Tùng Tri
Quý thính giả thân thương,
Nuôi dưỡng tính lãng mạn hay thơ mộng trong hôn nhân rất quan trọng vì điều này làm cho vợ chồng ngày càng gần gũi và thân mật với nhau hơn. Nhưng vì những đụng chạm và gánh nặng trong đời sống mỗi ngày, nên sự lãng mạn trong đời sống hôn nhân cũng rất bếp bênh. Giống như ngọn lửa của một cây đèn trong gió, sự lãng mạn trong hôn nhân cũng chỉ lập lòe rồi tắt ngúm, chỉ trừ khi nào quý vị biết chăm nom với cả một sự trang trọng và thường xuyên. Không những tình yêu cần phải lãng mạn trong những dịp đặc biệt như ngày sinh nhật hay ngày lễ tình yêu Valentines’ day, nhưng tình yêu vợ chồng cần được vun xới, bồi đắp với gia vị lãng mạn trong mỗi ngày.
Thật ra thì mỗi chúng ta có quan điểm khác nhau về thế nào là lãng mạn. Quý bà thì có khuynh hướng cho rằng lãng mạn là những điều khi người yêu làm điều nọ, điều kia để làm cho họ cảm thấy được yêu thương, được bảo vệ và được trân quý. Một buổi tối sánh vai bên nhau, trời đổ mưa và gió trở nên lạnh, chàng cởi chiếc áo khoác, âu yếm choàng lên vai vợ, để che mưa cho nàng và giữ cho nàng ấm. Đó là một cử chỉ yêu thương và lãng mạn. Đặc biệt là các bà vợ có chồng bận rộn, đầu tắt, mặt tối, thường rất mong ước cái cảm giác xao xuyến vì những cử chỉ lãng mạn của chồng. Một buổi tối đi dự tiệc với chồng, ăn mặc đẹp đẽ, vây quanh với bạn bè thân thân thương, rồi với hoa, với nhạc, với những điệu khiêu vũ và những cử chỉ âu yếm bên nhau. Vợ chồng ở nhà giúp đỡ nhau hết mình. Quý ông mà cũng biết lăn vào bếp giúp vợ nấu nướng, dọn dẹp và đưa đón con cái đi học, đi chơi về thì thường được vợ cưng lắm.
Còn các ông, thì ngược lại, dựa vào những cảm giác nhiều hơn trong sự trong lãng mạn. Họ cảm kích khi thấy người vợ biết trang điểm, trau giồi làm cho nàng càng quyến rũ hơn trước mắt họ. Một người đàn ông muốn được tôn trọng – thậm chí là muốn được vợ ngưỡng mộ và khâm phục mình. Chàng muốn nghe nàng thốt lên những lời lẽ chân thành bày tỏ sự quan tâm về ý kiến, dự định và công việc của chàng.
Mặc dầu mỗi chúng ta quan niệm khác nhau về sự lãng mạn, nhưng tựu trung thì lãng mạn là ngôn từ để diễn tả cảm giác thật tuyệt vời khi một người được quan tâm đến, được cần đến và được đeo đuổi, nghĩa là người đó đang ở ngay trung tâm trong sự chú ý của người mình yêu. Thông thường, các mối tình mới chớm nở thì tràn đầy sự thơ mộng hay lãng mạn, và sự lãng mạn này kéo dài được một ít lâu sau ngày cưới. Nhưng với tháng năm trôi qua, công việc chất chồng với trách nhiệm, thì những cảm giác lãng mạn thơ mộng ngày nào cũng bắt đầu phai nhạt.
Trong bài tình ca nổi tiếng “Ngày Ấy Mình Yêu Nhau”, tác giả Lê Tuấn có viết:
Ngày ấy mê em, không làm sao biết tên
Nên anh cố đợi chờ, có dịp làm quen
Lần đầu tiên anh nói, nói mà run quá đi thôi
“Thưa cô… Thưa cô….” rồi bí lời.
Ngày ấy cây si anh trồng ngay lối đi
Đêm khuya cũng chẳng về, thứ người lì ghê đi!
Tỏ tình nghe anh nói, cúi đầu em cắn môi
“Thưa ông… Thưa ông… Thẹn quá chừng!”
Bài tình ca diễn tả sự si tình của một chàng thanh niên. Chàng đã kiếm mọi cơ hội để làm quen và theo đuổi để thổ lộ tình yêu với một cô nàng. Không biết vô tình hay cố ý mà tác giả Lê Tuấn lại đặt tên bài hát là “Ngày Ấy Mình Yêu Nhau” như thể để phân biệt cái ngày mà chàng còn đắm say theo đuổi cô nàng, nhưng bây giờ, sau ngày đám cưới đã mấy tháng, mấy năm, cái cảm giác rạo rực, yêu đương đó đã không còn nữa. Cả chàng lẫn nàng đã mất đi “cánh buồm mộng mơ” của mình và sợi dây luyến ái giữa vợ chồng chết dần, chết mòn trong nỗi đớn đau. Nhưng cũng có cách để tránh tình trạng này.
Quý thính giả thân thương,
Có một quyển sách trong Thánh Kinh Cựu Ước với tựa đề “Nhã Ca” là một tuyển tập những bài thi ca tuyệt vời nhất của vua Sa-lô-môn. Sách “Nhã Ca” dùng hình ảnh yêu nhau thắm thiết giữa một người nam và một người nữ, để diễn tả về tình yêu của Đấng Tạo Hóa dành cho con người. Khi chàng là tất cả sự khát khao của nàng, và khi nàng là trung tâm điểm trong trái tim của chàng, thì sẽ dẫn đến sự lãng mạn và thơ mộng trong tình yêu. Chuyện tình trong sách “Nhã Ca’ thật lãng mạn và tuyệt đẹp, dùng để diễn tả mối tình trọn vẹn, gần gũi của Đấng Tạo Hóa dành cho con người và sự mong ước được con người đáp ứng trước tình yêu của Ngài như thế nào. Chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức một trích đoạn trong sách Nhã Ca như sau:
Chập chờn giấc ngủ cô miên,
Giật mình nghe gõ bên hiên cửa ngoài,
Tiếng người yêu gọi: Em ơi!
Hỡi em yêu dấu, hỡi người tình chung,
Xin em mau mở cửa phòng,
Cả người ướt đẫm vì sương ngập trời.
Những câu thơ trên gợi ra hình ảnh một người con trai đã bị “tiếng sét ái tình”, đêm khuya, đi đến nhà nàng gõ cửa, bấp chấp hiểm nguy, sương rơi, gió lạnh. Người vợ hay chồng của quý vị cũng đang mong chờ quý vị gõ cửa lòng, chú ý, quan tâm, đeo đuổi đến như vậy. Hãy cùng nhau nhớ những phút giây cuồng nhiệt của những ngày còn hò hẹn – nhớ đến sự thẹn thùng, những câu tán tỉnh, những ước mơ bay bổng, những sự theo đuổi say mê. Khi chúng ta chấm dứt thời kỳ tìm hiểu, tán tỉnh, tỏ tình để chuyển sang giai đoạn hôn nhân, hầu hết chúng ta nghĩ rằng là mình nên trưởng thành và nên chấm dứt các chuyện vui đùa lăng xăng. Nhưng nếu nghĩ như vậy, thực ra chúng ta chưa trưởng thành đúng mức như chúng ta tưởng, và vô tình đưa cảnh hôn nhân vào sự tẻ nhạt, cô đơn như vợ Tú Xương có lần than thở “Có chồng hờ hững cũng như không”
Một trích đoạn khác trong Nhã Ca như sau:
Em ơi, em đẹp tuyệt trần
Chim sa cá lặn, dung nhan mặn mà.
Làn môi thắm, khóe thu ba
Tóc em như suối tiên nga rập rờn,
Răng em trắng tựa Bạch Sơn
Hai hàng đều đặn phím đờn âm dương,
Giọng em chẳng khác oanh vàng
Thái dương như quả lựu đang ửng hồng.
Đây là những lời khen của chàng trai si tình tán tụng vẻ đẹp kiều diễm của người mình yêu. Người vợ, người chồng của quý vị cũng đang chờ đợi những lời khen, những câu nói cảm ơn đầy chân tình, những lời khích lệ lẫn nhau trong mỗi ngày. Một lỗi lầm to lớn, lỗi lầm “bạc triệu” là chúng ta thường nghĩ rằng vợ chồng ở với nhau lâu ngày, cần chi phải câu nệ hay khách sáo. Nhưng mỗi chúng ta đều có nhu cầu được công nhận và được ngợi khen như Mark Twain có nói “Tôi sống được hai tháng nhờ vào một lời khen”. Các thống kê cho thấy, các cặp vợ chồng ăn ở với nhau lâu dài thường là khi biết bỏ đi thói tật trách móc, cằn nhằn và thay vào đó lời khen tặng.
Tiếp nữa, sự lãng mạn chỉ tồn tại khi vợ chồng dấn thân xây đắp cho nhau, biến yêu thương thành những hành động cụ thể mỗi ngày như lời Kinh Thánh dạy “Đừng yêu thương đầu môi chót lưỡi, nhưng phải thật lòng yêu thương người khác và chứng tỏ tình yêu đó bằng hành động”. Hãy bắt đầu những công việc đơn giản như đi làm về đúng giờ mỗi ngày, dùng chung bữa tối với nhau, giúp nhau dọn dẹp, lắng nghe những nhu cầu của nhau, cùng hợp tác lo cho con cái. Rồi sắp xếp thời giờ để ở bên cạnh với nhau, xem phim, nghe nhạc, du ngoạn, tùy theo sở thích và hoàn cảnh mỗi người. Quý vị nên tìm đọc quyển sách cố vấn hôn nhân nổi tiếng “Năm Ngôn Ngữ Tình Yêu” của tiền sĩ Gary Chapman, hay theo dõi tiết mục đọc sách này trong chương trình phát thanh Hy Vọng mỗi tuần, để biết cách khám phá nhu cầu của người phối ngẫu và đem lại sự nồng nàn và lãng mạn trong đời sống hôn nhân của quý vị.
Kính thưa quý thính giả, Giữ cho hôn nhân lãng mạn và thơ mộng là giữ cho hôn nhân được bền lâu và hạnh phúc, là sự đầu tư lớn nhất trong đời sống quý vị. Xin kính chúc quý vị thành công.
Xin xem những bài đọc khác