Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn

Denis Rainey – Tùng Tri lược dịch

Quý thính giả thân thương,

Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là một kỳ quan của thế giới, một kiệt tác của ngành kỹ sư xây dựng. Mặt trên của Vạn Lý Trường Thành với chiều rộng từ 4.5 m đến 9m, đủ rộng cho 6 con ngựa phi nước kiệu bên nhau. Từ trên không trông xuống, bức trường thành vĩ đại này như một con rắn khổng lồ chạy ngoằn ngoèo đến hơn 5000 cây số, trên các dãy núi bao la ở phía bắc của nước Trung Hoa.

Người Trung Hoa xây dựng Vạn Lý Trường Thành để bảo vệ đất nước họ khỏi quân ngoại xâm từ phương bắc. Nhưng chỉ trong vòng 100 năm sau khi bức trường thành này được hoàn tất, quân thù đã xâm chiếm đất nước này ba lần. Làm sao quân ngoại xâm có thể vượt qua bức tường vĩ đại này?

Quân thù đã không tràn lên trên Vạn Lý Trường Thành. Họ cũng không đục lỗ để đi xuyên qua, cũng không thiêu rụi bức tường này. Nhưng thay vào đó, quân thù đã đút lót để mua chuộc những người gác cửa thành. Trong khi nước Trung Hoa ra sức để xây dựng một bức tường thành phòng thủ thật kiên cố, nhưng họ đã quên đi những người lính gác thành và xao lãng công việc xây đắp nhân cách và kỹ cương cần thiết để những người lính này có thể đứng vững trước sự mua chuộc hay dụ dỗ của quân thù.

Kính thưa quý thính giả,

Chúng ta thường nghe nhiều bậc cha mẹ chia xẻ những nguyện vọng và mơ ước về con cái của họ. Các bậc phụ huynh ngày nay hết sức quan tâm về việc học hành của con cái và lo lắng con mình sẽ phát triển những kỷ năng nào hay theo đuổi những nghề nghiệp nào tương lai. Họ thường xuyên bận rộn chở con đi học, ngoài những buổi học chính trong trường, rồi đến học thêm vào những buổi chiều, ban đêm và những ngày cuối tuần. Các bậc phụ huynh mong đợi con mình một ngày nào đó đỗ đạc, kiếm được một con việc tốt, thành công và toại nguyện trong công danh và sự nghiệp.

Nhưng trong những ước mơ và kế hoạch của các bậc phụ huynh, thường thiếu một yếu tố rất quan trọng: đó là xây đắp một nhân cách cho con mình. Các bậc cha mẹ có khuynh hướng lo lắng về chỉ số thông minh của con mình, nhưng lại quên mất về thước đo đạo đức. Trong khi, chính nhân cách và đạo đức của đứa trẻ mới là nền tảng cho cuộc đời của chúng nó mai sau.

Xã hội băng hoại ngày nay mà chúng ta đang gánh chịu, không phải là do chúng ta thiếu nhân tài, mà do chúng ta thiếu nhiều con người có nhân cách và đạo đức. Đại tướng Omar Bradley, nổi tiếng trong thời đệ nhị thế chiến, đã từng nói như sau: “Chúng ta đã nắm bắt được bí mật của nguyên tử nhưng lại khước từ “Bài Giảng Trên Núi”. Thế giới đã đạt đến sự tiến bộ khoa học nhưng lại đánh mất lương tri của con người. Thế giới ngày nay là những anh chàng khổng lồ với năng lượng hạt nhân, nhưng lại chỉ là trẻ sơ sinh về mặt đạo đức”.

Kính thưa quý thính giả,

Trong bối cảnh đau lòng này, là những bậc cha mẹ, chúng ta được Thượng Đế trao cho một quyền hạn và trách nhiệm vô cùng quan trọng. Khi chúng ta nuôi dạy con cái và rèn luyện cho chúng nó một nhân cách tốt lành, theo gương đời sống đầy nhân từ và yêu thương như Chúa Cứu Thế Giê-Xu và sẵn sàng đối phó với những áp lực của cuộc đời này, là quý vị không chỉ giúp đỡ cho tương lai của con cái mình nhưng cũng đang giúp để thay đổi cục diện của thế giới được tốt đẹp hơn trong thế hệ sắp tới.

Xây dựng nhân cách nơi một đứa trẻ là xây dựng cho nó nguyên tắc hành xử thích hợp trước thẩm quyền và hoàn cảnh sống chung quanh. Lời Kinh Thánh trong thơ I Ti-mô-thê 1:5 có hướng dẫn rằng: “Mục đích của lời răn dạy nầy là để mọi người có tình yêu, một tình yêu phát xuất từ tấm lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin chân thành.

Tại sao nhân cách lại quan trọng?

Nhân cách là điều sẽ giúp các em quản trị được tài chánh của mình khi trưởng thành.

Nhân cách là điều sẽ dẫn các em tìm kiếm lại Thượng Đế khi ở trong nghịch cảnh hay đau đớn.

Nhân cách là điều sẽ thúc dục lòng các em tìm kiếm phương cách giải hòa trong tình yêu thương với bạn mình đang khi có mâu thuẫn trầm trọng.

Nhân cách là điều sẽ khiến các em tự động cố gắng để hoàn thành công việc mình được giao phó.

Nhân cách là điều sẽ hướng dẫn cuộc đời các em trong lúc giàu có cũng như trong lúc nghèo khổ.

Nhân cách là điều sẽ thêm sức mạnh cho các em cứ giữ vững tinh thần và thể xác được trong sạch trong khi mọi người chung quanh nói rằng: “Hãy thử cho biết thú vui này. Nó chẳng hại đâu”.

Quý thính giả thân thương,

Có hai lời đề nghị để xây dựng nhân cách cho con cái của quý vị.

Thứ nhất, hãy kiên quyết dành thời giờ để hướng dẫn con cái mình một cách cá nhân ngay từ trong gia đình. Điều này cũng có nghĩa là hướng dẫn con cái về lời của Thượng Đế được ghi trong Kinh Thánh, cũng như phân định giới hạn cho con cái mình, khích lệ những hành vi đúng đắn và sửa trị những hành động sai trật. Điều này có nghĩa là cứ tiếp tục hướng dẫn con cái về cách đối xử với người khác bằng tình yêu như Chúa Cứu Thế đang đối xử với chúng ta. Điều này cũng có nghĩa là khẳng định giá trị tuyệt đối của Kinh Thánh dẫu thế gian có chống nghịch và xoay bỏ lời hằng sống của Đấng Tạo Hóa. Những sự hướng dẫn cá nhân này sẽ là nền tảng cho nhân cách của đứa trẻ khi trưởng thành.

Thứ nhì, hãy kiên quyết làm gương về những lời mình hướng dẫn. Con của quý vị không thể tiến xa hơn những gì mà quý vị bày tỏ trước mắt chúng nó qua đời sống của quý vị.

Có một vị giáo sư dạy trường Kinh Thánh, một ngày kia chở đứa con gái 13 tuổi đi vào một khuôn viên có những trò chơi của trẻ con. Khi lái xe gần tới cổng, ông thấy một tấm bảng đề như sau: “Trẻ em từ 12 tuổi trở xuống vào cửa miễn phí”. Thấy vậy, người cha nói nhỏ với con: “Con ngồi tụt xuống để làm người ta thấy nhỏ, đỡ tốn tiền”. Đứa con gái làm theo và hai cha con lái xe vào mà không phải mua vé. Nhưng sau đó, vị giáo sư trường Kinh Thánh này nghe tiếng đứa con gái thắc mắc: “Ba à, con bây giờ đã 13 tuổi rồi”. Vị giáo sư bị lương tâm cáo trách về hành vi sai quấy của mình, đã lái xe ra cổng, xin lỗi người bán vé và rồi mua vé sau đó. Người cha này đã học được một bài học, tuy khó chịu nhưng cũng rất quan trọng: đó là đời sống của cha mẹ phải phản ánh và làm gương cho những gì mình dạy dỗ cho con cái.

Kính thưa quý thính giả,

Con cái chúng ta rồi phải đối diện với những cám dỗ đầy dẫy trong cuộc đời này, như các bạn rủ trốn học để đi xem phim người lớn, hay dụ dỗ mời nếm thử ma túy, xì ke vv.. Làm sao con quý vị có thể vượt qua những cám dỗ như vậy nếu chúng ta không ra sức rèn luyện và trau giồi cho con mình một nhân cách vững vàng và một đời sống gần gũi với lời Kinh Thánh ngay khi còn thơ ấu. Chỉ cần một lầm lỡ, con cái chúng ta có thể bước qua những khúc quanh đen tối của cuộc đời. Lời Kinh Thánh cho biết:

“Dạy trẻ thơ nẻo chính đường ngay,
Dù đến già, nó chẳng đổi thay”

Ngẫm nghĩ mới thấy thật thấm thía câu nói của người xưa “Tiên học lễ, Hậu học văn” là vậy. Xin hẹn gặp lại quý vị.

Xin xem những bài đọc khác