Giáng Sinh Có Liên Hệ Gì Đến Bạn Không?

Kính thưa quý thính giả,

Nước Úc đang bước vào những ngày đầu hạ. Thời tiết thật ấm áp, lá vẫn còn xanh trên cây và trái bắt đầu chín trên cành. Không khí bỗng trở nên tưng bừng và rộn rịp vì mọi người đang nô nức chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh sắp trở về một lần nữa.

Mỗi một ngày lễ lớn đều có một xuất xứ và ý nghĩa nào đó. Lễ Giáng Sinh chắc chắn phải có một ý nghĩa tuyệt vời vì đã trải qua nhiều thế kỷ, lễ Giáng Sinh đã trở thành một ngày hội lớn của nhiều quốc gia và dân tộc trên khắp thế giới. Đối với đại đa số người dân Úc, lễ Giáng Sinh là dịp để gia đình sum họp với nhau. Có người cho rằng lễ Giáng Sinh là dịp để bày tỏ tình thân ái, bằng cách trao nhau những cánh thiệp chúc lành, những món quà Noel đầy ý nghĩa. Cũng có người nghĩ rằng hình ảnh Giáng Sinh với hài nhi Jêsus bé nhỏ tượng trưng cho hòa bình và tình yêu. Đối với các em nhỏ, Giáng Sinh là phải có ông già Noel là Santa Claus, ban đêm chui ống khói vào nhà, tặng cho các em những món quà mà các em hằng mơ ước. Ở những xứ phát triển như Úc, Mỹ vv., Giáng Sinh là dịp người ta quảng cáo rầm rộ để đẩy mạnh việc mua bán.

Đối với người Việt đang cư ngụ tại nước Úc, Giáng Sinh thường là thời giờ thật vui vẻ trong năm vì thời tiết thật dễ chịu, có dịp được nghỉ ngơi sau một năm làm việc, rồi nào họp mặt với thân nhân bè bạn, rồi liên hoan, tiệc tùng vv.

Nhưng Giáng Sinh có phải chỉ có vậy thôi sao? Lễ Giáng Sinh có phải chỉ là một ngày lễ lớn như bao ngày lễ khác thôi sao? Giáng Sinh có phải chỉ là một thời giờ thật vui vẻ trong năm, rồi Giáng Sinh lại ra đi như bao nhiêu lần, trả lại cho chúng ta một đời thường đơn điệu hay sao?

Kính thưa quý thính giả,

Lễ Giáng Sinh thật sự có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự hạ sanh của một hài nhi mang tên Jêsus cách đây hơn 2000 năm về trước có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lãnh vực của đời sống, từ vật chất, tinh thần và đời sống tâm linh của quý vị. Sự ảnh hưởng đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến tương lai của mỗi quý vị, bất luận là người già hay trẻ, trí thức hay bình dân, ở trong hoàn cảnh nào, thuộc về tôn giáo nào. Sự ảnh hưởng này sâu sắc nhưng rõ ràng, rất hiện thực và rất gần gũi.

Giáng Sinh có ý nghĩa gì và thật sự liên hệ đến quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi đời sống quý vị như thế nào? Đó là điều chúng tôi muốn trình bày với quý vị trong bốn chương trình phát thanh đặc biệt cho Giáng sinh trong tháng 12 này, kể từ hôm nay. Xin kính mời quý vị theo dõi.


Kính thưa quý thính giả,

Ông Peter Costello, đương kim Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh và Ngân Khố Liên Bang của Úc Đại lợi, phó thủ lãnh của Đảng Tự Do và cánh tay phải của đương kim Thủ Tướng John Howard. Ông là người có công lớn để đưa nước Úc trong vòng 10 năm qua trở thành một quốc gia giàu mạnh và ổn định nhất về kinh tế trong các nước kỹ nghệ tiên tiến. Peter Costello xuất thân là một luật sư, từng hành nghề luật và dạy luật tại phân khoa Luật, Chính Trị và Kinh tế của đại học Monash tại Melbourne. Trong một bài báo đăng ngày 6.9.2004 với tựa đề “Quay lại với Cơ Đốc Giáo sẽ giúp chấm dứt sự suy đồi đạo đức”, Peter Costello tâm tình với dân Úc như sau:

“Xã hội mà chúng ta có được ngày hôm nay là do thừa hưởng một truyền thống theo Cơ Đốc giáo. Tôi không biết nước Úc còn hiểu điều này hay không. Có thể đại đa số dân Úc không còn tin vào Chúa Jêsus nữa. Nhưng dầu tin hay không tin, xã hội mà chúng ta đang thừa hưởng đã đặt nền tảng trên niềm tin vào Chúa Jêsus và mọi truyền thống tốt đẹp xuất phát từ nền tảng này.

Nền tảng của những truyền thống này, dĩ nhiên là được dựa vào Mười Điều Răn. Có bao nhiêu công dân Úc có thể nhớ được Mười Điều Răn này. Có lẽ rất ít. Nhưng dầu biết hay không, thì đây là nền tảng cho luật lệ của xã hội chúng ta ngày nay.

Điều răn thứ nhất có ghi lời Thượng Đế phán như thế này “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó. Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi. Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh”. Điều răn thứ nhất này là nền tảng cho sự tôn thờ một Thượng Đế chân thần duy nhất .

Điều răn “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” và “ Ngươi chớ phạm tội tà dâm” là nền tảng của luật hôn nhân và luật gia đình.

Điều răn “Ngươi chớ giết người” là căn bản cho luật bảo vệ mạng sống con người. Điều răn “Ngươi chớ trộm cướp” là nền tảng của luật bảo vệ tài sản.

Điều răn “Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi” là nền tảng cho những luật lệ tôn trọng quyền sở hữu và tự do cá nhân.

Đây là những khuôn vàng thước ngọc cho xã hội chúng ta. Từ nền tảng này đã phát sinh ra vô số những luật lệ và thể chế của xã hội ổn định và quốc gia giàu mạnh của chúng ta như ngày nay.”


Kính thưa quý thính giả,

Là những người Việt định cư tại Úc, chúng ta đang thừa hưởng một nền kinh tế ổn định và vững mạnh hàng đầu của thế giới. Chúng ta cũng đang được hít thở không khí tự do, dân chủ cùng với những luật pháp tôn trọng đời sống và nhân quyền, là điều ước ao, thèm thuồng nhưng không sao có được đối với hàng triệu triệu người trên thế giới. Nền kinh tế phồn vinh, xã hội trật tự vì đất nước này đã từng đặt nền tảng vào Cơ Đốc giáo, vào niềm tin vào một con người mang tên Jêsus hạ sanh cách đây hơn 2000 năm về trước.

Nhìn lại quá khứ, khoảng 30 trở lại, nhiều người Việt chúng ta đã liều mạng sống của mình ra đi tìm tự do. Các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Canada, Anh, Pháp, Đức vv. là những quốc gia đã mở rộng tình người, bỏ ra cả tỷ Mỹ kim để cứu vớt và cưu mang chúng ta trong đất nước họ cho đến ngày hôm nay. Những quốc gia này có một điểm giống nhau là tổ tiên của họ đã xây dựng đất nước dựa trên nền tảng Cơ Đốc Giáo, trên niềm tin vào một con người mang tên Jêsus. Trên tờ giấy bạc của nước Mỹ có câu “In God We Trust” có nghĩa là “Chúng Tôi Tin Cậy Vào Thượng Đế”. Nước Anh chọn Cơ Đốc giáo làm quốc giáo cho đến ngày nay.

Chúa Jêsus đã dạy họ rằng “Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa? Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”

Kính thưa quý thính giả,

Chúa Jêsus đã dạy các dân tộc này là khi họ đang cứu giúp một người khốn khổ nào là họ đang làm ơn cho chính Thượng Đế và Ngài sẽ ban cho họ bội phần hơn. Truyền thống nhân đạo của những quốc gia này xuất phát từ sự giảng dạy đầy nhân ái của một con người mang tên Jêsus. Không những chỉ người Việt chúng ta, nhưng bao dân tộc lầm than, khốn khổ cũng được trợ giúp qua truyền thống tốt đẹp này.

Thế nhưng, dù đang sống trong một đất nước tự do, dân chủ và giàu mạnh là điều thật quý, vì chúng ta đã từng liều mạng sống mình cho những điều này; mặc dầu được cứu sống bởi những tấm lòng nhân đạo bao la, nhưng những ơn phước mà quý vị đang tận hưởng chỉ là một kết quả phụ của sự giáng sinh của Chúa Jêsus. Vì nếu nhu cầu của con người chỉ là cơm ăn, áo mặc, chắc hẳn thiên đàng đã gởi xuống những nhà kinh tế lỗi lạc. Nếu nhu cầu của con người chỉ là một xã hội tự do và dân chủ, chắc hẳn thiên đàng đã gởi xuống nhiều chính trị gia đại tài.

Kính thưa quý thính giả,

Nhưng thiên đàng đã gởi xuống cho nhân loại một con người mang tên Jêsus. Vì nhu cầu của con người không chỉ là cơm ăn, áo mặc hay tự do, dân chủ, nhưng còn hơn những điều này nữa. Chúa Jêsus muốn ban tặng cho quý vị và tôi một món quà vô cùng quý giá, vượt quá sự mơ ưóc, đáp ứng trọn vẹn những nhu cầu của quý vị và tôi.

Như vậy Chúa Jêsus là ai? Món quà nào Ngài muốn tặng tôi và quý vị?


Kính thưa quý thính giả,

Để biết Chúa Jêsus là ai và vì sao Ngài phải hạ sanh cách đây 2005 năm về trước và để biết sự giáng sinh này đã và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng ra sao trên đời sống của mỗi chúng ta, cách tốt nhất là chúng ta cùng nhau nhìn lại sự kiện lịch sử có một không hai này.

Đây là câu chuyện xảy ra khoảng 9 tháng trước ngày Chúa Jêsus hạ sanh, được sử gia Lu-ca ký thuật lại như sau:

“Đến tháng thứ sáu thiên sứ Gáp-ri-ên được Đức Chúa Trời sai đến một thành thuộc Ga-li-lê gọi là Na-xa-rét, tới cùng một gái đồng trinh tên là Ma-ri, đã hứa gả cho một người tên là Giô-sép, về nhà Đa-vít. Thiên sứ vào nói cùng nàng rằng: “Hỡi người được ơn lớn, mừng cho ngươi, Chúa ở cùng ngươi!” Nàng nghe lời ấy thì rất bối rối, suy đi nghĩ lại về sự chào mừng đó là gì. Thiên sứ bèn nói rằng: “Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn nơi Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ thọ thai, sanh một con trai, đặt tên là JÊSUS.”

Kính thưa quý thính giả,

Bối cảnh của câu chuyện này là nước Do Thái đang bị người La-mã thống trị, cộng với sự khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và sự suy đồi về đạo đức. Lịch sử dân Do Thái trong hàng ngàn năm trước khi Chúa Jêsus giáng sinh cho thấy dân Do Thái và tất cả loài người luôn bị thất bại trong việc giữ gìn các giao ước và các tiêu chuẩn của Ngài. Vì lòng yêu thương vô tận, Đức Chúa Trời muốn ban cho nhân loại một Đấng Cứu Thế để thực sự một lần giải thoát con người khỏi sự yếu đuối. Do vậy Ngài đã sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến gặp nàng Ma-ri là một thiếu nữ vô cùng nết na, đức hạnh, đơn sơ và rất khiêm nhường. Ngài ưu ái và đã chọn nàng Ma-ri trinh trắng này để hạ sanh cho nhân loại Đấng Cứu Thế. Thiên sứ đến báo tin cho nàng Ma-ri rằng “Này, ngươi sẽ thọ thai, sanh một con trai, đặt tên là Jêsus”

Kính thưa quý thính giả,

Tên Jêsus có nghĩa là “Đức Chúa Trời là Sự Cứu Rỗi”, hay cũng có nghĩa là “Đấng Cứu Rỗi”. Nhân loại chúng ta có đang rơi vào tình trạng nguy hiểm nào không mà phải cần đến một Đấng Cứu Rỗi? Theo như sứ đồ Ma-thi-ơ ghi lại, thiên sứ Gáp-ri-ên cũng hiện ra với Giô-xép là vị hôn phu của nàng Ma-ri và đưa tin cho chàng như sau “Nàng sẽ sanh một trai, ngươi hãy đặt tên là JÊSUS, vì chính Con ấy sẽ cứu dân mình khỏi tội.” Chúa Jêsus đến để cứu con người ra khỏi tội. Thế nhưng tội là gì? Một công dân bình thường như quý vị và tôi, tôn trọng pháp luật, ăn ở xử thế theo đạo lý, tình người thì có tội tình gì không? Nếu có thì có tội với ai?

Kính thưa quý thính giả,

Đó là điều chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong những tuần tới nhân dịp chương trình phát thanh đặc biệt Giáng Sinh trong tháng 12/2005 này. Xin hẹn gặp lại quý vị.

Xin xem những bài đọc khác