Lưới Tình Trên Internet

Ngọc Diệp

Trên báo chí, radio và truyền hình, chúng ta vẫn thường đọc, thường nghe về các mẫu chuyện liên quan đến những mối tình internet, chẳng hạn như: Một cô bé mới 13, 14 tuổi ở Melbourne bỏ nhà lên Sydney để gặp “người trong mộng” mà em đã quen được qua internet! Xa xôi hơn, thì một phụ nữ người Hoa Kỳ đã bỏ lại chồng con sau lưng để di dân sang Úc làm đám cưới với một người đàn ông Úc mà bà ta đã quen được trên internet. Không phải lúc nào người ta cũng có một đoạn kết vui vẻ hạnh phúc cho cái mối tình internet của mình, mà nhiều khi cuộc tình ấy lại kết thúc một cách hết sức bi thảm cho mọi người trong cuộc.

Gần đây nhất tại Úc, là vụ án mạng trong gia đình họ Korp. Chuyện bắt đầu từ cái lưới tình trên internet. Joe Korp, người đàn ông đã một lần ly dị, hiện đang lập gia đình với bà Maria và đã có với bà này một đứa con trai khoảng 11 tuổi, bắt đầu làm quen với Tania Herman trong một ‘chat room’(phòng hội thoại). Sau một thời gian trò chuyện với nhau trên internet, họ bắt đầu hò hẹn nhau qua điện thoại cầm tay để gặp gỡ nhau và bắt đầu một cuộc tình vụng trộm. Cuộc tình vụng trộm này kết thúc bi thảm với việc Maria, vợ chính thức của Joe Korp, được tìm thấy trong cốp xe của chính bà ở bãi đậu xe tại Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong Melbourne vào ngày 13 tháng Hai năm 2005, bốn ngày sau khi bà biến mất khỏi căn nhà của chính mình và được báo cáo là mất tích. Với một số chứng cớ mà cảnh sát tìm được, người tình của Joe Korp là Tania Herman bị bắt ít lâu sau đó, ra tòa và bị kết án tù vì tội âm mưu sát nhân. Bà này sau đó đã khai với cảnh sát rằng âm mưu đó là do chính người tình của mình là Joe Korp chủ mưu, rằng bà chỉ là một con chốt đã bị người yêu dụ dỗ để giết tình địch. Về phần bà Maria, não bộ đã chết nhưng tim vẫn còn đập, bà sống đời sống thực vật bằng ống dẫn thức ăn gần sáu tháng. Đầu tháng Tám năm 2005, tòa cho phép bệnh viện Alfred tại Melbourne rút ống dưỡng khí và ống dẫn thức ăn cho bà, và bà qua đời ngày 05 tháng Tám. Ngay khi bà Maria qua đời và tang lễ đang được gia đình bà chuẩn bị, thì cảnh sát bắt đầu sửa soạn mọi thủ tục công tố để đưa chồng bà là Joe Korp ra tòa về tội sát nhân. Một tuần lễ sau, tức ngày 12 tháng Tám, tang lễ của bà Maria vừa kết thúc, thì ngay tối hôm ấy Joe Korp cũng tự kết liễu cuộc đời mình bằng cách treo cổ chết ngay trong chỗ để xe của căn nhà gia đình, bỏ lại đứa con trai 11 tuổi giờ đây mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cuộc tình -tưởng là chuyện đùa trên internet- kết thúc bằng hai cái chết bi thảm của vợ chồng Maria-Joe Korp và một án tù 15 năm cho Tania Herman. Căn nhà một thời được cả hai vợ chồng dồn hết tiền bạc và tâm huyết, chung sức xây dựng ở vùng Mickelham, ngoại ô phía Bắc thành phố Melbourne, với ước mong sẽ trở thành một mái ấm gia đình ‘Home Sweet Home’ cho cả vợ chồng con cái cùng chung hưởng, giờ đây được đem bán đấu giá mà chính nhân viên địa ốc cũng chẳng dám bảo đảm sẽ được giá cao!

Đôi khi trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng được nghe kể vài câu chuyện đại khái như: Vợ chồng anh A, chị B vừa có chuyện lục đục cãi nhau thì đùng một cái anh A dọn ra khỏi nhà và chỉ vài tuần sau đã ‘dung dăng dung dẻ’ với một bà ‘single mum’(người mẹ độc thân) mà anh A đã làm quen được trên internet; hoặc ông X vừa ly thân với vợ là đã bay về Việt Nam ngay để gặp gỡ cô Y mà ông đã quen trên internet… Những câu chuyện tình qua internet, nghe thì cứ tưởng ở đâu xa xôi, và biết đâu chỉ là chuyện vẽ vời, tưởng tượng, thổi phồng của người khác, sẽ chẳng bao giờ có liên quan gì đến mình, một hôm bỗng trở thành hiện thực trong cuộc sống của chính người Việt.

Đứa cháu gái 13 tuổi một đêm gọi điện thoại cầm tay đến với giọng hoang mang sợ hải: “Cô Tư ơi, cô tới nhà con liền được không cô Tư? Ba má con đang cãi nhau, mà khóc dữ lắm cô Tư ơi… Vì ‘sứ giả hòa bình’ không đành từ giã nệm ấm chăn êm giữa một đêm đông giá buốt nên chỉ còn biết ngồi nghe cô em dâu than khóc, tâm sự hàng giờ đồng hồ qua điện thoại về việc cô đã bắt được quả tang chồng cô… ngoại tình trên internet! Tôi chỉ còn biết lắc đầu thở dài. Cái thằng em trai tưởng đâu là ‘hiền lành đến độ khù khờ’ ‘chân chỉ hạt bột’ đến thế mà bây giờ cũng bày đặt chuyện mèo chuột lúc tóc đã ngã mầu muối tiêu, dù là chỉ mèo chuột qua máy computer. Hỏi em trai, thì nó một mực cho rằng nó chẳng bao giờ có ý ngoại tình hay bỏ vợ bỏ con, và chuyện quen biết cô này cô nọ trên các chat room chỉ là chuyện đùa giỡn cho vui qua ngày tháng mà thôi. Nó tự biện hộ rằng nó vẫn đi làm và vẫn đầy đủ bổn phận với gia đình, vẫn cắt cỏ, lo vườn tược, thậm chí đôi khi còn rửa chén cho vợ hoặc đưa, rước con đi học. Theo lời nó thì việc nó có quen hoặc có dành thì giờ trò chuyện với bạn bè trên internet cũng chẳng có gây trở ngại hay tổn hại gì đến gia đình cả.

Chuyện bắt đầu bằng một chuyến công tác xuyên tiểu bang, sau giờ làm việc nó đến thăm một người bạn thân lúc còn đi học hiện vẫn sống độc thân. Anh chàng này lúc ấy đang ngồi trước máy computer để trò chuyện trong một phòng hội thoại của nhóm mà anh ta quen biết. Thế là em trai tôi đã được giới thiệu với mọi người và được hoan nghênh nhiệt liệt. Toàn là các cô gái độc thân, dễ thương, vui tính, kể toàn những chuyện tiếu lâm vui vẻ, vô thưởng vô phạt. Có hai cô ở Úc, còn phần lớn ở Việt Nam, cô nào cũng có một cái tên thơ mộng như Đoan Trang, Tuyết Nhi, Annie, Tina và tự giới thiệu mình đang trong lứa tuổi sung mãn của đời sống thanh xuân. Cô nào có webcam thì hình ảnh lại còn hiện lên trên màn hình của máy computer cho người đối diện xem mặt nữa. Nhiều cô ăn mặc hết sức mát mẻ vì theo lời cô nói “hôm nay ở Sài Gòn nóng lắm”. Em trai tôi cũng mang một lý lịch giả khi gia nhập phòng hội thoại này. Nó tự cho phép mình trở thành một anh chàng độc thân vui tính, tuổi tác đã được nó tự động giảm xuống hơn 10 tuổi, mà theo lời nó nói – là để dễ dàng hội nhập với các người bạn trẻ tuổi để nói chuyện cho vui mà thôi. Sau một hồi tâm sự, tôi mới biết em trai tôi từ phòng hội thoại này đã tiến sang giai đoạn trao đổi số điện thoại cầm tay để đôi bên thỉnh thoảng điện thoại thăm hỏi nhau cho vui. Nghe đến đây, tôi chỉ còn biết than thầm, tức cho cái thằng em trai ‘già đầu mà vẫn còn nhẹ dạ’của mình. Từ ngày lập gia đình đến nay, ‘hồ sơ lý lịch’ của nó hoàn toàn trong sạch, trắng phếu, chẳng có chút tì vết gì trong việc mèo chuột hoặc đùa giỡn cợt nhã với phụ nữ. Vậy mà bây giờ khi đầu đã có hai mầu tóc, lại dính dáng vào ba cái vụ đùa giỡn lăng nhăng, lãng phí thì giờ một cách vô ích, vô lý trên internet làm cho vợ nó phải giận hờn. Em tôi hết lời biện bạch rằng việc nó quen cô này cô nọ trong phòng hội thoại chỉ là chuyện nghịch ngợm, đùa giỡn cho vui chứ thật tâm nó chưa bao giờ nghĩ đến việc gặp gỡ và sẽ tiến xa hơn như lời mời gọi của các cô bạn trẻ.

Nếu biết trước mình sẽ phạm tội này tội nọ, làm điều ác này làm điều ác nọ, có lẽ con người sẽ chẳng bao giờ phạm tội và làm điều gì gian ác. Đã có tội nhân nào đứng trước tòa án mà nói rằng tôi ăn cắp vì thích ăn cắp, giết người vì thích giết người? Có lẽ điều này chưa từng xẩy ra. Nhiều kẻ hiếp dâm đã khai với tòa án rằng vì cô gái kia ăn mặc hở hang nên đã làm cho họ phạm tội, kẻ giết người lại đổ thừa rằng vì họ đã bị người kia chọc giận trước, kẻ ngoại tình lại đổ lỗi rằng vì người vợ hoặc người chồng không đem lại cho họ hạnh phúc trong gia đình. Kinh thánh trong sách Gia-Cơ 3:5a có nói rằng: “Hãy xem một mồi lửa nhỏ đốt cháy cả khu rừng lớn biết bao.” Thật vậy, tội lỗi bắt đầu nhem nhúm trong lòng người chỉ bắt đầu bằng một ý nghĩ rất nhỏ bằng đầu một que diêm, rồi dần dần nung đốt dục vọng và tư tưởng của người ấy cho đến lúc người ấy thật sự phạm tội, làm điều mà mình chẳng bao giờ định làm từ lúc ban đầu. Sau khi đã phạm tội rồi, người ta có khuynh hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh xã hội, cho những người xung quanh mình, thậm chí có khi còn đổ lỗi cho ‘Ông Trời’ đã sinh ra mình nữa. Kinh thánh (sách Gia-Cơ 1:13-15) nhấn mạnh rằng: “Người đang bị cám dỗ đừng nên nói: ‘Sự cám dỗ này đến từ Chúa’ vì Đức Chúa Trời không cám dỗ ai, cũng không bị điều ác nào cám dỗ. Nhưng mọi người bị dục vọng mình lôi cuốn và quyến rũ. Dục vọng thai nghén sinh ra tội lỗi; tội lỗi trưởng thành sinh ra sự chết.

Ngày nay người ta thường xuyên nói đến những mối liên hệ gia đình bị gẫy đổ, nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ đưa đến tình trạng ly thân, ly dị và các gia đình không hạnh phúc làm ảnh hưởng đến cuộc đời của con cái. Khi nghe chuyện của người khác, chúng ta thầm ước xin Thượng Đế chừa gia đình của chúng ta ra khỏi những con số thống kê của các gia đình không hạnh phúc. Nhưng bản thân chúng ta đã làm gì cho gia đình của mình? Chúng ta đã làm đủ chưa? Một số người đã dành thì giờ cuối tuần để nhậu nhẹt với bạn bè, để chơi game hoặc đi đến các sòng bạc, một số người khác lại dành thì giờ để đùa giỡn với nhưng cái lưới tình trên internet mà họ cho là vô hại, chỉ là chuyện đùa, chuyện giỡn, quen cho vui mà thôi… Cho tới bao giờ chúng ta mới chịu quay lại để nhìn chính gia đình của mình? Chúng ta có nhận thấy rằng các mối liên hệ gia đình mình đã rạn nứt vì từ lâu vợ chồng, con cái ai nấy đều bận việc riêng, chẳng có chút thì giờ để tâm sự, hoặc lắng nghe tâm sự của nhau, chẳng ai còn hiểu ai được nữa vì mọi người đều cố gắng đi tìm niềm vui và hạnh phúc cho riêng mình? Chúng ta có nên nhìn lại gia đình và tự hỏi chúng ta sẽ làm gì cho vợ, chồng, con cái, cha mẹ của mình chính ngày hôm nay?

Xin xem những bài đọc khác