Ngọc Diệp
Tuần trước chúng ta đã nói đến vấn đề các bà hay cằn nhằn khiến cho các ông nhức đầu, nhức óc. Nhiều khi các ông nghĩ thầm: Sao lúc yêu nhau bà dịu hiền như một nàng tiên bé nhỏ, lúc nào cũng vui tươi như một bông hoa tươi thắm trong vườn làm dịu mát tâm hồn ông. Lúc còn yêu đương say đắm trước ngày cưới, đôi môi xinh đẹp của bà chẳng thốt ra một lời cằn nhằn nào cả, khiến cho ông hoàn toàn tin rằng ông là người đàn ông may mắn nhất trên cõi đời này khi bà nhận lời cầu hôn của ông. Không tin sao được, khi có lần ông bị máy chụp hình tốc độ “chụp …lén” lúc ông đang chở bà đi ăn tối cuối tuần, bà an ủi ông, bảo rằng: “Tại bữa nay anh xui thôi”. Hôm khác ông lại bị tài xế xe bên cạnh tin còi inh ỏi khi ông sang lane …hơi ẩu, bà chẳng phàn nàn chi, lại còn cười thích chí vì ông đã lập tức cho tài xế xe kia “ngửi bụi”… Rồi sau ngày cưới, tuần trăng mật bắt đầu tan lùi để nhường chỗ cho những trách nhiệm mới hình thành trong cuộc sống lứa đôi, thì hình như những gì nơi ông làm cho bà vui thích trước kia lại trở thành cái cớ để cho bà cằn nhằn, than phiền ông mãi. Hễ ông lái xe thì bà ngồi một bên, kín đáo liếc cái đồng hồ tốc độ để nhắc chừng không ngớt về tốc độ xe hơi nhanh hơn mức quy định, bà còn phàn nàn rằng trong bốn, năm tháng qua ông đã có tới 3 giấy phạt về tội lái xe quá tốc độ và đậu xe không đúng chỗ. Cũng có thể bà phàn nàn về cách ông sang lane… như vậy là không an toàn, v.v. khiến cho ông bực mình quá đỗi. Ngồi chung xe với bà chẳng khác chi ngồi chung xe với giám khảo chấm thi lấy bằng lái xe hoặc lái xe mà có xe cảnh sát chạy sau vậy! Hết nhằn chuyện lái xe, bà lại than phiền sao ông chẳng biết sửa chữa cái gì trong nhà, dù rằng trước ngày cưới, bà đã biết rằng ông là người yêu thơ, yêu nhạc, chẳng bao giờ cầm đến cái búa với cái đinh. Giờ đây bà lại muốn cái gì ông cũng phải biết làm. Ông đã cố gắng học hỏi và dần dần những sửa chữa lặt vặt trong nhà đã chiếm khá nhiều thì giờ của ông khiến nhiều khi ông cũng thấy bực mình vì chẳng còn thì giờ mà rong chơi với bạn bè như trước. Rồi một bữa kia, vì có chuyện không vừa ý, bà liền cằn nhằn rằng: “Anh chẳng còn lãng mạn tình tứ và “galant” như xưa nữa, chẳng bao giờ dắt em đi xem phim, chẳng có mua hoa tặng em, thậm chí sinh nhật em anh cũng chẳng nhớ. Anh chẳng để ý gì đến em cả! Anh cứ dành thì giờ để làm những gì… đâu đâu không hà!”. Thật là vô lý quá mức có thể chịu đựng nổi, thế là ông gầm lên như một con sư tử bị nhốt lâu ngày, ông cũng cao giọng chỉ cho bà thấy những thiếu sót của bà trong những tháng năm chung sống (dĩ nhiên là theo sự chủ quan của ông!). Vậy là chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng lại bùng nổ trong nhà, có khi chỉ vài tiếng đồng hồ, có khi kéo dài 2, 3 ngày, tùy theo mức độ làm lành của “đối phương”.
Vậy các ông không cằn nhằn hay sao? Tôi tin rằng có nhiều nữ thính giả sẽ gởi lời than phiền về đài, cho rằng tôi thiên vị các ông quá đáng. Rất có thể các vị nữ thính giả thân thương này sẽ kèm theo nhiều bằng chứng cụ thể và xác thực nữa là khác, rằng đàn ông cũng cằn nhằn chẳng kém gì nữ giới. Nếu không thì ông bà ta đã chẳng nói: “Đàn ông gì mà cứ lèm bèm như đàn bà!”. Chẳng phải chỉ người Việt Nam mới nhận xét như vậy mà người Tây Phương cũng dùng hình ảnh “old women” (bà già) để ví von một cách hớm hỉnh giống người Việt ta vậy. Ông Paul Mott, một nhà tâm lý và cố vấn hôn nhân ở Melbourne nhận xét rằng “Khi có những bế tắc trong tình cảm và cuộc sống, thì hai vợ chồng cần phải giải quyết cái vấn đề chính gây ra những xung đột và bế tắc ấy.” Nhưng người ta lại có khuynh hướng tránh né những vấn đề chính và hướng sự tranh cãi vào những vấn đề nhỏ nhặt hơn. Có thể người chồng đang buồn phiền vì những vấn đề trong công ăn việc làm, hoặc không thỏa mãn với cuộc sống bận rộn của chính mình, nhưng biết rằng mình không có khả năng để thay đổi tình thế. Ông buồn bực vì điều này, rồi bắt đầu phàn nàn về những vấn đề chẳng đáng vào đâu cả. Thí dụ như cằn nhằn rằng đồ chơi của con cái để bừa bộn và nhà cửa không ngăn nắp như xưa; rằng lúc này bà xã mập ra, chẳng còn thon gọn như trước; rằng bà xã phung phí tiền bạc khi mua sắm thứ này thứ nọ, hoặc chê thức ăn hôm nay mặn quá, nhạt quá, cay quá, v. v. là những điều mà ông biết mình có thể thay đổi được. Các bà cũng vậy, bận rộn suốt ngày với công ăn việc làm và con cái, các bà trở nên khó tính hơn xưa vì mệt mỏi với những công việc thường nhật và không có thì giờ để chăm sóc cho chính mình. Thay vì nói thẳng với chồng rằng “Mấy hôm nay em mệt quá, vậy tuần này anh chịu khó giúp em rửa chén nha anh”, thì các bà thường nói vòng vo chứ không đi thẳng vào vấn đề, bắt đầu than phiền về sức khỏe của mình lúc này kém đi, rằng con cái và công việc làm cho bà hết cả thì giờ dù bà đã làm việc không ngơi tay, rồi kết luận bằng một câu cằn nhằn theo kiểu “anh chẳng bao giờ giúp em việc gì cả”. Những câu phàn nàn theo kiểu này chẳng đưa đến một kết quả tích cực nào, ngoài việc khiến cho các ông tức giận và ấm ức vì thấy vợ chẳng biết trân quý sự cực nhọc mà mình đã gánh vác cho gia đình.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra sự cằn nhằn của các bà là khi bà yêu cầu ông làm một điều gì đó, thì ông nên ngầm hiểu rằng bà muốn ông làm ngay lập tức vì bà hoàn toàn tin rằng yêu cầu của mình là hợp lý, và rằng ông có cái tật hay quên, nên khi bà mở miệng yêu cầu, thì ông nên để ý và làm ngay. Các bà cũng thường cằn nhằn vì cho rằng các ông rất “vô tâm vô tính”, làm cái gì cũng “ buông tung , bỏ vãi” không ngăn nắp trật tự theo ý của các bà. Đã bao lần bà cằn nhằn ông cái tật hễ mở tủ ra lấy đồ vật gì, thì ông chẳng để ý đến việc đóng cửa tủ lại sau khi đã lấy đồ. Ngay cả việc quần áo dơ thay ra, ông cứ vất bừa bãi dù bà đã nhắc nhở nhiều lần. Có bà còn phàn nàn rằng cách ông phơi quần áo theo kiểu “vất đại” lên dây phơi đồ và kẹp một cái cho xong chuyện chỉ khiến bà phải mất thì giờ đi phơi lại cho thẳng thớm… Về phía các ông thì sự phàn nàn đến từ việc các ông quan niệm rằng các bà chân yếu tay mềm, chẳng làm gì “cho ra hồn” cả. Đã bao lần trên đường phố, ông lắc đầu khi vượt qua mặt một chiếc xe chậm chạp phía trước, liếc ngang về phía tài xế, ông buông một câu phê phán “Đúng là tài xế đàn bà!”. Câu phê phán này làm cho bà vợ ngồi kế bên cau mày phật ý, nhưng ông chẳng thèm để ý, nói thêm: “Anh chán nhất là gặp mấy bà lái xe…” Nếu bà mở miệng phản đối, thì ông sẽ phàn nàn và dẫn chứng rằng bà không biết “reverse parking”, (tức là de xe đậu vào chỗ trống giữa 2 chiếc xe đang đậu), và tuần trước bà đã “cọ quẹt” trầy cả xe khi lái xe lên carpark.
Theo Brian Allen, cố vấn hôn nhân mà tôi đã có dịp đề cập đến trong bài nói chuyện tuần trước, thì “bệnh cằn nhằn có thể chữa được, miễn là hai vợ chồng còn yêu thương và gắn bó với nhau”. Cách chữa trị tốt nhất, là cả hai phái phải học cách đối thoại để đạt được sự thông cảm lẫn nhau. Sự khéo léo trong việc đối thoại không nằm ở chỗ nói vòng vo tam quốc hoặc dùng những sáo ngữ vô ích, hoặc không nói hết sự thật, mà nằm ở chỗ diễn dạt cho rõ ràng, thành thật và thẳng thắn những gì mình muốn một cách có hiệu quả và không gây ra những ngộ nhận nơi người nghe. Dĩ nhiên, sự thẳng thắn không hề đồng nghĩa với sự “trắng trợn” hoặc “thô tục” trong mọi hình thức theo kiểu “muốn nói sao thì nói”. Tục ngữ phương Tây có câu: “Bạn có thể nói bất cứ cái gì cũng được, nhưng điều quan trọng là cách thức bạn nói ra điều ấy” (You can say anything. It’s how you say it.) Cách nói rất quan trọng ở giọng điệu và cường điệu, nếu không thì người đối diện lại liên tưởng đến chuyện bị cằn nhằn và sẽ tự động “đóng chặt đôi tai” không chịu nghe nữa. Thậm chí trong vài trường hợp, người nghe còn “khép chặt con tim” lại nữa thì… quả là nguy to! Tuy nhiên, nói chung thì các bà hay cằn nhằn, còn các ông thì lại thường dễ nổi nóng. Robert Ware, chủ tịch của Hiệp Hội Thế Giới Về Phát Triển Nhân Cách có chi nhánh tại Melbourne, trong một lần tranh luận, đã nhìn nhận rằng việc cằn nhằn của quý bà thường được nêu lên như một trong những nguyên nhân khiến các ông “sôi máu”, đưa đến việc xô xát trong gia đình. Lời phàn nàn ông thường nghe phái nam nhắc đến nhiều nhất, là việc các bà không chịu lắng nghe các ông. Nhưng khi bàn thảo vấn đề sâu sắc hơn, thì vấn đề chính nằm ở chỗ cả hai đều muốn mình được lắng nghe, được thông cảm và, dĩ nhiên, ai cũng muốn mình được coi trọng. Hầu hết mọi người khi tham dự những cuộc hội thảo về mối quan hệ trong gia đình, đều đồng ý rằng đối thoại trong gia đình là một trong vài yếu tố quan trọng nhất đưa đến việc thông cảm và yêu thương gắn bó lẫn nhau.
Kinh Thánh có những lời khuyên rất chí lý về quan hệ lứa đôi khi nói rằng vợ chồng phải thuận phục nhau vì kính sợ Chúa Cứu Thế. Sách Êphêsô 5: 28-33 có những lời kêu gọi người chồng phải yêu vợ như chính bản thân: rằng chồng yêu vợ là yêu chính bản thân; không có ai ghét bản thân, trái lại nuôi dưỡng chăm sóc nó. Còn vợ thì phải kính trọng chồng. Khi mọi thành viên trong gia đình đặt chính mình vào đúng vị trí như lời Kinh Thánh kêu gọi thì, ngạc nhiên thay, hình như mọi xung đột đều được giải quyết tốt đẹp theo nguyên lý: Tình yêu sanh ra tình yêu. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi cũng thấy rằng chúng ta không thể là người vợ, người chồng vui vẻ, cởi mở, đầy yêu thương nếu chúng ta luôn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng vì gánh nặng chồng chất ngày này sang ngày khác. Tốt nhất là nên tìm một thì giờ cho riêng mình mỗi tuần lễ một lần chẳng hạn, để làm những gì mà chúng ta yêu thích. Nếu cả hai vợ chồng có cùng sở thích thì lại càng tốt hơn nữa. Nương chiều bản thân của chính mình đôi chút cũng là điều thỉnh thoảng nên làm, vì suy cho cùng, mỗi chúng ta cần phải cảm thấy thoải mái và yêu thích chính mình để có thể là một người dễ thương trước mặt người khác. Cũng nên có những cử chỉ trìu mến, thương yêu, chăm sóc để mật ngọt của tình yêu lan sang người phối ngẫu. Nếu cần được chồng hoặc vợ giúp đỡ điều gì, nên đi thẳng vào vấn đề một cách thành thật và cởi mở, đừng đưa ra những lý do dông dài và cằn nhằn rằng chẳng có ai chịu giúp mình việc này việc khác. Kinh Thánh dậy: “Lời nói thiếu suy nghĩ như lưỡi gươm đâm thủng; Nhưng lưỡi người khôn ngoan chữa lành” (Châm Ngôn 12: 18). Toa thuốc để chữa trị căn bệnh cằn nhằn, theo tôi, có thể nằm trong Châm Ngôn 16: 24: “Lời nói dịu dàng như tàng mật ong, Ngọt ngào cho tâm hồn và lành mạnh cho xương cốt”. Hôm nay, quý vị hãy thử cách đối thoại mới trong gia đình và có những cử chỉ chăm sóc, âu yếm với mọi người mình thương yêu, rồi quý vị sẽ ngạc nhiên thấy những thay đổi tích cực dần dần xuất hiện trong những ngày tháng tới. Hy vọng nhận được những đóng góp quý báu của quý vị về vấn đề này trong vài tuần lễ tới.
Xin xem những bài đọc khác