Trách Nhiệm Làm Chồng

Dr. John MacAthur – Tùng Tri lược dịch

Quý thính giả thân thương,

Trong một năm, có lẽ chỉ có được một vài ngày hiếm hoi như ngày lễ Tình Yêu Valentine’s Day, hay ngày sinh nhật của vợ mình, quý ông chồng mới chịu trút bỏ cái “uy dũng” của cánh đàn ông để tỏ ra chìu chuộng, để bộc lộ tình yêu đến vợ mình một cách thật rõ ràng. Trong những ngày đặc biệt như vậy, quý ông chồng thường mua hoa hay mua chocolate tặng cho vợ hay mời nàng đi nhà hàng để ăn tối. Có một vài ông chịu khó và tận tình hơn nữa, như là dọn dẹp nhà cửa cho nàng được nghỉ ngơi, hay là dọn điểm tâm sáng đem vào tận giường cho nàng “công chúa của lòng anh”, hay làm nàng ngạc nhiên với những món quà thật giá trị. Nhưng khi những ngày đặc biệt này qua đi, thì hình ảnh của “chàng hoàng tử lãng mạn và tử tế” tự nhiên cũng biến mất và rồi mọi sự cũng đâu vào đấy, y như cũ, y như thông lệ từ hồi nào đến giờ.

Nếu có hỏi các quý ông chồng, kể cả các ông chồng đi nhà thờ mỗi tuần, rằng nếu họ có thể nói một cách vắn tắt trách nhiệm làm chồng là gì, mấy ông sẽ trả lời ngay, mà không hề ngần ngại, đó là “chồng là đầu vợ” hay có nghĩa là “làm chồng là để chỉ huy vợ”. Nhưng nếu đọc rõ lời của Đức Chúa Trời là Đấng thiếp lập hôn nhân và ban hạnh phúc cho gia đình, thì thực ra trách nhiệm làm chồng, đó là “yêu vợ mình”.

Kính thưa quý thính giả,

Đúng là khi thiết lập hôn nhân và gia đình, Thượng Đế có đặt để trên vai người chồng vai trò lãnh đạo trong gia đình. Nhưng đây phải là sự lãnh đạo đặt trên nền tảng của sự yêu thương, là sự hướng dẫn mang đậm nét quan tâm, dịu dàng và cảm thông. Vai trò lãnh đạo của người chồng trong gia đình phải tràn đầy tình yêu thương, với mục đích nâng đỡ và xây đắp cho nhau, cũng như hình ảnh của Chúa Cứu Thế Jêsus, người đã tự nguyện hiến dâng làm người phục vụ, rửa chân cho các môn đệ của Ngài. Khi suy nghĩ về hành động Chúa Cứu Thế Jêsus là Thượng Đế, là Đấng nắm mọi uy quyền trong vũ trụ, nhưng bằng lòng múc nước rửa chân cho từng môn đệ của Ngài, rồi cẩn thận lau chân cho từng người, phản ánh tấm lòng yêu thương và tận hiến của Ngài.

Khi hướng dẫn về nghĩa vụ vợ chồng, sứ đồ Phao Lô đã bắt đầu bằng lời kêu gọi rằng cả vợ và chồng phải thuận phục lẫn nhau. Lời Kinh Thánh trong thơ Ê-phê-sô 5:21 có chép lại lời kêu gọi này như sau: “Hãy thuận phục lẫn nhau vì anh chị em kính sợ Chúa Cứu Thế” Đây là lời kêu gọi cho cả hai vợ chồng và người chồng cũng không nằm trong ngoại lệ. Tình yêu người chồng dành cho vợ cũng phải phản ánh sự thuận phục lẫn nhau. Nó phải mang màu sắc nhu mì, mềm mại và phục vụ. Nó phải khiêm nhường, là sự tận hiến cho nhau, giống như tình yêu của Chúa Cứu Thế dành cho Hội thánh.

Sự thuận phục lẫn nhau là toàn bộ bối cảnh, là nền tảng để sứ đồ Phao-lô đưa ra lời hướng dẫn tiếp theo cho người chồng, được chép trong thơ Ê-phê-sô 5:25 như sau: “Người làm chồng, hãy yêu vợ”. Khi nói về quyền lãnh đạo của người chồng trên người vợ, sứ đồ Phao lô cho biết quyền lãnh đạo này cũng giống như quyền lãnh đạo của Chúa Cứu Thế trên hội thánh của Ngài, như có chép trong Ê-phê-sô 5:23 “Vì chồng là đầu vợ như Chúa Cứu Thế là đầu hội thánh”. Khi mô tả tình yêu thương của người chồng đối với vợ mình phải ra sao, Kinh Thánh cho biết tình yêu đó cũng phải giống như tình yêu thương của Chúa Cứu Thế Jêsus đối với hội thánh, theo như thơ Ê-phê-sô 5:25 “Người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Chúa Cứu Thế yêu hội thánh và hy sinh mạng sống mình”.

Do vậy, hình ảnh hy sinh của Chúa Cứu Thế Jêsus là lời kêu gọi của tình yêu trong tình nghĩa vợ chồng với nhau. Chúa Cứu Thế đã yêu và tận hiến như thế nào? Lời Kinh Thánh 1 Giăng 3:16 có ghi như sau: “Chúng ta biết được tình yêu chân thật là gì, vì Chúa Giê-xu đã hy sinh mạng sống Ngài vì chúng ta”. Chính Chúa Jêsus cũng cho biết rằng “Không có tình yêu nào lớn hơn khi một người hy sinh tính mạng vì bạn mình” (Giăng 15:13). Và sứ đồ Phi-e-rơ cũng đã giải thích một cách tường tận về trách nhiệm làm chồng như sau: “Người làm chồng nên săn sóc vợ, hiểu biết những nhu cầu của vợ, tôn trọng không những vì họ thuộc phái yếu, mà còn vì cả hai vợ chồng cùng chia sẻ sự sống Chúa cho” (1 Phi-e-rơ 3:7).

Kính thưa quý thính giả,

Mối liên hệ chồng lãnh đạo và người vợ thuận phục trong tình nghĩa vợ chồng không có hàm ý là người chồng thuộc địa vị cao hơn và người vợ ở vị trí thấp kém hơn. Thực ra, nhiều bà vợ thông minh, hiểu biết, ăn nói lưu loát, và sáng suốt hơn hẳn chồng mình. Tuy vậy, Thượng Đế đã thiết lập trật tự trong gia đình rằng “chồng là đầu vợ”. Điều này không phải là người vợ hiển nhiên phải chịu sự sai khiến của chồng mình như một người nô lệ thấp kém, vì lời Kinh Thánh cho biết là cả hai vợ chồng là bình đẳng trước mặt Ngài vì “cả hai cùng chia sẻ sự sống Chúa cho”. Lý do Chúa thiết lập nên trật tự chồng lãnh đạo và vợ thuận phục trong gia đình bởi vì người vợ “thuộc phái yếu” và nghĩa vụ của người chồng là “đứng mũi, chịu sào”, là tận hiến và che chở cho sự yếu đuối của nàng. Nhưng thế nào là “phái yếu”, khi nói người vợ hay người phụ nữ “yếu” là “yếu” về mặt gì. Như chúng ta thường nghe nói “chân yếu, tay mềm” là để chỉ về người phụ nữ. Kinh Thánh nói “phái yếu” là để chỉ về sự yếu mềm về thể xác vật lý của người phụ nữ. Nói chung, thì thân thể của quý bà yếu hơn quý ông. Dĩ nhiên là cũng có một số trường hợp ngoại lệ là vợ thì mạnh sức hơn chồng, nhưng dầu trong trường hợp nào, quý ông chồng được Thượng Đế kêu gọi để đối xử với vợ mình một cách cách hào hiệp như một hiệp sĩ. Quý ông có thể bày tỏ điều này qua hàng ngàn nghĩa cử khác nhau, như từ chuyện mở cửa cho nàng cho đến việc di chuyển đồ đạc, bàn ghế trong nhà cho đến những chuyện nặng nhọc khác. Một người chồng yêu thương không nỡ nào thốt ra những lời này với vợ: “Nếu em thay được cái bánh xe đạp đinh này đi, rồi anh sẽ chở em đi chợ”. Là chồng, quý ông phục vụ với sức mạnh. Các ông nên đối xử với mấy bà như là phái yếu, chìu chuộng vì quý bà yếu sức hơn quý ông. Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết chính Thượng Đế dựng nên người phụ nữ để quý ông che chở và là chỗ nương tựa của quý bà. Dùng sức mạnh và bản lĩnh mà Thượng Đế ban cho để nâng đỡ vợ mình là quý ông đang thể hiện tình yêu tận hiến giống như Chúa Cứu Thế Jêsus.

Kính thưa quý thính giả,

Trong lời khuyên đến các ông, sứ đồ Phi-e-rơ có khuyên quý ông chồng là phải “hiểu biết những nhu cầu của vợ”. Lời khuyên này nói về sự quan tâm hay sự để ý đến người vợ và điều này hoàn toàn ngược với thái độ khống chế người phụ nữ. Thái độ quan tâm này khác hẳn với tinh thần “trọng nam, khinh nữ” hay thái độ hống hách, làm tàng của một số ông. Lời Kinh Thánh kêu gọi quý ông chồng phải học biết, nhạy cảm và tìm cách đáp ứng những nhu cầu của vợ mình. Điều này đòi hỏi một sự cố gắng thực sự để cảm thông với những suy nghĩ, sự bất an trong tâm hồn, những mối quan tâm, các ước mơ và những mục tiêu trong đời sống của người vợ. Tựu trung lại, là các ông phải ông phải học cách lắng nghe để hiểu nỗi lòng của vợ mình. Làm sao quý ông có thể đáp ứng và bày tỏ tình yêu của mình khi không biết được nhu cầu của vợ mình? Thành thực mà nói, các ông luôn gặp khó khăn và thiếu kiên nhẫn trong vấn đề lắng nghe. Nhưng quý ông phải học hỏi vì tình yêu tận hiến phải được bắt đầu với sự quan tâm và cảm thông.

Kính thưa quý thính giả,

Nói một cách vắn tắt và đơn giản, mạng lịnh và vai trò mà Thượng Đế ban cho quý ông là “yêu vợ mình”. Yêu như thế nào? Bằng tình yêu tận hiến “Yêu như Chúa Cứu Thế yêu hội thánh”. Điều này có nghĩa là quý ông phải xem xét mình sẽ làm được cho sự hạnh phúc của người vợ hơn là đòi hỏi người vợ phải làm gì cho mình. Tình yêu như Chúa Cứu Thế, là tình yêu thể hiện qua hành động bằng ý chí, chứ không chỉ là một xúc cảm, hay bằng lời nói suông. Tình yêu đó là một sự dấn thân, tận hiến, quan tâm và tràn đầy sự nhân từ. Phước hạnh và niềm vui dưới mái ấm gia đình sẽ đeo đuổi cho quý ông nào sống và yêu vợ giống như Chúa Cứu Thế đã tận hiến cho Hội thánh của Ngài vậy.

Xin xem những bài đọc khác