Phi Thuyền Trái Đất – Phần 1

The Good News Magazine – Tùng Tri lược dịch

Quý thính giả thân mến,

Các nhà khoa học đã chi phí hàng chục tỷ đô-la trong mấy thập niên vừa qua để tìm kiếm sự sống trong vũ trụ ở ngoài trái đất, nhưng để rồi phải nhìn nhận rằng hành tinh mà chúng ta đang sống không chỉ tràn ngập với sự sống, nhưng dường như rõ ràng là được thiết kế riêng biệt để gây dựng và bảo tồn sự sống. Một sự thông minh lạ thường ẩn nấp đằng sau công trình sáng tạo diệu kỳ này. Sự thông minh, khôn khéo này đang nói lên điều gì với chúng ta?

Quý thính giả thân mến,

Có bao giờ bạn mơ ước được du hành trong vũ trụ không? Viễn tượng này làm cho đại đa số chúng ta thật hồi hộp và thích thú. Lạ lùng thay, chúng ta đã đang du hành trong vũ trụ rồi đấy – nhưng chỉ không nhận ra thôi. Này nhé, trái đất chúng ta chính là một phi thuyền vũ trụ khổng lồ, mang trên thân phi thuyền ước chừng 6 tỷ con người và hàng tỷ các loại thú vật và thực vật. Nhà khoa học gia người Mỹ, ông Buckminster Fuller đã dùng cụm từ “Phi Thuyền Trái Đất” để chỉ về hành tinh kỳ diệu của chúng ta.

Chúng ta đang bay vút trong vũ trụ trên chiếc phi thuyền trái đất này với tốc độ chóng mặt trên 100,000 cây số mỗi giờ. Đây là vận tốc nhanh hơn tất cả những phi thuyền nào do con người làm ra. Đồng thời, chiếc phi thuyền không gian này đang quay chung quanh mặt trời với tốc độ 1600 cây số mỗi giờ. Mỗi năm, chúng ta hoàn tất một chu kỳ du hành chung quanh mặt trời – một chu kỳ khoảng hơn 800,000 cây số!

Nhưng có lẽ điều kỳ diệu nhất của cuộc du hành không gian này là chúng ta không cảm nhận là mình đang du hành. Nếu bạn đang lái xe với tốc độ khoảng 60 cây số giờ thôi, bạn sẽ cảm nhận chiếc xe đang di chuyển và thấy cảnh trí xung quanh đang chạy qua. Nhưng lạ lùng thay, nếu bạn dừng xe, bước ra khỏi chiếc xe và ngồi xuống đất. Mọi vật trên mặt đất dường như đang ở thể tĩnh. Con tàu vũ trụ trái đất đang di chuyển trong không gian quá đỗi êm ái, không dằn, không xóc đến nỗi chúng ta không nhận ra là mình di chuyển trong không gian với một vận tốc kinh hồn.

Nếu bạn có mặt trên chiếc phi thuyền trái đất này 76 năm, bạn sẽ hoàn tất 76 chu kỳ bay chung quanh mặt trời và thực hiện được một chuyến du hành khoảng 60 tỷ cây số, bằng với khoảng cách di chuyển tới lui sao Pluto vài lần. Và trong cả cuộc du hành dài đằng đẳng như vậy, bạn và tôi không cảm nhận mình đang di chuyển trong vũ trụ. Nhưng đây chỉ một trong các điều phi thường của chiếc phi thuyền vũ trụ tuyệt vời này.

Trong 30 năm qua, những khám phá về khoa học đã thách thức một quan niệm, mà một thời rất phổ biến trong giới khoa học gia và các học giả, rằng chúng ta đang sống trên một hành tinh rất là bình thường, chẳng có gì là đặc biệt cả. Ngày nay, chúng ta đã trải qua một bước thật dài và có cái nhìn khác hẳn với quan niệm cũ mà triết gia Bertrand Russell có lần phát biểu rằng con người chỉ là “một sự tình cờ lạ lùng trong vùng nước đọng” mà thôi. Với ngày càng nhiều khám phá mới, người ta đang nhận ra trái đất này không phải là “một vùng nước đọng”, nhưng thực ra là một hành tinh có nhiều đặc quyền thật lạ lùng. Nhà du hành vũ trụ Guillermo Gonzalez và nhà triết gia Jay Richards vừa hoàn thành quyển sách nói về những khám phá mới nhất của khoa học để phủ quyết một quan niệm lầm lẫn rằng chúng ta đang sống trên một hành tinh tầm thường, chẳng có gì đặc biệt cả. Họ đã đặt tựa đề quyển sách này là “The Privileged Planet”, tạm dịch là “Hành Tinh Đặc Ân”.

Đã có một thời, người ta nghĩ rằng sự sống tràn ngập trong vũ trụ. Nhưng ngày nay, các khoa học gia ngày càng nhận ra rõ hơn những giá trị thật quý và hiếm hoi của quả địa cầu của chúng ta. Hai nhà vũ trụ học, ông Peter Ward và Donald Brownlee vừa phát hành quyển sách với tựa đề “Rare Earth: Why Complex Life is Uncommon in the Universe”, tạm dịch là “Trái Đất Quý Hiếm: Tại sao sự sống phức tạp lại không phổ biến trong vũ trụ”, để giải thích một vài đặc tính “độc nhất vô nhị” của hành tinh chúng ta và khó khăn đến mức độ nào để sao chép hay nhái lại những hoàn cảnh và điều kiện sống của trái đất ở một hành tinh nào khác. Nhiều yếu tố phải kết hợp thật đúng lúc, đúng liều lượng mới tái tạo lại được sự khéo léo lạ lùng của chiếc phi thuyền trái đất này và do vậy, hy vọng của con người sẽ khám phá ra những đời sống thông minh ở một nơi nào khác ngoài trái đất đang dần dần phai nhạt. Nhà du hành vũ trụ Guillermo Gonzalez và nhà triết gia Jay Richards cho biết “Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, người ta mong đợi sẽ khám phá ra những bản thể sống thông minh, thậm chí siêu đẳng ở trên mặt trăng, sao Hỏa và những hành tinh thuộc thái dương hệ khác. Nhưng cho đến nay là đầu thế kỷ 21, mặc dù vẫn còn những chuyến thám hiểm sao Hỏa, nhưng những khát vọng ngày nào nay đã tàn tạ..” Như vậy, phi thuyền trái đất này có những đặc điểm lạ thường nào? Chúng ta hãy cùng nhau khám phá một vài đặc điểm về chiếc chiếc phi thuyền với sự cấu tạo cực kỳ công phu và tỉ mỉ. Rồi sau đó, chúng ta hãy tự hỏi rằng “những điều kiện thật chính xác này có phải chỉ là một sự tình cờ may mắn chăng?” Một câu hỏi khác rất quan trọng đi liền sau câu hỏi trước là “mục đích tối hậu của cuộc du hành trong không gian này là gì vậy?”.

Quý thính giả thân mến,

Thứ nhất, chúng ta hãy xem xét cái cửa sổ quan sát của chiếc phi thuyền trái đất này. Mỗi phi thuyền đều có một cửa sổ để nhìn ra thế giới bên ngoài phi thuyền, thì bầu khí quyển của trái đất chính là cửa sổ của chiếc phi thuyền trái đất tuyệt vời này. Thực ra, cái cửa sổ quan sát này hay hơn hẳn những cửa sổ quan sát của bất kỳ chiếc phi thuyền nhân tạo nào. Cái cửa sổ của phi thuyền trái đất không bị giới hạn ở trong một phạm vi quan sát nào, nhưng trải rộng khắp cả hành tinh này. Nó giống như một khối tinh thể xốp, dày đến 650 cây số và cho phép mọi người trên phi thuyền được nhìn thấy toàn cảnh không gian bên ngoài phi thuyền nhưng đồng thời cái cửa sổ này cách ly chúng ta với vũ trụ bên ngoài không có không khí và đầy những tia cực tím nguy hiểm. Có một vài hành tinh bị mây mù bao phủ và không thể nhìn thấu ra ngoài không gian. Nhưng bầu khí quyển của trái đất cho phép chúng ta ngắm nhìn và khám phá vũ trụ xung quanh chúng ta. Trái đất chúng ta đúng nghĩa là một con tàu thám hiểm vậy. Cái tấm màn trong suốt bao phủ cả trái đất cũng đang chứa một nguồn cung cấp và tái tạo chất khí oxygen cho con người và loài vật, cũng như thán khí và nitrogen cho thực vật. Nó cũng mang lại áp suất không khí phù hợp với đời sống và cái vỏ ngoài cùng của nó là một lớp ozone dùng để bảo vệ sự sống trên trái đất trước sự đe dọa của những tia cực tím ngoài vũ trụ. Thực lạ lùng hơn nữa là cái màn không khí này được trang bị với một trường lực bảo vệ. Mới nghe qua ta tưởng như đang đọc truyện hay xem phim khoa học giả tưởng, nhưng đây là sự thật. Trái đất được bảo bọc bởi một từ trường, được phát sinh do cái lõi bằng sắt tại trung tâm trái đất đang quay. Chính cái từ trường này làm lệch hướng đi những tia vũ trụ và các cơn bão mặt trời có thể gây nhiều tổn hại. Nếu không có cái tấm chắn từ trường bảo vệ này, cơ may để sự sống được bảo tồn sẽ rất hiếm hoi trên mặt đất. Điều cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, là cái tấm màn này có màn che đóng mở tự động để điều chỉnh lượng ánh sáng đang chiếu vào trái đất. Cái màn che nào được làm bằng mây trời, có tác dụng như một miếng vải che di động, luôn luôn bao phủ khoảng 60 phần trăm bề mặt trái đất.

Thứ nhì, chúng ta hãy xem xét cái buồng lái của cái phi thuyền trái đất này. Nếu chúng ta bước vào buồng lái này, chúng ta sẽ thấy những gì? Thật phi thường, bởi vì không có một phi công nào trong buồng lái cả. Chiếc phi thuyền trái đất này đang được vận hành qua hệ thống “phi hành tự động” là một hệ thống chính xác và tinh vi được chi phối bởi các quy luật vật lý đã được cân nhắc thật cẩn thận. Mặc dầu chúng ta không thấy ai điều khiển chiếc phi thuyền này, nhưng hành tinh chúng ta tuân thủ trung thành những mệnh lệnh đã được hoạch định và được điều chỉnh thật tinh vi bởi vô số những quy luật vật lý. Cứ hễ đúng một năm là chiếc phi thuyền trái đất hoàn tất đúng một chu kỳ bay chung quanh mặt trời và thủy chung trở lại điểm khởi đầu để bắt đầu lại một chu kỳ mới. Cái gì khiến cho trái đất giữ đúng quỹ đạo của nó? Đó chính là do sức hút của mặt trời đã khiến nó xoay tròn quanh mặt trời. Thực vậy, như lời Kinh Thánh bày tỏ về Đức Chúa Trời với quyền năng vô hạn như sau: “Chúa treo địa cầu lơ lửng trong không gian”. Trái đất được “treo lơ lửng” trong khoảng không do nhờ vào lực hút vô hình của mặt trời.

Cũng trong cái buồng lái phi thuyền này, mặc dù không thấy được, nhưng có hàng trăm những nút điều chỉnh thật tinh vi, mỗi nút vặn như vậy được dùng để điều hòa một chỉ số của chiếc phi thuyền như nhiệt độ, áp suất, vận tốc, độ ẩm vv. Mỗi nút điều chỉnh đã được chia độ thật chính xác để cho tạo điều kiện tốt nhất cho đời sống trên mặt đất được tăng trưởng. Bạn có thể không thấy người Kỹ Sư tài hoa đã thiết kế nên hệ thống điều khiển cực kỳ chính xác này, nhưng bạn có thể đo được sự chuẩn xác trong tất cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất của chiếc phi thuyền – và mọi sự đều chính xác trăm phần trăm. Nhà vật lý học thiên văn kiêm toán học nổi tiếng của Anh quốc, Sir Fred Hoyle, sau khi xem xét mọi thiết kế để điều hòa trái đất và duy trì vũ trụ, đã ngạc nhiên và phát biểu như sau: “Sau khi diễn giải tất cả các dữ kiện, thì ai cũng phải thấy rằng là có một sự thông minh siêu việt đang đùa giỡn với những quy luật vật lý, hóa học và sinh học, rằng những điều diệu kỳ trong thiên nhiên chẳng phải là do một sự tác động mù quáng đâu..Những con số tính toán được từ các dữ kiện trong thiên nhiên đối với tôi thật quá sức tưởng tượng và kết luận về một sự thông minh siêu việt sáng tạo ra thiên nhiên là điều chẳng cần phải thắc mắc thêm nữa”.

Mọi sự – mọi sự cho đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất – đã được điều chỉnh thật phù hợp để chúng ta có thể sống thật dễ chịu trên hành tinh này. Chúng ta vừa thoáng nhận ra người đã sáng tạo ra mọi hệ thống, nhà Thiết Kế phi thường, mà Kinh Thánh gọi là “Chúa Hằng Hữu, là Đấng sáng tạo các tầng trời, là Chân Thần, đã tạo lập địa cầu cho loài người cư trú, chứ không phải để bỏ hoang.” (Ê-sai 45:18).Thực vậy, hành tinh chúng ta không phải là một sự tình cờ may mắn, nhưng những bằng chứng cho thấy nó đã được thiết kế một cách cẩn thận và chính xác để làm nơi cu trú của loài người và mọi loài sống khác.

Thứ ba, chúng ta hãy xem xét động cơ của chiếc phi thuyền trái đất này. Cái gì đang đẩy chiếc phi thuyền lao vun vút trong vũ trụ? Trên phi thuyền có hai động cơ kép, một cái đẩy chiếc phi thuyền đi tới, còn cái động cơ kia làm trái đất xoay và cung cấp nhiên liệu để làm nóng phần bên trong trái đất. Chính lực hướng tâm tạo ra từ sức hút của mặt trời đang giữ chiếc phi thuyền bay đúng quỹ đạo. Khi một vận thể đang bay ở một vận tốc nào đó và bị lực hướng tâm hút vào, nó sẽ bay vòng theo một quỹ đạo hình tròn cố định chung quanh vật thể tạo ra lực hướng tâm. Đây chính là quy luật đang chi phối quỹ đạo của trái đất chung quanh mặt trời. Và khoảng cách giữa hành tinh của chúng ta và mặt trời là tuyệt hảo cho sự sống – nó không quá gần mặt trời có thể thêu rụi chúng ta hay quá xa đến nỗi có thể làm trái đất lạnh cóng vĩnh viễn.

Cái động cơ thứ nhì thì nằm sâu trong lòng trái đất. Tại đây, những nhiên liệu phóng xạ đang phân rã để tạo ra nguồn nhiệt làm ấm quả địa cầu cũng như định hướng cấu trúc bề mặt trái đất. Nhà địa chất học Frank Press và Raymond Siever gọi cái động cơ thứ nhì này là “một máy phát nhiệt phóng xạ khổng lồ nhưng tinh tế và thật thăng bằng”. Nhờ máy phát nhiệt này đã định nên cấu trúc bề mặt của trái đất, tạo nên các lục địa và núi non, tránh tình trạng trái đất bị bao phủ hoàn toàn bởi nước. Chính nguồn nhiệt này vận động chu kỳ luân chuyển của thán khí là một yếu tố quan trọng trong việc điều hòa môi trường và nhiệt độ ở tình trạng để bảo tồn sự sống. Những chất phóng xạ khi phân rã cũng giúp luân lưu khối sắt lỏng trong lòng địa cầu và điều này tạo nên một hiện tượng vật lý phi thường: dòng sắt lỏng khi luân lưu thì có tác dụng giống như một máy phát điện và sinh ra từ trường trên trái đất. Thật vậy, lời Kinh Thánh trong sách Châm Ngôn 3:19 có ghi: “Chúa Hằng Hữu do khôn ngoan sáng tạo đất, và do thông sáng thiết lập trời

Trong tuần tới, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những điều tuyệt vời khác của chiếc phi thuyền trái đất của chúng ta. Xin hẹn gặp lại quý vị.

Xin xem những bài đọc khác