Ngày Từ Mẫu

Phát Thanh Hy Vọng

Kính thưa quý thính giả,

Nhân Ngày Từ Mẫu xin kính mời quý thính giả cùng chúng tôi tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của ngày đặc biệt này.

Ngày Từ Mẫu mà tiếng Anh gọi là Mother’s Day thường được tổ chức vào Chúa Nhật thứ nhì của tháng Năm dương lịch. Vào ngày này, để tỏ lòng biết ơn sinh dưỡng của mẹ hiền, con cái chúc mừng mẹ với thiệp, quà và bông hoa. Các con cũng nấu nướng những thức ăn mà người mẹ ưa thích. Trong ngày này người ta có tập tục đeo hoa Cẩm Chướng, tức là hoa Carnation còn gọi là hoa Oeillet theo tiếng Pháp. Đeo hoa Cẩm Chướng màu hồng hay màu đỏ để nói lên người mẹ còn sống, đeo hoa màu trắng để cho biết người mẹ đã qua đời.

Ngày Từ Mẫu có lẽ xuất xứ từ thời Cổ Hy Lạp. Người Hy Lạp xưa thờ thần Rhea vì họ cho rằng đây là mẹ của mọi thần khác. Vào mùa xuân thì người Hy Lạp xưa tổ chức những lễ hội cho thần này.

Sau này vào thế kỷ thứ 17 người Anh Quốc lại có ngày ‘Mothering Sunday’, tổ chức vào Chúa Nhật thứ tư của dịp lễ Lent, Mùa Chay, là 40 ngày trước ngày lễ Phục Sinh. Mothering Sunday, hay Ngày Chúa Nhật Cho Mẹ, là để danh dự cho các bà mẹ ở nước Anh. Ở những thế kỷ này tại Anh Quốc đa số người nghèo thì làm công, làm ở cho những gia đình giàu có quyền quý. Vì việc làm thì ở xa chốn quê hương cho nên những người làm mướn phải sống tại nhà của chủ họ. Trong ngày Mothering Sunday thì họ được nghỉ và những đầy tớ được chủ khuyến khích, cho về nhà để mừng mẹ. Một chiếc bánh đặc biệt được làm ra để đem về tặng mẹ, bánh này gọi là Mothering Cake.

Khi Cơ Đốc Giáo truyền qua khắp Âu Châu thì ngày này được chuyển thành ngày để vinh danh Hội Thánh mẹ, là linh năng cho người ta đời sống được chở che khỏi những tai họa. Dần dà những lễ hội của nhà thờ đã được hòa với Mothering Sunday và người ta bắt đầu vinh danh các bà mẹ và vinh danh Hội Thánh.

Tại Hoa Kỳ, Ngày Từ Mẫu đầu tiên đã được đề nghị tổ chức vào năm 1872 bởi cô Julia Ward Howe, là người đã viết nên lời ca cho bản ‘Nền Cộng Hòa Thánh Chiến Ca’ (Battle Hymn Of The Republic). Ngày này là ngày để dành cho hòa bình.

Vào năm 1907 cô Anna M. Jarvis ở tiểu bang Philadelphia đã bắt đầu vận động để thành lập một Ngày Từ Mẫu cho toàn hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Cô này rất gần gũi với mẹ mình là bà Anna Reese Jarvis. Bà này là con của một vị mục sư, và bà là người đã lập ra ‘Mother’s Friendship Days’ vào thế kỷ thứ 19 để an ủi những người mẹ trong nội chiến tại Mỹ. Hai năm sau khi bà qua đời thì cô con gái của bà là Anna M Jarvis đã vận động các mục sư, các chính trị gia để tổ chức Mother’s Day cho toàn quốc. Mother’s Day được tổ chức lần đầu tiên năm 1907 tại nhà thờ ở Grafton, West Virginia để tưởng nhớ bà A. R. Jarvis. Cô con gái cứ tiếp tục vận động và đã thành công: Tổng thống Woodrow Wilson tuyên bố Mother’s Day là ngày lễ cho toàn quốc được cử hành vào Chúa Nhật của tuần lễ thứ hai trong tháng Năm. Sau đó các nước khác theo gương này mà tổ chức Ngày Từ Mẫu cho quốc gia mình. Những quốc gia như Đan Mạch, Phần Lan, Ý Đại Lợi, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc Đại Lợi và nước Bỉ thì cùng mừng Ngày Từ Mẫu vào Chúa Nhật thứ nhì của tháng Năm dương lịch. Tuy nhiên nhiều nước tổ chức Ngày Từ Mẫu vào những ngày khác nhau trong năm. Hoa Cẩm Chướng là hoa mà bà Anna Reese Jarvis ưa thích đã được cô con gái mang đến trong buổi lễ đầu tiên, vì vậy mà người ta thường đeo hoa Cẩm Chướng trong dịp này.

Một tác giả người Việt Nam chúng ta , ông Phạm Thế Mỹ, có viết bài thơ ‘Bông Hồng Cài Áo’ mà tôi xin được phép hầu đọc đến quý thính giả:

Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Mẹ, mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Lá ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Rồi một chiều nào đó anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với mẹ rằng : «Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ có biết hay không?»
Biết gì ? «Biết là, biết là con thương mẹ không?»
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi

Kính thưa quý thính giả,

Tại Houston, Texas có một người mẹ và đứa con tên là Tyler. Cả hai đều mắc bịnh AIDS. Tyler là đứa bé lanh lợi. Mặc dầu đã phải trải qua đủ các loại trị liệu làm yếu sức, nhưng Tyler chạy nhảy từ đường này qua đường kia vai mang bọc đựng đủ các loại thuốc, có khi phải kéo bình oxy theo để thở. Lúc bịnh đến giai đoạn cuối cùng, cả mẹ lẫn con phải nhập viện. Khi người mẹ biết Tyler sẽ chết trước, bà kêu Tyler đến giường nói chuyện với con về cuộc sống, tình thương, và niềm vui. Cuối cùng bà đề cập đến thiên đàng. Bà nói “Con à, mẹ thích con lớn lên trên đất nầy, nhưng bác sĩ cho biết thân xác của con muốn lớn lên trên thiên đàng. Mẹ quyết định một điều”. Tyler hỏi “Điều gì vậy mẹ?” Bà trả lời “Khi con lên thiên đàng, mẹ cũng sẽ lên đó, vì con ở nơi đâu mẹ sẽ ở nơi đó”.

Một vài ngày sau Tyler gặp cô y tá Cindy Holmes và nói “Cô Holmes, cô giúp con một chuyện được không? Khi con chết, xin cô mặc cho con cái áo màu đỏ” Cô Cindy hỏi “Tại sao con muốn như vậy?” Tyler giải thích “Con biết trên thiên đàng vui lắm. Con sẽ có nhiều bạn. Con sợ mãi mê chơi với bạn mà quên đợi mẹ. Mặc áo màu đỏ, mẹ sẽ dễ thấy con. Cô à, thiên đàng sẽ không là thiên đàng nếu không có mẹ con”. Cindy Holmes viết lại “Tôi bị ảnh hưởng mạnh qua sự bình an không tả được trên mặt của Tyler ngay cả khi em đối diện với sự chết. Và đột nhiên tôi hiểu ra rằng sự bình an Tyler có được là kết quả của sự hiện diện của người mẹ trong đời sống của Tyler, qua bịnh tật, và lời hứa của người mẹ là bất kỳ nơi nào Tyler đi đến và dẫu chuyện gì xảy ra đi nữa, mẹ Tyler sẽ có mặt nơi đó”

Đã là con người thì là bất toàn, mẹ chúng ta là con người nên không thể nào tránh được những vấp váp khi nuôi dạy chúng ta trong những ngày thơ ấu. Vì thế có thể có trường hợp đã để lại một vài kỷ niệm buồn trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể thay đổi hiện tại và nhất là có nhiều điều chúng ta có thể làm để tương lai được tốt đẹp hơn. Nói một cách khác, chúng ta không thể sửa đổi những điều đau buồn đã xảy ra trong quá khứ nhưng chúng ta có thể làm nhiều điều để cải thiện mối quan hệ giữa ta với mẹ trong hiện tại và có thể làm những điều ta thấy cần làm để quan hệ giữa chúng ta với con cái chúng ta được tốt đẹp hơn.

Nếu quý vị có những kỷ niệm đẹp với mẹ và may mắn có mẹ còn sống, hãy thường xuyên nhắc lại những kỷ niệm đó cho mẹ nghe và cảm ơn mẹ đã cho ta những ngày thơ ấu tươi đẹp. Không điều gì làm các cụ vui hơn là nghe con nhắc lại những điều tốt đẹp mình đã làm cho con và con vẫn ghi nhớ. Nếu chúng ta không may có những kỷ niệm đau buồn với mẹ, hãy nghĩ đến mẹ với lòng thương yêu tha thứ và nếu có thể được tìm dịp thành thật nói cho mẹ biết rằng thỉnh thoảng ta còn nhớ những điều đó nhưng chỉ thoáng qua và chúng ta không buồn gì mẹ nữa. Những lời nói đầy ân hậu và thương yêu đó sẽ xóa bỏ ngăn cách giữa mẹ con và giúp mẹ con dễ dàng xích lại gần nhau, mang lại an ủi cho nhau.

Chúng tôi xin gởi đến quý vị lời Thánh Kinh dạy về bổn phận làm con như sau. Sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước khuyên: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con” và: “Hãy nghe lời cha đã sinh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu

Tổng thống Abraham Lincoln có nói như sau: “Tôi nhớ những lời cầu nguyên của mẹ tôi, những lời ấy luôn luôn theo tôi, bám sát tôi trọn cả đời…” Thật vậy, lời cầu nguyện của một người mẹ hiệu quả hơn bất cứ sức mạnh nào trên đất. Ông Eric Fellman đã kinh nghiệm được điều này nên ông đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, con cám ơn Ngài đã cho chúng con có mẹ, để chúng con có thể thấy, chiêm ngưỡng, nắm bắt và nghe Chúa dạy rõ ràng hơn.”

Kính thưa quý thính giả,

Mừng Ngày Dành Cho Mẹ hôm nay, Phát Thanh Hy Vọng cầu xin Chúa ban ân lành cho mỗi bà mẹ để tiếp tục thiên chức nuôi dạy con cái trong niềm tin đặt nơi Chúa Cứu Thế, để được đảm bảo hạnh phúc ở đời và được thật sự thỏa lòng.

Xin xem những bài đọc khác