Vũ Nguyễn Thiên Ái
Bà mẹ với gương mặt hốc hác ái ngại nhìn đứa con trai yêu dấu của mình qua làn kiếng cách ly! Chỉ còn không đầy mười ngày nữa là nó sẽ vĩnh viễn lìa xa bà. Đứa con mà bà đã cưu mang từ trong những ngày còn ở trại tỵ nạn. Đứa con mà bà đã cẩn thận dạy dỗ, trông mong sao cho nó nên người trở nên một thanh niên hữu dụng cho đất nước. Biết người, biết mình, biết anh em, biết bà con, dòng họ….. Thế mà bây giờ, tất cả những hy vọng của bà sắp sửa tan thành mây khói. Đứa con yêu dấu của bà, chỉ một vài ngày nữa đây, nó sẽ bị hành quyết một cách không khoan nhượng, không cần biết bao nhiêu chữ ký bà đã xin, không cần biết bao nhiêu nỗ lực ngoại giao của chính phủ Úc. Đứa con yêu dấu của bà vẫn phải đối diện với sợi dây thòng lọng chỉ trong một giây lát nữa mà thôi…. Và rồi việc gì phải đến đã đến. Văn đã ra đi vào một ngày thứ sáu ảm đạm, đầu tháng 12 năm 2005. Cuốn nhật ký của Văn để lại đã cho thấy một mặt khác thật yếu đuối nhưng cũng thật trưởng thành, thật mềm mại và dễ mến của một cuộc đời bị nhiều người kết án là hư hỏng.
Ngay cho đến những giây phút cuối cùng, anh đã tỏ ra là một con người rất can đảm, đối diện với cái chết của mình một cách thật bình tĩnh. Dẫu biết rằng ai cũng chỉ chết một lần mà thôi, nhưng sự bình thản của anh đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Người thanh niên hai mươi lăm tuổi này quả thật đã thay đổi rất nhiều so với lúc anh mới bị tống giam cách đây hơn ba năm trước.
Người xưa hay nói: ‘Có những cái chết nhẹ như lông hồng, nhưng cũng có những cái chết nặng như núi Thái sơn’ để hàm ý một cái chết thật ý nghĩa, chết sao cho…phải cách, đáng với sự hy sinh mạng sống của mình. Với Văn sự việc có thể không như thế. Có lẽ anh chẳng bao giờ cần phải làm một lựa chọn như thế nếu như anh đã quyết định không trở về quê hương, vận chuyển bạch phiến để giúp đỡ người em song sinh của mình trả nợ. Sẽ không ai hoàn toàn thấu rõ được sự thật của câu chuyện ngoại trừ người đã nằm xuống và một số người thân. Nhưng đây không còn là chuyện quan trọng cần phải bàn cãi nữa. Người phải đi, đã đi. Nhưng thái độ ra đi của Văn đã để lại trong lòng nhiều người sự thương tiếc và thông cảm cho chính anh và gia đình anh.
Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời trên đất này chắc hẳn anh đã nhận ra một sự thật rõ như ban ngày ấy là cuộc đời chỉ như bóng câu qua cửa sổ, tất cả những ham muốn trần thế rồi cũng như phù du, trôi đi một cách thật nhanh chóng. Anh cũng nhận ra rằng tất cả những gì mình đã làm quả thật đã là một bài học để đời đáng tiếc. Nhưng anh cũng biết được giá trị của sự tha thứ, phục hòa, và sự bình an trong tâm hồn. Thế nên anh đã chấp nhận sự ra đi của mình một cách can đảm và kiên nhẫn vì anh biết rằng bên kia sự chết là Chúa Jesus đang giang rộng vòng tay từ ái đón chờ anh, không như một tên hư đốn mà xã hội Singapore đã quyết tâm triệt hạ, nhưng như là một đứa con hoang đàng, đã hư hỏng từ lâu, nay đã quyết định quay đầu trở lại, về nhà và tạ tội với Cha mình. Anh thấy như Chúa là người Cha nhân từ, đang chờ để ôm chầm lấy anh như thể ‘con ta đã mất mà nay lại thấy!’ Thế nên anh đã mạnh dạn viết những lời tâm sự cuối cùng: “Tôi đã làm những điều thật sai lầm….nhưng rồi….Chúa đã tha thứ tôi và đang chờ đón tôi.”
Không có sự chia ly nào không buồn, nhưng chính thái độ của người ra đi đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ không ít. Dù cuộc đời của anh đã bị cắt ngắn, nhưng cái can đảm của anh không dừng lại khi anh qua đời. Nó vẫn cứ tiếp diễn và đeo đuổi những ai có lòng bận tâm suy nghĩ về nó. Lẽ ra anh phải là người ‘chết lên chết xuống’ với cái quyết định quá tàn nhẫn của chính phủ Singapore, nhưng trái lại, anh lại là người yên ủi mẹ mình. Những lời nói của anh không khỏi làm cho chúng ta xúc động, bồi hồi: “Mẹ ơi, hãy luôn mạnh mẽ và mỉm cười vì con. Mẹ đừng buồn, Chúa đón con về. Sẽ có những thiên thần đón con ở cổng thiên đường….”
Phúc âm Luca ghi lại câu chuyện Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, ở hai bên là hai tên cướp. Trước giờ tắt hơi, Ngài đang ở trong cơn đau đớn tột độ, nhưng vẫn còn phải chịu sự mạt sát của tên cướp bên tả. Trong khi đó tên bên hữu đã mạnh dạn nhìn nhận: “Hình ta chịu xứng đáng với việc ta làm.” Kính thưa quý thính giả, ít có ai có đủ can đảm để nhìn nhận án tử dành sẵn cho mình, nhưng tên cướp này thì khác. Nhận biết được tội lỗi của mình, anh ta không phàn nàn vì bản án đã dành sẵn, anh trách người bạn của mình: “Ngươi cũng chịu một hình phạt ấy, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Về phần chúng ta, chỉ là sự công bình, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người này không hề làm một điều gì ác” (Phúc âm Luca 23: 40-41). Xa hơn thế, anh đã thấy được sự vô tội của Đấng Cứu Thế, người đang bị thế gian kết tội và đóng đinh trên cây thập tự vì tội lỗi của tất cả nhân loại.
Mùa Phục sinh sắp đến trong cái tưng bừng của Lễ mừng Chúa sống lại, chúng ta vẫn cảm nhận được nỗi đau đớn của Ngài khi phải trải qua sự chết trước đó. Chẳng có thành tựu nào tự nhiên mà có. Thành tựu nào cũng phải được trả một giá xứng đáng cả. Sự chết của Chúa Jesus đã nói lên điều đó. Muốn cứu nhân loại Ngài phải hy sinh trên thập tự giá. Con Trời phải trở thành con người; người vô tội phải trở thành kẻ tử tội. Nhưng chết chẳng phải là hết, là chấm dứt như nhiều người lầm tưởng. Sự phục sinh của Chúa Jesus cho chúng ta niềm hy vọng tuyệt đối vào một tương lai có Ngài và với Ngài. Trong ý nghĩa đó, Tường Văn đã chấp nhận cái chết như là một phương tiện để anh được trở về nhà với Cha yêu dấu; Đấng bởi sự phục sinh của mình đã bôi xóa tội anh, tha thứ cho anh, phục hòa cho anh địa vị làm con yêu dấu của Ngài và anh đã tin quyết vào điều đó.
Kinh Thánh cho biết: “Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi đỏ như hồng điều sẽ trở nên trắng như tuyết, dầu đỏ như son sẽ trở nên trắng như lông chiên” (Ê-sai 1:18). Lời mời gọi ấy chẳng những cho hai tên cướp đã bị đóng đinh với Ngài, cho Nguyễn Tường Văn, nhưng cũng cho mỗi một chúng ta là những người đang nghe đến danh Chúa Jesus và quyết định mời Ngài vào lòng. Bạn làm quyết định nào trong mùa Phục sinh này?
Khi bị treo trên cây gỗ, một trong hai tên cướp đã làm chọn lựa rất quan trọng này: “Hình ta chịu, xứng với việc ta làm.” Và rồi anh tiếp: “Lạy Chúa Jesus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi.” Và anh đã được Ngài tha thứ và được hứa cho một chỗ trong thiên quốc. Cũng thế, Văn cũng biết rằng mình đã được tha thứ và sẽ được Chúa đón về với Ngài, thành ra sự chết đối với họ chỉ là khởi đầu của một cuộc sống mới. Một cuộc sống mà nơi đó bao nhiêu tội lỗi đã được tha thứ, bao nhiêu hận thù đã được khỏa lấp chỉ nhờ vào tình thương và sự hy sinh của Chúa Jesus.
Mùa Phục Sinh năm nay, Phát thanh Hy Vọng xin mời quý thính giả dành một ít phút giây yên lặng để chiêm nghiệm món quà tặng nhưng không mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta: Chúa Jesus. Ngài yêu chúng ta cho đến nỗi chịu chết để gánh lấy tội lỗi của chúng ta, cho chúng ta được cơ hội phục hòa với Đức Chúa Trời; và đã phục sinh vì sự sống đời đời của chúng ta. Và đây chính là Tin Lành mà Chúa Jesus đã đem đến cho nhân loại. Kính chào quý thính giả.
Xin xem những bài đọc khác