Cám Ơn

Ngọc Diệp

Quý thính giả thân mến,

Quý vị đã có lần nào nghe bài hát “Ước Gì” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chưa? Bài hát có những câu được lập đi lập lại trong tiếc nuối về một tình yêu đã mất, và người còn ở lại đã ngẩn ngơ luyến tiếc khi thốt lên rằng “ước gì cho thời gian trở lại, ước gì ta đừng có giận hờn…, ước gì em đã không lỡ lời, để giờ đây cô đơn vắng tênh, đời em đã mất anh rồi…”. Bài hát được ưa thích vì đã phản ánh được tâm trạng của nhiều người trong chúng ta, có thể đã ít nhất một lần trong đời đánh mất tình yêu, người yêu, để rồi chúng ta cứ tiếc nuối và ước gì mình được trở lại như thời gian đầu mới yêu nhau, không có những giận hờn cay đắng để giờ đây tình yêu của hai người đã từng một thời yêu nhau say đắm, chấp cánh bay xa như những áng mây cuối trời. Tâm trạng ấy, có thể nói, hầu hết mọi người trong chúng ta đều đã có lần trải qua khi một mối quan hệ nào đó bị gẫy đổ.

Điều đáng chú ý ở đây, là trong khi nuối tiếc những người yêu đã đi qua cuộc đời của chúng ta, và trân quý những mối tình dang dở, đã chìm vào dĩ vãng xa xưa, thì chúng ta thường có khuynh hướng quên lãng người bạn đời đang cùng chúng ta trải qua bao cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống hiện tại. Có thể lắm, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nhớ đến đôi bàn tay với những ngón thon dài của người tình cũ, và thậm chí có người đã ước ao được thêm một lần trong đời cầm lấy đôi bàn tay ấy để thấy tim mình vẫn rung lên những nốt nhạc rộn rã của mối tình đã mất. Tiếc thay, chúng ta, trong cuộc sống hôn nhân hiện tại, lại chẳng ai chịu bỏ ra một phút để cầm lấy bàn tay của vợ, của chồng, và nói rằng bàn tay này là bàn tay đẹp nhất vì đã cùng tôi gánh vác và chia ngọt xẻ bùi trong những tháng năm vừa qua, rằng bàn tay này đã làm lụng vất vả để mỗi tuần gia đình có tiền mua thức ăn, quần áo và trả bill, bàn tay này đã thay tã và tắm gội cho con cái mỗi ngày, đã lau dọn nhà cửa và nấu biết bao nhiêu bữa ăn ngon cho gia đình, đã cắt cỏ và lau nhà, đã dọn vườn và đổ rác mỗi tuần, v.v.

Có thể một số quý thính giả sẽ cho rằng người viết chỉ viết về những điều lãng mạn xa vời như trong tiểu thuyết, không thực tế chút nào, vì vợ chồng ở với nhau đến từng ấy năm tháng mà vẫn “thủy chung như nhất”, “trước sau như một”, thì đã đủ chứng tỏ tình yêu rồi, cần gì phải bày đặt nọ kia làm chi cho mất công. Người viết xin được hỏi rằng: Quý vị cảm thấy thế nào nếu ông xã hoặc bà xã của quý vị một ngày đẹp trời nào đó, trong phút giây tâm tình giữa hai vợ chồng mà thốt lên rằng: “Ông xã à, anh có biết rằng em rất quý anh ở chỗ anh luôn luôn là người chồng, người cha rất tốt trong gia đình không?”, hoặc “Em à, anh cám ơn em đã luôn luôn yêu thương anh, ngay cả khi anh rất vô lý đối với em”, và rằng “em là người vợ rất tốt của anh”, “anh là người chồng mà em muốn gắn bó suốt đời”…? Nếu sau khi nghe xong những câu nói yêu thương ấy mà quý vị không thấy rung động đến tâm tư, không cảm động chút nào, thậm chí có thể còn bật cười lên nữa, thì người viết sẽ nhất định cho rằng cuộc sống hôn nhân của quý vị có thể chỉ còn là những thói quen chán ngắt như chuyện “ăn cơm nguội, uống nước lã” mà thôi.

Chúng ta thường dậy dỗ con cái phải biết ơn mỗi khi nhận được một điều gì, hoặc mỗi khi được người khác làm điều gì cho chúng, vậy tại sao chúng ta lại thường có khuynh hướng lãng quên những điều tốt đẹp mà vợ, hoặc chồng đã làm cho mình? Có thể lắm, một số thính giả sẽ cho rằng đã là vợ là chồng thì cần gì phải khách sáo mà cám ơn cám huệ, và cần gì phải biết ơn ông ấy, bà ấy, vì rằng mình còn có những đóng góp đáng quý hơn trong gia đình. Nếu đã nói như thế, thì quý bà nghĩ sao, sau khi đã bỏ công sức cả một buổi chiều để nấu một bữa ăn thật ngon cho gia đình, rồi sau khi đã ăn uống no nê đến cạn chén cạn đĩa, người chồng buông đũa xuống, vò vò cái bụng tròn vo và phán một câu hết sức lãng xẹt: “Bữa nay em pha nước mắm hơi thiếu ngọt đó nha!”; hoặc quý ông nghĩ sao sau khi đã bỏ ra cả một buổi sáng thứ Bẩy đẹp trời để hút bụi và lau nhà khi vợ đi chợ, nhưng khi đi chợ về, bà vợ chỉ liếc mắt sơ qua căn phòng rồi phàn nàn: “Phòng khách anh hút bụi vẫn còn dơ kìa, phía sau cái bình bông đó; còn đồ chơi của mấy đứa nhỏ trên ghế salon sao anh không cất luôn cho gọn gàng một chút…” Nếu quý thính giả nào ở trong hoàn cảnh như thế mà không cảm thấy bất mãn, cũng không cằn nhằn, cự nự lại câu nào cả thì người viết nhất định xin tặng cho quý vị một “đôi cánh thiên thần”…

Quý thính giả có đồng ý với người viết ở chỗ, đành rằng những gì chúng ta đang làm trong gia đình, là làm cho vợ, chồng, con cái của chính mình chứ đâu có phải làm cho những người xa lạ, nhưng nếu những sự hy sinh, những cống hiến, những điều tốt đẹp mà chúng ta đã và đang làm cho gia đình trong nhiều năm tháng, lại chẳng được người thân yêu của mình nhận thấy để khích lệ và trân quý, thậm chí chúng ta còn bị chồng, bị vợ của mình chê trách, thì ngày qua tháng lại, có lẽ cuộc sống hôn nhân chỉ còn là những bổn phận và trách nhiệm nặng nề mà chúng ta bị bắt buộc phải chu toàn. Người viết vẫn còn nhớ một chuyện nhỏ đã xảy ra trong gia đình cách đây hơn vài tháng. Trong một lần dự tiệc sinh nhật, ăn uống xong và cho lũ trẻ ra sân chơi, người lớn – thay vì hát karaoke – đã ngồi quây quần lại uống trà và nói chuyện tâm tình với nhau. Sau một lúc thì em trai tôi đã phàn nàn rằng vợ nó lúc này đối với nó có phần lợt lạt, và hờn dỗi mà kết án vợ là lúc này “thương con và quý con hơn là thương chồng, gắn bó với chồng”. Em dâu tôi bối rối thấy rõ, vì không ngờ chồng nói ra điều ấy trước mặt mọi người, nhưng cũng không chịu thua, bèn trả lời ngay: “Có lẽ anh nói cũng có phần đúng, vì tụi nhỏ luôn luôn mừng rỡ và cám ơn em về bất cứ điều gì mà em làm cho tụi nó. Còn anh thì ngược lại, em làm cái gì, anh cũng chỉ nhìn thấy những chỗ khiến cho anh không vừa ý rồi anh chê bai hoài, thành ra em chỉ muốn mặc kệ anh muốn làm chi thì làm một mình đi …” Nói được ý mình muốn nói xong, thì em dâu tôi ứa nước mắt khóc vì tủi thân.

Chuyện gia đình của em trai tôi, có lẽ không phải là một trường hợp cá biệt. Vợ chồng ở với nhau lâu ngày, thường có khuynh hướng phê bình, chỉ trích nhau hơn là khen tặng và khích lệ. Dĩ nhiên, gia đình là nơi mà mọi người đều được tự do để lộ cá tính và con người thật của mình, đâu cần phải khách sáo với nhau, và những lời phê bình thẳng thắn cần phải được nói ra một cách thật lòng để xây dựng lẫn nhau. Nhưng chúng ta đã quên mất rằng, là con người, thì ai cũng cần được yêu thương, khích lệ trong cuộc sống. Nhất là khi sự khích lệ ấy đến từ những người mà chúng ta yêu thương, thì nó chẳng khác chi những kích thích tố làm tăng trưởng tình yêu thương và sự gắn bó trong gia đình. Việc được chồng, được vợ công nhận và khích lệ về những đóng góp tích cực, tốt đẹp của chúng ta trong gia đình, quả thật, là một nhân tố hết sức tích cực giúp cho mỗi chúng ta vượt qua được những thử thách trong cuộc sống hằng ngày để tiếp tục tận hiến cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Trong khi phần lớn các cuộc xung đột trong gia đình thường bắt nguồn từ chỗ hai vợ chồng bất mãn nhau ngấm ngầm ở những chuyện nhỏ nhặt trong nhà mà không nói ra để cùng nhau giải quyết vấn đề, thì sự liên tục phê bình chỉ trích nhau cũng là một trong những nguyên nhân chính đưa chiếc thuyền tình của vợ, hoặc của chồng rời xa bến tình yêu, cho đến một ngày kia, tình yêu lứa đôi của cả hai sẽ bị lời phê bình chỉ trích lẫn nhau đưa vào nằm yên trong nấm mộ sâu của nghĩa trang gia đình. Cuộc sống hôn nhân không bế tắc đến nỗi phải ly dị nhau, nhưng cả hai bắt đầu sống bên nhau với tâm trạng “đồng sàng, dị mộng”, không còn chút hứng thú nào khi ở bên nhau nữa.

Lời Chúa trong Kinh Thánh đã nhắc nhở mọi người rằng: “Ai khuấy rối nhà mình sẽ được gió làm cơ nghiệp” (Châm Ngôn 11:29a). Thật vậy, thay vì biến nhà mình thành một tổ ấm cho vợ, chồng, con cái sống yên vui hạnh phúc bên nhau, chúng ta lại vô tình làm cho không khí gia đình ngày càng bớt đi sự vui thỏa và đầm ấm. Rất có thể, do chủ quan, đôi khi chúng ta lại quên rằng mình cũng có thể là một nhân tố khiến cho vợ, cho chồng buồn lòng vì thái độ hoặc lời nói của chúng ta.

Cô em gái của người viết thường phàn nàn rằng chồng cô chẳng biết làm việc gì trong nhà cho tới nơi tới chốn, cũng không chịu giúp vợ làm công việc nhà. Nghe xong câu ấy, người viết phải bật cười vì sự chê bai đến độ quá trớn của em gái trong cơn tức giận. Cô kể lể: “Nhờ ảnh đi phơi đồ, thì ảnh phơi theo kiểu vất đại lên dây phơi, coi không thẳng thớm chút nào. Thành ra em phải lấy xuống phơi lại. Còn ảnh mà rửa chén thì khỏi nói nha, bọt xà bông văng đầy lên sàn nhà, chén đĩa cùng dính đầy bọt xà bông nhưng lại không sạch, rồi cuối cùng em cũng phải rửa lại. Nội cái cách ảnh xới nồi cơm là em cũng đã ngứa con mắt rồi. Thay vì lấy đũa để xới nồi cơm cho đàng hoàng, rồi hẵng lấy muỗng bới cơm ra chén, thì ảnh cứ lấy muỗng múc một cục cơm “bành ky” bỏ vô chén. Thành ra hầu như ảnh làm gì trong nhà em cũng thấy ngứa mắt.” Tôi cười mà trêu em rằng: “Em muốn ngứa mắt hay là muốn đau lưng? Muốn bớt “ngứa mắt” thì cũng dễ thôi: em nên nhắm bớt một mắt lại. Và nếu em không nhanh chóng quên đi hai chữ “ngứa mắt” của mình, thì em nên chuẩn bị tinh thần để tiếp tục làm công việc nhà một mình. Riêng chị thì thấy là dượng ấy đang bị đau tai và nên được đi khám bác sĩ… thần kinh càng sớm càng tốt”. Cô trợn mắt nói: “Mắc chi mà đau tai? Mà sao đau tai lại đi bác sĩ thần kinh?” Người viết chỉ biết cười mà đáp rằng: “Thay vì cho dượng ấy nghe một tình khúc tuyệt vời, em chỉ hát cho dượng ấy nghe có mỗi một nốt nhạc trong từng ấy tháng năm chung sống. Nhất định là dượng đang bị đau tai, và có thể thần kinh cũng có vấn đề …” Người viết đã tặng cho em gái hai câu trong Kinh Thánh, sách I Cô-rinh-tô 17:7 “Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.” và câu 8: “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ.

Những tháng năm qua, quý thính giả đang hát tình khúc nào cho vợ, cho chồng của mình nghe trong cuộc sống lứa đôi? Ngọc Diệp hy vọng quý thính giả không hát một nốt nhạc duy nhất, mà đang hát một khúc tình ca với nhiều cung bậc ngọt ngào, và xin kính chúc quý vị một cuối tuần thật vui vẻ bên nhau.

Xin xem những bài đọc khác