng với mọi người. Một hôm, cha cậu cho cậu một túi đinh, và bảo rằng hễ khi nào cậu nóng giận, thì phải đóng một cây đinh vào hàng rào gỗ phía sau nhà. Cha cậu đã cho cậu những cây đinh khá lớn, và cái búa cậu được sử dụng lại là một cái búa khá nhỏ và nhẹ. Hàng rào của nhà cậu được làm bằng một thứ gỗ cứng và chắc chắn để có thể chịu đựng được với thời gian và phong ba bão tố. Cũng bởi thế, nên việc đóng những cây đinh lớn vào hàng rào không phải là chuyện dễ làm. Ngay hôm đầu tiên, cậu đã sử dụng đến cả thảy 37 cây đinh. Trong vài tuần lễ tiếp theo đó, cậu dần dần học cách chế ngự những cơn giận dữ và cái tính hay nóng bất tử của mình, nên số đinh được đóng vào hàng rào cũng dần dần giảm đi. Chàng trai này sau cùng đã khám phá ra rằng, học biết cách chế ngự cơn nóng giận xem ra lại dễ dàng hơn là việc đóng đinh… Rồi sau cùng thì cái ngày ấy cũng đến, đó là ngày mà cậu không hề nóng giận một lần nào cả. Cậu hãnh diện báo cho cha biết rằng hôm nay cậu không hề phải dùng đến cây đinh nào. Cha cậu liền đề nghị, rằng hôm nào cậu có thể kiềm chế được tính nóng giận, thì cậu được phép gỡ một cây đinh ra khỏi hàng rào. Nhiều ngày trôi qua… cho đến một hôm chàng trai ấy đến trước mặt cha với một vẻ mặt hãnh diện, vui mừng báo cho cha biết rằng tất cả đinh trên hàng rào đều đã được gỡ ra hết cả rồi. Người cha âu yếm nắm chặt tay con như để chia sẻ nỗi vui mừng. Sau đó hai cha con dắt nhau ra ngắm cái hàng rào gỗ phía sân sau. Ông ôn tồn bảo con: “Con à, con đã làm tốt lắm đấy. Cha rất vui khi thấy là không còn một cây đinh nào tượng trưng cho sự nóng giận của con nữa, nhưng con hãy nhìn xem, những lỗ đinh lởm chởm trên hàng rào này vẫn còn đấy. Con thấy không, cái hàng rào của nhà mình sẽ không bao giờ còn được nguyên vẹn giống như xưa nữa. Những lời nói con đã thốt ra trong cơn giận dữ, cũng lưu lại những vết sẹo trong lòng người ta giống như những lỗ đinh lởm chởm này đây. Con nghĩ xem mình có thể nào đâm cho người khác một nhát dao, rồi rút dao ra mà người ấy vẫn bình yên vô sự hay không? Dĩ nhiên, con đã biết mà, cho dù con có nói xin lỗi trăm lần, ngàn lần đi nữa, thì vết thương vẫn còn đó, phải không con …”

Ngọc Diệp xin tạm biệt nơi đây với ước mong rằng bài nói chuyện của mình trong ba tuần lễ vừa qua có thể đóng góp phần nào cho quý thính giả trong việc vun xới hạnh phúc gia đình. Mong nhận được sự góp ý của quý vị và xin kính chúc quý vị một tuần lễ mới bình an trong sự chăm sóc của Thượng Đế.

Xin xem những bài đọc khác