Giê-xu Là Bạn Thật

YMI – Theo Kenneth W. Osbeck & VietBible

Giê-xu Là Bạn Thật – What A Friend We Have In Jesus
Lời của Joseph Scriven, 1819-1886
Nhạc của Charles C. Converse, 1832-1918

Kính thưa quý thính giả,

Kinh Thánh, Sách Châm Ngôn 18:24 có xác định:
Người nào được nhiều bằng hữu sẽ làm hại cho mình;
Nhưng có một bạn tríu mến hơn anh em ruột
.

Có một ai đó đã nhận xét như thế này: “Sự ứng dụng thực hành những công việc thuộc linh của một Cơ Đốc nhân thường được phản ảnh qua những bài thánh ca của người ấy (A Christian’s practical theology is often his hymnology)”. Nhiều người trong chúng ta có thể xác nhận và minh chứng cho sự thật này khi mà chúng ta nhớ lại những kinh nghiệm cảm xúc xâu xa – có thể là khi một người thân yêu qua đời hay là một bản thánh ca thật đơn sơ nào đó nhưng Chúa Thánh Linh đã xử dụng để dậy dỗ hướng dẫn những nhu cầu tâm linh cho chúng ta.

Một trong những bản thánh ca có tác động như thế là bản ‘Giê-xu là bạn thật’. Mặc dầu bài thánh ca này đã không được người ta cho nó là một thí dụ điển hình của một bài văn chương lỗi lạc, nhưng những lẽ thật được khẳng định một cách đơn sơ chân thành trong lời thơ đã mang lại niềm an ủi và sự bình an cho vô số những người thuộc về Chúa ngay từ khi nó được viết ra vào năm 1857. Lời lẽ của bài hát này có nội dung thật gần gũi với những nhu cầu thuộc linh căn bản của con người ta cho nên rất nhiều nhà truyền giáo đều đồng ý rằng đây phải là một trong những bài thánh ca đầu tiên nhất cần phải dậy cho những người mới tin Chúa. Lời hát và điệu nhạc thật đơn sơ là sự thu hút người ta và cũng chính là sức mạnh của bài thánh ca này.

Ông Joseph Scriven sinh năm 1819 trong một gia đình giàu có tại Dublin, Ái Nhĩ Lan. Ông tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật tại đại học Trinity ở Dublin vào năm 1844. Khi ông hai mươi lăm tuổi thì ông quyết định lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn, tổ quốc mình, để di cư sang Gia Nã Đại. Có lẽ hai lý do mà ông đã có khi quyết định ly biệt gia đình và xứ sở là: Ảnh hưởng tôn giáo của nhóm anh em Plymouth Brethen trên đời sống ông và tai nạn chết chìm bi thảm của vị hôn thê của ông ngay vào buổi chiều trước ngày lễ cưới của họ. Joseph đã lang thang ngày đây mai đó để mong tìm quyên lãng, cuối cùng ông đã đặt chân đến Port Hope, Cảng Hy Vọng, nằm bên bờ phía bắc của hồ Ontario. Tuy nhiên Joseph đã chẳng bao giờ được khuây khỏa mặc dù đã ngàn trùng xa cách nơi chốn cũ, và hạnh phúc cũng khước từ ông tại Gia Nã Đại. Bước vào tình yêu lần thứ hai, ông đính ước với cô Eliza Catherine Roche, con gái duy nhất của Đại úy hải quân hoàng gia Andrew Roche. Nhưng chẳng bao lâu sau thì Eliza mắc bệnh lao phổi và cô qua đời năm 1860 trước khi hôn lễ của họ được diễn ra. Dường như tai họa cứ ráo riết theo đuổi những bước chân của ông như hình với bóng. Dường như cuộc đời ông đã được định cho là chỉ sống một mình, với người bạn thiết duy nhất là Chúa Giê-xu mà thôi.

Từ lúc đó trở đi Joseph Scriven bắt đầu sống theo một lối sống hoàn toàn khác biệt khi trước. Với đức tin ông đã áp dụng ‘Bài giảng trên núi của Chúa’ và sống theo sát nghĩa từng chữ một của bài giảng này. Người ta bảo rằng ông đã ban bố một cách rời rộng những của cải giới hạn của ông, chia sẻ ngay cả áo quần của mình đang mặc nếu cần, và ông chưa hề từ chối một ai đó cần sự giúp đỡ. Ông kết hợp với nhóm anh em Plymouth và phục vụ trong tư cách Truyền đạo suốt nhiều năm. Thêm vào đó, ông cũng đi giảng cho hội thánh Báp-tít Bailiebors ở gần đó. Ông được nhiều người ở Bewdley và vùng phụ cận yêu mến vì đời sống giống Chúa của ông. Cũng như Đấng Christ, ông thường ban phát lợi tức của mình cho người nghèo mà ông coi là cần được giúp đỡ hơn chính ông.

Vào một ngày mùa đông giá buốt nọ, khi đứng trước cửa nhà nói chuyện với một người bạn, nhà truyền giáo Ira Sankey thấy Joseph Scriven với các đồ nghề để cưa chặt gỗ trong tay đang trên đường đi ở vùng cảng Hy Vọng, của vùng Ontario. Nhà truyền giáo đã hỏi bạn rằng, “Người đó là ai vậy? Trông anh chàng có vẻ đàng hoàng và thỏa nguyện đấy nhỉ. Ước gì tôi biết được nguyên do khiến anh ta trông hạnh phúc như thế kia!”

“Anh ta chắc chắn là vui thỏa rồi” người bạn đồng ý trả lời rồi nói tiếp “Tôi biết rằng anh này là người chịu khó làm việc mà lại rất thật thà.”
“Nếu người đó chịu khó làm việc mà lại thật thà nữa thì tôi phải chạy theo kêu lại, tôi muốn mướn anh này làm việc cưa củi đốt cho tôi. Mùa đông này coi bộ còn kéo dài cả đến mấy tháng nữa kia” Người bạn cười ồ “Không có chuyện đó đâu!”
“Tại sao lại không chứ? Tôi sẽ trả lương hậu cho anh ta đàng hoàng cơ mà!”
“Ông không có mướn người đó làm việc cho ông được đâu; anh ta chỉ cưa củi cho những bà góa nghèo và những người bệnh tật nghèo khó là những người không có tiền để mà trả công cho anh ta.”

Câu nói này đã mô tả triết lý sống của Joseph. Chính vì lối sống như thế mà Joseph Scriven đã được người ta nể trọng nhưng lại cũng có những người khác thì cho rằng ông là một người hơi quá trớn. Những năm về sau, ông được người ta mô tả là “Người có vóc dáng thấp, tóc hoa râm, râu cạo sạch và đôi mắt xanh lơ sáng long lanh của một thiên sứ” trong khi những người biết rõ ông hơn thì cho biết ông có thói quen “giảng cho mọi người nghe về tình thương của Chúa Cứu Thế”.

Cách đó 10 dặm về phía Bắc, nằm bên hồ Rice tuyệt đẹp là một khu định cư nhỏ tên Bewdley. Cách khu này vài dặm nữa là đồn điền Pengalley, nơi Joseph Scriven nhận làm gia sư cho lũ trẻ trong nhiều năm ở đó. Ông phân chia thì giờ mình để dạy dỗ cho gia đình của Pengally và James Sackville ở Bewdley. Chính trong phòng khách nhà ông Sackville mà Joseph Scriven đã cảm hứng viết bài thơ mãi mãi gắn liền với tên ông. Một đêm khuya, Joseph Scriven nặng trĩu với nỗi cô đơn, ngã lòng, buồn thảm – đã dốc đổ lòng mình với Đức Chúa Trời, van nài Ngài giải thoát ông khỏi gánh nặng ấy và hứa nguyện hầu việc Ngài nếu lời cầu nguyện của ông được nghe và được trả lời. Joseph Scriven cảm thấy lòng được cất khỏi gánh nặng một cách diệu kỳ. Trong niềm hoan hỉ vừa tìm thấy, ông vội thảo nhanh một bài thơ đơn sơ với nhiều khổ thơ mô tả cuộc chiến đấu và chiến thắng của ông. Bài thơ có tựa là “Cầu Nguyện Không Thôi” tạm dịch thoát ý như sau:

Kỳ diệu thay là tình bạn chúng ta có với Chúa Giê-xu. Ngài mang lấy tất cả tội lỗi đau đớn của chúng ta. Lạ lùng bấy là đặc ân được dâng trình mọi sự với Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện. Ôi, chúng ta thường đánh mất sự bình an và mang lấy những nỗi khổ đau không cần thiết. Tất cả chỉ vì chúng ta không dâng trình nỗi niềm mình cho Chúa trong lời cầu nguyện.

Joseph Scriven chẳng hề dự định là bài “Cầu Nguyện Không Thôi” của ông sẽ được đem ra xuất bản cho công chúng. Khi ông hay tin là mẹ của ông lâm trọng bịnh trong lúc ông không có đủ phương tiện tiền bạc để trở về ở bên cạnh bà tại vùng quê hương Dublin ở Ái Nhĩ Lan xa xôi diệu vợi, ông đã viết một lá thơ để an ủi mẹ hiền và gửi kèm theo lời của bài thơ này, là lời nhắn nhủ cho mẹ mình rằng người bạn tuyệt vời nhất trong tất cả những người bạn chính là Chúa Giê-xu luôn luôn ở cạnh bà.

Lúc thân thể ông đã suy mòn vì lao nhọc và tâm trí mệt mỏi vì nản lòng, gia đình ông Sackville lại đem Joseph về nhà họ trong căn nhà mà 31 năm trước ông đã sáng tác bài thơ kia và cũng chính tại đó, năm 1886 Scriven đã trải qua những ngày cuối cùng của đời mình. Khi người chủ nhà tìm thấy bài thơ đó được viết trên mảnh giấy nháp trong tập dán tranh sưu tập của Joseph Scriven để bên cạnh giường bệnh, người ấy đã đọc bài thơ với rất nhiều sự chú tâm và hỏi Joseph có phải là chính ông đã thảo ra bài thơ ấy không. Joseph Scriven với sự khiêm nhường thường lệ đã trả lời, “Chúa và tôi đã đồng công cộng tác sáng tác ra bài thơ đó” Ông Sackville sao một bản cho mình và sao một bản khác gởi cho một tờ báo Cơ-đốc và bài thơ đã được in lần đầu tiên. Một số ít bài thơ của ông được xuất bản trong một tập nhạc với một cái tên đơn giản ‘Thánh ca và lời hát’.

Trong một cơn sốt, Joseph Scriven rời khỏi giường và tìm vào thiên nhiên. Ông ngã quị vì mệt lã và vấp té xuống một khe nước cạn chỉ sâu khoảng hai tấc và cách nhà khoảng 100m. Các bạn ông kể rằng: ông qua đời quì gối trong tư thế cầu nguyện….

Sau khi Joseph Scriven qua đời cũng vì tai nạn ngộp nước giống như người vợ chưa cưới của ông khi trước, người dân của Cảng Hy Vọng ở Ontario đã dựng đài kỷ niệm cho ông trên xa lộ Port Hope, Peterborough Highway, là tuyến đường đi ra từ hồ Ontario. Trên bia đá có khắc lời của bài thơ:

Ôi Jêsus Chúa ta là bạn thật,
Bằng lòng gánh tội lỗi chúng ta;
Ban ơn chúng ta hôm mai thân mật,
Trình cho Chúa ban tâm sự ta;
Bao lần ta bối rối ngập sầu tư,
Lắm lúc tâm hồn bổng bồi hồi,
Nguyên do chúng ta chẳng đem tâm sự,
Trình ra trước Jêsus mà thôi.

Ai trong chúng ta đang chịu thử rèn,
Hồn linh luống sầu não đảo điên;
Bao nhiêu khúc nôi không nao không thẹn,
Trình lên Chúa chẳng nên trì diên.
Ta tìm đâu thiết hữu bằng Ngài nay,
Sẵn xẻ chia đoạn khổ chẳng phiền?
Duy Jêsus rõ khúc nôi ta rày,
Vậy mau khẩn đảo nơi bệ thiêng.

Ai trong chúng ta bên lòng trìu trịu,
Nghìn sầu não chồng chất ngổn ngang?
Ta mau đến xin Jêsus lo liệu,
Ngài vui xuống phước, ban bình an.
Khi bạn anh chán bỏ và cười chê,
Khá đến khai trình hết cho Ngài,
Duy Jêsus ban an nhiên trăm bề,
Hằng che chở dưới tay quyền oai.

Cùng với bài thơ này là những dòng chữ sau: Cách đây bốn dặm về phía Bắc, tại nghĩa trang Pengally, là nơi yên nghỉ ngàn thu của một người nhân đức và là tác giả của đại tác phẩm này, đã được viết ra tại Cảng Hy Vọng vào năm 1857.

Người soạn nhạc cho bài thánh ca này là ông Charles C Conserve, chính ông là người đã đặt tên cho bài thơ ‘Cầu Nguyện Không Thôi’ thành bài thánh ca ‘Giê-xu Là Bạn Thật’. Ông Charles C Conserve là một Cơ Đốc nhân thành công và uyên bác, tài năng của ông này thì phải kể từ ngành luật pháp cho đến âm nhạc nhà nghề. Dưới bút hiệu là Karl Reden, ông là tác giả của vô số tài liệu giáo dục cho những phân khoa học đường khác nhau. Tuy nhiên dù cho ông là một nhạc gia và nhà hòa âm trứ danh với các tác phẩm âm nhạc được hòa tấu hát xướng bởi những ban nhạc và ban hát nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ lúc đương thời của ông, thì cuộc đời và sự nghiệp của ông được người ta nhớ đến nhiều nhất là dòng nhạc đơn sơ giản dị mà quý vị đương nghe đây, là dòng nhạc mà ông đã kết hợp thật tuyệt hảo với bài thơ ‘Cầu Nguyện Không Thôi’ của Joseph Scriven.

Bài thánh ca ‘Giê-xu Là Bạn Thật’ có lễ vẫn nằm trong bóng tối giống như cuộc đời của Joseph Scriven nếu đã không có nhà truyền giáo Dwight L. Moody là người gần hai mươi năm sau mới khám phá ra bài thánh ca này và đối với ông Dwight Moody thì đây là bản thánh ca cảm động nhất xưa nay. Chính ông Dwight Moody đã đưa bản thánh ca này lên hàng đầu qua các cuộc truyền giảng, các sự dậy dỗ và sách vở của ông đến nỗi người ta cứ tưởng rằng là bài thánh ca này được sáng tác tại Hoa Kỳ.

Nhà truyền giáo Ira D. Sankey khám phá ra bài thánh ca này vào năm 1875, đúng kịp thời vào lúc mà ông sắp xuất bản tập thánh ca nổi tiếng của ông mang tên là Thánh ca truyền giảng của Sankey tập 1 ( ‘Sankey’s Gospel Hymns Number 1’ ). Về sau nhà truyền giáo này đã viết “Bản thánh ca đã được đưa vào cuối cùng của tập nhạc lại đã trở nên là bản thánh ca được ưa chuộng nhất.”

Vào thế chiến thứ nhất thì nhạc điệu của bản thánh ca này lại được người ta đem xử dụng cho bài hát ‘When This Bloody War Is Over’ (‘Khi Cuộc Chiến Tranh Đẫm Máu Này Chấm Dứt’)

Bản thánh ca của Joseph Scriven đã được đem ra xuất bản trong suốt ba mươi năm đầu từ khi nó ra đời dưới nhiều hình thức khác nhau thế nhưng ông Joseph Scriven đã không nhận được tác quyền lợi tức nào từ trong suốt thời gian đó.

Xin kính mời quý thính giả hãy tiếp nhận và vui mừng chiêm ngưỡng tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho mỗi chúng ta qua bản thánh ca ‘GIÊXU LÀ BẠN THẬT’. Tình yêu đó được mô tả trong Kinh Thánh sách Giăng 15:13-15: Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm; nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta

Xin xem những bài đọc khác