Mục sư Ngô Minh Quang
Kính thưa Quý Vị & Các Bạn,
Có một người đi trong sa mạc khô cằn nóng cháy, những bước chân của anh yếu dần, đôi môi khô nẻ, cổ họng anh nóng ran, anh thèm một chén nước lạnh sau một ngày dài dưới sức nóng mặt trời. Nhưng trước mắt anh chỉ toàn là cát nóng, anh ngán ngẫm khi nhìn thấy đường đến chân trời hàng bao dậm toàn là cát nóng, không một bóng cây, không một suối nước. Anh bước đi trong sự âu lo hết dặm đường nầy đến dặm kia. Khi đang bó tay tuyệt vọng, anh thấy một tấm bảng bên với những dòng chữ đem lại cho anh một niềm hy vọng khôn tả: “Dưới lớp cát khoảng một thước là máy bơm nước thời xa xưa, bơm bằng tay, đã rỉ sét. Hãy đào lên, bạn sẽ nhìn thấy cần bơm cong và dài trên đó có dán một mảnh giấy với lời chỉ dẫn rất quan trọng.” Anh liền đào lớp cát lên, thấy máy bơm và tấm giấy dán trên cần bơm. Tấm giấy đã đổi màu sau bao năm tháng ở dưới sức nóng của cát sa mạc với những dòng chữ sau: “Tôi tin rằng bạn sẽ vô cùng thích thú khi đọc những hàng chữ nầy vì bạn sẽ thấy được nước phun lên từ máy bơm. Nhưng bây giờ bơm nầy không thể sử dụng được! Xin bạn đừng nản lòng. Hãy làm theo lời chỉ dẫn nầy: bên dưới máy bơm 3 tấc, có một chai nước, hãy đào lên. Đừng uống nước nầy! nhưng dùng để mồi máy bơm. Một khi bạn đổ nước vào ống bơm, rồi bơm nước bạn sẽ thấy nước từ lòng giếng phun lên thật tuyệt vời, bạn sẽ uống thỏa thích. Sau khi dùng xong, xin bạn hứng nước đầy vào chai xài khi nãy, đậy nút chai lại rồi để lại chỗ cũ, dán mảnh giấy có lời chỉ dẫn vào cần bơm như trước, và lấp cát lại để cho người khác dùng. Xin bạn hãy tin tôi. Xin nhớ là đừng uống, vì nếu bạn uống hết chai nước, số nước đó chẳng những không làm bạn đã khát mà còn cắt đứt nguồn nước cho người đến sau cần sự sống.”
Thưa Quý Vị & Các Bạn,
Qua câu chuyện nầy Quý vị nhận được điều gì? Giả như Quý vị là nhân vật trong câu chuyện, quý vị có tin lời chỉ dẫn của tấm bảng và trên tờ giấy đó không? Liệu bạn có uống cạn nước trong chai thay vì uống từ giếng nước?
Hai ngàn năm trước, Chúa Cứu Thế Jêsus cũng đã đến một giếng nước bên đường trong một ngày nắng oi ả. Chúa đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha. Ở đấy, có giếng nước. Chúa đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. Có một thiếu phụ đến lấy nước. Chúa Jêsus nói với người rằng: “Ngươi cho ta xin chút nước uống” Chị nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?” (Vì người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri). Chúa đáp: “Nếu ngươi biết được ân ban của Đức Chúa Trời và biết người nói ‘Hãy cho Ta uống’ là ai thì hẳn ngươi xin, và người ấy đã ban cho ngươi nước hằng sống.” Thiếu phụ nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước sống ấy? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia cốp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Jêsus trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước Ta cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Nước Ta cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Thiếu phụ nói: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”
Thưa Quý Vị và Các Bạn,
Qua lời cầu xin của thiếu phụ nầy, Chúa biết chị ta không hiểu chi về nước hằng sống nên Ngài bắt đầu giải thích về sự khác biệt giữa nước theo nghĩa đen trong giếng nước với nước Ngài sẽ ban cho những ai có lòng tiếp nhận. Ngài phán rằng: “Ai uống nước giếng nầy vẫn còn khát mãi”. Chắc chắn thiếu phụ nầy phải chịu khó, hết ngày nầy qua ngày khác, đến để múc nước giếng nầy; thế nhưng nhu cầu nầy không bao giờ được thỏa đáp hoàn toàn. Đối với mọi nguồn nước khác của trần thế nầy cũng vậy. Có người cứ tìm lạc thú và sự thỏa mãn nơi trần gian nầy đã không làm thỏa cơn khát của lòng họ. Augustine có lần đã khẩn xin với Đức Chúa Trời rằng: Lạy Chúa, Chúa đã sáng tạo chúng con, chính vì vậy mà chúng con không sẽ không bao giờ yên ổn cho đến khi chúng con được yên nghỉ trong Ngài.
Thưa Quý Vị & Các Bạn,
Ai uống Nước Hằng Sống Chúa ban thì không bao giờ khát nữa. Nước Chúa cho sẽ trở thành một mạch nước trong người ấy, tuôn trào đến tận sự sống đời đời. Nước Chúa cho mới thực sự làm thỏa mãn chúng ta. Ai uống nước phước hạnh và sự thương xót của Chúa Cứu Thế thì sẽ không bao giờ khát nữa. Những ân lành của Chúa không những đổ đầy vào tâm hồn chúng ta mà còn tuôn tràn ra nữa. Đời sống ta sẽ giống như mạch nước trường sanh, sôi trào, tuôn chảy mãi, không những trong đời này mà trong cả đời sau, cả cõi đời đời. Lời hứa của Chúa: “Ai uống nước Ta sẽ cho, thì không bao giờ khát nữa. Nước Ta cho sẽ trở thành một mạch nước trong người ấy, tuôn trào đến tận sự sống đời đời.” (Giăng 4:14) cho ta thấy sự ích lợi của nước Chúa Cứu Thế ban cho sẽ không bị giới hạn trong cuộc đời tạm nầy, nhưng sẽ tiếp tục mãi mãi. Nhưng có điều rất cần thiết cho người nhận lấy nước hằng sống của Chúa, là phải nhận biết nhu cầu sâu kín của mình. Thiếu phụ nầy dầu đã xin nước sống của Chúa, nhưng chị ta vẫn chưa hiểu, cho đến khi Chúa chỉ cho chị ta thấy tình trạng bất ổn trong tâm hồn chị, trong cuộc đời tội lỗi của chị. Một người đã có năm đời chồng, mà người đang sống với chị cũng không phải là chồng của chị. Chúa đã chỉ rõ những điều xấu trong đời sống riêng tư của chị. Trước khi lòng chị tiếp nhận dòng nước kỳ diệu đó, chị phải công nhận mình là một tội nhân. Chị phải đến với Chúa với lòng ăn năn thật, xưng nhận hết mọi tội phạm và những nhuốc nhơ của mình. Chúa Jêsus đã biết hết cuộc đời tội lỗi của chị, và Ngài dẫn chị từng bước đến chỗ nhìn thấy quá khứ đen tối của mình. Rồi sau khi cuộc đời chị đã phơi bày ra trước mặt như cuốn phim được trình chiếu từng đoạn thì mắt chị mở ra thấy Chúa chính là Vị Cứu Tinh của linh hồn và cả cuộc đời chị. Chị đã bỏ lại sau lưng các vò nước, đi loan báo cho bà con biết Đấng Cứu Tinh của nhân loại đang có mặt ở đây. Kết quả là có nhiều người trong làng đã tiếp nhận Chúa Jêsus vào đời sống họ, tiếp nhận nước hằng sống từ trời. Có người sau khi đọc về cuộc đời biến đổi của thiếu phụ nhận nước hằng sống của Chúa đã cảm động và họa lên tâm sự của thiếu phụ nầy rằng: Lạy Chúa, con đã thử uống những giếng nước trần thế. Nhưng hỡi ôi! Những dòng nước ấy đã khô cạn! Ngay cả khi con khòm xuống uống, chúng đã cạn mất rồi. Giữa cảnh đời nhục nhã, đầy những tiếng nguyền rủa, thị phi, Chúa đã đến bên con. Ngài là Vị Cứu Tinh của nhân loại, là Cứu Chúa của con. Ngoài Chúa không ai có thể làm thỏa mãn tâm hồn con. Lạy Chúa Cứu Thế Jêsus, con đã gặp Ngài. Tình yêu, sự sống, và niềm vui đời đời tràn ngập lòng con.
Thưa Quý Vị và Các Bạn,
Có bao giờ Quý Vị cảm thấy thỏa mãn không còn ước mơ gì nữa? không có gì phải lo lắng, không có gì phải buồn phiền không? Hay Quý vị cảm thấy khao khát, khao khát mãi, cảm thấy mình thiếu và thiếu mãi? Xin Quý vị hãy đến với Chúa Jêsus là Mạch Nước Trường Sinh. Chúa phán: Người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Người nào tin Ta, thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình như lời Kinh Thánh đã nói. (Giăng 7:37)
Thưa Quý Vị & Các Bạn,
Quý vị có khao khát không? “Khao khát” có nghĩa là nhu cầu tâm linh cần được đáp ứng. Xin Quý Vị và Các Bạn đến ngay với Chúa, vì trên trần thế nầy không một ai có thể thỏa mãn nhu cầu vô cùng quan trọng ấy. Quý Vị hãy đến với Chúa Cứu Thế Jêsus cho chính mình. Tin cậy Ngài là Đấng từ trời đến chết thế tội Quý vị và ban cho Quý Vị mạch nước trường sinh.
Trên thế giới nầy đã có hằng trăm triệu người đã đến với Chúa và đã nhận sự chu cấp của Chúa, cuộc đời họ như dòng sông sự sống. Quý vị hãy dâng lên Chúa lời cầu xin rằng: Kính lạy Đức Chúa Trời, cảm tạ ơn Ngài vì đang khi con như người lữ hành trên con đường đời khô cằn, Chúa Jêsus đã đến với con, ban cho con nước hằng sống của Ngài. Chúa ôi! Con biết con đang khao khát, con biết con là người có tội, đã vi phạm các luật thánh của Ngài. Chúa Jêsus đã đến đúng lúc để cứu con là người tội lỗi xấu xa, nay con xin nhìn nhận tội mình. Xin Chúa tha thứ, nhận con vào gia đình Ngài, ban cho con nước hằng sống, để tâm hồn con trở thành mạch nước trường sanh đem lại hạnh phước cho đời. Con cầu nguyện những điều nầy trong danh Chúa Cứu Thế Jêsus.
Xin xem những bài đọc khác