Chân Dung Một Người Đàn Ông

Ngọc Diệp

Quý thính giả thân mến,

Xin thú thật với quý vị rằng tuần rồi người viết đã có vài chuyện bất như ý. Mà chuyện làm cho tôi bất mãn lại đến từ người biên tập viên của Đài phát thanh Hy Vọng, khi anh cho biết rằng bài viết của tôi phải tóm gọn dưới 2000 chữ. Tôi kêu lên một cách khổ sở: “Làm sao mà tôi có thể viết hết chuyện về người đàn ông đặc biệt đó chỉ trong ngần ấy chữ?” Nhưng tôi lại không có cơ hội để kỳ kèo xin được viết thêm… vài ngàn chữ nữa, vì anh chàng có “nước da trắng như thư sinh” ấy đã cúp điện thoại mất rồi. Bực quá, tôi chỉ còn biết nhìn cái điện thoại nằm trên bàn rồi thòng thêm một câu cho đỡ tức: “Đồ keo kiệt”… rồi tôi lại thầm mong anh ta sẽ quay điện thoại lại bảo tôi muốn viết dài bao nhiêu thì tùy ý. Dĩ nhiên là chuyện ấy đã không hề xảy ra, nên tôi phải sắp xếp lại ý tưởng mình định viết cho ngắn gọn. Và cứ thế, một buổi chiều đã trôi qua mà tôi không hề hay biết, cũng không viết được câu nào, vì tôi đã ngồi đấy miên man với những kỷ niệm ập về như cơn sóng tiếp tục dập dồn ngoài biển khơi. Sau cùng, tôi tự nhủ: “Thôi được, ta sẽ viết một câu chuyện không đầu không đuôi, vì chữ nghĩa viết ra giấy thì có thể đếm được, nhưng tình yêu mà người ấy dành cho ta thì mãi mãi đếm không hết…”

Phải, người đàn ông ấy đã yêu thương tôi bằng một tình yêu không bờ bến, và ông nhất định tiếp tục yêu thương tôi cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Ông ta không phải là không có khuyết điểm, vì cũng giống như những người đàn ông khác, ông ta cũng chỉ là một con người. Cái khuyết điểm lớn nhất của ông ta, đó là ông ta rất dễ bi tôi “moi túi” mà vẫn cười tươi vui vẻ. Có thể nói, ông là người dễ bi “dụ khị” nhất trên đời. Mỗi khi tôi muốn vòi vĩnh hoặc xin xỏ một điều gì, thì tôi lăng xăng đến bên ông khi ông đang đọc báo, hoặc nằm nghe nhạc sau bữa ăn chiều. Tôi mang nước trà nóng cho ông uống. Nếu ông không chú ý đến sự hiện diện của tôi, thì tôi liền “cù léc” nhè nhẹ vào lòng bàn chân của ông, ông giật mình rút chân lại ngay vì ông là người sợ bị nhột nhất trên đời. Khi thấy đấy không phải là con mèo, ông lập tức mắng yêu: “Cái con bé này, không để cho ta yên chút nào hay sao?” Đó là một cơ hội tốt để xin xỏ những điều tôi muốn. Đôi khi tôi tử tế với ông hơn một chút, nịnh bợ ông nhiều hơn một chút, hỏi ông có muốn tôi đấm bóp không, có muốn tôi cắt móng tay, móng chân cho ông không. Chắc chắn ông biết rằng tôi đang muốn một điều gì đó từ nơi ông, chứ chẳng phải tôi tự nguyện làm không công, nhưng lần nào ông cũng sung sướng gật đầu; và thế là tôi đã đấm lưng, bóp vai, hoặc cắt móng tay, móng chân cho ông. Lúc đó, ông thôi đọc báo để kể cho tôi nghe những kỷ niệm về thời thanh niên của ông, những ngày ông còn làm kiểm lâm ngoài Bắc, cưỡi ngựa băng rừng, vượt suối để bảo vệ rừng. Cũng có khi ông kể chuyện đi săn, chuyện ông được ăn nhiều thịt thú rừng, rằng mùi vị của chúng khác nhau ra sao, trong khi tôi le lưỡi, lắc đầu.

Bàn tay, bàn chân của ông mới to làm sao, mà cũng mềm mại làm sao. Tôi vẫn còn nhớ rõ, tay chân ông không hề co một vết chai, vết sẹo nào. Đó là bàn chân của người đàn ông luôn luôn có những đôi giầy da tốt và những đôi vớ thấm mồ hôi rất hữu hiệu. Tuy vậy, móng chân của ông khá cứng và dầy, nên tôi phải dùng hết sức bấm bằng cả hai tay mới đứt. Còn bàn tay của ông thì tuyệt đẹp: ngón tay dài, thẳng tắp, mềm mại; móng tay luôn sạch sẽ, trắng hồng. Điều đó không có nghĩa rằng ông là người lười biếng, ngược lại ông luôn siêng năng làm việc và tận tụy với gia đình. Cái khuyết điểm tôi đã thấy nơi ông thì người khác cũng thấy, nên … có thể nói ông là người kiếm ra tiền nhưng không giữ được tiền trong túi lâu lâu một chút, dù ông không bài bạc, rượu chè. Tôi vẫn còn nhớ, họ hàng, chòm xóm, bạn bè, bất cứ ai cần điều gì nơi ông đều được ông tận tình giúp đỡ. Những lúc công ăn việc làm phát triển tốt đẹp, ông không ngần ngại cho công nhân được thêm lương tháng thứ 13 để ăn Tết với gia đình. Thậm chí ông còn cho họ rất nhiều quà đem về nhà cho vợ con vào chiều 28, 29 Tết. Tôi không yêu ông sao được? Mỗi khi hàng xóm đem đến cho ông một người đau yếu, kẻ lỡ đường, người nghèo khó, ông đều sẵn sàng giúp đỡ, chẩn bệnh và cho thuốc miễn phí dù ông phải xuất tiền túi ra mua thuốc. Bàn tay ông không bao giờ nắm lại, và tiền bạc là cái mà ông ít giữ lại nhất. Một khuyết điểm khác của ông, đó là ông rất dễ tin người. Hình như ông không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy nỗi đau và sự thiếu thốn của người khác, nên nghe ai than van là ông phải giúp đỡ họ ngay lập tức, không cần dò xét xem có đúng sự thật hay không.

Tôi chưa thấy ông từ chối ai một điều gì, và đó cũng là một khuyết điểm nữa của ông, vì sau này khi đã lăn lộn trong cuộc sống tha hương, tôi học biết rằng đôi khi nói “KHÔNG” cũng là một điều cần phải làm. Một đàn anh của tôi trong ngành truyền thông đã có lần trêu tôi mà bảo rằng tôi luôn luôn là một người “hết sức nhiệt tâm với những chuyện… ngoài đường…” Tôi còn biết nói sao đây, thì ra người đàn ông đặc biệt ấy đã ảnh hưởng đến cách hành xử của tôi trong cuộc sống nhiều hơn là tôi nghĩ.

Khi tôi đi vượt biên thì ông ở lại. Sau đó thì tôi lập gia đình. Cuộc sống gia đình bận rộn, nhưng tôi bao giờ cũng nghĩ đến ông, nhất là khi tôi có chuyện buồn. Mỗi khi vợ chồng có chuyện bất hòa, nhà tôi rất nóng tính và giận dữ la lối khiến tôi thấy tủi thân. Những lúc đó tôi lại càng nhớ đến người đàn ông đặc biệt của tôi, ông ta chưa bao giờ mở miệng la mắng tôi một câu nào, thậm chí cũng không bao giờ lớn tiếng với tôi. Những ngày tháng sống bên ông là những ngày sung sướng nhất trong đời vì ông không bao giờ để tôi phải lo âu về bất cứ một điều gì. Vậy mà mãi hơn 20 năm sau khi xa ông, tôi mới dẫn cả gia đình về Việt Nam. Ông không ra phi trường đón chúng tôi, nhưng tôi biết là ông sẽ đứng ngồi không yên vì sốt ruột mong chờ. Khi nhìn thấy ông trong phòng khách, tôi lao vào lòng ông một cách điên cuồng vì sung sướng. Nước mắt tôi ứa ra khi nhìn thấy ông đã già đi nhiều, nhưng tôi lại vui hết sức thấy ông vẫn sáng suốt và khỏe mạnh, thế là tôi vừa cười vừa khóc. Thì đây, khi nắm tay ông, tôi lại có cái cảm giác y như lúc tôi còn là đứa con gái 13, 14 tuổi hay vòi vĩnh, nịnh bợ và “dụ khị” ông đủ chuyện để xin tiền đi học làm món bánh này, món ăn nọ, hoặc mua quần áo mới, một quyển truyện, một tập thơ, tập nhạc mà tôi thích, hoặc vé đi xem ciné mà dĩ nhiên là tôi sẽ không bao giờ cho phép ông đi cùng…

Con gái út của tôi tuy mới gặp ông lần đầu tiên, nhưng nó chẳng xa lạ gì ông cả, nó nhảy tót vào lòng ông, ôm cổ kêu “ông ngoại, ông ngoại” trong khi ông lần tay rờ rẫm lên mặt nó, xem mặt cháu ngoại xinh đẹp dường nào… Mà xa lạ làm sao được, khi các con tôi thường được nghe kể nhiều chuyện về ông. Thì ra mẹ nó – là tôi đây – lúc thì kể chuyện về ông ngoại, lúc thì kể những chuyện thần thoại trong cổ tích, nên tụi nhỏ đã cho ông ngoại lên chức “người hùng” trong cái trí tưởng tượng non nớt của mình. Những ngày ở Việt Nam trôi qua thật nhanh, vì chúng tôi hết sức bận rộn trong việc đi thăm thú đó đây, viếng họ hàng quyến thuộc, mua sắm quà cáp cho mọi người. Tuy vậy, tôi phải thú thật rằng những giây phút riêng tư ngồi bên cha tôi là những giây phút tôi yêu thích nhất, vì từ nơi ông, tôi cảm nhận được một sự bình an trong tâm hồn.

Cha tôi bi mù sau một ca giải phẫu cườm mắt được thực hiện một cách tệ hại. Ca giải phẫu không thành công, lúc ấy là thời gian sau chiến tranh, thuốc men cũng chẳng có, và thế là cha tôi dần dần chìm vào một thế giới không có ánh sáng. Thật là một điều kinh khủng! Người đàn ông trụ cột trong gia đình, người đã kiếm ra biết bao nhiêu là tiền bạc để nuôi 8 anh chị em chúng tôi ăn học nên người, người đàn ông đã ̃một thời say mê thú săn bắn và tự tay lái xe đi khắp mọi miền đất nước, giờ đây mò mẫm trong căn nhà của chính mình khi bước vào tuổi trung niên. Vậy mà tôi không hề thấy cha tôi khóc lóc, than thân trách phận… Những bữa ăn trong gia đình là những bữa chúng tôi nuốt nước mắt khi thấy ông gắp trật ra ngoài đĩa thức ăn. Ông kiên quyết không cho chúng tôi gắp thức ăn cho ông, thay vào đó, chúng tôi cầm tay ông và đặt vào từng món ăn để ông định vị trí, rồi sau đó thì ông tự ăn uống một mình. Những lúc đôi đũa của ông gắp trật ra bàn, là tim tôi thót ra ngoài vì thương cảm…

Người ta thường nói rằng: Điều tốt nhất mà người đàn ông có thể làm cho con cái mình, đó là hãy tốt với mẹ của chúng”. Điều đáng quý nhất ở cha tôi, là lòng yêu thương chung thủy của ông với mẹ tôi, dù ông đã luôn luôn có thật nhiều tiền và không thiếu cám dỗ vây quanh. Một câu nói của ông mà tôi sẽ ghi nhớ suốt đời, đó là “Khi xưa Bố có con mắt sáng nhưng Bố sống trong tối tăm vì không nhận biết được Chúa là Đấng Toàn Năng. Bây giờ Chúa cất con mắt thuộc thể của Bố đi, nhưng ban cho con mắt thuộc linh để biết Chúa và tin cậy nơi Ngài. Các con hãy vững lòng trong sự chăm sóc của Chúa, và phải hết sức dậy dỗ con cái biết rằng ngoài Đức Giê-Hô-Va, không có một Đấng Cứu Rỗi nào khác. Các con phải đặt lòng tin nơi Ngài thì Ngài sẽ ban phước cho các con và hậu duệ con đến ngàn đời”…

Tôi đã học ở cha tôi rất nhiều, dù ông không hề giảng cho tôi nghe một câu nào về đạo làm người. Ngày Thân Phụ, nhớ ơn cha, hôm nay tôi vui sướng cám ơn Chúa vỉ cha tôi vẫn còn sống. Tuy vậy, ngay cả khi ông qua đời, tôi vẫn có một hy vọng, rằng cha con chúng tôi sẽ còn gặp nhau trong cõi đời đời với Thiên Chúa là Đấng Yêu Thương Nhân Từ…

Tri Ân

Ông Vũ Huy Bích – thân phụ của chị Ngọc Diệp là tác giả cuả bài viết này – đã về với Chúa ngày 16/11/06. Phát Thanh Hy Vọng thành kính chia buồn. Xin Chúa an ủi gia đình chị Ngọc Diệp cùng tang quyến. Đây là những lời tri ân của chị Ngọc Diệp về người cha hiền:

Lived a wonderful life of fulfilment and satisfaction, my dad, was one who knew the value of family and friends. He was courageous, amazing and an inspiration. Dad was never short of a yarn, the result of years of experience and voracious learning. Steadfast in his purpose, his love and his faith, he was a man you could rely on.

Memories are the legacy of love,
Love follows us, no matter how far.
Sorrow is a fleeting emotion, but love is infinite.
May angels walk with you always, papa
You are missed and loved so much.
I did not see you close your eyes,
I did not see you die, papa,
I only heard that you were gone
Without a last goodbye…

Papa, you are always in my heart. Through your faith in the Lord, I have learnt “From the rising of the sun to the place where it sets, the name of the Lord is to be praised.” (Psalm 113.3)

Until we meet again, papa…

Xin xem những bài đọc khác