Trăng Rằm Tháng Tám

Ngọc Diệp

Quý thính giả thân mến,

Đầu tháng Tám dương lịch vừa qua, Hội Thánh chúng tôi có duyên hội ngộ cùng ca sĩ Vũ Khanh nhân dịp anh sang trình diễn tại Melbourne, Úc Châu. Khi anh hát Ca Khúc Tạ Ơn Và Tôn Vinh Chúa của Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm cho chúng tôi nghe, thì tôi thầm cám ơn anh đã chọn hát ca khúc ấy. Tôi đã nghe ca khúc này rất nhiều lần, và yêu thích nhất câu: “Xin tạ ơn Chúa đã ban cho tôi một thời hoa niên, gia đình đầm ấm sống vui yêu thương ngày tháng êm đềm…” Chỉ một câu hát ấy thôi, mà lần nào nghe cũng khiến tôi thấy xúc động khi hồi tưởng lại những tháng ngày hoa mộng cũ. Nhắm mắt lại, tâm thức tôi có thể vụt chấp cánh quay trở lại những kỷ niệm thời thơ ấu ngọt ngào. Tôi lại có thể nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong bài thơ Buổi Sáng Học Trò của Nguyên Sa:

“Trang sức bằng nụ cười phì nhiêu
Nhẩy bằng chân chim trên giòng suối cạn
Ấy là em trên đường đi buổi sáng
Trăng ở trên môi và gió ở trong hồn”

Tuổi thơ của tôi là những chuỗi ngày tươi đẹp và trong sáng, chan hòa tình yêu của cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Phải công nhận một điều, rằng gia đình chúng tôi có truyền thống yêu quý trẻ con một cách đặc biệt. Cả hai bên nội, ngoại, dù rất đông con cháu nhưng đều hết sức yêu quý trẻ con trong nhà. Có thể nói, tình yêu của cha mẹ và sự gắn bó, gần gũi trong gia tộc đã khiến cho anh chị em chúng tôi lớn lên với một tâm hồn cởi mở, dễ hòa đồng, nhậy cảm và biết thương người. Những ngày Tết, Giáng Sinh và những lễ hội đặc biệt khác trong năm như Tết Trung Thu chẳng hạn, là những ngày mà đám trẻ con chúng tôi lại càng được cưng chiều bội phần. Không đơn thuần chỉ là vấn đề quà bánh, mà sự nhận thức rằng mình được yêu thương, bao bọc bằng tình yêu của cha mẹ, mới là cái giúp cho tuổi thơ của chúng tôi trở thành những ký ức ngọt ngào mãi mãi không phai nhòa trong tâm tưởng.

Khi tôi còn rất nhỏ, thì cha tôi đã mua một căn biệt thự khá rộng rãi cách trung tâm thành phố Sài Gòn khoảng 8, 9 cây số. Căn biệt thự này được một điền chủ người Pháp xây theo lối kiến trúc Tây Phương, biệt lập với hàng xóm bởi khu vườn rộng rãi bao quanh. Vườn trước, vườn sau khá lớn nên lũ trẻ con hiếu động như chúng tôi tha hồ chạy giỡn, nghịch ngợm và bầy đủ thứ trò chơi. Trong vườn có cây ăn trái như mận trắng, mận hồng đào, vú sữa, mít, xoài, ổi, trứng cá, khế; cây kiểng thì có bông giấy, bông sứ đỏ, bông sứ trắng, phong lan, mai vàng, mai tứ quý, và đặc biệt là có cả một cây ngọc lan tỏa hương thơm ngát mà tôi rất thích. Tôi thường trốn giấc ngủ trưa và lén ra sân sau để thơ thẩn một mình hái hoa, bắt bướm, leo cây ăn trái. Lớn thêm một chút, thì tôi lại càng yêu thiết tha cái không khí yên lặng của buổi trưa khi mọi người đều đi ngủ sau bữa ăn. Lúc ấy, mảnh sân sau nhà vẫn là nơi tôi ngồi yên lặng ngắm những con chim sẻ, chuồn chuồn và bướm bay lượn trong vườn. Dưới tàng cây mát mẻ của cây trứng cá, tôi có thể nhìn những tia nắng buổi trưa xuyên qua những chiếc lá nhỏ chiếu vào sợi tơ nhện giăng trên một chùm lá thấp, lấp lánh, lấp lánh muôn mầu. Cũng tại nơi ấy, đã nhiều buổi trưa tôi ngồi đọc thơ Tagore, Hàn Mặc Tử, Nguyên Sa, hoặc đắm mình trong những quyển tiểu thuyết dày cộm như quyển “Những Người Khốn Khổ”, “Cuốn Theo Chiều Gió”, “Chiến Tranh và Hòa Bình”… Nhưng, điều làm cho mảnh vườn sau nhà trở thành nơi tôi ưa thích nhất lại là những đêm sáng trăng. Tôi yêu làm sao ánh trăng vằng vặc khiến cả vạn vật trời đất đều tắm mình trong một mầu trắng ngà huyền ảo. Những cơn gió nhẹ buổi tối, cây lá tươi mát trong vườn, hương thơm thoang thoảng của hoa ngọc lan, và ánh trăng trên trời cao đã khiến tâm hồn tôi trở nên dịu dàng hơn, nhậy cảm hơn, thiết tha hơn với cuộc sống. Đã nhiều đêm nhìn lên bầu trời vằng vặc ánh trăng ngà, tôi thầm cám ơn Thượng Đế vì Ngài thật đã yêu thương con người qua việc tạo dựng trời đất muôn vật một cách hết sức chu đáo. Chỉ một mình Ngài đã khẳng định rằng công việc sáng tạo vũ trụ muôn loài là của mình qua Kinh Thánh. Sách Sáng Thế Ký có chép rõ ràng: “Đức Chúa Trời phán: “Phải có các vì sáng trên bầu trời để phân biệt ngày và đêm, làm dấu cho thời tiết, ngày và năm, và hãy có những vì sáng trên bầu trời để soi sáng trái đất, thì có như vậy. Đức Chúa Trời tạo hai vì sáng lớn, vì sáng lớn hơn cai quản ban ngày; vì sáng nhỏ hơn cai quản ban đêm, và các tinh tú. Đức Chúa Trời đặt các vì sáng trên bầu trời để soi sáng trái đất, cai quản ngày và đêm và phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt.” (Sáng Thế Ký 1:14-18) Đó là buổi chiều và buổi sáng ngày thứ tư trong công cuộc sáng tạo vũ trụ của Thượng Đế.

Bao năm tháng đã trôi qua, tôi đã làm mẹ và các con tôi đang lớn dần, vậy mà tôi vẫn còn nhớ mãi những món đồ chơi mẹ đã mua cho chúng tôi khi còn bé – nhất là những đồ chơi đặc biệt trong dịp Tết Trung Thu – những “con giống” làm bằng bột mì hay bột gạo, sơn phết đủ mầu tươi thắm để chúng tôi bầy biện chơi bán hàng ở một góc nhà theo ý thích. Chẳng hiểu sao mà người ta gọi loại đồ chơi đặc biệt của ngày Trung Thu này là “con giống”, vì không phải tất cả đều là hình nắn thú vật như con cá, con gà, con lân, con phụng mà còn là đủ thứ hoa quả như nải chuối, trái xoài, trái mận, trái đào…

Tôi yêu thích biết bao cái cảm giác háo hức mong chờ, tíu tít sửa soạn mọi thứ cho đến tối Trung Thu. Năm nào mẹ cũng mua lồng đèn cho chúng tôi, những chiếc lồng đèn hình máy bay, hình con cá, con bướm, hoặc tròn theo kiểu đồng tiền xưa có vẽ đủ mọi chi tiết trên giấy bóng kiếng mầu. Nhưng năm nào hai anh tôi cũng thích làm thêm những chiếc lồng đèn hình ngôi sao để có dịp trổ tài cho mấy cô em gái trong nhà phục lăn. Cả tuần lễ trước đó, hai anh tôi đã chẻ tre, mua giấy bóng kiếng đủ màu để sửa soạn làm lồng đèn. Thế nào tôi cùng lẽo đẽo theo sau như chiếc bóng của anh tôi, năn nỉ mãi cho đến khi nào anh chịu hứa sẽ cho tôi tự tay làm một lồng đèn và dán giấy bóng kiếng một mình thì tôi mới yên tâm chịu để cho anh ngồi yên mà chẻ những khúc tre thành những thanh mỏng. Chưa đến tối Trung Thu đâu, nhưng làm sao mà chúng tôi có thể chờ đợi cho đến cái buổi tối đặc biệt ấy? Thế là hết đứa này đến đứa khác năn nỉ mẹ cho đốt đèn cầy để chơi lồng đèn với nhau suốt tuần lễ trước Trung Thu. Tết Trung Thu ở Việt Nam không phải là ngày lễ chính nên người lớn không được nghỉ làm và trẻ con không được nghỉ học như ngày Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, đó lại là một dịp tốt để mọi thành viên trong gia đình ngồi quây quần thoải mái với nhau ngoài sân vào buổi tối để ăn bánh nướng, bánh dẻo và thưởng trăng, trong khi trẻ con vui vẻ rước đèn với nhau, ca hát dưới ánh trăng rằm.

Tôi vẫn còn nhớ, mùa Trung Thu nào mẹ cũng mua vài chậu hoa tươi để bầy biện thêm trong sân nhà, nên khung cảnh đêm trăng trong vườn đã đi vào tiềm thức tôi và để lại bao nhiêu là kỷ niệm ngọt ngào. Buổi trưa đi học về, tôi chắc chắn là mẹ sẽ nấu một nồi chè thật to, vì đã nhìn thấy nồi nếp hoặc nồi đậu mẹ ngâm dưới bếp, cùng mấy trái dừa khô nằm lăn lóc trong một góc nhà. Gia đình chúng tôi đông con gái, nhưng có điều kỳ lạ là tất cả chị em chúng tôi đều tẩy chay những món ăn chua mà hầu như đứa con gái nào cũng thích, cũng mê, như xoài ngâm, cóc, khế, xoài tượng chấm mắm ớt, vv… Mẹ thường tủm tỉm cười khi thấy chị em chúng tôi chỉ mê ăn ngọt. Bà nói đùa: “con gái nhà này hảo ngọt” mà hai chữ “hảo ngọt” được bà lồng trong ngoặc kép với ánh mắt vui vui diễu cợt và nụ cười thương yêu trìu mến. Có lúc mẹ lại thắc mắc rằng sao chúng tôi ưa ăn ngọt mà hai hàm răng đứa nào cũng trắng tươi, không bị “sâu” đục khoét thì quả là chuyện lạ. Lần nào nghe xong thắc mắc ấy, chúng tôi cũng âu yếm ôm cổ bà nịnh bợ: “Thì tại tụi con may mắn được giống má chứ còn gì nữa?” Nghe xong câu ấy, bà sẽ vừa đẩy chúng tôi ra, vừa mắng yêu: “Các cô chỉ được cái giỏi nịnh bợ…” Nhưng rồi để xem, thế nào ngày hôm sau mẹ cũng sai chị bếp nấu chè cho cả nhà cùng ăn… Thế đấy, tuổi thơ của tôi đã qua đi với thật nhiều kỷ niệm êm đềm trong tình yêu thương bao la của cha mẹ.

Khi tôi lớn dần lên, thì những chiếc lồng đèn trong mùa Trung Thu không còn hấp dẫn tôi nhiều nữa, nhưng ánh trăng rằm vẫn được tôi yêu thích một cách đặc biệt. Tôi xin mượn lời của thi sĩ Hàn Mặc Tử trong bài Chơi Giữa Mùa Trăng để diễn tả phần nào sự quyến rũ của ánh trăng thu, mà trong đó thi sĩ nhất định cho rằng trong trăng có hương thơm và âm thanh:
“Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say gió xé rách lả tả… Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động. Nghĩa là trăng rằm trung thu: một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly…”

Ngày ấy tôi chẳng có chút khái niệm gì khi đọc đến sự chia ly của Ngưu Lang, Chức Nữ mà nhà thơ Hàn Mặc Tử đã nói, duy có điều là tôi yêu thiết tha những đêm trăng sáng trong vườn ngồi quây quần bên gia đình hay bạn bè để ăn bánh, uống trà, thưởng thức những chén chè thơm phức, béo ngậy nước cốt dừa. Trong cái không khí êm đềm của tuổi thơ và những đệm trăng ấy, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ ngây của tôi “như thung lũng chạy dài, như vườn tược cạnh mé sông. Như cây trầm hương được tay Đức Chúa Trời vun trồng, Như cây bách hương mọc bên giòng nước…” (Sách Dân Số Ký 24:6) Những đêm trăng sáng trong kiếp sống tha hương sau này lại càng khiến tôi quắt quay nhung nhớ đêm Trung Thu của những ngày thơ ấu. Quả thật, chỉ cho đến khi xa lìa mái ấm gia đình, sống tha hương, tôi mới thấu hiểu sự gắn bó, liên tưởng giữa hai chữ chia ly với ánh trăng ngà mà thi sĩ Lý Bạch đã diễn tả một cách tuyệt vời chỉ với bốn câu thơ 20 chữ trong bài thơ Tĩnh Dạ Tư:

“Sàng tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương”

Bài thơ này tài tình ở chỗ đã khéo liên kết ánh trăng thanh với tình quê hương, nỗi nhớ nhà, một cảm nghĩ mà mỗi chúng ta đều đã có lần kinh nghiệm. Ngọc Diệp xin mời quý thính giả nghe bài diễn Nôm của học giả Trần Trọng Kim:

“Đầu giường chợt thấy bóng trăng
Mập mờ trên đất, ngỡ rằng sương sa.
Ngửng đầu trông vẻ gương nga
Cúi đầu luống những nhớ nhà băn khoăn”

Xin xem những bài đọc khác