Lu-ca 1:8-12
Kính thưa quý thính giả,
Trong tuần này, chúng ta sẽ học Đức Chúa Trời trả lời cho sự cầu nguyện của Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét như thế nào và phản ứng của Xa-cha-ri ra sao, được ghi trong sách Lu-ca, chương 1, từ câu 8 đến câu 12 như sau:
8 Vả, Xa-cha-ri cứ theo thứ tự trong ban mình mà làm chức tế lễ trước mặt Đức Chúa Trời. 9 Khi đã bắt thăm theo lệ các thầy cả lập ra rồi, thì người được gọi vào nơi thánh của Chúa để dâng hương. 10 Đương giờ dâng hương, cả đoàn dân đông đều ở ngoài cầu nguyện. 11 Bấy giờ có một thiên sứ của Chúa hiện ra cùng Xa-cha-ri, đứng bên hữu bàn thờ xông hương. 12 Xa-cha-ri thấy, thì bối rối sợ hãi.
Là một người nam trong dòng tộc A-rôn, Xa-cha-ri được phép dâng của tế lễ trong đền thờ của Chúa tại Jê-ru-sa-lem. Vì có rất nhiều hậu tự của A-rôn, nên họ được chia làm 24 ban, và mỗi ban được lãnh trách nhiệm hầu việc trong đền thờ hai tuần mỗi năm. Xa-cha-ri thuộc về ban của A-bi-a, và trong mỗi ban, các thầy tế lễ phải bốc thăm để xem ai được làm lễ và dâng hương. Không một thầy tế lễ nào được phép làm điều này quá một lần trong đời họ, và thậm chí, có thầy tế lễ trong suốt cả đời không có cơ hội để được vinh dự dâng tế lễ như Xa-cha-ri.
Sau cả một đời chờ đợi, Xa-cha-ri cuối cùng bước vào thời giờ dâng hương cho Ðức Chúa Trời, và đang đứng trước bàn thờ ngay trước bức màn ngăn cách Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh. Có hai của lễ dâng lên Chúa khi cầu nguyện: một của lễ được dâng lên lúc vừa tảng sáng để bắt đầu sự thờ phượng trong ngày, và một của lễ tương tự dâng lên vào ban tối để chấm dứt một ngày. Các hương liệu thơm phức được đặt trên than trong đền thờ, một biểu tượng mạnh mẽ và xinh đẹp cho những lời cầu nguyện của dân Y-sơ-ra-ên dâng lên cho Chúa. Là thầy tế lễ, một mình trong đền thờ, đặt hương trên bàn thờ, Xa-cha-ri cầu nguyện cho sự giải phóng của dân Y-sơ-ra-ên, và đại diện dân chúng, cầu thay xin Chúa tha thứ những vi phạm của họ. Khi ông cầu nguyện, “cả đoàn dân đông” đang tập trung bên ngoài đền thờ, xấp mặt xuống nền hành lang, cùng cầu nguyện với thầy tế lễ đang đại diện cho họ trong Nơi Thánh.
Là những người tin nhận Chúa Jêsus, chúng ta cũng có được vinh dự này. Kinh Thánh cho biết lời cầu nguyện của những con người thánh như những dầu thơm ngào ngạt bay tới ngôi vinh quang của Ðức Chúa Trời. Lúc nào chúng ta cầu nguyện, một mình hay với người khác, là chúng ta đang dâng lên Chúa một của tế lễ. Hãy quan tâm đến công việc của Hội Thánh, hãy nhạy bén trước nhu cầu của những người trong chức vụ, những người thân, hãy chia xớt và mang lấy những khó nhọc của nhau qua lời những lời cầu thay cho nhau vì điều này làm đẹp lòng Ðức Chúa Trời.
Trở lại với câu chuyện của Xa-cha-ri, trong lúc ông đang cầu nguyện, thiên sứ của Chúa thình lình xuất hiện, đứng bên phải bàn thờ, ngay trước mặt thầy tế lễ này. Sau hơn 400 năm im lặng, không có một sự bày tỏ siêu nhiên nào đến từ Ðức Chúa Trời, không một lời tiên tri nào kể từ sau tiên tri Ma-la-chi khoảng 400 năm trước đó, và để đáp lại lời cầu nguyện và sự mong đợi của dân chúng, Ðức Chúa Trời giờ đây đang gởi tới một đại diện của Ngài.
Có ba điều đáng chú ý về thời gian và địa điểm mà thiên sứ xuất hiện. Thứ nhất, đó cũng là điều lạ lùng khi Ðức Chúa Trời chọn đền thờ để thiên sứ xuất hiện. Ngài chọn đền thờ này, mặc dầu trong thực tế, lúc đó dưới triều Hê-rốt bại hoại, các công việc trong đền thờ đã bị tầm thường hóa, công việc tế lễ cũng bị lũng đoạn và mang màu sắc chính trị. Vua Hê-rốt tự đứng ra thực hiện công trình xây ngôi đền thờ mới trong 30 năm. Tuy vậy, ngôi đền xây xong trông rất kỳ cục. Một nhà quan sát nhận xét ngôi đền này trông giống như “những cái hộp mạ vàng sắp đứng bên cạnh nhau”. Hơn nữa, nơi đây không còn là nơi thuộc linh thiêng liêng của đại đa số dân Y-sơ-ra-ên nữa. Nó chỉ còn như một dấu tích lịch sử, một đài tưởng niệm. Có người gọi sự thờ phượng Chúa trong đền thờ trong giai đoạn này như “một bài ca ngợi bị đông đá”. Chỉ còn là tiếng thầm thì của một thời vàng son đầy sức sống và năng động. Tuy vậy, đứng về phương diện lịch sử đền thờ là trung tâm nơi dân chúng tề tựu để cùng nhau thờ phượng, và Ðức Chúa Trời đã chọn ngôi đền này, để tuyên bố sự tiếp diễn trong chương trình cứu rỗi đời đời của Ngài.
Ðiều thứ nhì đáng chú ý là thời gian Chúa chọn trong ngày. Ðó là thời gian mà hầu hết những người tin kính Chúa tề tựu, cầu nguyện cho đất nước và thế đứng của dân tộc họ.
Cuối cùng, việc Chúa chọn Xa-cha-ri cũng lạ lùng nữa. Thiên sứ xuất hiện trước một thầy tế lễ thật đơn sơ, thậm chí hơi quê mùa nữa. Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét không sinh sống ở thủ đô Jê-ru-sa-lem, nơi có chỗ dành riêng cho gia đình các thầy tế lễ. Họ sống tại một tỉnh nhỏ trên các sườn đồi của xứ Giu-đa (theo như câu 39 trong chương 1 của sách Lu-ca). Họ sống và làm việc tại tỉnh nhỏ này 50 tuần một năm, nhưng Xa-cha-ri dành ra hai tuần mỗi năm để đến thủ đô và hầu việc trong đền thờ. Thiên sứ không hiện đến với một thầy tế lễ thượng phẩm, những bậc sang cả trong hàng tế lễ, hay các hàng giáo phẩm cao cấp, nhưng lại đến với Xa-cha-ri.
Khi thấy thiên sứ, Xa-cha-ri “bối rối sợ hãi”. Có lẽ ông “sợ chết điếng”. Ông đã chờ đợi cả đời để được vào nơi thánh để dâng hương cho Chúa. Ðây là thời gian rất xúc động đối với ông. Ông đang bước vào sự cầu nguyện với Chúa trong nơi thánh, là công việc mà ông hoài bão của cả đời mình, và đang tập trung cho công việc quan trọng này, thì thình lình thiên sứ xuất hiện ở bên phải trước mặt ông. Mặc dầu là công bình trước mặt Chúa và vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa một cách không chỗ trách được, nhưng Xa-cha-ri không tránh khỏi nỗi sợ hãi khi đối diện với khuôn mặt rực rỡ và vinh quang sáng ngời của thiên sứ.
Kể từ khi con người phạm tội, trí óc con người không thể hiểu thấu và chịu đựng nổi sự vinh quang thiên thượng được bày tỏ trực tiếp như vậy. Đa-ni-ên cũng đã từng kinh nghiệm như vậy, được ghi trong sách Đa-ni-ên, chương 10 như sau
“Ngày thứ hai mươi bốn tháng giêng, ta ở kề bờ sông lớn Hi-đê-ke. 5 Ta nhướng mắt nhìn xem, nầy, một người mặc vải gai, chung quanh lưng thắt đai bằng vàng ròng U-pha. 6 Mình người như bích ngọc; mặt người như chớp, và mắt như đuốc cháy; tay và chân như đồng đánh bóng, và tiếng nói như tiếng đám đông. 7 Ta, Đa-ni-ên, chỉ có một mình ta xem sự hiện thấy đó, vì những kẻ ở cùng ta không thấy sự hiện thấy đó; nhưng họ run rẩy quá, chạy trốn để ẩn mình. 8 Vậy ta sót lại một mình, và thấy sự hiện thấy lớn đó thì chẳng còn sức nữa. Mặt ta biến sắc cho đến tái đi, và ta không còn sức nữa.”
Đó là một trong các lý do Đức Chúa Trời, sau này, đã chọn bày tỏ chính mình Ngài cho nhân loại qua một con người như chúng ta, đề tránh cho chúng ta khỏi sự sợ hãi vậy.
Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại vào tuần tới.
Xin xem những bài đọc khác