Tùng Tri
Câu Chuyện Đau Buồn
Vì tình yêu, Thượng Đế đã đựng nên hai người đầu tiên là A-đam và Ê-va. Thượng Đế cũng dựng nên một thế giới trọn vẹn và tuyệt hảo và Ngài đặt hai con người đầu tiên vào thế giới xinh đẹp này. A-đam và Ê-va ở trong mối liên hệ khắng khít, gần gũi với Đấng Tạo Hóa mỗi ngày. Tuyệt đối không có những bóng tối ngăn cách giữa con người và Đấng Tạo Hóa. A-đam và Ê-va là bạn chí thân của Ngài và Ngài là bạn chí thiết của họ.
Nhưng A-đam và Ê-va không phải là những người máy, chỉ biết tuân theo những mệnh lệnh một cách máy móc. A-đam và Ê-va có quyền tự do lựa chọn, hoặc là yêu Chúa, hoặc là từ chối Ngài. Nếu họ không có quyền tự do lựa chọn, thì tình yêu mà họ dành cho Thượng Đế sẽ không thực sự là tình yêu, bởi vì chúng ta thực lòng yêu ai khi chúng ta tự nguyện yêu người đó mà không ở dưới bất kỳ một sự áp chế nào.
Những ngày đầu sáng tạo, A-đam và Ê-va đã lựa chọn yêu Thượng Đế. Nhưng sau đó, một sự kiện vô cùng đau buồn đã xảy ra, một sự kiện với sức tàn phá khủng khiếp, đem đến một hậu quả tai hại kéo dài mà chúng ta phải hứng chịu cho đến ngày nay. Điều đã xảy ra là A-đam và Ê-va đã chống nghịch lại với Thượng Đế. A-đam và Ê-va đã quyết định đi theo con đường riêng của mình và ngay trong lúc đó có thể cả hai đã không nhận thức rằng khi làm như vậy, họ cũng đã khước từ Thượng Đế và chối bỏ tình bạn với Ngài.
Câu chuyện đã xảy ra như sau. Thượng Đế bảo với A-đam và Ê-va rằng mọi thứ trong vườn Ê-đen là để cho họ tận hưởng, là sự chu cấp của Ngài cho mọi nhu cầu cho họ. Duy có một ngoại lệ là một cây mà Thượng Đế gọi là “cây biết thiện ác”, thì không được ăn, vì ngày nào ăn trái đó chắc chắn A-đam và Ê-va sẽ chết.
Một ngày nọ, một nhân vật thứ ba xuất hiện và đến gần A-đam và Ê-va. Nhân vật đó là một tạo vật của Thượng Đế, một thiên sứ sáng láng, rực rỡ, đầy vinh hiển và chỉ đứng nhì sau Thượng Đế. Tên của thiên sứ này là Lucifer, còn được mệnh danh là “con trai của buổi sáng”. Lucifer có bản tính cực kỳ kiêu căng, tự phụ. Đã từ rất lâu, Lucifer rắp tâm tiếm quyền của Đấng Tạo Hóa như đã từng tuyên bố: “Ta sẽ lên trời. Ta sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Thượng Đế. Ta sẽ lên cao hơn các đám mây: Ta sẽ như Đấng Chí Cao”. Chúng ta không sao hiểu hết về Satan và căn nguyên của việc ác, nhưng Satan cũng thực sự hiện hữu như Thượng Đế và một chân lý vô cùng quan trọng là Satan triệt để chống nghịch lại Thượng Đế và con người là tạo vật quý nhất của Ngài. Satan còn được mệnh danh là “lũ lừa gạt tất cả dân cư thế gian”, “kẻ tố cáo anh chị em của chúng ta”, “kẻ nói dối và là ông tổ của nói dối” và là “kẻ cám dỗ”. Satan rất khôn ngoan và quyền thế, và mục đích không bao giờ thay đổi của hắn là phá hủy mọi công trình của Thượng Đế, kể cả chương trình tốt đẹp mà Thượng Đế đã hoạch định cho bạn và tôi.
Satan đã dụ dỗ A-đam và Ê-va rằng Thượng Đế đã không nói sự thật. Hắn còn nhấn mạnh thêm rằng Thượng Đế đã dối gạt họ khi bảo với Ê-va rằng: “Chắc chắn không chết đâu! Thượng Đế biết rõ khi nào ăn, mắt anh chị sẽ mở ra, anh chị sẽ giống như Thượng Đế, biết phân biệt thiện ác.”
Hay nói một cách khác, Satan nói với họ rằng Thượng Đế không phải là một người bạn thật. “Bạn thì đâu có dối gạt. Cái “cây biết thiện ác” đâu có đến nỗi nào! Thực ra, nó còn tốt lành nữa là khác. Hễ ăn trái nó vào, là ngươi sẽ trở giống như Thượng Đế!”.
“Trở thành giống như Thượng Đế!”. Thực là một sự cám dỗ vô cùng mãnh liệt. Ngay trong giây phút khủng khiếp đó trong lịch sử nhân loại, A-đam và Ê-va đã xoay bỏ chân lý của Thượng Đế để tin cậy vào sự giả dối của Satan. Họ đã chống nghịch lại Đấng đã tạo dựng ra họ với cả tình yêu thương. A-đam và Ê-va, tổ phụ của loài người đã khước từ tình bạn với Thượng Đế và tự chọn cho mình một con đường riêng.
Sự chống nghịch lại Thượng Đế là bản chất trong mọi tội lỗi. Khi chúng ta phạm tội là lúc chúng ta đang chối bỏ lời của Đấng Tạo Hóa. Khi chúng ta phạm tội là lúc chúng ta nói rằng mình khôn ngoan hơn cả Thượng Đế và đường lối của chúng ta tốt đẹp hơn chương trình của Đấng Chí Cao. Có nhiều từ ngữ như “thiếu điểm”, “xoay lưng bỏ đi”, “thiếu hụt”, “những hành vi sai trái”, “sai trật luật lệ” hay “không tin kính” vv. được dùng để diễn tả tội lỗi. Nhưng tất cả những từ ngữ trên để quy về một sự thật, đó là: Tội là chống nghịch lại Thượng Đế.
Những gì đã xảy ra tại vườn Ê-đen năm xưa là khởi đầu cho những gì vẫn đang tiếp diễn trong ngày nay. Quyết định của tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va đang được tái diễn trong từng thế hệ và trên mỗi cá nhân. Chúng ta có tội, vì chúng ta đã chọn con đường riêng cho mình thay vì đi theo chương trình tốt đẹp của Đấng Tạo Hóa. Nếu chúng ta phủ nhận mình là người có tội, là bởi chúng ta cho phép lòng tự phụ của chúng ta làm lu mờ lương tâm chúng ta, và chính lòng tự phụ cũng là một tội lỗi.
Lời của Thượng Đế đã khẳng định: “Chẳng một người nào công chính, dù chỉ một người thôi. Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế.”
Hậu Quả Tàn Khốc
A-đam và Ê-va đã phạm tội và khước từ tình yêu của Đấng Tạo Hóa. Vì là thủy tổ của loài người, nên sự phạm tội của A-đam và Ê-va cũng giống như thượng nguồn của một con sông bị ô nhiễm. Nọc độc và tác hại của tội lỗi đã tràn lan qua các thời đại và các thế hệ, làm nhiễm độc mọi con đường nó chảy qua. Tất cả chúng ta đang gánh chịu hậu quả của tội lỗi bắt nguồn từ A-đam, như lời Kinh Thánh khẳng định: “Tại việc làm của một người mà tội lỗi nhập vào thế gian, rồi tội lỗi dẫn đến sự chết. Do đó mọi người phải chết – vì mọi người đều phạm tội”
Bạn đừng bao giờ xem thường hậu quả khủng khiếp về sự bội nghịch lại Thượng Đế của A-đam và Ê-va. Giống như những vi khuẩn gây chết người, tội lỗi của hai người đầu tiên này làm ô nhiễm tất cả mọi sự – không phải chỉ nhân loại, nhưng mọi loài thọ tạo. Tội lỗi sản sinh ra những trái đắng vấn vương khắp nơi trong đời sống chúng ta. Chúng ta hãy xem qua sáu hậu quả khủng khiếp của sự bội nghịch lại Thượng Đế.
Thứ nhất, sự chết đã đi vào thế giới này. Lẽ ra chúng ta không chết. Chúng ta được dựng nên một cách diệu kỳ, để làm bạn chí thân với Thượng Đế, không phải chỉ trong vòng vài chục năm ngắn ngủi của cuộc đời, nhưng cho đến đời đời. Tiếc thay, vì tội lỗi mà sự chết đã xâm chiếm trên mọi loài sống. Lời Kinh Thánh cho biết “Vì nghiệp báo của tội lỗi là sự chết” và cũng khẳng định rằng “Vì đã định cho mọi người phải chết một lần rồi chịu xét xử”. Y học ngày nay có thể kéo dài tuổi thọ con người được một vài năm, nhưng cuối cùng thì cái chết sẽ đến một cách đồng đều cho tất cả mọi người.
Thứ nhì, chúng ta bị chia cách với Thượng Đế. A-đam và Ê-va được Thượng Đế dựng nên và là bạn chí thân của Ngài. Nhưng khi hai người phạm tội, điều đầu tiên họ làm là tìm cách lánh mặt Ngài. Mặc cảm tội lỗi và xấu hổ tràn ngập tâm hồn họ. Tình bạn khắng khít giữa họ và Thượng Đế bỗng đỗ vỡ. Và từ đó, có cả một đại dương ngăn cách giữa chúng ta và Đấng Tạo Hóa như lời Kinh Thánh có mô tả “Nhưng tội lỗi ngươi đã đào hố thẳm giữa ngươi với Chúa; gian ác ngươi đã che lấp đến nỗi ngươi không thấy mặt Ngài, và Ngài không thể nghe tiếng ngươi cầu nguyện”.
Thứ ba, chúng ta bị chia cách với nhau. Thoạt đầu, A-đam và Ê-va sống bên nhau trong sự hài hòa, không chỉ với Thượng Đế nhưng với nhau nữa. Nhưng sự hài hòa đã bị phá hủy. Họ không chỉ trốn chạy Thượng Đế, nhưng còn đổ lỗi cho nhau như A-đam đã phân trần “Người nữ Ngài đặt bên con đã đưa con trái cây đó và con ăn rồi”. Kể từ giây phút đó, lịch sử nhân loại là những chuỗi ngày với những mâu thuẫn và rối loạn triền miên.
Thứ tư, chúng ta phải chịu sự xét xử của Thượng Đế. Ngài là thánh khiết tuyệt đối và tội lỗi là một sự xúc phạm đối với Ngài. Chúng ta đã vi phạm luật lệ thánh và yêu thương của Ngài. Trước vành móng ngựa trong tòa án công bình tuyệt đối của Ngài, chỉ có một lời tuyên án duy nhất: tất cả chúng ta đã phạm tội. Chúng ta có nghe lương tâm đang cáo trách chúng ta mỗi ngày, tội lỗi đang lên án chúng ta trong mọi nơi? Và cuối cùng chúng ta phải bị phán xét trong sự công bình của Đấng Tạo Hóa. Lời Kinh Thánh cho biết “Chúa là Thẩm Phán công minh” và lời ấy cũng báo trước rằng “Nhưng ai chịu đựng được ngày Ngài đến? Ai có thể đứng nổi khi Ngài hiện ra?“
Thứ năm, chúng ta trở thành nô lệ của tội lỗi. Những ngày còn gần gũi với Thượng Đế, A-đam và Ê-va được tự do trong tình yêu với Ngài và họ sống trong sự thuận phục với cả tấm lòng, linh hồn, ý chí và sức mạnh của họ. Nhưng kể từ khi bội nghịch, mọi điều đó không còn nữa. Tội lỗi như những cái vòi bạch tuộc xiết chặt quanh tâm hồn họ và bắt phục họ trở thành nô lệ cho nó. Hình ảnh Thượng Đế đầy yêu thương nhạt nhòa trong tâm hồn và họ không còn có thể yêu hay thuận phục Thượng Đế một cách trọn vẹn được. A-đam và Ê-va đã trở nên những người què quặt về thuộc linh và chúng ta cũng như vậy. Chúa Giê-xu có nói “Ta nói quả quyết, người nào phạm tội là nô lệ của tội lỗi”.
Thứ sáu, cả công trình sáng tạo đã bị hư hỏng. Chúng ta không thể hình dung nỗi thế giới nguyên thủy với sự an bình, chân mỹ, bất diệt và trọn vẹn là như thế nào. Tất cả đã bị hư hỏng vì sự hôi rửa của tội lỗi ngập tràn. Thượng Đế đã phán với A-đam “Vì con…nên đất bị nguyền rủa…sẽ mọc gai góc và gai độc” và triết gia Phao-lô đã trình bày “Vạn vật buộc phải ở trong tình trạng băng hoại”.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng tội lỗi là những việc làm sai trật. Điều này, dĩ nhiên là đúng, nhưng tội lỗi còn sâu sắc hơn thế nữa. Dưới cái nhìn của Thượng Đế thì một suy nghĩ xấu xa cũng tội lỗi như một hành động sai quấy. Khi tâm trí một người đang hướng về sự dâm ô, ghen ghét, giận dữ, cay đắng, ghen tức, tham lam, đố kỵ, ích kỷ, thậm chí cả nghi ngờ, là người đó đang phạm tội. Mười điều răn trong Kinh Thánh không những chỉ ra những hành động tội lỗi, nhưng cũng lên án những suy nghĩ và động lực đưa đến sự phạm tội. Chúng ta có thể che dấu những suy nghĩ thầm kín của mình trước mặt người khác, nhưng không ai có thể che dấu sự suy nghĩ này trước mặt Thượng Đế. Lời Kinh Thánh cho biết “Tâm linh trong con người là ngọn đèn của Chúa. Nó xem xét mọi nơi sâu kín nhất trong lòng”.
Kể từ khi phạm tội, con người đã đánh mất địa vị cao quý và đầy vinh hiển để rơi vào đáy vực ô nhục. A-đam và Ê-va đã bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen phước hạnh và phải cam sống như những tạo vật thất sủng. Từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, con người tìm đủ mọi cách qua tu hành, triết lý, tôn giáo, thậm chí cả khoa học để mong trở lại với cánh cổng thiên đàng ngày nào, nhưng tất cả chỉ là vô vọng mà thôi…
Khoảnh Khắc Diệu Kỳ
Một bá tước của thành phố Norfolk có lần đã gởi tặng đến hoàng đế Anh một cổ vật vô giá của gia đình như một sự bày tỏ về lòng yêu mến và ngưỡng mộ của ông đối với vị hoàng đế. Báu vật này là một bình sứ Portland, một loại đồ cổ quý hiếm được lưu giữ qua nhiều thế hệ trong gia đình. Để chia sẻ báu vật này đến cho cả quốc gia, hoàng đế Anh đã cho chưng bày chiếc bình cổ này tại viện bảo tàng quốc gia.
Sau đó một biến cố đã xảy ra. Người quản gia trong gia đình viên bá tước nọ âm mưu lật đổ để chiếm quyền. Nhưng kế hoạch thất bại và người quản gia bị tống khứ ra khỏi xứ.
Với lòng căm hận, người quản gia này thề sẽ gỡ lại sự sĩ nhục ngày nào. Nhớ lại báu vật vô giá mà viên bá tước đã tặng hoàng đế Anh, tên quản gia đã lên đường đến nước Anh, tìm đến viện bảo tàng quốc gia tại Luân Đôn. Sau khi quan sát và toan tính cẩn thận, tên này đã chọn ngày giờ để thực hiện ý đồ đen tối của mình. Một ngày, vào giờ cuối, khi khách thăm viện bảo tàng và những người trông nom đã thưa thớt, tên này đã nhảy qua những hàng rào cản, dùng hai tay chụp chiếc bình cổ quý hiếm. Sau đó, tên này nâng chiếc bình lên khỏi đầu và dùng hết sức mạnh để đập nó xuống sàn. Tiếng vỡ của chiếc bình đã gây sự chú ý của những người trông nom viện bảo tàng. Nhưng đã quá muộn. Chiếc bình vô giá giờ đây đã nát tan thành vô số những mãnh vụn, không có cách chi cứu vãn nỗi. Đau đớn và kinh ngạc, những nhân viên của viện bảo tàng chỉ còn biết quét gom lại những mãnh vỡ của chiếc bình mà thôi.
“Phải cất lại tất cả mọi mãnh vụn của chiếc bình” hoàng đế Anh ra lệnh khi nghe cái tin sét đánh trên. “Đây là món quà quý nhất của trẫm. Phải kiếm ra cho được người nào có thể phục hồi lại chiếc bình. Dầu giá nào cũng phải làm cho được!”.
Cuối cùng, người ta cũng kiếm ra được một nghệ nhân có thể phục hồi lại chiếc bình. Nghệ nhân này cư ngụ tại Tô-cách-lan và có liên hệ bà con với người nghệ sĩ đầu tiên sáng tác ra chiếc bình quý này. Trải qua mấy tháng trời ròng rã, với sự điêu luyện tài tình, người nghệ nhân này đã sắp lại tất cả các mãnh vụn của chiếc bình và cẩn thận gắn chúng lại với nhau.
Ngày nay chiếc bình Portland này vẫn còn đang được trưng bày tại viện bảo tàng Anh quốc và nếu chú ý, người ta có thể nhận ra những đường viền mờ nhạt trên chiếc bình đã được phục hồi.
Kể từ khi A-đam và Ê-va bội nghịch lại Thượng Đế và để cho tội lỗi khống trị đời sống con người, cuộc đời của mỗi chúng ta như một chiếc bình quý hiếm nay đã vỡ ra thành hàng ngàn mãnh vụn. Chúng ta đã đánh mất sự chân thiện, chân mỹ ban đầu và bị cách xa vời vợi với nguồn sự sống và nguồn hạnh phước. Thượng Đế có đủ lý do xứng đáng để vứt bỏ chiếc bình nay đã vỡ và trở thành vô dụng để sáng tạo nên một loài thọ tạo khác xứng đáng hơn. Nhưng vì tình yêu lớn lao quá lớn dành cho con người, Ngài đã không bỏ mặc con người trăn trở đời đời trong ô nhục của tội lỗi. Con người luôn luôn là tạo vật Ngài quý yêu nhất.
“Phải phục hồi lại chiếc bình. Dầu giá nào cũng phải làm cho được” chính là điều mà Thượng Đế đã hoạch định ngay sau khi A-đam và Ê-va phạm tội.
Thượng Đế đã phải trả giá bao nhiêu để phục hồi chúng ta trở lại với địa vị cao quý là bạn chí thiết, là con dân yêu quý của Ngài? Ngài đánh đổi với tất cả châu báu, ngọc ngà hay cả vũ trụ này chăng? Hơn thế rất nhiều. Ngài dùng cả thiên đàng để chuộc lại chúng ta? Còn hơn thế nữa.
Cách đây 2006 năm, Thượng Đế Ngôi Hai, Đấng sáng tạo ra cả vũ trụ và muôn loài, đã vượt trùng trùng tinh tú, từ miền thiên đàng cao sang, vinh hiển để đến thế giới này do chính tay Ngài đã dựng nên. Vua Thiên Đàng đã tự nguyện từ bỏ cung vàng điện ngọc để giáng thế làm người tại một chuồng chiên dơ bẩn, tồi tàn thuộc miền Bết-lê-hem. Đấng Tạo Hóa đã trở nên một em bé sơ sinh yếu đuối mang tên Giê-xu. Ngài được sinh ra làm con người như mọi chúng ta, để rồi có thể đại diện cho nhân loại, chết thay cho tội lỗi của chúng ta trên cây thập tự. Đấng ban cho sự sống được sinh ra để chết thế cho nhân loại, để giải thoát loài người khỏi sự hư mất đời đời.
Cách đây 2006 năm, phép lạ đã xảy ra trong một khoảnh khắc, một khoảnh khắc kỳ diệu nhất trong cả dòng lịch sử nhân loại.
Thời gian là những dòng thời điểm nối liền với nhau, trải dài đến vĩnh cửu. Thời gian là một chuỗi những thời điểm giống hệt như nhau, chạy dài từ quá khứ cho đến hiện tại và đang trôi về tương lai. Thời điểm này đến rồi đi. Thời điểm tiếp sau lại đến.
Nhưng trong cái chuỗi vô tận của thời gian, có một thời điểm không giống bất kỳ thời điểm nào trong cả dòng chảy của vĩnh cửu. Trong thời điểm lạ lùng đó, sự vô hạn của vĩnh cửu bỗng trở nên hữu hạn. Trong khoảnh khắc kỳ diệu đó, một sự nhiệm mầu đã xảy ra. Thượng Đế đã trở thành con người. Trong khi mọi loài thọ tạo dửng dưng, thì Đấng Tạo Hóa đã vào đời. Thiên đàng đã mở cửa để đặt Đấng Chí Thánh vào trong lòng người trinh nữ.
Thượng Đế với quyền năng tuyệt đối, trong một khoảnh khắc, bỗng trở thành một con người yếu đuối như mỗi chúng ta. Đấng Thần Linh bỗng trở nên xác thịt mà người ta có thể đánh đập, hành hạ hay dùng lao đâm thấu qua. Đấng mà cả vũ trụ không bao dung được nay trở thành một bào thai trong lòng một trinh nữ đơn sơ. Đấng tạo lập và vận hành cả vũ trụ bằng lời phán của Ngài lại lựa chọn để nương nhờ nơi sự chăm sóc của một thiếu nữ miền quê. Ngài được sinh ra để chết nhục nhã và đau đớn trên thập tự, làm một của lễ chuộc tội cho bạn và tôi.
Vì tình yêu vô đối, Thượng Đế đã đến thật gần với mỗi chúng ta. Để tìm kiếm những người lạc mất. Để tìm kiếm bạn và tôi.
Và tất cả đã xảy ra trong một khoảnh khắc. Một khoảng khắc diệu kỳ nhất trong dòng vĩnh cửu. Thượng Đế Ngôi Hai đã giáng thế làm người…
Xin xem những bài đọc khác