Thiên Tình Vô Đối

Kính thưa quý thính giả,

Hằng năm, khi mùa thu vừa quay trở về với Úc Đại Lợi, mang theo một bầu không khí êm đềm và trong mát, thì chúng ta lại được nghỉ lễ Phục Sinh, hay lễ Easter. Lễ Phục Sinh kéo dài trong ba ngày, bắt đầu từ ngày thứ sáu, thường được gọi là Good Friday hay Ngày Thứ Sáu Tốt Lành, cho đến ngày Chúa nhật, thường được gọi là Chúa nhật Phục Sinh. Mặc dầu gọi là Good Friday, nhưng trong ngày này, người ta kỷ niệm sự kiện Chúa Jêsus bị đóng đinh và chết trên cây thập tự. Còn ngày Chúa nhật Phục Sinh là ngày kỷ niệm Chúa Jêsus sống lại hay phục sinh từ cõi chết.

Kính thưa quý thính giả,

Sự kiện Chúa Jêsus chết đau thương trên cây thập tự có liên quan gì đến quý vị và tôi? Cứ cho là con người mang tên Jêsus là một nhân vật đáng kính, một nhà hiền triết, một tấm gương đạo đức đáng cho người đời noi theo, nhưng đời sống ngắn ngủi của một con người mang tên Jêsus tại một xứ Trung Đông xa xôi cách đây gần 2000 năm về trước làm sao còn có thể ảnh hưởng được hay mang lợi ích gì đến đời sống hiện tại của tôi và quý vị? Mà lại nữa, tại sao một con người hiền lành, đạo đức lại bị chết đau thương và khổ nhục trên thập tự giá như một tên tử tội ác ôn? Nghe nói con người Jêsus có làm phép lạ, đã nhiều lần cứu người nhưng tại sao không tự biết cứu mình ra khỏi cái chết đau thương và oan nghiệt kia? Nhưng trong khi thế giới này chỉ toàn là tin buồn, chuyện đau thương không, có nên nghe thêm câu chuyện bi thảm này chăng? Còn cái chuyện Chúa Jêsus chết đi rồi sống lại được thì thật lòng mà nói, là một chuyện rất khó tin và cũng chẳng có cách nào kiểm chứng được.

Kính thưa quý thính giả,

Mặc dù sự kiện về sự chết và sự sống lại của Chúa Jêsus, thoạt tiên, nghe thật khó hiểu và không liên hệ gì đến mỗi chúng ta, nhưng hai sự kiện trên, đã và đang là nền tảng của niềm tin và hy vọng của hàng triệu triệu con người khắp nơi trên thế giới trong suốt hai mươi thế kỷ vừa qua. Câu trả lời cho mọi thắc mắc về sự chết và sự phục sinh của Chúa Jêsus có thể được giải đáp rõ ràng qua những dòng chữ kỳ diệu được ghi trong Kinh Thánh như sau: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để cho ai tin Con ấy không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời”.

Kính thưa quý thính giả,

Những dòng chữ kỳ diệu chúng tôi vừa giới thiệu, bắt đầu như sau: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian”. Có phải Đức Chúa Trời, mà chúng ta thường gọi nôm na là Ông Trời, có thật sự yêu thương cái thế giới mà tôi và quý vị đang sống không? Nếu thực là như vậy, tại sao Ngài lại để cho thế giới này tràn ngập khổ đau và tai ương. Tại sao Ngài không đến ngay lập tức và chấm dứt mọi bất công và khổ ải trên trần thế này? Có nhiều người không chịu đựng nỗi cuộc đời này nữa và toan tính tự tử để trốn chạy khỏi những gánh nặng đè nặng trên cuộc đời của họ. Họ than lên rằng “Nếu mà thực sự có một Đức Chúa Trời, sao Ngài không đến để chấm dứt mọi khổ đau trên đời này”. Nhiều người đã nghi ngờ rằng: “Hay là Thượng Đế đã từ bỏ loài người”

Kính thưa quý thính giả,

Sự thật là, Thượng Đế không bao giờ từ bỏ chúng ta nhưng chúng ta đã từ bỏ Ngài từ rất lâu. Quý vị có tin là có Ông Trời hay Thượng Đế không? Ngài không phải là một đối tác khoa học, nên chúng ta không thể đem vào phòng thí nghiệm để mổ xẻ hoặc chứng minh. Nhưng Kinh Thánh là bức thư Ngài gởi đến cho con người, chỉ cho chúng ta cách nào chúng ta có thể nhìn thấy Ngài.

  1. Ngài là Đấng Sáng Tạo. Kinh Thánh bắt đầu như sau: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”. Nếu đêm nay, quý vị ngước mắt lên trời và kinh ngạc trước hàng tỷ tỷ tinh tú trong dãy Ngân Hà vô tận, chính tay Ngài đã sáng tạo ra chúng. Nếu quý vị nhìn xung quanh, bầu trời, sông núi, đại dương bao la, với muôn loài, muôn màu, muôn vẻ, cùng với những quy luật diệu kỳ để bảo tồn sự sống, chính Ngài là tác giả của công trình nghệ thuật siêu đẳng này.
  2. Ngài là Thần. Lời Kinh Thánh cho biết “Đức Chúa Trời là Thần”. Ngài là Thần Linh, không bị giới hạn trong một thân thể như chúng ta, cho nên Ngài có thể hiện diện khắp mọi nơi.
  3. Ngài là Đấng thủy chung, trước sau như một, chẳng hề thay đổi. Lời Kinh Thánh cho biết “Trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, chẳng có bóng của sự biến cải nào”.
  4. Ngài là Đấng tuyệt đối thánh khiết. Mắt Ngài quá tinh sạch, không thể chịu được những tội lỗi hay ô uế.
  5. Ngài là Đấng Xử Đoán cả loài người. Mọi suy nghĩ thầm kín cùng những hành vi trong bóng tối, rồi sẽ bị phô bày trước sự đoán xét của Ngài, như lời Kinh Thánh cho biết “Thượng Đế sẽ xử đoán mỗi người căn cứ trên việc họ làm, việc thiện lẫn việc ác, kể cả những việc âm thầm kín giấu nhất.
  6. Ngài là Đức Chúa Trời của Tình Yêu Thương. Tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta không có gì trên cõi đời này có thể so sánh được. Chúng ta có cha mẹ yêu thương chúng ta. Chúng ta có vợ, có chồng yêu thương nhau. Chúng ta yêu thương con cái chúng ta. Chúng ta có tình huynh đệ, tình bằng hữu v.v. Nếu quý vị đang có những tình yêu này, đây là những món quà vô giá, gói ghém bao chân tình và những sự hy sinh cao cả. Nhưng tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho quý vị và tôi vượt quá mọi kinh nghiệm yêu thương và sự hiểu biết của chúng ta. Chính Ngài đã nói “Ta yêu thương các con bằng tình yêu vĩnh cửu”.

Kính thưa quý thính giả,

Nếu quý vị và tôi đang ở hoàn cảnh như thế nào, hay đang đối diện với những nan đề không thể nào hiểu được, chúng ta có thể quên tất cả mọi sự, nhưng xin hãy nhớ rằng “Đức Chúa Trời là Tình Yêu Thương”. Nhưng bằng cách nào quý vị và tôi biết chắc được Ông Trời yêu thương quý vị và tôi? Làm sao quý vị và tôi đo được Ông Trời yêu thương quý vị và tôi đến mực nào?

Kính thưa quý thính giả,

Đức Chúa Trời yêu thương và quan tâm đến mỗi chúng ta. Kinh Thánh cho biết chính số tóc trên đầu mỗi quý vị Ngài cũng đếm nữa. Ngài biết rõ mọi điều về quý vị, về cuộc sống hằng ngày, cùng những ước mơ và những nỗi trăn trở của quý vị. Tại sao Ngài lại quan tâm đến quý vị và tôi đến như vậy? Vì quý vị và tôi được Ngài dựng nên để trở thành đối tượng yêu thương của Ngài, hay nói một cách đơn giản hơn, Ngài tạo dựng nên quý vị và tôi để trân quý và đổ đầy tình yêu của Ngài lên chúng ta.

Kính thưa quý thính giả,

Một tình yêu trọn vẹn thì phải có yêu và được yêu. Vì tình yêu, Đức Chúa Trời dựng nên loài người chúng ta, và Ngài cũng mong đợi con người tự nguyện yêu lại Ngài. Ngài đã dựng nên hai người đầu tiên là Adam và Eva. Ngài ban cho họ vườn Êđen tuyệt hảo với những hoa thơm trái ngọt suốt bốn mùa và Ngài thật sự vui sướng trong mối liên hệ khắng khít với họ. Vì tình yêu, Ngài không dựng nên Adam và Êva như những người máy, nhưng Ngài ban cho họ có sự tự do để lựa chọn, kể cả quyền tự do lựa chọn yêu lại Ngài hay phụ bạc Ngài.

Kính thưa quý thính giả,

Lịch sử đã xảy ra là Adam và Êva đã lựa chọn để bội nghịch lại Đức Chúa Trời. Adam và Êva đã không vâng lời Ngài, để cùng nhau ăn trái cây Ngài cấm. Không phải Đức Chúa Trời hẹp hòi về một trái cấm, vì Ngài đã cho họ cả vườn Êđen rồi, nhưng Ngài muốn thấy tấm lòng của con người đối với Ngài. Tổ tiên loài người đã không vâng theo lời Ngài và để cho tội lỗi xen vào đời sống. Và từ đó, loài người từ thủy tổ cho đến ngày nay, đang tiếp tục khước từ và phạm bao tội nghịch với Thượng Đế. Thế giới đầy dẫy những khổ đau và tai ương là kết quả của bao thế hệ đã xoay lưng bỏ đi khỏi những luật lệ đầy yêu thương của Ngài để tự chọn cho mình con đường hủy diệt.

Người ta vận dụng mọi giải pháp giáo dục, chính trị, và ứng dụng cả khoa học hiện đại để mong giải quyết vấn đề tội ác và suy đồi đạo đức ngày càng gia tăng, nhưng vấn đề chỉ ngày càng trầm trọng hơn. Bởi vì, căn nguyên của mọi sự đau khổ là do nơi bản chất tội lỗi trong mỗi con người chúng ta. Lời Kinh Thánh đã khẳng định “Vì mọi người đều đã phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời”.

Kính thưa quý thính giả,

Kinh Thánh cho biết “Tội lỗi là vi phạm luật của Thượng Đế”. Có bao nhiêu lần quý vị và tôi bỏ qua những lời cảnh cáo của lương tâm? Chúng ta có đang biết ơn Thượng Đế là Đấng tạo dựng và nuôi sống chúng ta mỗi ngày không? Có bao nhiêu lần chúng ta đã bẻ cong sự thật để kiếm phần lợi cho mình và gây thiệt hại cho người khác? Đây chỉ là một vài điều trong Mười Điều Răn được dùng để làm gương soi về tình trạng tội lỗi của chính tôi và quý vị.

Kính thưa quý thính giả,

Chính tội lỗi là hố sâu ngăn cách quý vị và tôi đến với Thượng Đế, cản trở chúng ta đến với nguồn an bình và phước hạnh.

Kính thưa quý thính giả,

Tất cả mọi người, trong đó có quý vị và tôi đều đã vi phạm luật công bình và yêu thương của Thượng Đế. Lời Kinh Thánh cho biết “Nghiệp báo của tội lỗi là sự chết”. Có hai sự chết sẽ xảy đến với mỗi chúng ta. Cái chết thứ nhất xảy đến với thân xác của chúng ta. Cái chết thứ nhì xảy đến với phần linh hồn của chúng ta. Thực ra phần linh hồn của chúng ta là bất diệt, là phần được dựng nên để giao thông với Thượng Đế. Nhưng vì tội lỗi, sau khi qua đời, phần linh hồn của chúng ta sẽ bị cắt đứt vĩnh viễn khỏi Thượng Đế là nguồn của phước hạnh và tình yêu.

Từ trời cao, Đức Chúa Trời đau lòng khi thấy tất cả chúng ta ngập chìm trong biển tội và lần lượt bước vào án phạt khủng khiếp đời đời. Ngài muốn cất đi án phạt này khỏi chúng ta, nhưng không thể làm được, vì Ngài là Đức Chúa Trời công bình và trung thực trong lời nói của mình.

Do vậy, cuối cùng, Đức Chúa Trời đã chọn một giải pháp thật hoàn hảo, vừa thỏa mãn sự công bình của Ngài, vừa bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta. Đó là, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã trở nên một con người, mang tên Jêsus. Ngài được nữ đồng trinh Ma-ri sinh ra. Ngài đến thế gian với để lãnh bản án phạt thế cho chúng ta.

Trong giây phút cùng cực khổ đau khi bị treo trên cây thập tự là hình phạt vô cùng dã man, Chúa Jêsus đã kêu lớn lên rằng “Thượng Đế tôi ơi, Thượng Đế tôi ơi, sao Ngài từ bỏ tôi?” Đó là giây phút khi Đức Chúa Trời lấy mọi tội lỗi của loài người chúng ta mà chất hết lên Chúa Jêsus. Thật vậy, Chúa Jêsus vô tội và tràn đầy yêu thương đã bị làm cho phạm tội và phải chết nhục nhã vì những sự gian ác, đố kỵ, ô uế, hận thù, chém giết của loài người chúng ta, trong đó có quý vị và tôi.

Kính thưa quý thính giả,

Trong lịch sử Việt Nam có ghi lại khi quân Minh xâm chiếm nước ta, anh hùng áo vải Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Tại núi Chí Linh, có lần Lê Lợi bị lọt vào vòng vây của quân Minh và tùy tướng Lê Lai đã hy sinh cải trang thành Lê Lợi để cứu chủ tướng mình. Nhưng trong suốt lịch sử, chúng ta chưa bao giờ thấy một vị vua sẵn sàng chết để cứu mạng một người bầy tôi.

Chúng ta ai cũng biết Kerry Packer, cố chủ nhân của đài truyền hình số 9 và nhiều công ty truyền thông khác, thời sinh tiền, là người giàu nhất nước Úc, với tài sản khoảng 6.9 tỷ Úc kim trong năm 2005. Vào năm 2001, khi ông bị bịnh thận trầm trọng, thì Nick Ross, viên phi công và cũng là bạn thân của nhà tỷ phú, đã hiến tặng Kerry một quả thận của mình. Cả nước Úc đều ca ngợi về tấm lòng vàng của viên phi công tùy tùng này đối với người chủ của mình. Nhưng giả sử như nếu Nick Ross cần một quả thận, thì liệu nhà tỷ phú Kerry Packer có sẵn sàng hiến tặng thận của mình cho bạn không?

Kính thưa quý thính giả,

Như lời Kinh Thánh bày tỏ về nguồn gốc của Chúa Jêsus như sau “Ban đầu có Chúa Cứu Thế, Chúa Cứu Thế ở với Thượng Đế từ nguyên thủy vì Ngài là Thượng Đế Ngôi hai. Chúa Cứu Thế đã sáng tạo vạn vật, mọi loài trong vũ trụ đều do tay Chúa tạo nên”. Mặc dù là Đấng Tạo Hóa, là Vua Thiên Đàng vinh hiển, nhưng vì yêu thương và muốn cứu chúng ta ra khỏi án phạt đời đời trong địa ngục, Ngài đã phải giáng thế làm người và chết đau thương trên cây thập tự, làm giá chuộc tội cho cả loài người, trong đó có quý vị và tôi.

Thông thường, chuyện chết thế cho người hiền lương thì rất hiếm, nhưng cũng có thể xảy ra, nhưng trong khi loài người chúng ta đang mãi mê phạm tội nghịch lại với Đấng Tạo Hóa, thì chính Chúa Jêsus đã bằng lòng chết đau thương trên cây thập tự vì tội lỗi của chúng ta. Tình yêu vô đối của Ngài có thể tóm tắt qua những dòng chữ kỳ diệu “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để cho ai tin Con ấy không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời”.

Kính thưa quý thính giả,

Hàng triệu triệu người trong suốt hai mươi thế kỷ qua, đã cảm nhận tình yêu vô đối, được Thượng Đế xóa bôi mọi vi phạm và đón nhận món quà thiên đàng, khi họ ăn năn tội và tin rằng chính Chúa Jêsus đã gánh thay tội lỗi của họ trên cây thập tự. Cũng do vậy, mà có biết bao nhiêu người khi kỷ niệm ngày Chúa Jêsus bị khổ nạn, thì họ gọi là Good Friday, là Ngày Thứ Sáu Tốt Lành vậy.

Xin xem những bài đọc khác