Thoa Nguyễn
Cho đến giờ phút này, hậu quả của cơn bão Katrina vẫn còn hằn sâu trên cuộc đời của nhiều rất nhiều người dân ở New Orleans và của nước Mỹ. Chỉ trong một phút chốc, tất cả những gì đã từng là hiện thực đã biến thành một con số không với những vết hằn thật sâu trong lòng người. Cái thiệt hại vật chất mà người ta hay nói đến trong giờ phút này thật chẳng thấm vào đâu so với cái mất mát sinh mạng, và năng lực cùng niềm tự hào của một dân tộc. Người ta nói đến một nước Mỹ chia rẽ thay vì đoàn kết để vượt qua cơn tai biến kinh hoàng này. Nhiều người, đặc biệt là các nạn nhân chưa bao giờ lại phải đối diện với một lỗ hổng tâm linh thật to lớn. Katrina đã bắt buộc họ phải đối diện với sự bất năng của con người và sự mỏng manh của cuộc đời trần thế. Họ phải đặt lại những vấn đề về cuộc đời, về những mối quan hệ với những người xung quanh, và nhất là về mục đích của cuộc đời mình. Những câu hỏi mà từ lâu có lẽ vì nhịp sống bận rộn, họ đã cất kỹ vào đáy rương của tiềm thức hay đã ký thác dài hạn vào trương mục của các triết gia thời đại.
Nhìn lại chúng ta thấy những giông tố như thế vẫn xảy ra trong cuộc đời khiến rất nhiều người trong chúng ta phải đặt lại vấn đề liên hệ đến ý nghĩa của cuộc đời mình.
Đài truyền hình NBC đưa tin đã có rất nhiều người chết và trong số đó không nhỏ là các em bé và những cụ già, bị kẹt trong các nhà dưỡng lão. Những câu chuyện thật là thương tâm, khi nghe chúng ta không khỏi bùi ngùi rơi nước mắt!
Nhưng trong những nỗi khó khăn như thế, TÌNH NGƯỜI là những gì tôi đã kinh nghiệm được. Cũng theo NBC news những người cơ đốc ở tiểu bang Louisiana, Texas, Alabama và những bang lân cận… đã sẵn lòng mở rộng cửa nhà mình và vòng tay yêu thương để tiếp rước những người xa lạ mà họ chưa bao giờ gặp mặt hay trò chuyện với. Những nhân viên cứu trợ thiện nguyện làm việc suốt ngày đêm để dọn dẹp thành phố và cung cấp những thứ cần dùng cho các nạn nhân.
Khắp nơi trên thế giới, lời chia buồn đổ về nước Mỹ và những ngân khoảng cứu trợ khổng lồ cũng được các chính phủ của các nước đồng minh ký kết. Lòng thương xót của những con người may mắn hơn đã là chất liệu của hi vọng, là niềm an ủi vô cùng to lớn cho những nạn nhân của cơn bão. Những người đã mất hết tài sản, mất người thân và hiện nay đang tứ cố vô thân.
Tình yêu thương đồng loại là một trong những bổn tính của con người được thừa hưởng từ Thượng Đế. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Ngài yêu chúng ta còn hơn chính bản thân mình. Cái chết của Cứu Chúa Jesus quả thật đã nói lên điều đó. Khi tỏ lòng yêu thương đồng loại, vô hình chung chúng ta đã xác nhận bổn tính của mình rằng mình thuộc về Thượng Đế, là đấng tạo dựng nên trời và đất, biển và muôn vật, và chính chúng ta.
Người ta hay nói rằng: “Tình yêu mạnh hơn sự chết.” Mà quả thật như thế, chẳng có chi có thể phân rẽ được tình yêu. Chính là vì tình yêu mà Chúa Jesus đã giáng trần. Chính sự sống lại của Ngài là bằng cớ của tình yêu bất diệt. Chúa lại còn nói rằng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16). Và rằng “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1: 12).
Cho những nạn nhân Katrina, đây sẽ là tin tức tốt lành là good news, mà không cứ gì là họ, cho cả chúng ta nữa. Không ai có thể được hứa chắc một ngày mai cả, tương lai của chúng ta là bất định, sự sống chết của chúng ta không do mình mà do nơi Thượng Đế, thế thì tin vào Ngài là một điều rất hợp lý mà thôi.
Trông người mà nghĩ đến ta. Đã hơn ba mươi năm trôi qua, Tôi vẫn nhớ như in không biết cơ man nào là những bạn bè của mình, và những người thân đã gởi xác trong lòng đại dương khi tìm đường vượt biển. Những cô gái thật trẻ trong phút chốc đã trở thành góa phụ. Những bà góa thật già trong một ngày đã mất luôn các con yêu dấu của mình. Tài sản bị tịch biên, bản thân phải trải qua những ngày tù đày, khổ ải. Những giấc mơ thật tươi đẹp của tuổi trẻ đã phải bị vùi sâu trong câm nín, tù đày và chết chóc. Những nơi nương tựa của cuộc đời chỉ trong phút chốc đã bật trơ gốc rễ. Những giông tố này, mất mát này lấy chi bù đắp nếu cuộc đời của chúng ta chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi mấy mươi năm?
Khi nước bắt đầu rút thì nỗ lực tìm kiếm những thi thể của các nạn nhân của cơn bão cũng bắt đầu ráo riết gia tăng. Người ta cho biết họ đã chuẩn bị hơn 25000 bao đựng tử thi, dự trù cho số thương vong quá cao. Tại một nhà xác địa phương, nơi đã được tạm thời trưng dụng cho mục đích này, có một bảng nhỏ viết bằng tiếng La Tinh : “Mortui Vivis Praecipant” nghĩa là “Hãy để những người chết dạy những kẻ sống!”
Cách đây hơn 105 năm, một cơn bão tương tự như thế đã làm cho một trong những thành phố phồn thịnh, giàu có nhất nước Mỹ trở thành bình địa, chỉ trong một vài giờ ngắn ngủi. Mãi cho đến nay, hơn một thế kỉ đã trôi qua, thành phố này chẳng bao giờ được phục hồi hoàn toàn cả. Ký ức về cơn bão vẫn còn rất đậm nét trong tâm trí của người dân địa phương. Lần này, lịch sử lại tái diễn một cách thật khủng khiếp. Người dân Mỹ cho đến giờ này vẫn còn tự hỏi tại sao bài học của 105 năm trước họ vẫn học, học đi học lại, nhưng oái ăm thay họ vẫn chưa thuộc nó theo đúng nghĩa của chữ thuộc bài?
Mà quả thật thế, bài học Katrina sẽ thật khó mà lu mờ trong tâm trí của những ngừơi còn sống sót qua cơn đại thiên tai này. Chắc không ít người sẽ tự hỏi giờ này người thân của tôi đang chu du ở đâu, thiên đàng hay hỏa ngục? Ngoài những mất mát vật chất ra, những người còn sống sót chắc chắn sẽ phải đối diện với nỗi đau không cùng tận vì mất người thân và với câu hỏi đầy thách thức: Liệu những người thân đã qua đời của tôi đã chuẩn bị cho sự ra đi đầy bất ngờ của mình hay chăng? Nếu như mình là họ thì liệu mình đã chuẩn bị chưa, hay vẫn giữ thái độ: “Thôi thì tới đâu hay tới đó?”
Bão Katrina đến rồi đi, những giông tố của cuộc đời rồi cũng sẽ qua, thời gian có thể là liều thuốc hàn gắn những vết thương lòng. Nhưng điều thời gian không thể làm được là chuẩn bị cho chúng ta sẵn sàng để đối diện với Thượng Đế, là Đấng đã tạo dựng ra chúng ta. Đây phải là quyết định của chính mỗi chúng ta. Liệu khi những thiên tai tương tự như Katrina xảy đến cho cuộc đời mình thì chúng ta đã làm gì để chuẩn bị? Dầu nước Mỹ có cường thịnh, tiến bộ cách mấy đi nữa thì họ vẫn không thể bảo đảm được sinh mạng của những người đã bỏ mình qua cơn thiên tai. Dầu cho y học có mang mấy đôi hia bảy dặm đi nữa thì rồi cuộc đời ngắn ngủi của chúng ta cũng sẽ tới cuối đường. Chúng ta đã làm gì và sẽ làm gì để chuẩn bị cho sự ra đi tất yếu của mình? Chúa Jesus nói rằng: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu kẻ nào giữ lời Ta, sẽ chẳng thấy sự chết bao giờ.” (Giăng 8:51). Mortui Vivis Praecipant. Hãy để những người chết dạy những kẻ còn sống.
Xin xem những bài đọc khác