Im Lặng Là Vàng (bài 1)

Les & Leslie Parrot

Kính chào quý thính giả,

Quý vị nên im lặng. Chúng tôi thật sự muốn khuyên là quý vị nên giữ im lặng.

Nếu quý vị đang có những căng thẳng với người vợ hay chồng của quý vị, thí dụ hai vợ chồng chưa thỏa thuận là có nên đổi công việc làm, có nên dọn nhà hay không, làm sao ghép con cái vào kỷ luật vv. và nếu quý vị hỏi ý kiến ai về những việc này, thì họ sẽ khuyên quý vị là “Anh chị nên bàn luận kỹ lại với nhau”.

Kính thưa quý thính giả,

Có những lúc chúng ta cần nói chuyện với nhau. Nhưng cũng có những lúc mà đối thoại trở nên không cần thiết, thậm chí có thể gây thương tổn cho nhau. Có cả một sự khôn ngoan và hiệu quả trong sự im lặng – im lặng bằng cách câu giờ, tránh đi nơi khác, hay đơn giản là chỉ ngậm miệng và tiếp tục các công việc thường nhật. Có ít nhất 6 trường hợp quý vị nên giữ im lặng:

1. Khi một trong hai người chưa sẵn sàng

Mời quý vị hình dung ra vào buổi tối, sau bữa cơm chiều, trong gia đình, người chồng đang đang tập trung để điền cho xong đơn khai thuế để kịp ra bưu điện gởi đi trong ngày mai là ngày cuối cùng của thời hạn khai thuế.

Lúc đó, người vợ tới gần và nói: “Chúng ta tính xem phải gởi tụi nhỏ ở đâu tối thứ năm này nghe anh”
Người chồng, đang tính toán sổ sách để khai thuế, ầm ừ: “Hả, cái gì?”
Người vợ tiếp theo: “Cô Sáu không biết cách trông chừng mấy sắp nhỏ đâu, nhưng chị An thì được. Nhưng sao mấy thằng con trai quậy quá khi chị An coi chừng tụi nó. Anh thấy có nên gởi mấy sắp nhỏ cho chị An không?”
Người chồng, mắt đang còn dán vào mấy hóa đơn thuế, trả lời “Chèn ơi, bây giờ lại cái gì nữa đây? Chị An nào vậy?”
Người vợ lập lại:“Cô Sáu hổng có coi sắp nhỏ được”
Người chồng lúc này mới ngước lên nhìn: “Hồi nào vậy?”
Người vợ phát bực lên: “Tại sao anh không bao giờ nghe tôi nói gì hết vậy?”

Kính thưa quý thính giả,

Người chồng có thể không lắng nghe vì quý vị bàn chuyện trong lúc người chồng chưa sẵn sàng. Bản thân tôi đã học đi, học lại lỗi lầm này. Tôi không nhớ hết đã bao lần tôi muốn bàn chuyện với nhà tôi khi anh ấy đang bận túi bụi vào một công việc nào đó, để rồi tôi thấy bị thương tổn trong lòng. Do vậy, xin quý vị hãy nghe tôi, nếu quý vị muốn bàn chuyện gì nhưng người phối ngẫu chưa sẵn sàng, thì quý vị ráng giữ im lặng. Hãy tỏ ra cho chồng hay vợ quý vị biết là quý vị có chuyện cần bàn. Có thể gợi ý như vầy: “Em muốn bàn chuyện gởi con với anh, khi nào anh sẵn sàng cho em biết. Anh có một ít thời giờ trước bữa ăn tối nay không?”. Chỉ cần như vậy thôi để chuẩn bị cho người phối ngẫu của quý vị một tư thế sẵn sàng tiếp nhận một cuộc đối thoại.

2. Khi quý vị đã nói về điều đó hàng triệu lần

Nếu trong tám năm qua quý vị đã cứ bảo anh ấy đừng máng áo khoác của mình trên lưng ghế của phòng ăn, hoặc là kể từ sau cái tuần trăng mật xa lắc xa lơ, quý vị vẫn đang cố gắng thuyết phục bằng nhiều cách để chị ấy bỏ đi cái tật trễ giờ, thì bây giờ đây là lúc quý vị quyết định phải chấm đứt không nói về việc ấy nữa. Cứ tiếp tục chỉ trích mãi hoặc đề nghị mãi một cách vô vọng không giải quyết được việc gì.

Ở đây không có ý khuyên là quý vị phải bỏ cuộc. Nhưng là quý vị phải bỏ cái thói cằn nhằn dai nhách kia. Nếu quý vị đã đòi hỏi, đã khuyến dụ, đã dọa nạt và đã phân tích cặn kẽ với anh ấy về cái việc hãy treo áo khoác vào trong tủ mà anh ta thì chẳng bao giờ chịu làm theo thì quý vị có vài cách: thứ nhất, quý vị quyết định đem áo và treo vào trong tủ cho anh ấy rồi đừng nói gì nữa về việc ấy; thứ nhì, quý vị cứ mặc kệ để áo ở đó và không nói gì hết; hoặc là thứ ba: quý vị khép môi và cầu nguyện cho việc này.

Cái điều chủ yếu ở đây là quý vị cần phải bỏ đi những mẫu đối thoại mà quý vị đang lập đi, lập lại, lập tới, lập lui. Bởi vì những điều này đay nghiến và nghiền nát cả hai vợ chồng quý vị.

3. Khi quý vị cần có thì giờ để suy nghĩ

Gần đây, chúng tôi có nói chuyện với một người bạn, là một cố vấn về ngành quản lý. Anh kể cho chúng tôi về nghệ thuật “trì hoãn vô cùng hiệu quả” được mọi người sử dụng trong nhiều công ty, và anh có hỏi chúng tôi có sử dụng nghệ thuật này trong hôn nhân của chúng tôi hay không. Chúng tôi rất tò mò về việc này.

Anh ta nói : “Ở trong công ty, nếu có ai vội vàng đề nghị một ý kiến mới với tôi trong lúc chạm mặt nhau trong hành lang, thì tôi nói: “Hay đấy nhỉ! Để tôi suy nghĩ về việc này”. Nhưng nếu tôi đang chạm mặt vợ tôi, thì tôi chắc đã nhanh chóng gạt phăng ngay đi” “Không, anh không thích đâu!’”. Xử sự như vậy, tôi chẳng khác nào một cậu bé mới lên năm tuổi vậy.”

Chúng tôi chợt hiểu ra ngay là anh muốn nói điều gì. Cái thâm ý muốn khống chế, áp đặt cảm xúc của người khác là điều mà hầu hết các cặp vợ chồng đều ngao ngán. Nếu anh ấy đề nghị một cuộc đi du ngoạn chèo thuyền trên sông nước, nhưng quý vị thì vội vã trả lời lại ngay tức khắc tràng giang đại hải rằng quý vị đang mơ ước một khu nghỉ mát cơ. Nếu chị ấy đề nghị đi qua nhà bạn để ăn barbeque, thì quý vị réo lên phản kháng rằng bạn sẽ chán chết đi được và quý vị cũng chẳng quen biết bạn của chị ấy là ai cả.

Nhưng hãy xem. Tại sao lại không nói như thế này: “Cho anh suy nghĩ một chút về việc này và sẽ cho em biết nghe”? Khi điều đình như thế, quý vị sẽ có thêm được thời giờ để đầu óc được tỉnh táo, để cân nhắc hơn thiệt về sự suy nghĩ của mình, đồng thời tránh việc bị áp lực phải trả lời ngay tức khắc. Làm như thế sẽ giúp quý vị có thì giờ để sắp đặt một một câu trả lời thật chín chắn.

Kính thưa quý thính giả. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày ba trường hợp khác mà quý vị nên giữ im lặng là thượng sách. Xin hẹn gặp lại quý vị.

(Michael Nguyễn & Tùng Tri phỏng dịch theo “Love Talk” của Les và Leslie Parrot)

Xin xem những bài đọc khác