Lời Tâm Sự của Một Người Gởi Ðến Cho Một Người

Lu-ca 1:1-4

Kính thưa quý thính giả,

Trong tuần này và nhiều tuần tới, chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi và khám phá sách Phúc Âm Lu-ca. Để tiện việc theo dõi, xin quý vị chuẩn bị Kinh Thánh trên tay và mở ra sách Tin Lành Lu-ca khi theo dõi tiết mục này.

Hôm nay, chúng ta sẽ học bốn câu mở đầu sách Phúc Âm Lu-ca, trong chương 1 như sau:

1. Hỡi Thê-ô-phi-lơ quí nhơn, vì có nhiều kẻ dốc lòng chép sử về những sự đã làm nên trong chúng ta, 2. theo như các người chứng kiến từ lúc ban đầu và trở nên người giảng đạo đã truyền lại cho chúng ta, 3. vậy, sau khi đã xét kỹ càng từ đầu mọi sự ấy, tôi cũng tưởng nên theo thứ tự viết mà tỏ ra cho ông, 4. để ông biết những điều mình đã học là chắc chắn.

Kính thưa quý thính giả,

Trong tất cả các tác giả viết Phúc Âm, Lu-ca là người duy nhất không được biết Chúa Jêsus bằng xương bằng thịt. Ông không có mặt trong ba năm Chúa Jêsus thi hành chức vụ của Ngài trong thế giới này. Ông không được chứng kiến sự chết và sự sống lại của Ngài. Nguồn tài liệu ông dùng để viết nên sách Phúc Âm này là do thu thập từ các nhân chứng của các sự việc đã xảy ra. Ông đã thăm hỏi những người đã thực sự thấy Chúa Jêsus bằng xương bằng thịt như gia đình của Ngài, các môn đệ và bạn hữu của Ngài.

Câu thứ nhì trong chương đầu tiên của sách này cho thấy Lu-ca đang tường thuật lại các sự kiện “theo như các người chứng kiến từ lúc ban đầu và trở nên người giảng đạo đã truyền lại cho chúng ta”. Ở đây, Lu-ca không chú trọng đến những nhân chứng nhưng không trở thành người giảng đạo. Khi nói “người giảng đạo”, Lu-ca không chỉ về các tu sĩ hay các mục sư, nhưng ông muốn nói về những con người đang thi hành và làm theo ý chỉ của Ðức Chúa Trời. Chúng ta tin rằng mỗi người tin Chúa là một người đang thi hành và phục vụ Chúa Jêsus, bằng chính lời nói và chính đời sống mình, bất kỳ ở nơi đâu trong đời sống mỗi ngày, như nơi sở làm, nơi trường học, đang lúc mua sắm hay tiếp xúc với bạn bè vv. Những người thực hành đức tin và sống cho Chúa Jêsus đã cung cấp nguồn tài liệu của sách Lu-ca này.

Có một người kia thắc mắc về Ðức Chúa Trời. Anh đến gặp một người bạn cùng sở làm và cũng là tín đồ để hỏi. Người bạn trả lời “Anh cần một nhà thần học. Ðể tôi giới thiệu anh cho mục sư của tôi”. Khi gặp mục sư, anh được trả lời “Tôi không phải là nhà thần học. Tôi chỉ là một người rao giảng lời Chúa. Tôi học những điều này từ trường Kinh Thánh. Tôi đề nghị anh nên gặp vị giáo sư của tôi”. Không nản lòng, anh xin hẹn để gặp vị giáo sư trường Kinh Thánh. Khi được gặp mặt, anh hỏi “Thưa giáo sư, ông có phải là một nhà thần học không?”. Vị giáo sư lắc đầu “Không, không, tôi chỉ là một giáo sư. Tôi giảng dạy theo các sách thần học trong thư viện. Tôi đề nghị anh nên đi gặp tác giả của các sách thần học này”. Khi cuối cùng được sắp xếp để được gặp một tác giả rất quan trọng cuả các sách thần học, câu đầu tiên anh hỏi là “Thưa giáo sư, ông có phải là một nhà thần học không?”. Tác giả đó trả lời “Tôi chỉ là một nhà khoa học, quan sát và ghi chép lại những gì đã xảy ra. Nếu anh muốn kiếm một nhà thần học, anh nên đi gặp và nói chuyện với những người sống trung thực theo niềm tin trong nếp sống mỗi ngày”.

Kính thưa quý thính giả, đây là điều mà Lu-ca muốn chỉ đến. Lu-ca đã ghi chép lại từ các nhà thần học chân chính và trung thực trong thời đại của ông. Các tài liệu trong Phúc Âm Lu-ca đến từ những con người, không những được hân hạnh tận mắt chứng kiến cuộc đời và các công việc của Chúa Jêsus, nhưng cũng sống trung thực theo niềm tin vào Chúa Jêsus trong đời sống mỗi ngày.

Có lẽ một điểm nổi bật của sách Lu-ca là quyển sách này được viết riêng cho một người, tên là Thê-ô-phi-lơ. Có người cho rằng Lu-ca là sách được đón nhận rộng rãi nhất trong bốn sách Phúc Âm, vì cách viết theo lối kể chuyện, rất riêng tư, chỉ dành cho một cá nhân. Khi được viết riêng tư cho một cá nhân thì lại được đón nhận một cách rộng rãi, nhưng khi nhắm vào đại chúng thì lại bị lơ là. Có bao giờ quý vị thấy một người giảng đạo trên đường phố, la lớn vào tất cả người đi đường qua lại. Mặc dầu anh này đang giảng về Tin Lành, về sự cứu rỗi và về Chúa Jêsus, nhưng không ai dừng lại lắng nghe vì anh không nhắm vào một người nào cụ thể cả. Nhưng nếu có ai bắt đầu câu chuyện như thế này “Xin hãy lắng nghe, đây là câu chuyện dành riêng cho anh” thì người đối diện mới bắt đầu để ý đến, vì chúng ta thích những mẫu đối thoại có tính thân mật và cá nhân.

Phúc Âm Lu-ca, được viết riêng cho Thê-ô-phi-lơ, đạt được những chất lượng như vậy. Lu-ca thực sự đã mở đầu như sau “Này anh Thê-ô-phi-lơ, đây là một câu chuyện thật tuyệt vời dành riêng cho bạn thôi đó”. Và kể từ đó, cả thế giới đã say mê theo dõi những lời Lu-ca tâm sự với người bạn của mình.

Thê-ô-phi-lơ là một nhân vật cao cấp người Hy Lạp, cho nên Lu-ca đã mở đầu “Hỡi Thê-ô-phi-lơ quý nhơn”. Người này có thể đã tin Chúa Jêsus hoặc đang tìm hiểu về lẽ đạo. Tên “Thê-ô-phi-lơ” có nghĩa là “ Bạn của Ðức Chúa Trời”, có thể là một danh hiệu hay tên thật. Những câu đầu tiên giải thích lý do của những lời tâm sự này là “để ông biết những điều mình đã học là chắc chắn”. Thê-ô-phi-lơ đã được học hỏi về một số điều, nhưng Lu-ca muốn bạn mình biết. Như một sinh viên học hỏi một số lý thuyết trong trường, như chỉ thật biết cách tường tận và thực sự kinh nghiệm những điều đã học khi họ áp dụng các nguyên tắc vào trong thực hành. Đức Chúa Trời là một ngôi vị, không phải là một khái niệm trừu tượng. Một người có thể học hỏi, tìm hiểu về Đức Chúa Trời, nhưng chỉ thực sự biết và kinh nghiệm tình yêu và quyền năng của Đức Chúa Trời qua sự tin nhận Chúa Jêsus. Hay một cách đơn giản hơn, Lu-ca nói với Thê-ô-phi-lơ như vầy “Đây không phải là sự giảng dạy mới về khái niệm Đức Chúa Trời là gì. Tôi thật sự chỉ muốn anh biết và kinh nghiệm chân lý của Đức Chúa Trời qua con người mang tên Jêsus”.

Lu-ca cũng ghi “nên thứ tự viết mà tỏ ra” chứng tỏ Lu-ca có sắp xếp các vấn đề quan trọng theo một cách thức hợp lý và mạch lạc. Dường như Lu-ca đang nhắn nhủ với Thê-ô-phi-lơ như vầy “Anh Thê-ô-phi-lơ, tôi không hấp tấp đâu.Tôi muốn anh theo dõi dễ dàng và nhất là mình cần có nhiều thời giờ để học cho thật thấu đáo”.

Lu-ca không những muốn Thê-ô-phi-lơ biết mà thôi, nhưng phải biết một cách chắc chắn. Có một nhạc sĩ đàn violin trở lại thăm thầy dạy nhạc của mình. Anh hỏi “Thưa thầy, thầy có điều gì mới không?” Ông trả lời “Thầy sẽ chỉ con điều này mới”, nói xong ông thầy lấy cái nĩa âm chuẩn rồi gõ một cái. Nốt “La” vang lên thật rõ và trong. Ông nói “Con có nghe không? Đó là nốt “La”. Con biết không, trên lầu trên có một cô ca sĩ suốt ngày hát lạc điệu, bên phải nhà có một gã chơi đàn cello thật tệ, rồi bên trái có một cái đàn piano bị trật dây. Suốt ngày lẫn đêm, thầy bị những cái âm thanh khủng khiếp quấy rầy”. Nói xong ông thầy gõ vào cái nĩa âm chuẩn nốt “La” một lần nữa và nói “Con có nghe không. Cái này mới là đích thực cái nốt “La”, cái nốt “La” của ngày hôm qua, cái nốt “La” của ngày hôm nay và cũng là cái nốt “La” của ngày mai. Đó là nốt “La” đích thực, nguyên vẹn, không bao giờ thay đổi”.

Cũng tương tự như vậy, Lu-ca muốn Thê-ô-phi-lơ biết và kinh nghiệm Chúa Jêsus với một sự chắc chắn và quả quyết rằng “Chúa Jêsus Christ, trước sau như một, vẫn nguyên vẹn, trong ngày hôm qua, ngay trong hôm nay và mãi mãi về sau”.

Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại vào tuần tới.

Xin xem những bài đọc khác