Gần Gũi Với Con

Victor Parachin “Signs of Times” – Tùng Tri lược dịch

Có những gia đình thật phước hạnh và nồng ấm. Điều này không tự nhiên xảy đến nhưng do sự cố gắng và công xây dựng của cha lẫn mẹ. Tiếp nối những loạt bài trong tháng chín về vai trò người cha trong gia đình, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị lời khuyên của Victor Parachin được đăng trong tạp chí “Signs of Times” của tháng 8 năm 2006.

Cô Cynthia còn nhớ như in trong tâm trí về quãng thời gian thật tuyệt đẹp trong cuộc đời của cô. Lúc đó, cô khoảng có 12 tuổi. Cha của cô hứa sẽ dẫn cô đi với ông trong một chuyến công tác đến thành phố San Francisco. Cả mấy tháng trời, hai cha con cứ bàn mãi về chuyến đi này. “Này nhé, sau khi xong mấy buổi họp, cha con mình sẽ đáp taxi để đến khu phố của người Hoa (Chinatown), rồi ăn những món mà mình thích, rồi đi xem ci-nê, rồi leo lên xe điện có dây cáp và rồi thưởng thức món kem có phủ chô-cô-la thơm phức và béo ngậy”. Cô Cynthia hồi tưởng lại “Lúc đó lòng tôi nôn nao mong đợi quá sức.” Cuối cùng cái ngày khởi hành đã đến. Cô đợi chờ giây phút mà cha cô xong việc về nhà. Khoảng 6:30 chiều, cha cô đã tới sân nhà, với một người khách hàng rất quan trọng trong công việc làm ăn của cha cô. Người khách này mời cha cô và cô cùng đi ăn tiệm và tiện thể bàn bạc với cha cô về một công việc làm ăn quan trọng. “Thật là chán ngán não nùng lúc đó” cô Cynthia thuật lại như vậy.

Trong một giây phút không thể nào quên được trong cuộc đời, cha của cô đã trả lời với người khách như sau: “Tôi thật muốn được tiếp chuyện với ông, nhưng đây là thời gian đặc biệt cho con gái tôi. Chúng tôi đã dự định chuyến đi này từ lâu”. Sau đó, cha cô và cô đã bắt đầu chuyến đi theo đúng như kế hoạch mà cha cô đã hứa dành cho cô. “Đây là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không nghĩ rằng có ai trên đời này yêu cha tôi như tôi trong giây phút tuyệt cùng hạnh phúc đó”, cô Cynthia kể lại.

Kính thưa quý thính giả,

Đó là câu chuyện thật, do chính cha cô Cynthia, là ông Stephen Covey kể lại, và ông cũng là tác giả của quyển sách nổi tiếng “The 7 Habits of Highly Effective Families” (tạm dịch là “ Bảy Thói Quen Của Những Gia Đình Có Hiệu Quả Cao). Rõ ràng là Stephen Covey khám phá được một yếu tố quan trọng để gia đình được gần gũi với nhau là khả năng hứa và giữ đúng lời như đã hứa. Có sáu đề nghị sau đây để các bậc làm cha mẹ có thể gần gũi với con cái:

Thứ nhất, đặt gia đình lên hàng ưu tiên. Những gia đình mà cha mẹ con cái gần gũi nhau là do cả gia đình lựa chọn gia đình là ưu tiên số một trong đời sống của họ. Nếu quý vị đặt con cái lên trên những thành công trong doanh nghiệp hay những bậc thang trong công ty, thì quý vị sẽ thấy những cố gắng trong vai trò làm cha mẹ bắt đầu mang lại kết quả. Khi đặt con cái của quý vị lên trước, quý vị đang gặt hái điều quý giá nhất trong cuộc đời này. Và quan trọng hơn thế nữa, quý vị đang làm một quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời mình.

Thứ nhì, dành thời giờ cho con cái. Không có gì có thể thay thế cho việc dành thời giờ cho con cái quý vị. Cũng giống tình bạn đòi hỏi thời gian để nuôi dưỡng và gắn bó bên nhau, thì tình cảm gia đình cũng tương tự như vậy. Trẻ con yêu mến và ấp ủ những giây phút được gần gũi một mình với cha mẹ. Những giây phút êm đềm này sẽ trở thành những kỷ niệm hạnh phúc trong cuộc đời chúng nó khi hồi tưởng lại được cha mẹ chú ý đến và dành cho chúng nó những thì giờ trọn vẹn.

Rất là quan trọng để dành thời giờ cho con cái dầu là có bận rộn đến mức nào. Một bà mẹ phải trông coi một cửa hàng rất đông khách, nhưng kiên quyết đi bộ với con mình 20 phút mỗi tối sau buổi ăn để có dịp trò chuyện với nó. Một người cha luôn dành ra ít nhất 10 phút mỗi tối để hỏi chuyện với đứa con mới lên năm “Nói cho ba nghe 4 điều tức cười xảy đến với con trong hôm nay”.

Thứ ba, đừng quên tha thứ nhau. Những gia đình gần gũi nhau biết được năng quyền chữa lành của sự tha thứ. Họ biết sự tha thứ có tác động sưởi ấm lại tấm lòng đã nguội lạnh. Trong gia đình, sự tha thứ giống như một chất tẩy rửa những vết nhơ. Nó thanh lọc và tống khứ ra khỏi gia đình sự nóng giận, lòng cay đắng, tấm lòng hận thù. Do vậy, rất quan trọng cho các bậc cha mẹ hướng dẫn gia đình mình biết mở rộng và tìm kiếm sự tha thứ lẫn nhau.

Triết gia Phao-lô trong thế kỷ thứ nhất đưa ra lời khuyên như sau: “Hãy ăn ở hòa thuận với nhau và khoan dung tha thứ nhau. Nếu có ai làm tổn thương mình điều gì thì hãy tha thứ cho họ vì Chúa đã tha thứ anh chị em” (Cô-lô-se 3:13). Trong quyển sách “Teaching Your Children Values” (tạm dịch là “Dạy Dỗ Con Cái Về Đạo Đức”), hai đồng tác giả Linda và Richard Eyre đã đưa ra lời khuyên như sau: “Hãy làm gương. Hãy nói với con rằng sự công bình và lòng thương xót là những giá trị đạo đức của bạn và này, cũng phải cố gắng để học ăn năn và tha thứ. Khi bạn mắc một lỗi lầm, như trút cơn nóng giận, không hoàn thành trách nhiệm giúp con trong một việc gì, hãy xin lỗi con bạn một cách rõ ràng và tìm kiếm sự tha thứ của nó”.

Thứ tư, hãy sẵn sàng. Dầu cho có bận rộn bao nhiêu trong công việc làm ăn cộng với bao nhiêu trách nhiệm khác, hãy tỏ cho con cái quý vị biết rằng quý vị luôn luôn sẵn sàng với nó. Những gia đình thân mật gắn bó nhau điều hành theo nguyên tắc rằng những thành viên trong gia đình có thể gọi cho nhau hay phải thay đổi kế hoạch khi có chuyện cần có nhau và cho nhau.

Thứ năm, dạy con cái yêu và cảm nhận tình yêu. Những nụ cười trìu mến, lời nói dịu dàng, cử chỉ thân ái, những suy nghĩ cho nhau, những cung cách biểu lộ tình yêu thương trong một gia đình sẽ là một mái nhà hạnh phúc và lành mạnh, nơi đó mọi thành viên có thể biểu lộ và kinh nghiệm sự gắn bó với nhau trong tình yêu.

Theo lời giáo sư James Harris, thuộc phân khoa tâm lý của đại học Brigham Young University thì “Không có gì quan trọng cho đứa trẻ trong việc nhận ra mình là có giá trị, là đáng kể cho bằng việc đứa trẻ được những người quan trọng trong cuộc đời nó yêu thương nó một cách nồng nàn và mạnh mẽ”. “Có những lỗi lầm mà các bậc cha mẹ có thể bù đắp lại được một khi con trẻ biết quý vị yêu thương nó. Tình yêu đối với đứa trẻ cũng giống như ánh nắng với bông hoa, như nước với cây đang héo, như mật với ong. Con cái quý vị cần biết chắc, chẳng mảy may nghi ngờ rằng chúng nó là đáng yêu và quý vị yêu chúng nó.”

Thứ sáu, sử dụng lời lẽ một cách khôn ngoan. Lời khuyên của vua Sa-lô-môn trong sách Châm Ngôn 12:18 có ghi như sau: “Lời khinh suất đâm chém như gươm bén, Lưỡi khôn ngoan chữa trị giống thuốc hay”. Hãy cố gắng nói những lời khích lệ và xây dựng nhau, đừng tấn công hay xỉ vả con cái mình. Cách chúng ta nói với nhau trong gia đình hoặc là kéo mọi người gần lại với nhau hoặc là đẩy mọi người ra xa nhau.

Mục sư tiến sĩ Dr. Robert Schuller có nói như sau: “Lời nói không phải chỉ là những từ ngữ đan lại với nhau. Một lời có thể là một niềm an ủi hay là một trái bom. Một lời nói tích cực làm bạn cảm thấy tốt lành. Một lời nói tiêu cực làm bạn cảm thấy nản lòng và thua cuộc. Lời nói phát ra năng lực. Một lời nói có thể tác động mở máy hay tắt máy. Một lời nói tiêu cực có thể làm lòng nhiệt thành xẹp xuống. Lời nói tích cực đem lại năng lượng, sự phấn chấn và khả năng sáng tạo”.

Khi nói, hãy chọn những lời đầy khôn ngoan bởi vì nó sẽ gây ảnh hưởng trên người nghe. Hãy xem một vài thí dụ, được trích từ sưu tập những lời nói tệ hại nhất người lớn nói với trẻ con như sau: “Mày không bao giờ làm được việc gì”, “Ước gì tao không đẻ mày ra”, hay là “Tao với mẹ mày không phải chia tay nếu không phải tại mày” vv.

Nhưng cũng đáng mừng là có những bậc cha mẹ còn nhớ những lời lẽ thật tốt đẹp để nói với con cái, như là “Con thiệt giỏi lắm”, “Ba mẹ thật vui vì có con”, “Chúc mừng con. Con thật xứng đáng”, “Con đẹp lắm” vv.

Cuối cùng, khi quý vị ra sức vun đắp sự gần gũi trong gia đình, là quý vị đang xây dựng một mái nhà có sự an bình và hài hòa, là nơi mọi thành viên trong gia đình kinh nghiệm được tình yêu thương và sự nâng đỡ lẫn nhau, cũng như che chở nhau trong những giông tố của cuộc đời. Một gia đình gần gũi với nhau, khi những thành viên trong gia đình kinh nghiệm điều mà triết gia Goethe diễn tả như sau: “Người hạnh phúc nhất, dầu là vua hay thường dân, là người tìm thấy được sự bình an trong mái ấm gia đình của người đó”.

Xin kính chúc gia đình quý vị gần gũi và yêu thương nhau thật nhiều.

Xin xem những bài đọc khác