Mục sư Trần Thanh Tâm
Kính thưa quý thính giả,
Thành phố Melbourne của nước Úc trong tháng 3 vừa qua, kể từ 15-3-2006 đến 25-3-2006 đã tưng bừng tổ chức Vận Động Hội Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth Games), với khoảng 6 ngàn lực sĩ từ 71 quốc gia thuộc khối Liên Hiệp Anh tham dự. Trong số các quốc gia gởi lực sĩ tham dự, có nhiều quốc gia lớn mạnh như Australia, Malaysia, Singapore, England, South Africa. Cũng có một vài quốc gia nhỏ bé và ít được biết đến như Niue, Isle of Man, Belize, Montserrat vv… Trong thời gian 11 ngày, nhiều bộ môn thể thao đã được các lực sĩ tận lực tranh đua, từ bơi lội, bóng rổ, vũ cầu, cho đến bộ môn cử tạ, quyền anh, và nhiều bộ môn khác.
Lịch sử của Vận Động Hội Khối Thịnh Vượng Chung khởi đầu từ năm 1930 tại Hamilton, thuộc bang Ontario, nước Canada. Từ đó, cứ mỗi 4 năm thì Vận Động Hội Khối Thịnh Vượng Chung được tổ chức một lần. Điểm đặc biệt của Vận Động Hội nầy so với các Vận Động Hội khác trên thế giới như: Á Vận Hội, Vận Động Hội Phi Châu, hoặc Thế Vận Hội Mùa Đông, đó là trong Vận Động Hội Khối Thịnh Vượng Chung, tất cả các lực sĩ đều cùng nói một thứ tiếng, là Anh Ngữ, đặc điểm nầy đã đem đến cho Vận Động Hội Khối Thịnh Vượng Chung một tên tốt đẹp là: Vận Động Hội Thân Thiện (Friendly Games).
Kính thưa quý thính giả,
Dầu cho Vận Động Hội Khối Thịnh Vượng Chung có lịch sử hay đặc điểm gì đi nữa, thì mục đích của tất cả các lực sĩ tham dự đều là muốn thắng giải và đoạt huy chương về bộ môn mình được vinh dự đại diện quốc gia tham dự. Rất tiếć là không phải lực sĩ nào tham dự Vận Động Hội cũng đoạt giải, mà mỗi bộ môn chỉ có 3 huy chương được trao tặng: Huy chương Vàng, Bạc, và Đồng cho 3 lực sĩ về đến đích trước tiên, hoặc đạt điểm tranh tài cao nhất mà thôi. Trong số 6 ngàn lực sĩ tranh tài trong Vận Động Hội Khối Thịnh Vượng Chung nầy, chỉ có vài trăm lực sĩ là được vinh dự đoạt huy chương mà thôi.
Kính thưa quý thính giả,
Đó là chuyện tranh tài thể thao của các lực sĩ, còn đời sống của mỗi con người chúng ta có một cuộc chạy quan trọng hơn, là cuộc chạy về lãnh vực tâm linh, mà giải thưởng cuối cùng sẽ là sự cứu rỗi của linh hồn. Cuộc chạy tâm linh nầy khác biệt với tất cả các cuộc tranh tài Vận Động Hội ở một số điểm, mà tôi xin được phép trình bày sau đây:
1. Cuộc chạy tâm linh không đòi hỏi tranh đua, vấn đề không phải là đến đích trước hay sau, mà vấn đề là có bền bỉ để về đến đích hay không. Và bất cứ người nào chạy đến đích đều nhận lãnh phần thưởng.
2. Mọi người đều được mời tham gia cuộc chạy tâm linh nầy, và tất cả đều có sự tự do để tham gia hoặc không tham gia.
3. Mặc dầu có sự tự do tham gia hoặc không tham gia trong hiện tại, và ai chạy đến đích đều được bảo đảm lãnh phần thưởng, nhưng người không chịu tham gia được báo trước là sẽ lãnh sự trừng phạt sau cùng.
Tôi xin nêu một ví dụ để minh họa cho cuộc chạy tâm linh như sau: Quốc vương của một nước nọ chỉ có một con trai duy nhất, là Hoàng tử mà ông rất yêu quý. Một ngày nọ, vị Hoàng tử nầy nài nỉ, xin vua cha tha cho tất cả tù nhân đã bị kết án tử hình, đang ở trong tù chờ ngày bị hành quyết. Vì thương con, và cũng vì lòng nhân từ bao la, muốn cho các tù nhân nầy có cơ hội làm lại cuộc đời, cho nên nhà vua ra sắc lệnh khoan hồng cho bất cứ tử tù nào trong nước, nếu người đó chịu chứng tỏ thiện chí tối thiểu bằng cách chạy một vòng trong sân tù vào một ngày vua ấn định.
Đến ngày đã ấn định, mặc dầu tin tức tốt lành nầy đã phổ biến khắp các nhà tù, nhưng chỉ có một số ít tử tù đang chờ hành quyết, tin rằng đây là sự thật, và chịu ra sân để chạy, còn đa số tù nhân đều nghi ngờ, vì thấy đây là chuyện không thể tin theo suy luận con người được, cho nên họ không chịu tham dự cuộc chạy trong các nhà tù đã được tổ chức. Rốt cuộc, chỉ có những tù nhân tin vào sắc lệnh của vua, chịu ra sân chạy một vòng đến mức cuối cùng thì được trả tự do, còn những người nghi ngờ thiện chí của nhà vua đều tiếp tục ngồi tù chờ ngày bị xử tử. Những tù nhân nghi ngờ, không chịu chạy, đâu có biết rằng, thật ra, việc chạy một vòng sân tù, không thể nào là đủ điều kiện để những tù nhân đền trả tội ác của mình, và được xóa đi bản án tử hình được, nhưng đây chỉ là một việc làm chứng tỏ thiện chí và lòng tin cậy nơi sự khoan hồng của nhà vua mà thôi.
Kính thưa quý thính giả,
Theo Thánh Kinh là lời của Thượng Đế thì cả nhân loại đều là tội nhân, và kể như là bị tội lỗi cầm tù mình. Thánh Kinh sách Rô-ma 3:23 viết rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời.” Và lời của Chúa Cứu Thế Giê-su phán, được ghi trong sách Tin Lành Giăng 8:34, xác định rằng: “Người nào phạm tội là nô lệ cho tội lỗi.”
Kính thưa quý thính giả,
Có thể có người nghe tôi kể câu chuyện về vị vua ban sắc lệnh khoan hồng các tử tội, thì nghĩ rằng: “Làm gì có chuyện như vậy xảy ra thật sự trên đời nầy!”. Nghĩ như vậy là đúng. Câu chuyện tôi kể chỉ là ví dụ để minh họa mà thôi. Nhưng có một biến cố khác tương tự, xảy ra thật sự cách đây hơn hai ngàn năm, khi Thượng Đế, là vị Vua cao cả nhất và quyền năng nhất trong vũ trụ nầy, hay đúng hơn, Ngài là Đấng Tạo Hóa, sáng tạo ra mọi loài, mọi vật và con người, Ngài đã vì yêu thương mà ban cho nhân loại một con đường giải thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết đời đời của linh hồn trong địa ngục. Con đường giải thoát của Thượng Đế dành cho con người tội lỗi là: Chúa Cứu Thế Giê-su, Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời, từ trời đến thế gian, mang lấy hình người, chịu chết đền thế tội cho nhân loại để thỏa mãn công lý của Đức Chúa Trời. Để cho bất cứ người nào, biết ăn năn tội, tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Chúa của mình, thì được Thượng Đế tha thứ tội cho, và ban cho sự sống đời đời trong nước thiên đàng sau khi qua khỏi đời nầy. Chúng ta không cần phải chạy vòng sân giống như những tử tội trong câu chuyện tôi đã kể để được khoan hồng. Thượng Đế chỉ yêu cầu con người tội lỗi chạy đến trong vòng tay yêu thương của Ngài, tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, ăn năn tội và xin Ngài tha thứ, thì chẳng những chúng ta được Thượng Đế tha tội cho, mà còn cho hưởng quyền làm con của Ngài, và bảo đảm cho sự sống vịnh phúc trong nước thiên đàng với Chúa trong đời sau. Thánh Kinh sách Rô-ma 6:23 viết: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Chúa Cứu Thế Giê-su.”
Kính thưa quý thính giả,
Cả nhân loại kể từ ngày tổ tiên loài người phạm tội với Thượng Đế cho đến nay, đang ở dưới sự khống chế của tội lỗi, và cuối cùng của mọi người là chịu số phận linh hồn bị trừng phạt đời đời nơi địa ngục. Thánh Kinh gọi tình trạng nầy là sự chết thứ hai sau khi thể xác bị chết trên thế gian nầy. Chỉ có những người ăn năn tội và chịu tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su thì tránh được sự chết thứ hai nầy, và được bảo đảm cho sự sống vĩnh phúc trong nước thiên đàng với Chúa.
Kính thưa quý thính giả,
Sự tha thứ tội, quyền làm con của Thượng Đế, và sự bảo đảm cho hưởng nước thiên đàng trong đời sau là phần thưởng hay tặng phẩm của Thượng Đế dành cho những người chịu tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su. Đây là sư ban cho mà tất cả mọi người sống trên thế gian nầy đều có thể nhận được. Mặc dầu những điều nầy là tặng phẩm của Thượng Đến sẵn sàng ban cho mọi người, nhưng chúng ta phải chịu nhận lấy cho mình thì mới có thể hưởng được. Nếu quý thính giả muốn nhận món quà cứu rỗi linh hồn mà Thượng Đế đang dành sẵn cho mỗi người thì xin lập lại lời cầu nguyện như sau: Kính lạy Đức Chúa Trời, con biết mình là một tội nhân trước mặt Chúa. Con xin ăn năn tội lỗi của mình, và tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Cứu Chúa và làm Chủ đời sống của con. Xin Chúa tha tội cho con, nhận con làm con của Ngài, và cho linh hồn con được bảo đảm hưởng sự sống vĩnh phúc trong nước thiên đàng. Con xin cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giê-su. A-men.
Kính thưa quý thính giả,
Nếu quý vị đã cầu nguyện những lời vừa rồi, thì nên sớm tìm đến một Hội Thánh Tin Lành gần nhất để thờ phượng Chúa, và được hướng dẫn thêm về sinh hoạt trong đời sống của một con cái Chúa. Thân ái kính chào quý vị.
Xin xem những bài đọc khác