Phân Định Ranh Giới

Theo “Boundaries with Teens” by Dr. John Townsend – Tùng Tri lược dịch

Quý thính giả thân thương,

Một ngày kia, tôi nghe lóm đám con tôi đang bàn bạc với mấy đứa bạn để rủ nhau đi xem phim. Đây là chuyện tùy hứng của tụi nó, hễ thích thì nhao nhao lên rủ đi chứ không có tính toán, sắp xếp trước gì cả. Không đứa nào trong tụi nó đến tuổi được lái xe, do vậy chúng nó bàn với nhau là đi bằng cách nào.

Thằng Tín phát biểu trước: “Làm sao tụi mình tới rạp xi-nê được bây giờ. Phim “Anh Hùng Xạ Điêu” chỉ còn 15 phút nữa là bắt đầu rồi”

Mấy đứa khác đề nghị “Hay là gọi má mày đi. Má mày từ nào giờ dễ tính lắm mà”

Mà đúng là thiệt như vậy. Má của Tín, bà Sáu, là một người dễ tính, sao cũng được. Bà là một người rất dễ thương và ưa chìu chuộng mọi người, do vậy cũng dễ bị tuổi nhóc lợi dụng. Có lần, vì tụi nhỏ yêu cầu mà bà phải bỏ dở công việc mà bà đã dự định cả mấy ngày trời để chở đám nhóc đi chơi khi tụi nó nổi hứng lên đòi đi một chỗ nào. Sau khi nghe lóm tụi nhóc vài lần, tôi có dịp nói cho bà Sáu biết là bà là một bà mẹ quá dễ dãi. Bà cũng nhận ra điều này. Từ đó, bà ra lập trường là hễ tụi nhỏ muốn bà giúp gì thì phải biết lên kế hoạch trước để cho bà sắp xếp chứ không phải tùy hứng, lúc nào cũng được. Và kể từ đó, khi bọn trẻ nổi hứng lên đòi bà chở đi đây, đi đó, bà nói với chúng rằng “Xin lỗi, giá mà các con nói sớm trước. Bây giờ má đang bận việc, không chở đi được”.

Kính thưa quý thính giả,

Bà Sáu không chỉ nói, mà còn dám làm. Bà Sáu đã phân định ranh giới cho đám nhóc và giúp cho chúng kinh nghiệm được đâu là mức giới hạn hay quy định cho chúng. Bà Sáu thấu hiểu được nguyên tắc căn bản để nuôi dạy con trẻ: đó là các em thiếu niên cần phát triển khả năng tự kiểm soát (self-control) và tinh thần trách nhiệm (responsibility) và điều này phụ thuộc vào các bậc cha mẹ biết phân định ranh giới một cách đúng đắn cho con cái của mình. Trong lãnh vực làm cha mẹ, cho con cái biết quý vị là ai quan trọng hơn những gì quý vị nói.

Các bậc cha mẹ ít nhất cũng vài lần cảnh cáo con cái là sẽ phạt chúng nó khi chúng không vâng lời. Nhưng điều quan trọng không phải chỉ là cảnh cáo suông, nhưng phải cho trẻ con thực sự kinh nghiệm những hậu quả khi chúng không vâng theo. Điều này không có nghĩa là quý vị không nên dạy và nói trước cho chúng nó về những giới hạn hay phép tắc ở nhà. Nói cho chúng nó thật rõ ràng về những quy định và phép tắc rất quan trọng. Tuy vậy, những điều này cũng không có trọng lượng nào hết cho đến khi nào quý vị giữ vững lập trường, làm theo những quy định và phép tắc này trong thực tế mỗi ngày.

Các em tuổi thiếu niên cần xác định đâu là giới hạn của mình. Các em cần thiết lập thế giới của các em dựa trên sự phân định biên giới này. Các em sẽ học một bài học thật thấm thía khi các em phải mất những điều mình yêu thích vì các em đã lựa chọn vượt qua lằn mức quy định. Càng lãnh chịu hậu quả vì bất tuân bao nhiêu, càng giúp càng em ý thức được giới hạn của mình và giúp các em phát triển khả năng tự kiểm soát chính mình. Mỗi lần các em vượt lằn biên giới, hãy cất đi những điều mà các em không tự kiếm được. Mỗi lần như vậy, các em có ý thức hơn, chế ngự những ham muốn bất chợt tốt hơn, có trách nhiệm hơn, biết để ý hơn và điều này sẽ giúp đỡ các em thật nhiều trong đời sống tương lai.

Kính thưa quý thính giả,

Nếu quý vị là bậc cha mẹ nhưng chưa biết cách nào để phân định một biên giới thật hữu lý và rõ ràng để giúp con mình phát triển một nhân cách lành mạnh, tiến sĩ John Townsend, tác giả của quyển sách nổi tiếng “Boundaries With Teens”, tạm dịch là “Ranh Giới cho Tuổi Thiếu Niên” đưa ra bốn đề nghị sau đây:

Thứ nhất là sự xác định. Quý vị cần nên xác định vai trò của quý vị trong gia đình, quý vị muốn gì và xem trọng những giá trị đạo đức nào. Khi đã xác định rõ ràng, quý vị mới biết mình mong đợi ở con cái điều gì và chuyện gì là không được.

Bản tính của lứa tuổi dậy thì là chống lại với những xác định của cha mẹ. Các em muốn tự xác định về chúng nó. Cha mẹ nào xác định về vai trò của mình dựa theo những gì con trẻ muốn là không giúp cho chúng nó. Khi nào “có’ thì nói “có”, “không” thì nói “không”, như Chúa Giê-Xu đã dạy rằng: “Nhưng phải thì nói phải, không thì nói không, thêm bớt bất cứ điều gì đều từ quỷ mà đến”. Kinh nghiệm cho thấy khi cha mẹ xác định rõ ràng vai trò của mình sẽ ảnh hưởng đến cách cư xử của các em. Các em vẫn thích vòi vĩnh yêu cầu điều này, điều nọ nhưng các em cũng biết khi nào các em đã đi quá xa khỏi giới hạn. Các em sẽ rút tỉa từ kinh nghiệm về sự xác định của cha mẹ của mình và học được rằng khi các em không làm cha hay mẹ hài lòng là các em cũng sẽ gặp rắc rối lớn.

Thứ nhì, là sự tách biệt. Khi quý vị có sự tách biệt, quý vị có thể kinh nghiệm những xúc cảm và cách nhìn khác hẳn với cái nhìn và suy nghĩ của một đứa trẻ. Các bậc cha mẹ biết tách biệt có thể đứng vững trước sự đòi hỏi, cơn giận dữ và thái độ cư xử của con trẻ và có thể đáp ứng một cách thích hợp trước khi bị cuốn lôi vào tình huống khó xử.

Khi cha mẹ không biết tách biệt với con trẻ, những bậc cha mẹ này bị mắc lưới với đám trẻ. Họ bị rơi vào thế giới cùng với những cảm xúc của đám trẻ con. Các bậc cha me bị mắc lưới thường thấy mình có trách nhiệm về những sự buồn bã hay những ước muốn của con cái ở tuổi thiếu niên và rồi sau đó bị cuốn hút trong sự suy nghĩ của trẻ con và mất đi khả năng để phán đoán hay quyết định.

Sự tách biệt không phải là khoảng cách và sự tách rời với con cái. Các em cần cha mẹ yêu thương các em nhưng cũng cần cha mẹ biết kiềm chế để tập các em có thái độ trách nhiệm trước những cảm xúc và hành vi của các em. Cha mẹ biết tách biệt là những người không còn mơ mộng là sẽ giữ mãi cho con mình luôn được vui vẻ. Nhưng thay vào đó, các bậc cha mẹ này lo xây đắp một môi trường an toàn để con cái được trưởng thành và trở nên người chính chắn, mới chính là niềm vui thực sự.

Thứ ba là sự thành thật. Xác định ranh giới có nghĩa là chân thật với con cái của quý vị về cung cách sống thực sự của quý vị. Các em trong tuổi mới lớn muốn biết sự thật và có khứu giác nhạy cảm với những giả trá hay che đậy. Có thể là các em không phải lúc nào cũng thích sự thành thật của quý vị, nhưng nên nhớ rằng đây là khuôn mẫu cho các em trong cách cư xử với người khác khi ra đờI mai sau.

Thành thật có nghĩa là thẳng thắn đối diện với con mình khi chúng nó vượt qua ranh giới quy định để giúp chúng nó nhận ra là chúng nó đã đi quá đà. Thành thật có nghĩa là tránh nói điều gì là được khi trong lòng quý vị nghĩ rằng điều này là không nên. Điều này để giúp con cái quý vị nhận diện ra những nguy hiểm và trắc trở, do vậy chúng nó không mù quáng trước những sự việc không hay.

Có lần tôi phải thẳng thắn nói với con tôi thế này: “Nếu con tiếp tục ích kỷ, điều này ảnh hưởng xấu đến tình cha con mình và tình bạn của con. Ba sẽ tiếp tục làm việc với con về điều này”. Sau đó, tôi thấy hơi lo lắng vì đã quá thẳng thắn với con. Nhưng vài tuần sau đó, đứa con trai kể với tôi về sự xích mích giữa nó và bạn. Nó nói với tôi thế này: “Con nghĩ một phần là do tính ích kỷ của con gây nên”.

Cha mẹ phải có đủ nghị lực để cho con cái biết về cảm xúc của mình. Điều này sẽ là một trang bị quý báu cho các em biết cách xử lý một cách an toàn những tình cảm của mình để tránh cho các em mai sau không bị thế giới bên ngoài gây tổn hại.

Thứ tư là sự kiên quyết. Chẳng ai mà không biết tuổi trẻ thường thích làm khổ cha mẹ mình. Chúng nó lúc nào cũng kiếm cách tấn tới, cho đến khi các bậc cha mẹ phải chịu thua, đầu hàng hay dẹp qua những thi hành kỷ luật. Các bậc cha mẹ mong ước con mình lúc nào cũng ngoan ngoãn và dễ bảo, nhưng thực ra, tuổi trẻ cần phải húc đầu vào cha mẹ để học qua bài học thương lượng và nhún nhường ở trong đời sống thực tế mai sau. Do vậy, cha mẹ biết phân định ranh giới phải biết kiên quyết nữa. Hãy giữ vững luật lệ cùng các sự thưởng phạt công minh, miễn sao các điều này là hữu lý. Hãy trả lời “không” khi các em muốn thao túng, muốn lung lạc, thậm chí muốn hăm dọa nữa.

Có một câu nói thật thú vị như sau: “Con trẻ sẽ tìm cách chống lại quyết định của bạn 10,000 lần. Công việc của bạn là giữ vững lập trường cho đến 10,001 lần”. Hãy hít một hơi thật dài, rồi cầu nguyện cho chúng nó, gọi bạn bè khi cần có sự hỗ trợ nhưng hãy kiên quyết và đứng vững.

Kính thưa quý thính giả,

Thượng Đế dùng các bậc cha mẹ như những tấm chắn bảo vệ đường rầy xe lửa trên các nẻo đường khúc khủy, cong quẹo của cuộc đời. Quý vị cần phải mạnh mẽ để cho con cái mình đâm xầm vào lần nữa, lần nữa rồi lần nữa. Quý vị phải đứng thật vững để chúng học, rồi học nữa là chúng nó phải đi đúng đường. Cái tấm chắn bảo vệ có thể bị đụng vào kêu vang ầm ĩ, như công dụng của nó là để bảo vệ những cuộc đời của những người trẻ đôi lúc chạy lạc đường.

Xin xem những bài đọc khác