Một Cuộc Đời Phước Hạnh (bài 1)

Vũ Nguyễn Thiên Ái

Năm hết, Tết đến, chúng ta thường trao nhau những lời chúc thật tốt đẹp. Nào là chúc nhau năm mới phát tài, chúc nhau được mạnh khỏe, chúc nhau được giàu sang. Hay văn vẻ hơn một chút thì người ta lại chúc câu ‘Ngũ Phúc Lâm Môn.’ Nhưng tựu trung, chúc gì thì chúc, chữ “Phước” vẫn là một trong những chữ được ưa chuộng nhất.

Thật thế, phước hạnh là một trong những điều ao ước tốt đẹp nhất mà ai cũng muốn có. Lời chúc cho một năm phước hạnh quả là một lời chúc tốt lành, rất có ý nghĩa để chúc và được chúc.

Nhưng như thế nào mới là phước hạnh thật sự? Đối với đa số chúng ta, ý niệm về phước hạnh thường hàm chứa một cuộc đời ….vạn sự như ý; bình an, giàu có, êm đềm, không bịnh tật, chẳng tai họa gì xâm lấn. Trên thực tế, chúng ta chẳng bao giờ có thể có được những kinh nghiệm tuyệt hảo như thế. Thế nhưng, Thánh Kinh quan niệm về một cuộc đời có phước như sau, ‘Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng’ (Thánh Thi 1:1).

Tuần này, Đời Sống Phước Hạnh xin kính mời quí vị nghe câu chuyện về cuộc đời của một cô gái tên là Roberta Langella, một cuộc đời phước hạnh chẳng những cho chính mình mà cho rất nhiều người xung quanh. Một cuộc đời dầu đã qua đi, vẫn đã và đang sanh rất nhiều bông trái theo thì tiết…..

Tôi được sanh ra thứ tư trong một gia đình có sáu anh chị em. Chúng tôi cư ngụ ở Brooklyn, New York. Cha tôi là một người rất siêng năng. Ông làm việc rất cực nhọc để đem lại miếng cơm, manh áo cho gia đình và thậm chí còn cho tất cả chúng tôi vào trường tư thục công giáo nữa. Tôi tưởng rằng mình thật là diễm phúc được sinh ra trong một gia đình êm ấm như thế.

Nhưng rổi năm tôi lên mười một tuổi, một cách thật bất ngờ, gia đình tôi phải dọn về Florida, ở cạnh ông bà ngoại tôi. Chuyến đi này không có cha tôi đi cùng.

Tôi đã chẳng nhận biết được sự căng thẳng đã nảy mầm từ lâu giữa cha mẹ tôi. Chính những căng thẳng này đã dẫn đến cuộc hôn nhân gãy đổ của họ. Và cũng từ ấy, thế giới của tôi đã hoàn toàn bị đảo lộn.

Chỉ trong vòng một hai năm, tôi đã bắt đầu biểu lộ sự đau khổ của mình bằng hành động. Tôi bắt đầu uống rượu và hút cần sa. Không lâu sau đó, mẹ tôi tái giá. Việc bà bứơc đi một bước nữa đã làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn. Dường như ngày nào chúng tôi cũng đều gây gỗ cả.

Ở tuổi mười sáu, tôi đã trở về New York để sống với Cha tôi. Cuộc sống tại đây cũng chỉ kéo dài được một năm. Cũng chẳng có gì khá hơn! Tôi đã bỏ học, và bắt đầu cuộc sống lang thang, rày đây, mai đó trên khắp miền đất nước.

Một năm sau, tôi trở về New York và sống chung với một người đàn ông gấp đôi tuổi tôi. Sâu thẳm trong đáy lòng tôi, tôi chỉ muốn được một người nào đó, bất cứ một người nào, yêu thương và chăm sóc tôi. Tuy nhiên, thật là kém may mắn cho tôi, anh chàng này là một kẻ nghiện ngập. Chằng bao lâu, tôi cũng giống như anh, trở thành con nghiện thứ thiệt. Trước là cần sa, rồi sau đó là ma túy. Tôi cũng bị quá liều rất nhiều lần.

….Đó là một đêm kinh hoàng năm 1980. Tôi chẳng biết mình tiêm bao nhiêu thứ thuốc khác nhau, chỉ biết rằng theo lời người ta kể lại thì tim tôi đã ngừng đập. Người bạn trai của tôi lập tức trốn đi vì sợ rằng cái chết của tôi có thể liên lụy đến anh. Tôi đã bị bỏ mặc trên một tầng lầu cao, một mình chống chọi với tử thần….Nhưng bởi ân điển của Thượng Đế, một người kia đã khám phá ra tôi và gọi cho dịch vụ khẩn cấp 911. Thế là xe cứu thương tới, cấp cứu cho tôi.

Sau vụ này, tôi cảm thấy cuộc đời mình thật là bất hạnh. Tôi chắc rằng trong mắt của mọi người, tôi chẳng là gì cả ngoài trừ một con số không to tướng. Suy nghĩ này đã đẩy tôi vào nhiều mối quan hệ thật trụy lạc và băng hoại.

Khoảng năm 1982, tôi và bạn trai mới của tôi thuê một căn phòng trên tầng lầu hai của một shop bán hoa, cạnh bên nhà thờ Brooklyn Tabernacle. Dĩ nhiên chúng tôi chẳng hề thích thú chi với những sinh hoạt đang xảy ra tại đó.

Bạn trai của tôi là một người rất bạo hành. Anh ta hầu như đánh đập tôi rất thường xuyên. Một ngày kia, anh tát tai tôi mạnh cho đến nỗi tôi bị thủng luôn cả màng nhĩ. Nhưng cứ hễ mỗi lần gây gỗ là mỗi lần tôi lại năn nỉ, ỉ ôi van xin hắn ta: “Anh đừng bỏ em!” Nhiều khi tôi giận chinh mình vì thấy mình quá yếu đuối. Nhưng tôi thà là bị đánh đập tàn nhẫn như thế còn hơn là bị bỏ rơi, phải sống một mình đơn độc. Tôi không thể nào chịu đựng được cảnh đó.

Tôi nhớ một chiều Chúa nhật nọ, khi đã quá căng thẳng, tôi dọa hắn: “Tôi thật chán sống, tôi sẽ tự tử vì thấy cuộc đời này chẳng có gì thích thú cả.” Ngồi chễm chệ trên ghế bành xem bóng đá, hắn chẳng buồn nhìn lên. Hắn nói: “Tôi đang bận xem đội Jets đấu, đừng làm phiền tôi, đợi chút nghĩ giữa hiệp hãy nói.” Và thế là hắn chẳng buồn để ý gì đến tôi.

Chẳng biết bằng cách nào, tôi vẫn tiếp tục công việc của mình, hầu bàn trong một quán rượu. Tôi vẫn nhớ những buổi chích chóac liên tục mà chúng tôi gọi là “shooting galleries.” Mỗi lần như thế, có khoảng hai ba chục người tụ họp lại chích choác cùng một lúc và dĩ nhiên là chúng tôi dùng chung kim chích.

Thường thường, gần rạng sáng sau khi chỗ làm tôi đóng cửa là lúc ấy tôi bắt đầu những sinh hoạt ngoài giờ của mình. Những sinh hoạt này có thể nói là rất điên loạn ngay cả cho những kẻ điên loạn nhất. Quí vị sẽ chẳng bao giờ muốn biết những hành động tội phạm tàn nhẫn và hung dữ ấy đâu.

Hết việc rồi thì cuối cùng tôi cũng trở về nhà. Trong lúc tôi cúi gầm mặt xuống, bước ra khỏi đường hầm trong chiếc áo khóac da màu đen thì ở vỉa hè bên kia, một hàng dài người đang đứng sắp hàng, chờ đợi nhà thờ Brooklyn Tabernacle mở cửa để vào. Tôi trợn mắt nhìn họ với cái nhìn đầy ác cảm và hai hàm răng tôi nghiến chặt lại. Những khuôn mặt tươi vui và hạnh phúc của họ làm lòng tôi trào dâng niềm oán hận.

Chen lấn, xô đẩy vượt qua khỏi đám đông, tôi đi như chạy lên lầu. Khốn nỗi cửa sổ phòng ngủ của tôi lại đối diện với hành lang của nhà thờ và tôi chẳng tài nào tránh khỏi âm thanh của những bài thánh ca vang vọng, xuyên qua từ bức tường bên kia. Những bài thánh ca như “Jesus yêu tôi,” hay “Tôi được sạch…” đã trở nên quen thuộc đối với tôi. Có cái gì trong những giai điệu của những bài hát ấy đã làm cho lòng tôi tan chảy ra dầu rằng đã có rất nhiều lần tôi hết sức tự kềm chế. Tôi thầm hỏi mình: “Điều gì sẽ xảy ra cho tôi nếu tôi đặt chân về phía bên kia bức tường để vào bên trong nhà thờ?” Không! Sẽ chẳng bao giờ có chuyện đó. Tôi chắc ăn như bắp rằng chẳng bao giờ Chúa Jesus có thể yêu một người hư đốn như tôi cả!..

Kính thưa quí thính giả, vì thời gian có hạn, tiết mục Đời Sống Phước Hạnh xin tạm dừng nơi đây. Mời quí thính giả đón nghe phần cuối của câu chuyện trong chương trình phát thanh kỳ tới.

Xin xem những bài đọc khác