Hạn Hán Trên Nước Úc

Mục sư Trần Thanh Tâm

Kính thưa quý vị,

Điều đang làm cho toàn nước Úc, từ chính quyền cho đến người dân quan ngại hiện nay không phải là đe dọa khủng bố, cũng không phải là xung đột giữa các cộng đồng sắc tộc khác nhau, cũng không phải là giá dầu xăng tăng cao, mà đề tài đang được nhiều thành phần trong nước bàn luận và lo ngại là: nạn hạn hán đang diễn tiến ngày càng trầm trọng hơn tại nhiều nơi trên nước Úc, nhất là các vùng trồng trọt, chăn nuôi xa thành phố, là những nơi mà nước mưa là mạch sống mùa màng và gia súc.

Thủ Tướng John Howard gần đây đã cảnh báo rằng nước Úc hiện đang chứng kiến một cơn hạn hạn tệ hại nhất trong lịch sử đất nước, có thể khiến cho lượng sản xuất lúa mì của quốc gia giảm sút đến 50%. Thủ Tướng Howard cũng đã hứa sẽ chi ra 350 triệu Úc Kim để trợ giúp cho các nông gia đang chịu ảnh hưởng của nạn hán hán nầy. Tổng Trưởng Ngân Khố Peter Costello hôm 12-10 vừa qua đã tuyên bố rằng: Nước Úc đang trải qua một cuộc “suy thoái vùng nông thôn”. Còn dân biểu quốc hội liên bang De Ann Kelly thì ví sánh tình trạng hạn hán hiện nay của nước Úc tệ hại chẳng khác gì thiên tai sóng thần đã xảy ra gần đây tại các nước Đông Nam Á. Ông Charles Burke, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Nông Nghiệp Quốc Gia phát biểu rằng: Nước Úc xưa nay chưa hề chịu một cơn hạn hạn giống như hiện tại và đây là cơn hạn hán nặng nề nhất của thế kỷ.

Nạn hạn hán và mất mùa tại Úc không chỉ ảnh hưởng trên các nông gia và nền kinh tế của nước nầy mà thôi, nhưng cũng đã khiến cho giá lúa mì trên thế giới gia tăng đến 32% trong tháng vừa qua. Các khoa học gia cho rằng sự gia tăng nhiệt độ của mặt nước biển làm thay đổi áp suất và dòng chảy của luồng nước ngầm bên dưới, và khiến cho thời tiết bình thường của cả thế giới thay đổi theo chu kỳ từ 2 đến 7 năm. Đây gọi là hiện tượng El Nino. Hiện tượng El Nino xảy ra năm 2003 đã khiến cho lượng nông sản xuất khẩu của nước Úc suy giảm 27%.

Tên gọi El Nino là tiếng Tây Ban Nha được các ngư phủ ở miền Nam Mỹ Châu đặt cho hiện tượng tại hại và khó giải thích nầy. El Nino oái oăm thay lại có nghĩa là “Hài Nhi Cứu Thế” (The Christ Child), lý do vì hiện tượng nầy thường xảy ra tại vùng Nam Mỹ Châu vào dịp liên hoan mừng Chúa Giáng Sinh.

Kính thưa quý vị,

Trên đời nầy không thiếu gì việc đặt tên sai lầm xảy ra. Có thể có anh mang tên có ý nghĩa rất mạnh mẽ, kiên cường mà lại là người rất nhút nhát! Có thể có cô mang tên rất đẹp, rất duyên dáng, nhưng lại là người thiếu nhan sắc và vô duyên!

Nếu trên đời nầy có một tên đặt vô cùng sai lầm thì phải nói là việc đặt tên cho một hiện tượng làm thay đổi thời tiết, nhiệt độ, gây hạn hán, phá hại mùa màng là El Nino, Hài Nhi Cứu Thế. Chúa Cứu Thế Giê-su từ trời đến thế gian nầy, mang lấy hình thể con người, chịu chết và sau đó sống lại, tất cả là nhằm mục đích đem sự giải cứu cho những người tin nhận Ngài ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi, tức là giúp cho người tin Ngài tránh được sự trừng phạt của Thượng Đế, là một hậu quả của việc con người phạm tội chống nghịch Đấng Tạo Hóa của mình. Thánh Kinh sách Rô-ma 5:8-10 trình bày rõ ràng chương trình cứu rỗi nhân loại của Thượng Đế như thế nầy: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào! Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!

Như vậy, chắc chắn kết quả của sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-su hoàn toàn khác hẳn với hậu quả của hiện tượng El Nino, là hiện tượng hiện tượng gây thiên tai, hạn hán khắp nơi. Chúa Cứu Thế Giê-su đến thế gian để cứu, chứ không đến để phá hại và hủy diệt. Ngài không phải chỉ là một con đường cứu rỗi, mà Ngài chính là con đường cứu rỗi duy nhất cho nhân loại. Thánh Kinh sách Tin Lành Giăng 14:6 ghi lời phán của Chúa Cứu Thế Giê-su về chính Ngài như thế nầy: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống, chẳng bời Ta thì không ai được đến cùng Cha.”.

Sự cứu rỗi mà Chúa Cứu Thế Giê-su mang đến cho nhân loại thường bị nhiều người hiểu rất phiến diện cho rằng đó là được hưởng sự sống vĩnh phúc trong đời sau mà thôi. Nghĩ như vậy là đúng nhưng không đủ. Chữ “cứu rỗi” được Thánh Kinh dùng bao gồm nhiều lãnh vực, chỉ về sự ban cho của Thượng Đế dành cho những người chịu tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su. Sự ban cho nầy của Thượng Đế, có thể ví như là một thùng quà lớn, trong đó có chứa nhiều gói quà. Khi một người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Cứu Chúa và làm Chủ đời sống mình, thì người đó nhận được sự “ban cho” của Thượng Đế ngay lập tức, chứ không cần phải đợi chết đi qua đến đời sau. Sự ban cho “cứu rỗi” nầy gồm có những điều sau đây:

  1. Được Thượng Đế tha thứ mọi tội lỗi vi phạm với Ngài, kể cả tội không thờ phượng Ngài. Thánh Kinh Thư Tín I Giăng 1:9 “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.
  2. Được Thượng Đế ban cho quyền làm con của Ngài. Thánh Kinh sách Tin Lành Giăng 1:12 “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài (Chúa Giê-su), thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.
  3. Được Thượng Đế xưng công bình, tức là được Chúa kể như là có đủ tiêu chuẩn để tương giao với Ngài. Thánh Kinh sách Rô-ma 3:23-24 “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-su Christ.
  4. Được giải thoát khỏi hậu quả của tội lỗi (sự chết đời đời của linh hồn), và được bảo đảm cho sự sống đời đời bên cạnh Thượng Đế trong nước thiên đàng. Thánh Kinh sách Tin Lành Giăng 3:16 “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Đây là sự đảm bảo của Thượng Đế cho người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su. Sự bảo đảm nầy có hiệu lực ngay khi một người chịu ăn năn tội và quỳ gối cầu nguyện tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su.

Kính thưa quý vị,

Bên cạnh việc ban sự cứu rỗi, Chúa Cứu Thế Giê-su còn ban cho người tin Ngài sự bình an và đời sống phước hạnh sung mãn trong hiện tại. Lời của Chúa Cứu Thế Giê-su phán được ghi trong sách Tin Lành Giăng 10:10 như thế nầy “Còn Ta đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật.” Một lần khác, khi đàm thoại với một phụ nữ người Sa-ma-ri bên cạnh một giếng nước, Chúa Cứu Thế Giê-su đã so sánh sự khác biệt giữa nước múc từ giếng và phước hạnh của sự cứu rỗi đến từ Ngài. Lời Chúa Cứu Thế Giê su được ghi trong sách Tin Lành Giăng 3:13-14: “Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi, nhưng uống nước Ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước Ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời.

Kính thưa quý vị,

Cơn hạn hán mà nước Úc đang đối diện có thể làm cho nhiều người lo ngại. Điều nầy chứng tỏ rằng khoa học kỹ thuật có thể phát minh và chế tạo ra nhiều máy móc tinh vi, nhưng cho đến nay con người vẫn chưa thể, và sẽ không bao giờ có thể tạo được tình trạng thời tiết ”mưa thuận gió hòa” trên đất nầy. Con người dầu cho có muốn, vẫn còn rất nhiều lãnh vực trong cuộc sống không thể thay quyền của Đấng Tạo Hóa được.

Thiên tai, dịch lệ, thường khi là sự “đánh thức’ của Thượng Đế, muốn cho con người biết được sự giới hạn và bất lực của mình, để sớm thức tỉnh mà quay trở lại thờ phượng Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, dầu cho sống trong cuộc đời đầy phấn đấu, ưu phiền nầy, giữa cảnh hạn hán của đất đai, người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su vẫn được bảo đảm cho một cuộc sống hạnh phúc, “tươi mát” tâm linh trong hiện tại và sự sống vĩnh phúc với Chúa trong đời sau.

Chúng tôi thật lòng mong muốn tất cả quý vị được hưởng những phước hạnh nầy trong Chúa. Xin quý thính giả nghe chương trình phát thanh nầy, là những người chưa tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình, hãy sớm tìm đến một Hội Thánh Tin Lành gần nơi quý vị đang sống, để tìm hiểu thêm về chân lý cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-su, và được hướng dẫn để cầu nguyện tin nhận Ngài.

Trân trọng kính chào quý vị.

Xin xem những bài đọc khác