Thiên Sứ Báo Tin

Lu-ca 1:13-17

Kính thưa quý thính giả,

Trong tuần trước, chúng ta đã học, khi thiên sứ hiện ra với Xa-cha-ri trong đền thờ, trong lúc ông đang dâng hương, thì ông “bối rối và sợ hãi”

“Nhưng thiên sứ nói cùng người rằng “Hỡi Xa-cha-ri, đừng sợ, vì lời cầu nguyện ngươi đã được nhận rồi. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai ..”

Thiên sứ gọi chính tên ông để trấn an nỗi sợ hãi của ông. “Lời cầu nguyện của ngươi đã được nhận rồi”. Những lời cầu nguyện của Xa-cha-ri xin Chúa cứu và giải phóng dân tộc ông, đúng vậy, những lời cầu nguyện này cũng được nhận, vì Chúa đang chuẩn bị thực hiện một chương trình cứu rỗi thật kỳ diệu. Nhưng lời cầu nguyện tưởng như chìm vào quên lãng, lời cầu nguyện day dứt bao lâu nay xin Chúa ban cho ông một đứa con trai; Ðức Chúa Trời đang trả lời cho lời cầu nguyện này “Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai… lời cầu nguyện ngươi đã được nhận rồi”

Không biết những lời thiên sứ phán sau đây có phải là một bài thánh ca hay không? Nhưng, ít nhất, nó nghe như một bài thơ. Ðó là sứ điệp của Chúa được trình bày dưới một hình thức nghệ thuật tuyệt vời, từ câu 13 đến câu 17 như sau:

…ngươi khá đặt tên là Giăng. 14 Con trai đó sẽ làm cho ngươi vui mừng hớn hở, và nhiều kẻ sẽ mừng rỡ về sự sanh người ra. 15 Vì người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa; không uống rượu hay là giống gì làm cho say, và sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ. 16 Người sẽ làm cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ; 17 chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng

Thiên sứ đặt tên cho đứa con trai sắp được sinh ra, mô tả tính tình và mục đích nó sẽ phục vụ trong cuộc đời nó. Cái tên “Giăng” hay trong tiếng Anh, chúng ta thường gọi là “John” có nghĩa là “Ðức Chúa Trời là Ðấng Rộng Lượng”. Như thế, người cha mang tên “Ðức Giê Hô Va Nhớ Ðến”, còn tên người mẹ có nghĩa “Lời Ứơc Nguyện Của Ðức Chúa Trời” sẽ được ban cho một con trai mang tên “Ðức Chúa Trời Là Ðấng Rộng Lượng”. Thiên sứ cũng tuyên bố rằng sự ra đời của bé trai này sẽ mang ảnh hưởng ngay tức thì đến hai vợ chồng Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét “Con trai đó sẽ làm cho ngươi vui mừng hớn hở”. Quả thật, Ðức Chúa Trời quan tâm đến con người. Ngài quan tâm tin tức này sẽ ảnh hưởng ra sao đến người nhận tin. Chủ đề của sự vui mừng và hớn hở được lập đi lập lại nhiều lần trong sách Phúc Âm của Lu-ca. Lu-ca biết rằng Chúa Jêsus mang đến niềm vui cho nhân loại, và niềm vui đó được bắt đầu với đôi vợ chồng Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét.

Thiên sứ mô tả tính tình của đứa bé trai diệu kỳ này, rằng Ðức Chúa Trời đã xác định về sự cao cả trong đời sống thuộc linh của đứa bé. Ngay từ trong bụng mẹ, bé trai này sẽ được Ðức Thánh Linh bao phủ và hướng dẫn, cũng giống như Sam-sôn và tiên tri Sa-mu-ên trong thời Cựu Ứơc. Ðời sống của người chỉ để dành cho một mục đích duy nhất. Người sẽ được tinh luyện để dành riêng cho công việc của Ðức Chúa Trời, có lẽ sẽ chịu ảnh hưởng bởi chức vụ tế lễ của cha mình trong những tháng năm trước tuổi trưởng thành, trong một đời sống kỷ luật và đơn giản.

Thiên sứ cũng nói về công việc của Giăng, đó là chuẩn bị cho sự xuất hiện của Ðấng Mê-si. Những lời thiên sứ phán trong câu 16 và 17, vang vọng lời tiên tri của Ê-sai. Lu-ca cũng đã sử dụng chính những lời này để mô tả về chức vụ của Giăng, trong chương 3, từ câu 2 đến câu 6 như sau:

thì có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng, con Xa-cha-ri, ở nơi đồng vắng. 3 Giăng bèn dạo qua hết thảy miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-têm về sự ăn năn để được tha tội, 4 như lời đã chép trong sách đấng tiên tri Ê-sai rằng: Có tiếng kêu la trong đồng vắng: Hãy dọn đường Chúa, ban bằng các nẻo Ngài. 5 Mọi nơi sũng thấp sẽ lấp cho đầy, Các núi các gò thì bị hạ xuống; Đường quanh quẹo thì làm cho ngay, Đường gập ghềnh thì làm cho bằng; 6 Và mọi loài xác thịt sẽ thấy sự cứu của Đức Chúa Trời.

Ðứa bé trai này sẽ trở thành một người đi trước, giảng dạy về sự ăn năn, thanh tẩy lòng người, gieo vào tâm hồn mọi người niềm khát khao và sự mong đợi về Tin lành cứu rỗi của Chúa Jêsus sẽ đến tiếp theo đó.

Những lời này của thiên sứ cũng vang vọng lại lời tiên tri cuối cùng của Ma-la-chi được chép khoảng 400 năm trước, khi tiên tri này nói về một nhân vật sẽ đến, theo như sách Ma-la-chi chương 4, câu 4 đến câu 6 như sau:

4 Các ngươi khá nhớ lại luật pháp của đầy tớ ta là Môi-se, mà ta đã truyền cho nó tại Hô-rếp, tức là những lệ luật và mạng lịnh cho cả Y-sơ-ra-ên. 5 Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến. 6 Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất nầy.

Nhân vật này sẽ đến trong một tinh thần, năng lực và hiệu quả giống như tiên tri Ê-li, vị tiên tri vĩ đại nhất trong các tiên tri thời Cựu Ứơc. Giăng sẽ đến để khôi phục lại sự tinh khiết trong niềm tin của thời Cựu Ứơc và xoay chuyển cả một thế hệ của những đứa con nổi loạn, cứng đầu trở về với niềm tin của cha ông, của tổ tiên họ, là Áp-ra-ham, Môi-se, Y-sác, và Gia-cốp, để chuẩn bị cho họ tấm lòng sẵn sàng đón nhận đời sống và sự giảng dạy của Chúa Jêsus Christ.

Sự công bố lạ lùng này cũng nhấn mạnh một nguyên tắc quan trọng: Không cần biết là sẽ bao lâu, nhưng Ðức Chúa Trời sẽ hoàn tất những mục đích của Ngài. Có những khoảng thời gian dường như chẳng có điều gì xảy ra, giống như 400 năm yên lặng trong lịch sử dân Do thái, nhưng những giai đoạn này cũng cho thấy rằng Ðức Chúa Trời vẫn đang tể trị và nắm giữ lịch sử và chương trình cứu rỗi của nhân loại. Chúng ta không tể trị. Thậm chí chính đời sống của chúng ta, sự cứu rỗi của chúng ta, Ðức Chúa Trời là Ðấng đang nắm giữ. Từ góc nhìn của Ngài, mọi sự diễn tiến đúng theo thời gian quy định.

Chúng ta khó có thể hiểu được điều này. Cũng thật khó cho dân Do thái để hiểu được điều này. Tuyển dân của Ðức Chúa Trời, sống trong 400 năm yên lặng này, chắc phải la lên rằng “Ðức Chúa Trời đã quên chúng tôi rồi sao? Chương trình cứu rỗi của Ngài bị hủy bỏ rồi sao? Ngài bị thua rồi sao? Ngài không giữ nổi lời hứa?”. Nhưng khi thiên sứ xuất hiện, câu trả lời cho những hoài ghi này là “Không”. Ngài không bao giờ quên. Lời Ngài đáng tin cậy. Những gì đã tiên tri thì giờ đây ứng nghiệm. Ðức Chúa Trời giữ lời đã phán ra. Mà thực vậy, những lời cuối cùng thiên sứ phán với Xa-cha-ri trong câu 20 như sau “..cho đến ngày nào các điều ấy xảy ra, ..là lời đến kỳ sẽ ứng nghiệm.” hay chúng ta có thể diễn giải như sau “Ðức Chúa Trời sẽ hoàn tất mọi sự mà ta đã nói cho ngươi, Xa-cha-ri, trong thời khắc mà những điều này đã được ấn định.”

Là con người, chúng ta thường thiếu kiên nhẫn trong thời giờ hoạch định của Ðức Chúa Trời. Ðiều này nói lên chúng ta thiếu tin cậy nơi Chúa. Chúng ta thường muốn mọi sự xảy ra theo như ý riêng của chúng ta và điều này thường dẫn đến nhiều thất bại. Bài thánh ca nổi tiếng “In His Time” được chuyển ngữ qua tiếng Việt là “Lòng Ứơc Mong”, với nội dung rằng “Mọi sự được dựng nên cách đẹp đẽ trong thời giờ ấn định tuyệt hảo của Ðức Chúa Trời”.

Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại vào tuần tới.

Xin xem những bài đọc khác