Vertical Thought Magazine – Tùng Tri phỏng dịch
Kính thưa quý thính giả,
Trong những tuần qua, chúng ta có dịp tìm hiểu tiền bạc chỉ là một phương tiện cho đời sống, nhưng sự hạnh phúc chân thật phải đến từ Thượng Đế là Đấng ban phát mọi phước lành mà không tiền bạc nào có thể mua được. Chúng ta cũng khám phá ra rằng tìm kiếm sự tương giao với Đấng Tạo Hóa mới là ưu tiên hàng đầu trong đời sống, vì tiền bạc chỉ là phương tiện tạm thời và chúng ta cũng không mang đi được khi bước vào cõi đời đời, nhưng chính sự tha tội và mối tương giao với Thượng Đế mới đem chúng ta vào nơi vĩnh phúc muôn đời. Lời Kinh Thánh cũng cho biết chúng ta khi còn sống tạm trên đời này, cũng phải siêng năng làm việc để kiếm tiềm lo cho mình, gia đình và có phương tiện giúp đỡ những người thiếu thốn. Sự siêng năng làm việc cần đi đôi với niềm tin là Thượng Đế là Đấng thấu rõ và chu cấp cho ta mỗi ngày. Trong những của cải tiền bạc mà Thượng Đế ban cho, cũng hãy biết ơn và sử dụng tiền bạc một cách khôn ngoan để mang lại nhiều ích lợi cho đời sống.
Sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh có đưa ra một nguyên tắc trong việc quản lý tiền bạc của cải như sau:
Hãy ráng biết cảnh trạng bầy chiên con,
Và lo săn sóc các đàn bò của con;
Vì sự giàu có không lưu tồn mãi mãi,
Và mũ triều thiên há còn đến đời đời sao?
Cỏ khô đã mất đi, cỏ non bèn mọc ra,
Và người ta thâu nhập rau cỏ núi.
Lông chiên con dùng làm áo xống cho con,
Giá dê đực dùng mua đồng ruộng.
Sữa dê có đủ làm đồ ăn cho con,
Cho người nhà con, và đặng nuôi lấy các con đòi của con.
Lời khuyên trên cho thấy chúng ta cần một dự định hay một kế hoạch về ngân sách. Có thể nói các nguyên tắc quản lý tiền bạc từ trước đến nay rút tỉa từ sự hướng dẫn này. Chúng ta cần bỏ thì giờ để sắp xếp ngân sách và thực hiện theo sự dự định này. Trong ví dụ trên, chúng ta được khuyên phải xem xét và hiểu rõ tình trạng của bầy súc vật. Nếu có con nào đau yếu, lo lắng liền cho nó. Xem có đủ nước uống hay thức ăn cho chúng nó không? Người nông gia lo quản lý bầy súc vật phải biết tận tâm và chăm sóc để chúng được mạnh khỏe hầu đem lợi lộc cho người chủ và cả gia đình.
Làm sao chúng ta có thể ứng dụng những nguyên tắc này khi chúng ta không phải là người làm nông? Bài học căn bản ở đây là chúng ta không thể thành công trong vấn đề tiền bạc được nếu chỉ lên kế hoạch suông nhưng lại không thực hành. Nhưng thay vào đó, chúng ta phải học biết khi nào, bằng cách nào và tại sao chúng ta phải tiêu tiền. Nếu bỏ qua nguyên tắc này, chúng ta dễ phạm vào những quyết định sai lầm và tiêu tiền cách hoang phí.
Ví dụ trên chỉ ra những nhu cầu của người chủ và cả gia đình và kế hoạch được đặt ra hầu đáp ứng những nhu cầu này như sau: cỏ khô và cỏ mới phải thu hoạch đúng lúc, mua thêm đất đai khi nào và ở đâu, làm sao có đồ ấm và thực phẩm dùng cho cả năm.
Hoạch định ngân sách là bước đầu đi đến sự thành công trong việc quản lý tiền bạc. Lời Kinh Thánh có dặn dò: “Người khôn ngoan thấy điều tai vạ, và ẩn mình; Nhưng kẻ ngu muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ”.
Có một số đề nghị sau đây trong việc hoạch định ngân sách:
Thứ nhất, hãy xem xét bạn thực sự có được bao nhiêu, hay nói một cách khác, tình trạng tài chánh chúng ta đang ở mức nào. Hãy bắt đầu với những tài sản (assets) thuộc về bạn như nhà ở, xe cộ, đất đai vv. Hãy đánh giá một cách trung thực theo thời giá thị trường trên những tài sản này. Sau đó, hãy liệt kê tất cả các món nợ từ nợ thẻ tín dụng (credit card) cho đến nợ nhà, nợ xe vv. Sau đó khấu trừ tổng cộng của những tài sản bạn đang đứng tên với tổng cộng các nợ nần, bạn sẽ biết là mình thực sự có được bao nhiêu và đây là chỉ số về tình trạng tài chánh của bạn.
Sau khi khấu trừ giữa tài sản và nợ nần, nếu là một số dương, thì bạn đang thực sự nắm giữ một giá trị tài chánh nào đó, nhưng nếu là một con số âm, có nghĩa là vẫn đang mắc nợ.
Tuy nhiên, dầu cho giá trị tài chánh thực sự của bạn là một con số dương thật lớn (có nghĩa là tài sản nhiều hơn nợ), nhưng nếu món nợ quá lớn, thì bạn nên chuẩn bị và tuân thủ theo hoạch định ngân sách để có thể tiến tới một tình trạng tài chánh tốt hơn.
Thứ nhì, hãy xem xét sự luân chuyển ra vào tiền bạc mỗi tháng như thế nào (monthly cash flow). Sự xem xét này sẽ giúp bạn biết mình đang đi theo hướng nào – bạn đang tích lũy thêm tiền bạc, hay đang ở mức trung hòa hay đang đi sâu vào nợ nần. Công việc này tương đối đơn giản vì chỉ cần liệt kê ra tiền thu nhập mỗi tháng và so sánh với những chi phí mỗi ngày. Nếu sau khi đã trả mọi chi phí như nhà cửa, xe cộ, xăng nhớt, áo quần, đồ ăn, bảo hiểm, giải trí vv và mỗi tháng bạn có phần dư ra, như vậy chỉ số tài chánh đang trên đà thăng tiến và bạn có thể tiết kiệm hay đầu tư. Nếu mỗi tháng bạn trả không nổi mọi chi phí, bạn cần xem xét lại ngân sách và cần sửa đổi lại cách sử dụng tiền bạc cho thích hợp.
Một điểm then chốt ở đây là chúng ta phải xem xét tình trạng tài chánh một cách thường xuyên để kịp thời điều chỉnh cho những thay đổi hay những vấn đề bất ngờ xảy đến.
Kính thưa quý thính giả,
Khi nói về những chi phí, sau đây là những chi phí mà phần đông chúng ta phải đối diện và thái độ chúng ta cần suy nghĩ đến.
Thứ nhất là việc học hành. Bạn đi học, hay lo cho con cái mình có một môi trường và phương tiện học hành tốt luôn luôn là một sự đầu tư đáng giá nhất. Thông thường, những ai có trình độ học vấn cao hơn hay tay nghề tốt hơn thì cũng dễ đạt tới sự ổn định về tài chánh sau này.
Tìm cầu, học hỏi, trang bị kỹ năng cho đời sống là sự đầu tư quý giá mà tiền bạc có thể mang lại, như sách Châm Ngôn có khuyên:
Khôn ngoan là cần yếu,
Hãy tìm cầu khôn ngoan,
Tận dụng khả năng cho được thông sáng.
Thứ nhì là quản lý nợ nần. Bị mắc nợ nói thường là không tốt, như sách Châm Ngôn có ghi: “Người vay làm nô lệ cho kẻ cho vay”. Sự khó khăn ở đây là bên cạnh trả lại tiền vốn, chúng ta phải trả thêm tiền lời nữa. Một món nợ nhà với thời gian 30 năm, thì con nợ phải trả vốn lẫn lời tới gấp đôi giá trị căn nhà mình mua. Do vậy, tránh nợ được bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Tuy vậy, đôi khi cũng cần thiết phải mượn nợ. Bạn cần mượn nợ để mua nhà, để làm ăn, mua xe vv. Hãy hoạch định ngân sách để trả nợ cả vốn lẫn lời. Thậm chí khi mượn nợ cho những chuyện cần kíp và chính đáng, cũng hãy phòng hờ có một số tiền phòng thân trong những trường hợp khẩn cấp bất ngờ.
Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi ký tên vào giấy nợ, vì nợ với tiền lời kép (compound interest) khi không trả nổi sẽ mau chóng làm lũng đoạn tình trạng tài chánh.
Thứ ba là việc mua nhà. Khi mua nhà, bên cạnh giá nhà, bạn phải trả tiền thuế stamp duty, tiền chi phí cho ngân hàng, tiền luật sư vv. Khi bán nhà, bạn có thể phải trả cho agent tới 7%. Do vậy, mua nhà để ở một thời gian ngắn rồi bán liền là một quyết định tài chánh thiếu khôn ngoan. Một yếu tố nữa là địa điểm có phù hợp với nhu cầu của bạn, đồng thời giá trị căn nhà có tăng lên trong tương lai hay không, căn nhà sau này nếu bán có đáp ứng nhu cầu của người mua hay không vv.
Thứ tư là xe cộ. Dĩ nhiên có xe thật là tiện lợi, nhưng có xe cũng tốn rất nhiều tiền. Bên cạnh tiền mua xe, hay tiền nợ xe phải trả mỗi tháng, còn có tiền bảo hiểm, thuế đường, bảo trì, sửa chữa và xăng nhớt rất là đắt đỏ như hiện nay. Do đó, hãy lựa chọn một cách cẩn thận cho phù hợp với nhu cầu và túi tiền của bạn. Nếu có thể được, sử dụng phương tiện di chuyển công cộng như xe lửa, xe bus sẽ tiết kiệm được nhiều tiền. Nói về bảo hiểm xe, chúng ta nên có bảo hiểm vì Chúa cũng dạy chúng ta phải yêu thương và có trách nhiệm với người khác, khi tai nạn xảy ra, nhờ có tiền bảo hiểm để bù đắp những thiệt hại hay thương tật cho người kia và cho cả chúng ta. Thêm nữa, nếu không có bảo hiểm, đứng về mặt tài chánh là bạn đặt mình trong sự rủi ro, phải gánh chịu một món nợ lớn khi có chuyện bất ngờ xảy đến.
Thứ năm là chuyện ăn uống. Tiền ăn uống coi vậy mà cũng chiếm nhiều trong ngân sách. Nói tổng quát thì nên mua đồ ăn số nhiều thì lợi hơn mua lẻ, ăn uống nấu ở nhà đỡ tốn tiền và tốt hơn là đi tiệm hay mua những đồ ăn đã chế biến cao cấp.
Thứ sáu là áo quần. Nên tập thói quen mua quần áo theo nhu cầu và dự định hơn là mua theo tùy hứng. Nên mua quần áo có chất lượng tốt và đừng quá theo thời trang, vì những quần áo theo thời trang quá đáng cũng dễ bị thất thời.
Thứ bảy là bảo hiểm. Như Châm Ngôn có chép: “Người khôn ngoan thấy điều tai vạ, và ẩn mình; Nhưng kẻ ngu muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ”, cho nên cách tốt là chúng ta phải phòng hờ. Những tài sản lớn như nhà cửa, xe cộ nên có bảo hiểm hầu khi có bão, cháy, bị phá phách vv, thông thường chúng ta không đủ tài chánh để sửa chữa hay kiếm lại, nhưng nhờ có bảo hiểm, giá trị tài chánh của chúng ta được bảo vệ.
Thứ tám là tiết kiệm. Tiết kiệm như một số người cho là một sự xa xỉ, nhưng tiết kiệm phải là một điều cần có trong hoạch định ngân sách. Lý do rất là đơn giản: tiết kiệm để có tiền cho chuyện khẩn cấp và những chi tiêu ngoài dự tính. Tiết kiệm đòi hỏi phải có kỷ luật, là nhất quyết để riêng ra một món tiền nào đó trong một thời gian thường kỳ nào đó, thí dụ tôi nhất định để dành $200 mỗi tháng vv. Hãy cẩn thận trước những lời dụ ngọt như “bạn mua hôm nay, nhưng ngày mai mới trả”. Hãy học cách tiết kiệm và biết khi nào thì nên mua là một nguyên tắc quan trọng nhất đế xoay đổi tình trạng tài chánh tới một tình trạng tốt đẹp hơn.
Trước khi chấm dứt về đề tài quản lý tiền bạc hôm nay, chúng tôi xin gởi đến bạn 12 câu hỏi mà bạn nên hỏi và trả lời thật chính chắn trước khi quyết định tiêu tiền.
1. Tôi có cần món này không?
2. Giá cả có hữu lý không?
3. Đây có phải là đúng lúc để mua không?
4. Nếu đây giá thương lượng, liệu món đồ này có còn thịnh hành không?
5. Nếu đang giảm giá, giá này có thật là giá giảm không?
6. Có món nào giống như vậy nhưng rẻ hơn không?
7. Nếu không có món này thì có sao không?
8. Nó đắt quá, nó có thực sự thỏa mãn nhu cầu của tôi không?
9. Tôi có so sánh món này ở những nơi khác chưa?
10. Tôi có dự định mua món đồ này trong hoạch định ngân sách của tôi không?
11. Người bán có thành thật về chất lượng cũng như giá cả không?
12. Người bán có cho những dịch vụ đặc biệt gì với món đồ này không?
Nếu tổng cộng điểm cho các câu trả lời là 9 –12 thì nên mua, từ 6 – 8 thì nên suy nghĩ lại và nếu từ 5 trở xuống thì nên mạnh dạn bỏ đi.
Kính chúc quý vị thành công trong việc quản lý tiền bạc là của cải mà Thượng Đế giao phó cho.
Xin xem những bài đọc khác