Năm Ngôn Ngữ Tình Yêu – Trẻ Em Với Ngôn Ngữ Của Tình Yêu (2)

Dr. Gary Chapman

Kính thưa quý thính giả,

Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu và nhận ra rằng các em cũng diễn đạt và mong đợi sự đáp ứng trong tình yêu bằng năm ngôn ngữ cũng như những người trưởng thành yêu nhau. Chúng ta cũng đã có dịp nói về ngôn ngữ đầu tiên là “Lời Khẳng Định”. Trong tuần này, kính mời quý vị theo dõi sự trình bày của tiến sĩ Gary Chapman với 4 ngôn ngữ còn lại.

Thời gian chất lượng có nghĩa là dành cho trẻ sự chú ý không bị chi phối. Đối với trẻ còn bé, đó là ngồi xuống sàn, lăn bóng tới lui với bé. Chúng ta phải nói chuyện chơi xe hơi và búp bê. Chúng ta phải nói chuyện chơi với cát và xây lâu đài trên cát, xâm nhập vào thế giới của trẻ, cùng làm công việc với trẻ. Có thể là bạn là người lớn đang sống với máy vi tính, nhưng con bạn đang sống trong thế giới trẻ em. Bạn phải tụt xuống trình độ nếu muốn đưa nó lên thế giới của người lớn.

Khi trẻ lớn lên và phát triển những sở thích mới, bạn lại phải bước vào những sở thích đó nếu muốn đáp ứng nhu cầu cho nó. Nếu trẻ đi vào bóng rổ, hãy yêu thích bóng rổ, dành giờ chơi bóng rổ với trẻ, đưa trẻ tới những trận đấu bóng rổ. Nếu trẻ thích dương cầm, có lẽ bạn phải học dương cầm hoặc ít ra cũng phải tập trung chăm chú lắng nghe một phần thời gian thực tập của trẻ. Dành cho trẻ sự chú ý không bị chi phối nói lên sự quan tâm của bạn, cho thấy trẻ quan trọng đối với bạn và bạn thích ở bên cạnh trẻ.

Nhiều người lớn, nhìn lại tuổi thơ của mình, chẳng nhớ được bao nhiêu lời cha mẹ đã nói, nhưng vẫn nhớ những việc cha mẹ làm. Một người lớn nói: “Tôi nhớ cha tôi không bao giờ bỏ qua những cuộc tranh tài thể thao thời trung học của tôi. Tôi biết ông quan tâm đến việc tôi làm.” Đối với người ấy, “Thời gian chất lượng” là cách truyền đạt tình yêu cực kỳ quan trọng. Nếu “Thời gian chất lượng” là ngôn ngữ yêu thương chính của con bạn và bạn nói ngôn ngữ đó, rất có thể nó sẽ để cho bạn dành thời gian chất lượng cho nó ngay cả suốt những năm niên thiếu. Nếu bạn không dành thời gian chất lượng cho nó thời thơ ấu, có thể nó sẽ tìm sự chú ý của bạn cùng lứa suốt những năm niên thiếu và bỏ rơi cha mẹ là những người có thể vào lúc đó đang khao khát khủng khiếp được có thêm thời gian bên cạnh con cái mình.

Nói về ngôn ngữ quà tặng, nhiều cha mẹ và ông bà nói ngôn ngữ quà tặng cách thái quá. Thật ra khi viếng những cửa hàng đồ chơi, người ta tự hỏi có phải các bậc cha mẹ cho đó là ngôn ngữ yêu thương duy nhất hay không. Nếu có tiền, cha mẹ hay có khuynh hướng mua nhiều quà cho con. Một số cha mẹ cho rằng đó là cách bày tỏ tình thương tốt nhất. Một số cha mẹ cố gắng làm cho con cái những điều mà cha mẹ họ không thể làm cho họ. Họ mua những món quà họ mơ ước hồi nhỏ. Nhưng trừ khi đó là ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ, quà tặng có thể chẳng có ý nghĩa bao nhiêu về tình cảm đối với trẻ. Phụ huynh có ý tốt, nhưng có thể không đáp ứng nhu cầu tình cảm thỏa đáng cho con qua việc cho quà.

Nếu quà bạn cho nhanh chóng bị ném qua một bên, nếu trẻ ít khi nói “cám ơn”, nếu trẻ không chăm sóc quà bạn tặng, nếu trẻ không quý trọng những quà đó, có thể là “Quà tặng” không phải là ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ. Ngược lại, nếu con bạn đáp ứng với lòng biết ơn thật nhiều, nếu trẻ đem khoe món quà với người khác và ca tụng bạn với người khác vì đã mua quà, nếu trẻ nâng niu món quà, nếu trẻ đặt quà vào chỗ nổi bật nhất trong phòng và giữ cho bóng loáng, nếu trẻ thường chơi với quà suốt thời gian lâu dài, thì có lẽ “Quà tặng” là ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ.

Nếu con bạn có ngôn ngữ yêu thương chính là “Nhận quà” mà bạn lại không đủ tiền mua nhiều quà thì sao? Hãy nhớ, không phải chất lượng hoặc giá cả món quà, mà chính “ý nghĩ mới quan trọng.” Nhiều quà tặng có thể do tự làm lấy, nhưng đôi khi trẻ lại quý trọng quà đó còn hơn món quà đắt giá mua ngoài cửa hiệu. Thật ra trẻ con thường thích chơi với hộp đựng quà hơn là với chính món quà đựng trong hộp. Bạn cũng có thể tìm những đồ chơi đã bỏ, rồi tân trang lại. Tiến trình tân trang có thể trở thành một dự án cho phụ huynh cùng làm chung với con mình. Bạn chẳng cần phải có thật nhiều tiền mới có được quà cho con mình.

Kính thưa quý thính giả,

Nói về hành động phục vụ, khi con còn bé, cha mẹ liên tục làm những “hành động phục vụ” cho chúng. Nếu không làm thì con họ sẽ chết. Tắm rửa, cho ăn, và mặc áo quần, tất cả đều đòi hỏi nhiều công sức, trong năm năm đầu đời của trẻ. Tiếp theo là nấu nướng, giặt giũ và ủi đồ. Sau nữa là gói theo bữa ăn trưa, làm dịch vụ đưa đón, và giúp làm bài ở nhà. Những việc như thế bị nhiều trẻ xem thường, nhưng đối với nhiều trẻ khác, thì đó là biểu lộ của tình yêu.

Nếu con bạn thường tỏ ra quý trọng những hành động phục vụ bình thường, thì đó là đầu mối cho thấy những hành động đó quan trọng với chúng về mặt tình cảm. Những hành động phục vụ truyền đạt tình yêu rất có ý nghĩa. Khi bạn giúp chúng thực hiện một dự án khoa học, điều đó không có nghĩa chúng sẽ được điểm tốt. Nó có nghĩa là ba hay mẹ yêu con. Khi bạn sửa chiếc xe đạp, việc bạn làm không chỉ có nghĩa giúp con mình có xe để đi. Bạn đưa con mình ra đi với bể chứa ngập tràn yêu thương. Nếu con bạn liên tục đề nghị giúp bạn trong những kế hoạch công việc, có thể trong trí nó, đó là cách biểu lộ tình thương, và “hành động phục vụ” có thể là ngôn ngữ yêu thương chính của nó.

Nói về “Truyền Cảm Bằng Xúc Giác”, từ lâu chúng ta đã biết “truyền cảm bằng xúc giác” là một cách truyền đạt tình cảm cho thiếu nhi. Khảo cứu cho thấy những hài nhi được nâng niu thường phát triển những tình cảm tốt hơn những hài nhi không được nâng niu. Bình thường những cha mẹ cùng những người lớn bế một hài nhi lên, ôm hôn nựng, và nói những lời ngọng ngiụ với bé. Từ lâu trước khi bé có thể hiểu ý nghĩa của từ yêu, bé đã cảm nhận được yêu rồi. Ôm, hôn, vỗ về, cầm tay đều là những cách truyền đạt yêu thương cho trẻ. Việc ôm hôn một thiếu niên sẽ khác với việc ôm hôn một hài nhi. Con bạn ở tuổi thiếu niên có thể sẽ không quý trọng cử chỉ đó trước mặt đồng bạn của nó, nhưng như vậy không có nghĩa là nó không muốn được vuốt ve, đặc biệt là nếu hành động đó là ngôn ngữ yêu thương chính của nó.

Nếu thiếu niên con bạn thường xuyên tới sau lưng bạn, nắm lấy cánh tay bạn, đẩy nhẹ bạn, bắt lấy mắc cá chân khi bạn bước qua phòng, cản bước bạn, đó là những dấu hiệu cho thấy “truyền cảm bắng xúc giác” quan trọng đối với nó.

Hãy quan sát con bạn. Quan sát cách chúng biểu lộ yêu thương với người khác. Đó là đầu mối ngôn ngữ yêu thương của chúng. Hãy ghi lại những điều chúng yêu cầu bạn. Nhiều lần, yêu cầu của chúng sẽ khớp với ngôn ngữ yêu thương của chúng. Hãy để ý những điều chúng quý trọng nhất. Đó có thể là dấu hiệu về ngôn ngữ yêu thương chính của chúng.

Ngôn ngữ yêu thương của con gái chúng tôi là “Thời gian chất lượng”. Do đó, khi nó lớn, cha con tôi thường đi dạo với nhau. Suốt những năm trung học, khi nó theo học ở Salem Academy, một trong những học viện nữ xưa nhất trong xứ, chúng tôi dạo chơi giữa những vùng phụ cận xinh đẹp của Old Salem. Người Moravian đã có ngôi làng này hơn hai trăm năm trước và họ đã phục hồi nó. Chúng tôi bước trên những con đường rải đá cuội, nhắc nhớ lại một thời đơn sơ đã qua. Lê bước qua nghĩa trang xưa, khiến chúng tôi cảm nhận được thực tế của cuộc sống và sự chết. Trong những năm đó, chúng tôi đi bộ mỗi tuần ba buổi chiều, và thảo luận lâu dài trong khung cảnh mộc mạc đó. Giờ đây con gái tôi đã là bác sĩ, nhưng mỗi khi về nhà, hầu như lúc nào cũng nói: “Muốn đi dạo không bố?”. Tôi chưa bao giờ từ chối lời mời của nó.

Con trai tôi thì không bao giờ đi dạo với tôi. Nó bảo: “Đi bộ là khùng! Chẳng tới đâu cả. Hễ muốn đi, thì đi xe thôi.” Như vậy “Thời gian chất lượng” không phải là ngôn ngữ yêu thương chính của nó. Làm cha mẹ, chúng ta thường cố gắng đổ con cái mình vào cùng một khuôn. Chúng ta tham dự những hội nghị hoặc đọc sách về cách làm cha mẹ, học được một số ý kiến thật hay rồi muốn về nhà thực hành với con cái. Vấn đề là mỗi đứa con lại khác nhau, và điều truyền đạt yêu thương cho đứa này lại không nói lên tình thương vói đứa kia. Ép một đứa con đi dạo với bạn để bạn có thể dành thời gian chất lượng cho nó sẽ không truyền đạt yêu thương gì cả. Chúng ta phải học nói ngôn ngữ yêu thương của con cái nếu muốn chúng cảm thấy được yêu.

Quý thính giả thân thương,

Tôi tin rằng đa số cha mẹ thành thật yêu con mình. Tôi cũng tin rằng hàng ngàn cha mẹ đã không truyền đạt được tình thương theo ngôn ngữ thích hợp và hàng ngàn trẻ em trong xứ này hiện đang sống với bể chứa tình cảm trống trơn. Tôi tin rằng phần lớn cư xử sai trái của trẻ em, của thiếu niên có thể phát xuất từ những bể chứa yêu thương trống rỗng đó.

Không bao giờ là quá trễ để bày tỏ yêu thương. Nếu bạn có con đã lớn và nhận biết mình đã nói lầm thứ ngôn ngữ yêu thương, sao không nói cho chúng biết? “Con biết không, mẹ có đọc sách nói về cách bày tỏ tình thương, và mẹ biết mình chưa bày tỏ tình thương cách tốt nhất với con suốt nhiều năm nay. Mẹ đã cố gắng tỏ ra yêu thương bằng cách này, nhưng bây giờ mẹ nhận ra rằng có thể cách đó không nói lên với con tình thương của mẹ, rằng ngôn ngữ yêu thương của con có thể là một điều khác. Mẹ bắt đầu nghĩ rằng ngôn ngữ yêu thương của con có thể là điều kia. Con biết đó, mẹ thực sự thương con, và hy vọng trong tương lai có thể bày tỏ tình thương với con theo những cách tốt hơn.” Bạn còn có thể giải thích cho chúng những ngôn ngữ của tình yêu và thảo luận ngôn ngữ yêu thương của bạn và của chúng nữa.

Có lẽ bạn không cảm thấy được các con lớn yêu thương mình. Nếu chúng lớn đủ để hiểu khái niệm về ngôn ngữ của tình yêu, thì việc thảo luận của bạn có thể mở mắt cho chúng. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên thấy chúng sẵn sàng bắt đầu nói ngôn ngữ yêu thương của bạn và nếu vậy, bạn có thể ngạc nhiên về những tình cảm cùng thái độ của bạn đối với chúng bắt đầu thay đổi. Khi những thành viên gia đình bắt đầu nói ngôn ngữ yêu thương chính của nhau, không khí tình cảm của gia đình sẽ được cải thiện rất nhiều.

Kính chúc quý vị thành công trong việc bày tỏ tình yêu của mình với con cái.

Xin xem những bài đọc khác