Thiên sứ hiện ra với Ma-ri

Lu-ca 1:26-29

Các câu chuyện và chi tiết được ghi chép trong chương 1 của sách Phúc Âm Lu-ca xảy ra trong 15 tháng, trước ngày Chúa Jêsus giáng sanh. Trong chương này đề cập đến bốn nhân vật trong dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời chọn và sử dụng trong chương trình cứu rỗi đời đời cho nhân loại.

Câu chuyện đầu tiên, từ câu 5 đến câu 25, kể về thiên sứ Gáp-ri-ên đến báo tin với thầy tế lễ Xa-cha-ri, trong khi ông đang hầu việc Chúa trong đền thờ. Thiên sứ đã loan tin về sự ra đời của Giăng, là người sẽ đi trước để mở đường cho Ðấng Mê-si. Giăng sẽ lớn lên, tràn đầy Ðức Thánh Linh, và sẽ đi trước để rao giảng và chuẩn bị tấm lòng của người dân Y-sơ-ra-ên đón nhận sự xuất hiện của Cứu Chúa Jêsus.

Câu chuyện thứ nhì bắt đầu với sự xuất hiện của thiên sứ Gáp-ri-ên một lần nữa. Lần này, thiên sứ đến loan tin với một thiếu nữ tên Ma-ri. Cách thức loan tin lần này lạ lùng hơn lần trước, nhưng cũng thật oai nghiêm và đầy quyền năng. Trong tuần này, chúng ta sẽ đi vào trong chi tiết câu chuyện phi thường này với một tinh thần khiêm nhu và kính sợ, để rồi sẽ kinh ngạc qua những công việc diệu kỳ mà Chúa đã thực hiện.

Lúc này, Ê-li-sa-bét, vợ thầy tế lễ Xa-cha-ri mang thai đã được sáu tháng. Khung cảnh câu chuyện được đổi từ đền thờ tại Jê-ru-sa-lem, thuộc tỉnh Giu-đê, ra đến một ngôi nhà ở Na-xa-rét, thuộc tỉnh Ga-li-lê. Ðây là lời loan tin có một không hai của thiên sứ Gáp-ri-ên gởi đến cho Ma-ri, được chép trong câu 26 đến câu 29 như sau:

Đến tháng thứ sáu, Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, tới cùng một người nữ đồng trinh tên là Ma-ri, đã hứa gả cho một người nam tên là Giô-sép, về dòng vua Đa-vít. Thiên sứ vào chỗ người nữ ở, nói rằng: Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi. Ma-ri nghe nói thì bối rối, tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa gì.

Kính thưa quý thính giả,

Trong cái nhìn của con người, sự kiện Đức Chúa Trời chọn xứ Ga-li-lê để loan tin sự hạ sanh của Đấng Mê-si dường như thật khó hiểu. Tại sao Ngài không chọn thành Giu-đê, là trái tim về địa dư của cả xứ Do Thái, là trung tâm của những giao tiếp giữa Ngài và con người qua hàng mấy thế kỷ? Người dân thành Giu-đê vẫn tự hào về lịch sử và vị trí quan trọng của thành phố này. Ngược lại, xứ Ga-li-lê, là vùng quê nằm trên các sườn đồi phía bắc. Ðã từ lâu lắm, chẳng mấy ai coi nơi này ra gì cả. Trong thời Cựu Ứơc, xứ Ga-li-lê bị tràn ngập bởi các tôn giáo tà thần. Vào thời gian câu chuyện này, thì Hê-rốt An-ti-pas, con trai của vua Hê-rốt Ðại Ðế, đang là lãnh chúa của xứ Ga-li-lê. Noi theo dấu chân cha mình, tên lãnh chúa này đem vào xứ sở này những thần tượng của người La-mã cùng với các tập tục mê tín dị đoan. Tuy vậy, Ðức Chúa Trời vẫn chọn Ga-li-lê, thay vì Giu-đê.

Sự lựa chọn của Chúa về nơi chốn, dưới cặp mắt con người, thật là lạ lùng. Ngài không chọn thành Jê-ru-sa-lem, thành của vua Ða-vít, trái tim có ảnh hưởng đến tôn giáo và đời sống của cả nước. Chúa Jêsus cũng từng gọi thành Jê-ru-sa-lem là “thành phố của Vua Lớn”. Jê-ru-sa-lem là chiếc ngôi của tôn giáo, chính trị, xã hội và quyền lực, quyết định mọi mặt trong đời sống của cả đất nước Do thái; nhưng không, Ðức Chúa Trời đã chọn thành Na-xa-rét, tọa lạc khoảng 70 dậm về phía đông bắc của kinh thành Jê-ru-sa-lem, nằm ở phía trên của trục lộ giao thông chính của Jê-ru-sa-lem với Ty-rơ và Si-đôn là hai thành phố nằm dọc theo bờ biển phía bắc.

Thành Na-xa-rét có khoảng 15,000 cư dân. Thành phố này có rất nhiều quán trọ để đáp ứng nhu cầu của vô số khách qua đường tại đây, trong đó có các lính La-mã, những kẻ hành hương, các tay buôn thường xuyên đi lại trên trục lộ giao thông chính này. Do tình trạng như vậy, những chuyện đồi bại và tham nhũng xảy ra như cơm bữa ở tại đây. Bởi thế, một chàng trai tên Na-tha-na-ên, lần đầu tiên được Phi-líp giới thiệu về một con người tên Jêsus có quê quán ở Na-xa-rét, Na-tha-na-ên đâm ra nghi ngờ và đã thốt lên rằng “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” (Giăng 1:46). Tuy vậy, Ðức Chúa Trời đã chọn Na-xa-rét, chứ không chọn Jê-ru-sa-lem là thủ đô và trái tim của cả xứ Do Thái.

Còn lạ lùng hơn nữa là Đức Chúa Trời đã chọn một ngôi nhà, chứ không phải đền thờ để loan tin sự ra đời của Đấng Mê-si. Ðền thờ là nơi Chúa ngự, là nơi thánh dành riêng cho sự thờ phượng và dâng lễ, là nơi mà vinh quang và ơn phước Chúa được bày tỏ. Nhưng Chúa chọn một ngôi nhà riêng, một nơi ở đơn giản như bao ngôi nhà khác, thiếu vắng sự trang nghiêm tôn giáo. Ðức Chúa Trời đã không chọn đền thờ nhưng Ngài đã chọn một ngôi nhà đơn giản tại vùng Ga-li-lê.

Những nhân vật được giới thiệu trong câu chuyện này cũng làm chúng ta say mê. Giô-sép, theo sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, là con cháu trực hệ của vua Ða-vít qua dòng vua Sô-lô-môn. Ma-thi-ơ mô tả ông là một người chính trực và tử tế. Ma-thi-ơ cũng cho biết ông làm nghề thợ mộc, là một người lao động. Ông cũng không nghèo nhưng cũng không quá giàu có.

Sau đó, câu chuyện giới thiệu Ma-ri. “Ma-ri” là tên Hy lạp được dịch ra từ tên “Mi-ri-am” trong tiếng Hê-bơ-rơ. Trong chưong 3 khi nói về gia phả của Chúa Jêsus, Lu-ca cho thấy Ma-ri thuộc dòng tộc vua Đa-vít, từ người con trai Na-than của vị vua này. Nàng được hứa gả cho Giô-sép. Việc hứa gả trong thế kỷ thứ nhất rất khác với việc đính hôn ngày nay. Hứa gả là một cam kết rất trang trọng trước khi tiến tới hôn nhân. Thời gian hứa gả là một năm, là thời gian chuẩn bị mọi mặt cho hôn nhân sắp tới. Thầy tế lễ phải tiến hành nghi lễ cho sự hứa gả, và sự hứa gả ràng buộc đến nỗi nếu không muốn tiến tới hôn nhân thì phải tiến hành thủ tục ly dị. Ma-ri là một người con gái còn trong trắng. Sống trong một thành phố mà tội lỗi và suy đồi nhan nhãn khắp nơi, nhưng nàng vẫn giữ gìn đời sống và tâm hồn trong suốt. Nàng là người con gái trinh bạch, không bị lôi cuốn bởi hoàn cảnh xung quanh.

Lời chào của thiên sứ Gáp-ri-ên vừa tuyệt vời, vừa đầy quyền uy, được diễn ý trong Bản Dịch Kinh Thánh Phổ Thông như sau “Chào cô! Chúa đã ban phúc cho cô và ở cùng cô.” “Chào”, trong gốc chữ Hy-lạp, có đồng một gốc từ với chữ “được ưu ái”, hay “được đặc ân”. Do vậy, lời chào của thiên sứ Gáp-ri-ên thực sự là “ Hỡi người được ưu ái, hỡi người được đặc ân”.

Lời chào của thiên sứ bày tỏ sự ngưỡng mộ về nhân cách vẹn toàn của nàng, mặc dầu sống trong hoàn cảnh tội lỗi xô bồ của thành Na-xa-rét, nhưng Ma-ri vẫn tinh khiết, trắng trong và thật xứng hợp cho trọng trách mà Chúa sắp giao phó cho nàng. Đức Chúa Trời đã chiếu cố đến nàng vì tâm hồn trong suốt và tuyệt đẹp của Ma-ri.

Một mỹ tính khác của Ma-ri là đơn sơ và khiêm tốn. Nàng thật thánh thiện vì yêu mến và kính sợ Đức Chúa Trời, chỉ đơn giản vậy thôi. Nàng thật đạo đức không phải để gây ấn tượng hoặc để được ai khen tặng. Chính nàng cũng không nhận biết sự đẹp đẽ và đầy ơn của nàng. Do vậy, khi thiên sứ mở lời chào nàng với sự khen ngợi cao độ, Ma-ri thoạt tiên sửng sốt rồi chuyển qua bối rối, vì chằng hiểu dựa vào cơ sở nào mà thiên sứ chào nàng như vậy, như trong câu 29 đã ghi “Ma-ri nghe nói thì bối rối, tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa gì.

Ma-ri còn có những mỹ tính nào khác nữa khiến Đức Chúa Trời đã chọn nàng để giao cho một trọng trách vinh dự nhất và đã khiến nàng trở nên người phụ nữ được phước nhất và tôn trọng nhất cho đến muôn đời. Đó là điều chúng ta sẽ cùng nhau học vào những tuần tới.

Xin kính chào quý vị và các bạn.

Xin xem những bài đọc khác