Phi Thuyền Trái Đất – Phần 2

The Good News Magazine – Tùng Tri lược dịch

Quý thính giả thân mến,

Chúng ta đang du hành trong vũ trụ bao la trên chiếc phi thuyền trái đất thật kỳ diệu. Chuyến du hành thật thú vị và chiếc phi thuyền êm ái đến nỗi chúng ta không nhận ra là chúng ta đang lao vun vút trong không gian với tốc độ kinh hồn khoảng 100,000 cây số giờ.

Trong tuần trước, chúng ta có dịp khám phá một vài điều kỳ diệu và tuyệt hảo của chiếc phi thuyền trái đất này. Đó là cái cửa sổ phi thuyền mở rộng toàn cảnh vào không gian mà chúng ta đang đi qua. Rồi đến buồng lái phi thuyền với vô số những nút vặn điều chỉnh thật chính xác để duy trì cuộc phi hành và bảo đảm điều kiện tối ưu trên phi thuyền về nhiệt độ, áp suất, độ ẩm vv. Sau đó, chúng ta đã xem qua chiếc động cơ kép, một động cơ đẩy phi thuyền lao tới trong không gian và động cơ thứ nhì đang quay trái đất.

Trong tuần này, chúng ta sẽ tìm hiểu đến cái khoang hành khách của chiếc phi thuyền, xem phần thiết kế của nó có gì đặc biệt không? Chúng ta sẽ mau chóng nhận ra chiếc phi thuyền trái đất này mang đến sự thoải mái mà không một chiếc phi thuyền nhân tạo nào có thể có được – đồ ăn thật ngon miệng và dư dật, thức uống cũng chẳng thiếu gì, những quang cảnh thật đẹp mắt, khí hậu điều hòa vv. Hành tinh của chúng ta đúng nghĩa là chiếc tàu của Nô-ê mang trên thân tàu đủ các loại thực vật và động vật, trôi bồng bềnh trong vũ trụ bao la trong chuyến du hành vô tận. Đó là một phi thuyền được trang bị với nguồn chu cấp có thể kéo dài tới hàng ngàn năm tới trong tương lai, nếu được sử dụng một cách khôn ngoan và đầy trách nhiệm. Để điều hòa nhiệt độ trên phi thuyền ở tình trạng dễ chịu cho hành khách, hành tinh này di chuyển trong một quỹ đạo với một khoảng cách tuyệt hảo với mặt trời và trục trái đất được đặt nghiêng với độ nghiêng tối ưu là 23.5 độ. Nếu trục trái đất bị đặt nghiêng nhiều hơn so với bây giờ, thí dụ như là 45 độ chẳng hạn, thì mùa hè sẽ nóng đến thiêu đốt và mùa đông sẽ lạnh đến nỗi không chi có thể còn sống sót. Ngược lại, nếu trục trái đất không nghiêng một chút nào, nhưng thẳng đứng so với bề mặt quỹ đạo, thì tháng giêng và tháng bảy thời tiết sẽ giống y hệt như nhau, và băng đá sẽ chất cao trên các lục địa 6 tháng rồi tan rã ra, gây cảnh ngập lụt trong 6 tháng còn lại trong năm. Thật y như lời Kinh Thánh trong sách Thi Thiên 104:24 có chép rằng: “Lạy Chúa Hằng Hữu, Công việc Chúa vô biên, huyền diệu, Óc khôn ngoan, thực hiện lắm kỳ công”.

Tiếp theo, chúng ta hãy xem đến phi đội bảo vệ của chiếc phi thuyền trái đất này. Chiếc phi thuyền không những được bao bọc bởi lực từ trường, nhưng còn có những phi thuyền khác song hành để bảo vệ và giúp nó được ổn định. Đầu tiên ta phải nói đến mặt trăng. Mặt trăng đúng nghĩa là một con ngựa siêng năng và mạnh mẽ. Mặt trăng không những làm tấm chắn, che chở trái đất trước những sự đụng chạm của vô số những thiên thạch, nhưng nó cũng giữ cho trục trái đất ổn định ở độ nghiêng tối ưu. Giống như trong đồng hồ có vật đối trọng, mặt trăng chính là vật đối trọng để duy trì độ nghiêng của trái đất ở một độ nghiêng ổn định để tạo ra bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong năm. Chính độ nghiêng làm cho những tia nắng mặt trời rọi đến, trải thật đều đặn trên khắp bề mặt trái đất, cũng giống như cái máy nướng thịt quay đều khi nướng một con gà rô-ti. Mặt trăng, cùng với mặt trời, điều hòa mực thủy triều lên xuống trên trái đất. Chính thủy triều giúp nước luân chuyển trong các đại dương và quét sạch rác rưởi dọc theo bờ biển. Nếu mặt trăng ở gần hơn với trái đất hay to hơn gấp đôi so với bây giờ, thì thủy triều tạo ra sẽ cực mạnh, đủ phá sập tất cả những hải cảng của con người. Nếu mặt trăng ở xa hơn hay nhỏ hơn hiện tại, thì lực hút sẽ kém đi nhiều và không thể tạo đủ thủy triều để quét dọn rác rưởi dọc theo các bờ đại dương, cũng như không thể luân chuyển và tái sinh lại các dòng nước. Một điều khác cũng vô cùng kỳ diệu là kích thước và vị trí của mặt trăng khi so sánh với mặt trời. Mặt trời lớn hơn mặt trăng 400 lần, nhưng ở cách xa trái đất 400 lần so với mặt trăng và với sự sắp xếp này tạo ra cảnh nhật thực hoàn hảo khi chúng ta nhìn xem hiện tượng này từ trái đất. Điều này có nghĩa là tỷ số về kích thước giữa mặt trời và mặt trăng là 400, cũng trùng với tỷ số khoảng cách của chúng đến trái đất là 400. Do vậy, khi mặt trăng chắn giữa mặt trời và trái đất, nếu quan sát từ mặt đất, thì bóng mặt trăng vừa che đủ bóng mặt trời, không dư không thiếu và các nhà khoa học gọi đây là “nhật thực hoàn hảo”. Chính trong khi nhật thực toàn phần và hoàn hảo xảy ra, các nhà khoa học mới có cơ hội để thu thập các dữ kiện khoa học cần thiết về thành phần cấu tạo của mặt trời cũng như các ngôi sao, và đồng thời nắm bắt những bằng chứng chắn chắn về lý thuyết tương đối của nhà bác học Einstein. Bên cạnh mặt trăng còn có sao Mộc và sao Thổ cũng nằm trong phi đội bảo vệ phi thuyền trái đất. Hai khối khí khổng lồ này với lực hút kinh hồn, có tác dụng như hai máy hút bụi vô cùng hữu hiệu, hút sạch những thiên thạch hay sao chổi trong thái dương hệ của chúng ta để bảo vệ trái đất. Các nhà thiên văn học đã chứng kiến tận mắt sự hữu hiệu trong vai trò bảo vệ trái đất của hai hành tinh này, khi vào năm 1994 sao chổi Shoemaker-Levy 9 đâm sầm vào sao Mộc dưới sức hút kinh hồn và vỡ vụn ra trong bầu khí quyển của ngôi sao này. Như quyển sách “Trái Đất Đặc Ân” có ghi rằng: “Sự hiện diện của mặt trăng được đặt vào đúng vị trí, sự hình thành một quỹ đạo ổn định, tác dụng của những khối khí khổng lồ làm sạch những thiên thạch hay sao chổi có thể đe dọa trái đất … tất cả những điều này và nhiều hơn thế nữa là tối quan trọng cho sự sống còn của mọi đời sống phong phú trên hành tinh của chúng ta” .

Sau cùng, mời bạn hãy xem xét những ngôi sao láng giềng gần bên cạnh thái dương hệ của chúng ta. Không những khoảng cách giữa trái đất và mặt trời là lý tưởng để có một khí hậu ấm áp và dễ chịu, nhưng cả thái dương hệ cũng đang ở một vị trí tiếp cận thật lý tưởng với những thiên thể chung quanh. Thái dương hệ của chúng ta nằm ngay giữa hai cánh tay hình xoắn ốc của dãi Thiên Hà, và cách xa phần cốt lõi đầy nguy hiểm của dãi Thiên Hà này. Các nhà thiên văn học gọi vùng không gian mà thái dương hệ chúng ta đang lọt vào là một “khu vực an toàn”. Nhà thiên văn Guillermo Gonzalez cho biết “chắc chắn là dãi Ngân Hà của chúng ta được dựng nên để làm nơi trú ẩn cho sự sống, cho nên mới có khu vực an toàn. Và vì trái đất nằm lọt ngay vào khu vực an toàn, do vậy mà sự sống mới hình thành và thăng hoa trên mặt đất. Ra ngoài khỏi khu vực an toàn là nơi các ngôi sao đang được hình thành là vùng rất nguy hiểm, bởi vì tại đây các ngôi sao trẻ mới được tạo nên có khuynh hướng dễ bị nỗ tung rất nhiều. Trong dãi Ngân Hà, những nơi nguy hiểm chính yếu là ngay trong hai cánh tay hình xoắn ốc, là nơi tập trung nhiều đám mây phân tử khổng lồ. Thật diệu kỳ thay, chúng ta lại được sắp xếp không nằm ngay trong cánh tay, nhưng lại ở giữa hai cánh tay. Cũng chính vì trái đất ở ngay khu vực quang đãng này cho phép chúng ta quan sát rõ ràng cả dãi Ngân Hà và phần bên ngoài còn lại của vũ trụ. Điều này, một lần nữa minh chứng rằng chiếc phi thuyền trái đất được thiết kế để cho một cuộc khám phá vũ trụ đầy kỳ thú.

Quý thính giả thân mến,

Chúng ta có thể học thật nhiều điều thú vị qua việc xem xét vũ trụ bằng viễn vọng kính hay dò xét sự sống qua những kính hiển vi, nhưng dụng cụ khoa học dầu tối tân đến đâu cũng sẽ không bao giờ tìm được mục đích tối hậu là tại sao chúng ta đang du hành trong vũ trụ và sự hiện diện của chúng ta trên hành tinh này mang ý nghĩa gì. Điều mà chúng ta có thể kết luận được sau khi xem xét những quy luật thật chính xác trong thiên nhiên và khám phá ra những chỉ số tuyệt hảo của phi thuyền trái đất, đó là trái đất chúng ta được thiết kế một cách tối ưu để bảo tồn và phát triển sự sống. Ngay cả nhà vật lý thiên văn Stephen Hawking rất hoài nghi cũng phải công nhận là “cả vũ trụ được điều chỉnh thật độc đáo để có thể tạo ra được sự sống”. Còn nhà sinh học Michael Denton, sau khi thăm dò những bằng chứng về thiên văn và sinh hóa, đã đưa ra lời kết luận như sau: “Bốn thế kỷ đã trôi qua kể từ sau cuộc cách mạng khoa học, các khoa học gia không kiếm ra được những bằng cớ để chứng minh là có sự sống bên ngoài trái đất. Các cuộc thám hiểm khoa học không kiếm ra được dấu tích của một hình thức sống nào khác, hay một chút biểu hiện nào về một sự sống khác hơn là chúng ta và sự sống hiện tại trên quả địa cầu này. Ngược lại, khoa học đã chỉ ra một vũ trụ mà trong từng chi tiết nhỏ nhặt, có mang dấu ấn thật đậm nét về một thiết kế để bảo tồn sự sống và con người trên mặt đất”.

Như vậy, chúng ta đang du hành trong vũ trụ trên một phi thuyền mang tên trái đất. Những gì chúng ta thấy chung quanh ta đã được thiết kế một cách cẩn thận và được chia độ thật chuẩn để bảo tồn sự sống. Thế nhưng mục đích của chuyến du hành kéo dài cả đời người là gì? Đây có phải là chuyến du hành bất tận và vô nghĩa chung quanh mặt trời, giống như một con chuột đang chạy vòng vòng trong một cái bánh xe quay?

Quý thính giả thân mến,

Ai đã ra công sức để dựng nên trái đất và cho chúng ta cư trú tại đây? Đây là điều mà khoa học không trả lời được. Nhưng đây cũng chính là câu hỏi quan trọng nhất. Và câu trả lời trọn vẹn có thể tìm thấy trong Kinh Thánh là lời của Thượng Đế, là Đấng dựng nên cả vũ trụ và muôn loài, là Nhà Thiết Kế tài hoa. Cũng trong lời Kinh Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy cẩm nang về chiếc phi thuyền trái đất, cũng như lời hướng dẫn về ý nghĩa tại sao chúng ta có mặt trên hành tinh này và mục đích của chuyến du hành trong không gian của chúng ta.

Tại sao con người được tạo nên? Ngay từ những chương đầu của Kinh Thánh có cho biết như sau: “Thượng Đế phán: Hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta”. Chữ “chúng ta” ở đây chỉ về Thượng Đế Ba Ngôi. Ngài dựng loài người chúng ta có những đặc tính giống như Ngài, như là yêu thương, có ý chí, có óc sáng tạo, yêu chuộng vẻ đẹp và sự tốt lành vv. Thượng Đế dựng nên loài người chúng ta để trở thành đối tượng yêu thương đời đời của Ngài như có chép: “Ta luôn luôn yêu thương các con với tình yêu vĩnh cửu; Ta đã thu hút các con với lòng từ ái vô biên” Chính Ngài với cả tình yêu thương vô đối và quyền năng vô hạn, đã dựng nên cả vũ trụ và trái đất này để làm nơi trú ẩn tốt lành loài người chúng ta. Ngài dựng nên từng người với những nét độc đáo riêng biệt để làm bạn, để được Ngài yêu thương cũng như để đáp ứng lại trước tình yêu của Ngài. Thế nhưng vì tổ tiên loài người là Adam và Eva đã từ bỏ mạng lịnh của Ngài và khiến cho tội lỗi xen vào đời sống con người. Trái đất này trong những ngày đầu Thượng Đế dựng nên là tuyệt hảo, như nay đã bị lạm dụng, ô nhiễm, một phần do sự hiểu biết hạn chế của chúng ta, phần khác do cẩu thả, thiếu trách nhiệm hay lòng tham lam. Nhưng sự hủy hoại của môi trường chằng thấm vào đâu so với sự suy đồi đạo đức, tình người cạn cợt, máu đổ, lệ rơi suốt cả dòng lịch sử kể từ khi con người chối bỏ quyền năng và tình yêu thương của Đấng Sáng Tạo. Đứng trước một thảm cảnh diệt vong và hậu quả đời đời trong chốn địa ngục của nhân loại, cách đây hơn 2000 năm, Chúa Cứu Thế Giê-Xu chính là Thượng Đế đã giáng trần trong thân xác con người và bằng lòng chết đớn đau, nhục nhã trên cây thập tự. Chúng ta vì mắc tội với Thượng Đế phải lãnh án phạt, nhưng Chúa Giê-Xu vì yêu chúng ta đã gánh thay cho bạn và tôi món nợ tội trên thập hình năm xưa. Đứng trước sự hy vinh to lớn đó, lời Kinh Thánh cũng cho biết: “Khi chúng ta đáp ứng, Chúa tha thứ tội lỗi, nhìn nhận chúng ta là công chính. Người công chính được hưởng vinh quang đời đời. Trước chương trình kỳ diệu ấy, chúng ta còn biết nói gì? Một khi Thượng Đế đứng với chúng ta, còn ai dám chống lại chúng ta? Thượng Đế đã không tiếc chính Con Ngài, nhưng hy sinh Con để cứu chúng ta, hẳn Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta mọi sự luôn với Con Ngài”.

Quý thính giả thân mến,

Sự hy sinh của Chúa Cứu Thế Giê-Xu đã mang cho mỗi chúng ta một hy vọng. Đó là những ai đã được phục hồi địa vị làm con của Thượng Đế qua dòng huyết báu của Chúa Giê-Xu, sẽ được thừa hưởng sự sống dư dật từ Đấng Tạo Hóa. Quý vị và tôi, cũng như bao nhà khoa học lỗi lạc, đã vô cùng kinh ngạc trước những kỳ công trong vũ trụ mà Thượng Đế đã dựng nên. Thế nhưng những điều mắt thấy, tai nghe trong hiện tại cũng chẳng thấm vào đâu so với những gì mà Thượng Đế đã hứa ban cho những ai thuộc về Ngài trong tương lai như có chép: “Nầy Ta làm mới lại mọi vật. Hãy ghi chép vì các lời nầy đều chân thật, đáng tin”.

Quý thính giả thân mến,

Chúng ta đã khám phá ra vô số những điều kỳ diệu trong cuộc du hành vào vũ trụ trên chiếc phi thuyền trái đất này. Nhưng đó chỉ là một sự khởi đầu của một chuyến du hành vào hạnh phúc vĩnh cữu cho những ai quyết định quay trở lại với Đấng Tạo Hóa. Thượng Đế đang sắm sẵn một thiên đàng tuyệt vời và Ngài đang trông chờ mỗi chúng ta quay trở lại và tận hưởng Ngài như có chép: “những điều chưa mắt nào thấy, chưa tai nào nghe và trí loài người chưa hề nghĩ tới, nhưng Thượng Đế dành sẵn cho người yêu mến Ngài”.

Xin thân chúc quý vị khám phá ngày càng nhiều về Đấng Tạo Hóa trong chuyến du hành của quý vị.

Xin xem những bài đọc khác