Có Tiền Mua Tiên Cũng Được?

Tùng Tri – theo The Age 3rd July 2006

Kính thưa quý thính giả,

Chúng ta thường nghe nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng mua “tiên” là mua những thứ gì? Chữ “tiên” cùng vần với chữ “tiền” để làm cho câu nói “Có tiền mua tiên cũng được” có vần và dễ nhớ. Đồng thời, chữ “tiên” có ý nghĩa giống như trong cụm từ “sướng như tiên”. Như vậy, khi nói “Có tiền mua tiên cũng được” có nghĩa là nếu có đủ tiền hay dư tiền, ta có thể mua mọi điều làm ta sung sướng trên đời này. Nếu có dư dả tài chánh, chúng ta có thể mua được hạnh phúc hay niềm vui. Nhưng tiền bạc có thực sự có mua được niềm hạnh phúc cho chúng ta không? Thực sự đây không phải là câu hỏi mới mẻ gì. Kinh nghiệm qua nhiều thế hệ và lịch sử cho thấy tiền bạc không phải là yếu tố quyết định để mang đến sự hạnh phúc thật cho một người. Thế nhưng đứng trước câu hỏi cũ rích này và câu trả lời là “tiền bạc không mua được hạnh phúc” thì không mấy ai tin câu trả lời này là đúng. Người ta nghĩ rằng câu trả lời trên là xuất phát từ những người bất bình thường, những ông “cụ non”, những kẻ đạo đức quá đáng và không biết hưởng thụ cuộc sống.

Thế nhưng, nhật báo The Age của thành phố Melbourne, Australia, vào ngày 3 tháng bảy 2006, tức là chỉ mới đây thôi, có đăng một bài báo với tựa đề rất trang trọng như sau: “Tiền bạc có mua được hạnh phúc không? Đây là câu trả lời chính thức: tiền bạc không mua được hạnh phúc”.

Dựa vào đâu mà tờ nhật báo The Age đầy uy tín của nước Úc lại dám tuyên bố một cách chính thức, như một lời kết luận vững chắc cho những thắc mắc và nghi ngờ của rất nhiều người trước vấn đề tiền bạc và chân hạnh phúc? Chúng tôi xin được đăng lại nguyên văn bài báo, là một đúc kết của công trình nghiên cứu của viện đại học Princeton như sau:

“Trong khi đại đa số tin rằng có thêm thu nhập có thể làm người ta hạnh phúc hơn, thì các nhà nghiên cứu thuộc viện đại học Princeton University khám phá rằng sự liên hệ này đã bị thổi phồng quá đáng và hầu như chỉ là ảo tưởng.”

Những người với những mức thu nhập khác nhau được thăm dò về sự hạnh phúc của họ và sự nghiên cứu cho thấy họ có khuynh hướng cường điệu về mối ảnh hưởng giữa sự thu nhập và tình trạng hạnh phúc của họ. Mặc dù thu nhập được nhiều người giả định là thước đo cho tình trạng hạnh phúc, nhưng những nhà nghiên cứu tìm ra rằng vai trò của mức thu nhập không quan trọng như nhiều người mong đợi và những người có thu nhập cao chưa chắc là những người biết sử dụng thời giờ để tận hưởng cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu, trong đó có giáo sư kinh tế học Alan Krueger, giáo sư tâm lý học Daniel Kahneman, người đã đoạt giải Nobel và các đồng nghiệp của ba trường đại học khác nhau, đã thăm dò nhiều người và xem xét nhiều dữ kiện, đã cho thấy sự ảnh hưởng của tiền bạc trên trạng thái tinh thần của một người đã bị phóng đại quá đáng và mối liên hệ giữa tiền bạc với niềm vui trong mỗi ngày thực ra là không đáng kể.

Sự nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có thu nhập cao thì đời sống bị áp lực và căng thẳng nhiều hơn. Quý ông với mức thu nhập trên $100,000 một năm thường chỉ có khoảng 19.9% thời gian thư nhàn rãnh rỗi, trong khi quý ông với mức thu nhập ít hơn thì có được 34.7% thời giờ để tận hưởng cuộc sống.

Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Bản tường trình còn cho biết là bất chấp mối liên hệ thật yếu ớt giữa mức thu nhập và sự thỏa mãn hay niềm vui từng trải trong đời sống mỗi ngày, nhiều người vẫn bị thúc đẩy mãnh liệt chịu cảnh “đầu tắt mặt tối” để đẩy cao mức thu nhập. Trong một vài trường hợp, chạy theo ảo ảnh “có tiền mua tiên cũng được” đã làm một số người sử dụng và phân chia thời giờ một cách thiếu cân bằng đến độ nguy hiểm, thí dụ như dành trọn thời giờ chỉ để làm việc mà quên cả nghỉ ngơi hay có mặt với gia đình, người thân hay bằng hữu.

Trong quyển sách “Happiness” (tạm dịch là “Niềm Hạnh Phúc”), nhà kinh tế học Richard Layrad lập luận rằng niềm vui hay sự hạnh phúc là một vấn đề thật khúc mắc và khó hiểu, nhất là trong 50 năm qua. Một người với mức thu nhập trung bình, trong 50 năm qua, đã có gấp đôi những phương tiện cho đời sống như nhiều đồ ăn hơn, xe tốt hơn, nhà lớn hơn, trang bị tối tân hơn, sức khỏe tốt hơn, làm việc ít giờ hơn và đi du lịch nước ngoài thường xuyên hơn. Nhưng người ta vẫn không vui hơn.

Bức tranh càng trở nên phức tạp hơn khi người ta so sánh các quốc gia với nhau. Các cuộc thăm dò cho thấy tại những quốc gia phát triển phương Tây, mặc dù giàu có hơn nhưng chưa chắc người dân ở những xứ này vui hơn so với những quốc gia nghèo hơn. Tuy vậy, khi so sánh với những quốc gia với nền kinh tế kiệt quệ thì người dân ở đây phải quá khổ sở và chịu đựng.

Quý thính giả thân thương,

Chúng ta cảm ơn những nhà nghiên cứu đã dày công thăm dò và xem xét để đưa ra một sự thật khách quan là tiền bạc không phải là điều kiện trọn vẹn để đem lại chân hạnh phúc cho con người.

Đã từ lâu lắm, đại đa số con người vẫn chạy theo ảo ảnh là “có tiền mua tiên cũng được”. Cách đây khoảng 2700 trăm năm, tiên tri Ê-sai là một sứ giả của Đức Chúa Trời, khi nhìn xung quanh, ông thấy đại đa số đi tìm kiếm niềm hạnh phúc ở trật chỗ. Họ lao lực kiếm thật nhiều tiền, xây dựng nhiều phương tiện, tổ chức hội hè, tham dự yến tiệc và tìm vui ở các nơi giải trí, nhưng không nơi nào đem lại cho họ niềm vui lâu dài. Đứng trước cảnh tượng trên, tiên tri Ê-sai đã rao giảng lời của Thượng Đế như sau:

Hỡi tất cả những ai khao khát,
Hãy đến nơi các nguồn nước.
Và người không tiền bạc,
Hãy đến mua và ăn.
Hãy đến mua rượu và sữa
Mà không cần tiền và không phải trả phí tổn.
Tại sao các ngươi tiêu phí tiền cho vật không phải là bánh,
Lao lực cho vật không làm cho mãn nguyện

Nếu có tiền bạc dư dả, đúng là chúng ta có thể xây đắp những phương tiện vật chất thật tốt đẹp cho đời sống. Nhưng Thượng Đế tạo dựng chúng ta là những con người có tâm hồn và sống trong mối quan hệ với những người chung quanh. Những phương tiện dầu tối tân đến đâu cũng không thể thỏa mãn nhu cầu trong tâm hồn chúng ta, nhưng sự hạnh phúc đến với chúng ta khi chúng ta được người khác yêu thương và kính trọng. Tiền bạc có thực sự mua được những tình yêu chân thành không? Ca dao Việt có câu trả lời rằng:

“Còn tiền còn bạc còn đệ tử,
Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi”

Tiền bạc có mua được sự quý mến của người khác từ tận đáy lòng họ không? Câu nói trào lộng sau đây là đúc kết của những kinh nghiệm thật trong đời:

“Vai mang túi bạc kè kè,
Nói bậy, nói bạ, chúng nghe rầm rầm”

Quý thính giả thân thương,

Sứ điệp của Thượng Đế qua sự rao giảng của tiên tri Ê-sai rằng tiền bạc không phải là sự bảo đảm cho sự hạnh phúc của con người, như tờ báo The Age đã nghiên cứu và công nhận. Nhưng đi xa hơn tờ báo The Age là chỉ đưa ra nhận định rằng tiền bạc không mua được hạnh phúc, tiên tri Ê-sai còn đưa ra câu trả lời làm sao một người có thể tìm kiếm được sự thỏa lòng trong tâm hồn của mình như sau:

Hãy lắng nghe Ta, hãy ăn vật ngon,
Thì linh hồn các ngươi sẽ vui với đồ béo bổ.
Hãy nghiêng tai và đến cùng Ta,
Hãy nghe thì linh hồn các ngươi sẽ sống.
Ta sẽ lập một giao ước đời đời với các ngươi,
Tức là tình yêu trung kiên Ta đã hứa cùng Đa-vít.

Chữ “Ta” vừa rồi là nói về Thượng Đế. Lời của sứ giả Ê-sai cho biết niềm vui trọn vẹn sẽ đến khi một người tìm kiếm, lắng nghe và đáp ứng lời gọi mời trở về cùng với Thượng Đế là nguồn của mọi hạnh phúc. Sự bình an và niềm vui bắt đầu khi chúng ta có một mối quan hệ tốt đẹp với Thượng Đế là Đấng Tạo Dựng ra quý vị và tôi. Trong mỗi tâm hồn chúng ta có một sự khao khát, có một khoảng trống mà không cuộc vui trần thế nào có thể lấp đầy được, không tiền bạc nào trên đời này có thể làm cho nguôi ngoai được, nhưng chỉ có tình yêu đời đời và trọn vẹn của Thượng Đế mới có thể làm chúng ta thỏa mãn.

Kính thưa quý thính giả,

Nếu nhiều tiền không chắc mang lại hạnh phúc, nhưng rõ ràng là nếu thiếu tiền trầm trọng, nợ nần tứ hướng, phải lo chạy gạo từng bữa, chắc chắn cũng không phải là một đời sống mãn nguyện và phước hạnh. Do vậy, chúng ta cần phải siêng năng làm việc để có tiền, tuy vậy đời sống không chỉ lo kiếm tiền nhưng còn nhiều điều khác quan trọng hơn cần phải có nữa. Như vậy thì câu hỏi được đặt ra ở đây là: Chuyện gì quan trọng hơn cả sự kiếm tiền? Kiếm tiền đến khi nào là đủ?

Trong những tuần lễ kế tiếp, xin kính mời quý thính giả cùng chúng tôi khám phá cái nhìn về tiền bạc trong ánh sáng của Thánh Kinh là lời Thượng Đế và bằng cách nào chúng ta biết quân bình thời giờ cùng năng lực trong việc mưu sinh và cho các nhu cầu quan trọng khác trong đời sống. Một khi có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc, chúng ta sẽ biết cách quản lý tiền bạc để biến phương tiện này trở thành một công cụ tốt cho đời sống của chúng ta và giúp chúng ta không bị rơi vào vòng nô lệ cho tiền bạc như một số người đang chạy theo ảo ảnh “có tiền mua tiên cũng được”. Xin hẹn gặp lại quý vị.

Xin xem những bài đọc khác