Nuôi Và Dạy Con

Vũ Nguyễn Thiên Ái

Đạt vội vàng quơ hết mấy cái đĩa bể dấu dưới đáy bao và không quên che lên trên đó một lớp giấy báo dày. Cậu bé hoảng sợ quá vì không biết làm sao để có lại những chiếc dĩa kiểu đẹp đẽ mà mẹ cậu đã dày công lau chùi và chưng bày thật gọn gàng, đẹp mắt trên tủ kiếng…Giá mà mình đừng tò mò quá. Cậu bé tự nhủ. Thôi thì bây giờ chỉ có một nước là chịu trận, bị đòn mà thôi. Nghĩ tới bị đòn cậu bé sợ hãi, rơm rớm nước mắt.

Chiều lại mẹ đi làm về, ăn cơm xong hai mẹ con ngồi lại đọc sách chung với nhau. Đạt ngồi đối diện mẹ mà bụng đánh lô tô, cứ thầm mong sao cho mẹ đừng nhìn lên tủ kiếng. Rồi việc gì đến đã đến, mẹ ngước mắt nhìn lên và có vẻ hoảng hốt, mẹ hỏi, “Đạt, con có thấy mấy cái đĩa đâu hay không.” Thế là cậu bé òa khóc. Bao nhiêu lo lắng, sợ sệt cả buổi chiều bây giờ bắt đầu tuôn ra theo những giọt nước mắt….

Thấy mấy cái giấy bọc kẹo nằm lung tung dưới đất, và chiếc ghế đẩu ở gần đó, bà mẹ dường như đã hiểu ra đầu đuôi cớ sự. Thế là bà lôi cậu bé ra, chẳng cần biết vì sao, bà mắng mỏ đủ điều, và cho cậu một trận “bánh canh dài” nên thân.

Chưa đã giận bà la mắng thêm một trận nữa, rồi bỏ mặc cậu bé quỳ dưới đất, bà giận dỗi vào phòng mình ngồi tấm tức khóc. Bà trách sao con mình quá lỳ, quá phá phách và nhất là nó chẳng chịu nghe lời bà tí nào cả. Bà lại tự trách mình đã không bỏ đủ thì giờ cho con cái nên mới ra nông nỗi. Rồi bà lại tự hỏi mình, một bà mẹ single như mình thì có thể làm gì hơn được, vừa phải làm người mẹ lẫn người cha, rồi còn phải là người nuôi sống gia đình. Ôi, sao trách nhiệm thật quá nặng nề. Thế rồi bà thở dài và lại khóc tức tưởi hơn vì thất vọng với chính mình và với con mình.

Chắc có lẽ không ít quý độc giả, thính giả của chúng tôi cũng lắm lúc có những phút giây thất vọng như thế. Chúng ta thường hay nghe các bậc cha mẹ than vắn, thở dài rằng, ‘Ô, con cái thời nay sao mà khó dạy quá.’ Hay là, ‘Thời này con cái chẳng giống cái thời của mình tí nào cả.’…. và những câu than van tương tự như thế. Một số các bậc cha mẹ thường rất bận rộn với công việc làm ăn mà quên rằng một trong những tác nhân chính yếu ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện và quân bình của trẻ em là sự hiện diện thường xuyên và chăm sóc chu đáo của các bậc phụ huynh trong đời sống các em ít nhất là cho đến khi các em được bảy hoặc tám tuổi. Đây là khoảng thời gian quan trọng quyết định cá tính của các em. Thời gian này các em cũng học được cách xử thế và phát triển mối quan hệ với những người xung quanh qua quan hệ mẫu mà các em có được từ cha mẹ. Chính vì thế, ông bà mình hay nói: ‘Ra đường hỏi già về nhà hỏi trẻ’ hàm ý rằng nếu chúng ta muốn biết các em được nuôi dạy thể nào, chẳng chi cho bằng chúng ta cứ hỏi các em.

Trong khi đó, Thánh Kinh dạy rằng: “Hãy dạy trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6). Thật thế, đầu tư cho con cái là việc tối cần. Nhưng chúng ta không chỉ đầu tư cho con cái mình về phương diện tài chánh, học vấn, mà quan trọng hơn chúng ta cần đầu tư vào sự phát triển nhân cách một cách toàn diện. Việc nuôi dạy con cái chẳng phải là trách nhiệm một ngày, một bữa mà là cả cuộc đời chúng ta. Điều này đòi hỏi nơi cha mẹ tình thương vô biên và sự cố gắng tột bậc.

Trái lại, nhiều bậc cha mẹ lại quan niệm giống như bà mẹ của bé Đạt. Cứ bận rộn mãi lo lắng cho cuộc sống vật chất cho gia đình và nghĩ rằng con mình chắc sẽ hiểu được nỗi nhọc nhằn của mình và sẽ trở thành người biết lo. Rồi mặc cho thời gian trôi qua, mẹ mặc mẹ, con mặc con thế giới của họ từ từ trở nên phân cách cho đến một ngày nào nó chúng sẽ trở thành hoàn toàn dị biệt. Bất đồng và mâu thuẫn ngày một gia tăng. Quan hệ của họ càng ngày càng trở nên tồi tệ, và tương lai dường như rơi vào ngõ cụt.

Kính thưa quý thính giả, chúng ta biết rằng làm cha, làm mẹ thật là khó thay, vì chúng ta chẳng bao giờ muốn từ chối điều chi mà con cái mình ưa thích. Hễ chúng muốn gì, chúng ta thường ‘ráng’ mà chiều chúng để chúng khỏi bị mặc cảm thua sút bạn bè. Lâu dần việc này tạo ra một thói quen không tốt cho con, ấy là hễ việc gì các em muốn chẳng chóng thì chầy các em sẽ có được. Có lắm khi các em còn ‘blackmail’ cha mẹ để đạt được những gì mình muốn nữa. Nhỏ thì vòi vĩnh cho được cái bánh cây kẹo; lớn hơn một chút thì pocket money, hơn nữa thì bộ y phục hợp thời trang, rồi lân la, đi chơi với bạn bè; mới đầu thì 9pm là về tới nhà, lâu dần thì tới khuya, rồi lần lần thì thậm chí là qua đêm! Lớn hơn một chút nữa cái laptop để chơi games, hơn nữa thì chiếc xe sport đắt tiền v.v… Tệ hơn nữa nếu những đòi hỏi các em không được thỏa đáp thì các em sẽ phản ứng bằng cách không ăn cơm hay đóng cửa phòng suốt ngày, từ chối nói chuyện với cha mẹ trong nhiều ngày liền cứ y như là hai bên đang đấu trí với nhau. Rồi đến một lúc nào đó, khi cha mẹ quá sốt ruột, vì thương con, sợ con đói, con bịnh, không đủ sức để học mà phải bỏ cuộc và đáp ứng cho con những đòi hỏi ấy của chúng!

Kính thưa quý thính giả, ví dụ trên đây nhắc nhở chúng ta là những bậc làm cha mẹ, từ lúc các con chúng ta còn rất nhỏ, chúng ta cần phải thiết lập những ‘biên giới’ vô hình và nên tưởng thưởng cho các em xứng đáng khi các em thành công trong việc không ‘xâm phạm’ biên giới ấy. Luôn nhớ rằng lời khen ngợi, khuyến khích của cha mẹ cho các em là một liều thuốc bổ, một cây kẹo ngọt rất thơm ngon, có tác dụng rất cao. Nhưng nếu các em lỡ phạm lỗi, chúng ta cần giải thích cặn kẽ lầm lỗi ấy và nhất là phải cho các em thấy rằng mình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với những hành động sai trái của mình. Chúng ta không phải phạt quá nặng hay đánh đập các con mình tàn nhẫn, nhưng chúng ta cần nghiêm khắc răn bảo để chúng hiểu rõ hành động sai trái của mình. Dầu thế, đừng bao giờ quên nói cho chúng biết rằng bao giờ cha mẹ cũng thương yêu con cả, ngay cả khi cha mẹ la rầy con hay không đáp ứng các đòi hỏi của con.

Ngoài ra, việc cha mẹ làm gương cho con cũng là một việc tối cần. Nếu chúng ta chỉ dạy dỗ con cái với những lý thuyết suông mà chính mình không thực hiện những điều mình dạy dỗ con cái mình thì chẳng khác nào chúng ta đã làm gương xấu: “Năng thuyết bất năng hành!” cho chúng. Ví thử có một ngày nào đó, chúng quay lại nói với chúng ta rằng ba mẹ là những kẻ nói dối, chắc chắn chúng ta sẽ rất đau lòng!

Quý thính giả thân kính, nếu như chúng ta bắt đầu làm việc này trong khi các em còn rất nhỏ, và cứ kiên nhẫn nhắc nhở các em, tin rằng các em sẽ lớn lên trở thành những thanh niên, thiếu nữ tự tin, đầy nhân cách, có tinh thần trách nhiệm và khoan dung và là những người hữu ích cho xã hội, cho đồng loại. Trồng một dây bầu, dây bí… thường thì không lâu chúng ta có thể ‘hái trái’ được rồi, nhưng muốn trồng những cây sồi, cây gụ để lấy gỗ làm nhà, làm giường tủ chắc chắn chúng ta phải cần một thời gian thật lâu dài huống chi là việc dạy dỗ, đào tạo con cái mình để chúng trở thành những con người có ảnh hưởng lâu dài trên thế hệ, nòi giống, dân tộc. Chúng ta chẳng những cần sự kiên nhẫn nhưng cũng cần sự khôn ngoan, độ lượng và nhất là tình thương yêu chân thành giống như Chúa đã yêu chúng ta, đến nỗi đã bằng lòng chết thế cho chúng ta vậy. Chuyện dài về việc nuôi dạy con cái sẽ trở lại trong một dịp thuận tiện khác. Mến chúc quý thính giả có một cuối tuần hạnh phúc bên gia đình, con cái. Kính chào quý thính giả.

Xin xem những bài đọc khác