Tiền Bạc

Tùng Tri

Kính thưa quý thính giả,

Tiền bạc là một điều gắn liền trong đời sống chúng ta mỗi ngày. Phải nói phần đông chúng ta dành nhiều công sức và thời giờ để kiếm tiền. Chúng ta cần có tiền để có thể mua đồ ăn, nhà ở, quần áo mặc, lo cho chính mình, cho gia đình và giúp đỡ những người thân. Nhưng cũng có một số người đi xa hơn nữa, xem tiền bạc là phương cách duy nhất trong đời để mang lại sự hạnh phúc và an ninh trọn vẹn cho đời sống. Trong tuần trước, chúng ta đã trình bày sự khám phá mới nhất của nhà các nghiên cứu của viện đại học Princeton, được công bố trên báo The Age, phát hành ngày 3/07/2006 là tiền bạc không mang lại niềm vui như người ta vẫn lầm tưởng trước đây. Bài báo cũng nêu lên một thắc mắc là mặc dù là tiền không chắc mang lại hạnh phúc, thế nhưng tại sao có quá nhiều người lao vào cảnh đầu tắt, mặt tối, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm cuối tuần” để kiếm thật nhiều tiền. Vấn đề ở đây là chúng ta phải học biết khi nào là đủ, để khỏi lâm vào cảnh túng thiếu hay nghèo khổ nhưng cũng không hoang phí cả cuộc đời chạy theo ảo ảnh “có tiền mua tiên cũng được”.

Kính thưa quý thính giả,

Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, con người có nhiều của cải và cơ hội làm giàu như hiện nay. Nhưng cũng thật mâu thuẫn là chưa bao giờ có nhiều người điêu đứng trước vấn đề tiền bạc như hiện nay. Bên cạnh những mánh lới thương mại khác, việc sử dụng thẻ tín dụng (credit card) là một cái bẫy dò mà nhiều người đang sa lầy vào. Nỗi lo sợ về tiền bạc đã cướp mất đi niềm vui cũng như làm sa sút sức khỏe và tình trạng thể chất. Có quá nhiều sách vở để hướng dẫn người ta quản lý tiền bạc. Có quá nhiều sách vở chỉ cách làm giàu, cứ như đó là mục đích tối hậu của cuộc sống. Nhưng hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị cùng khám phá với chúng tôi những nguyên tắc quan trọng nhưng cũng rất đơn giản về vấn đề tiền bạc được nêu ra trong Kinh Thánh là lời chúng ta có thể tin cậy trọn vẹn. Khi Cứu Chúa Giê-Xu là Thượng Đế trong thân xác con người, hạ sinh đến thế gian cách đây 2000 năm, có hứa như sau cho những người tin nhận Ngài như sau: “Ta đã đến để chiên được sống và sống sung mãn.” Sự sống sung mãn mà Chúa Giê-Xu hứa ở đây bao gồm nhiều yếu tố, và một yếu tố phải có là sự bình an trong vấn đề tiền bạc.

Thế thì tiền là gì? Tiền có phải là cội rễ của mọi tội lỗi không? Có phải càng nghèo, càng ít tiền thì mới thánh thiện hơn không? Hay là khi được Thượng Đế ưu ái thì chuyện thành công về tài chánh là điều hiển nhiên sẽ xảy đến cho một người không? Tiền tốt hay tiền xấu?

Kính thưa quý thính giả,

Người đầu tiên có thật nhiều tiền mà Kinh Thánh nói đến là ông Áp-ra-ham, như có chép: “Áp-ram rất giàu; súc vật và vàng bạc nhiều lắm”. Kinh Thánh cũng cho biết ông là một người ngay thẳng và chính đáng. Nhờ vào đức tin vững chải của ông, Thượng Đế rất đẹp lòng và chúc phước thật lớn lao cho ông như sau: “Áp-ra-ham sẽ thành một dân tộc lớn và cường thịnh, và sẽ làm nguồn phúc hạnh cho các dân tộc trên thế giới.” Áp-ra-ham giàu có và trong mọi thời đại ông được mệnh danh là “ông tổ của những người tin vào Thượng Đế”. Như vậy, Thượng Đế không chống đối lại sự giàu có. Thực ra, Ngài là Đấng nắm giữ mọi phước hạnh về tài chánh như có chép: “Hạnh phúc Chúa cho ta giàu có, Giàu Chúa cho chẳng gợn ưu phiền”. Ngài cũng nhắc nhở rằng sự chuyên cần hay siêng năng của một người sẽ dẫn đến sự giàu có như có chép: “Tay lười biếng suốt đời nghèo khó,Tay siêng năng giàu có không xa”.

Lời Kinh Thánh đưa ra hình ảnh siêng năng của loài kiến, siêng năng làm việc trong mùa hè, không hoang phí nhưng biết “tích cốc phòng cơ” cho những bất ngờ của mùa đông như sau:

Này kẻ lười biếng,
Hãy quan sát sinh hoạt loài kiến,
Để rút tỉa bài học khôn ngoan.
Tuy không có lãnh tụ, giám thị hay chỉ huy,
Nhưng mùa hè chúng biết dự trữ lương thực,
Mùa gặt biết thu nhặt thóc lúa.
Kẻ lười kia nằm ngủ mãi sao?
Đến bao giờ mới thức giấc?
“Ngủ một chút thôi, lát nữa hẳn dậy!”
Thế rồi cứ khoanh tay nằm tiếp,
Cảnh nghèo khổ sẽ dần dần tới,
Cảnh thiếu thốn sẽ sấn đến.

Quý thính giả thân thương,

Mặc dầu Thượng Đế không chống đối lại sự giàu có, nhưng Kinh Thánh cũng đưa ra những lời cảnh cáo cho những ai rắp tâm làm giàu một cách bất chính như sau:

Của cải người lành để lại cho con cháu hưởng,
Gia tài kẻ ác dành cho người công chính dùng.

Kinh Thánh cũng cảnh cáo cho những ai chỉ biết mãi mê làm giàu, xem “thần tài” là trên hết, đặt cả vận mạng và an ninh của cuộc đời trên tiền bạc, hơn là tìm kiếm và nương dựa vào Thượng Đế là Đấng ban mọi nguồn hạnh phúc chân thật và mọi sự an ninh trong đời, như có chép:

Danh Thượng Đế là pháo đài kiên cố,
Người công chính đến được nơi trú ẩn an toàn.
Người giàu coi tài sản là thành kiên cố,
Tưởng như tường thành không thể vượt qua.

Là những người Việt tha hương, có một số người một thời giàu có, quan quyền, tưởng cuộc đời cứ vững như bàn thạch với tiền bạc tài sản của mình, nhưng chỉ qua một cuộc đổi đời mới thấy thấm thía là của cải không phải là thành trì kiên cố như mình đã lầm tưởng, đúng như người ta thường nói: “Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.

Khi bàn về tiền bạc và “mãnh lực đồng tiền”, triết gia Phao-lô đưa ra lời nhận định như sau: “Người ham làm giàu thường mắc vào những cám dỗ và cạm bẫy, bị lôi cuốn vào những “lòng chảo” tham dục dại dột và tai hại, bị nhận chìm xuống đáy “biển” hư hoại và diệt vong. Vì lòng ham mê tiền bạc là căn nguyên của mọi tội ác. Có những người vì tham tiền mà mất đức tin, chịu bao nhiêu phiền muộn, khổ đau.

Trong lời khuyên trên, triết gia Phao-lô nhấn mạnh một điều vô cùng quan trọng, đó là “lòng ham mê tiền bạc là căn nguyên của mọi tội ác”. Như vậy, chính tiền bạc không phải là một điều ác, nhưng lòng tham muốn tiền bạc quá sức đến nỗi bỏ qua lẽ phải, lương tâm, luật pháp và tình người thì sẽ dẫn đến những điều ác với hậu quả nguy hiểm không thể lường được trong đời này cũng như trong cõi đời đời.

Theo sự dạy dỗ trong Kinh Thánh thì tiền bạc chỉ nên là một phương tiện cho đời sống, không nên là mục đích hay thần tượng để đeo đuổi trong cuộc đời. Đừng để tiền bạc chiếm hết mọi năng lực và thời giờ cùng như cản trở sự tìm kiếm mối tương giao với Thượng Đế là nguồn của mọi phước hạnh chân thật, như triết gia Phao-lô có nói: “hãy khuyên bảo người giàu có ở đời này: đừng kiêu ngạo và tin tưởng nơi tiền của không bền lâu, nhưng phải đặt hy vọng nơi Thượng Đế, Đấng rộng rãi ban mọi vật cho chúng ta được hưởng. Hãy khuyên họ làm điều lành, chuyên lo việc từ thiện, mở lòng rộng rãi và sẵn sàng cứu trợ, tích trữ một kho tàng tốt đẹp cho đời sau để được hưởng sự sống thật.

Kính thưa quý thính giả,

Trong muôn loài, con người chúng ta là tạo vật quý giá nhất trước mặt Thượng Đế, vì chúng ta được dựng nên với những đặc điểm giống như Ngài, để làm bạn và làm đối tượng yêu thương của Đấng Chí Cao. Vì là tạo vật quý giá, Thượng Đế quan tâm đến những nhu cầu cho sự sống của chúng ta. Ông bà chúng ta kinh nghiệm sự chăm sóc của Trời qua những câu nói như: “Trời sinh, Trời dưỡng” hay là “Trời sinh voi, sinh cỏ”. Có người nghi ngờ rằng tiền bạc là do công sức, mồ hôi mình làm ra chứ có Trời nào ban cho, nhưng thử hỏi nếu chúng ta có được sức khỏe, có khiếu làm nghề này, khéo tay làm việc kia để sinh sống có phải là do thiên phú không? Cơ hội làm ăn phát đạt có do ta tự sắp xếp được chăng? Nếu một người nông dân bỏ sức làm đất, gieo mạ, nhưng ai làm cho mưa thuận gió hòa để hạt lúa nẩy mầm đâm hạt và ai tạo ra hạt lúa để chúng ta gieo ra hầu có được miếng ăn? Thượng Đế tạo dựng nên chúng ta bằng tình yêu thương và Ngài cũng đã dự bị để đáp ứng cho những nhu cầu của chúng ta rồi, như Chúa Giê-Xu đã cho biết :

Ta khuyên các con đừng lo âu vì vấn đề cơm áo. Đời sống không quý hơn cơm nước sao? Thân thể không trọng hơn quần áo sao? Các con xem loài chim bay liệng trên trời, chúng chẳng gieo, gặt, cũng chẳng tích trữ vào kho, thế mà chúng vẫn sống, vì Cha các con trên trời nuôi chúng. Các con không có giá trị hơn loài chim sao? Trong các con có ai lo âu mà kéo dài đời mình thêm được một giờ không? “Sao các con lo âu về quần áo? Hãy xem hoa huệ ngoài đồng, chúng chẳng làm việc nặng nhọc, cũng chẳng xe tơ kéo chỉ. Thế mà giàu có sang trọng như vua Sa-lô-môn cũng không được mặc áo đẹp bằng hoa huệ. Cỏ hoa ngoài đồng là loài sớm nở tối tàn mà Thượng Đế còn cho mặc đẹp như thế, lẽ nào Ngài không cung cấp y phục cho các con đầy đủ hơn sao? Tại sao các con thiếu đức tin đến thế? Vậy các con đừng lo âu về cơm áo, là những thứ người ngoại đạo mãi lo tìm kiếm, vì Cha các con trên trời thừa biết nhu cầu của các con.

Quý thính giả thân thương,

Chúng ta được sinh ra với bàn tay trắng và khi lìa khỏi cuộc đời này, chúng ta chẳng mang theo được của cải hay tiền bạc gì với mình. Thân xác chúng ta sẽ ngưng hoạt động, nhưng linh hồn chúng ta sẽ còn lại đời đời. Tiền bạc chỉ cần thiết cho một giai đoạn ngắn ngủi nhưng mối liên hệ với Đấng Tạo Hóa mới cho phép chúng ta bước vào sự phước hạnh đời đời. Chúa Giê-Xu cho biết chúng ta phải đặt vấn đề tìm kiếm sự tha thứ và mối tương giao với Thượng Đế lên hàng đầu trong đời sống trước lo toan chuyện tiền bạc như sau:

Nhưng trước hết các con phải tìm kiếm Thượng Đế để được Ngài tha tội và ngự trị trong lòng, Ngài sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho các con. Vì thế, các con đừng lo âu về tương lai. Ngày mai sẽ lo việc ngày mai; nỗi khó nhọc từng ngày cũng đã đủ rồi.

Kính thưa quý thính giả,

Tiền bạc tự nó không tốt cũng không xấu nhưng cách sử dụng và thái độ của chúng ta mới làm cho tiền bạc trở nên hữu ích hay có hại. Cũng với đồng tiền có thể đem lại hạnh phúc trong gia đình hay gây ra xô xát, chia lìa. Cũng với đồng tiền mà tình bằng hữu có thể gắn bó hay tan vỡ. Cũng với đồng tiền mà chúng ta được quý trọng hay bị khinh rẻ.

Chúng ta phải lo cho đời sống đời đời là điều quan trọng hơn đời sống tạm ngắn ngủi này. Do vậy, nên tìm kiếm mối tương giao với Thượng Đế trước rồi mới siêng năng làm việc để kiếm tiền nhưng với niềm tin và lòng biết ơn Thượng Đế là Đấng đang chăm sóc chúng ta mỗi ngày. Chúa Giê-Xu chính là Thượng Đế giáng trần và hy sinh cho chúng ta cả tính mạng của Ngài là điều quý nhất để ban tặng cho chúng ta món quà thiên đàng vĩnh cữu, há Ngài tiếc rẻ mà không đáp ứng cho những nhu cầu nhất thời của chúng ta sao?

Thượng Đế không xét một người ít tiền hay nhiều tiền, nhưng Ngài nhìn vào thái độ của chúng ta về tiền và về Ngài, cũng như cách thức và công việc mà chúng ta đã sử dụng tiền bạc và của cải Ngài ban cho chúng ta.

Kính chúc quý thính giả thỏa lòng và tận hưởng được sự ban cho của Thượng Đế.

Xin xem những bài đọc khác