Vài Suy Nghĩ Nhân Dịp Cuối Năm Ất Dậu 2005

Thoa Nguyễn

Năm cùng, tháng tận là thời gian mà đa số chúng ta thường hay dừng lại để kiểm điểm xem một năm qua chúng ta đã thành bại ra sao và rút tỉa những kinh nghiệm quí báu cho một năm mới sắp tới.

Ngày qua ngày, đa số chúng ta thường cứ mãi mê bận rộn với công ăn việc làm và thường quên mất sự hiện hữu của chính mình. Những người vợ, người mẹ thường quên mình vì gia đình, con cái và công việc. Những người chồng, người cha vì bận rộn mưu sinh mà cũng quên mất mình cũng có những nhu cầu vật chất, tinh thần lẫn tâm linh thật cần thiết như bất cứ bao nhiêu người khác. Trong khi đó, con em chúng ta cũng không kém phần bận rộn trong thế giới riêng của chúng. Dầu sống chung dưới một mái nhà, nhưng mỗi người là một thế giới thật phức tạp của riêng họ.

Nhìn chung con người trong xã hội ngày nay sống dưới những áp lực vô cùng lớn lao và vì mãi bận rộn đối phó với những áp lực đó, chúng ta dường như đã đánh mất mục tiêu của đời sống mình. Điều đáng buồn là đối với nhiều người, lắm khi những câu hỏi liên quan đến vấn đề này đã trở thành lỗi thời vì trong suy nghĩ của họ, nó đã trở thành… “xưa như trái đất.” Nhưng đây lại là một trong những câu hỏi rất quan trọng vì câu trả lời cho câu hỏi này có thể đem đến một sự thay đổi nhân sinh quan cần thiết có tính cách quyết định không những cho chính chúng ta mà còn cho những người xung quanh mình; không những cho cuộc đời này mà còn hệ trọng cho cõi đời đời.

Chúng ta thường ít khi nào làm một việc gì mà không có mục đích. Từ việc rất nhỏ như lái xe đưa con đi học, cho đến việc hệ trọng như cất nhà hay thành lập gia thất cho con…Tất cả những việc chúng ta làm đều nhằm thỏa đáp một số nhu cầu nào đó. Thế nhưng câu hỏi về mục đích đời sống của chính mình, đại đa số chúng ta vẫn còn đang… điền vào chỗ trống. Nhận ra được tầm quan trọng của vấn đề, Mục sư Rick Warren, tác giả của cuốn sách “Sống Theo Đúng Mục Đích” một trong 100 tác phẩm Cơ đốc được bình chọn là đã làm thay đổi thế kỷ 20 đã nhận định: “Thảm kịch lớn nhất của con người không phải là sự chết, mà là sống một cuộc đời không có mục đích.”

Thật thế, nếu chúng ta chẳng biết mục đích thật sự của cuộc đời mình, thì rồi ra dầu cho có sống đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy,” tiền bạc như nước, danh vọng cao ngất thì chúng ta vẫn thấy cuộc đời là phù du, vô nghĩa mà thôi vì bao nhiêu thì mới đủ cho cái lòng tham không đáy của con người?

Năm 2004 kết thúc với trận sóng thần kinh hồn ở vùng Đông Á, kéo theo sự mất mát tài sản và sinh mạng của hơn hai trăm ngàn người. Giữa năm 2005, lại có một trận động đất lớn tại Pakistan, lần này hơn ba chục ngàn người mất mạng. Và rồi dường như thật đều đặn mỗi ngày, chúng ta đều nghe tin bom nổ tự sát, giết chóc, bắt cóc, khủng bố….Đứng trước những thảm họa như thế chúng ta không khỏi bàng hoàng tự hỏi tại sao những điều này cứ mãi tiếp diễn. Rồi việc gì nữa sẽ xảy ra cho những ngày năm cùng tháng tận của năm Ất Dậu 2005 này?

Nhưng lo lắng thì chúng ta vẫn lo, mà công việc làm thì cứ tiếp tục chỉ ước mong sao những thảm họa đó sẽ không xảy đến cho chính mình hay gia đình, những người thân của mình. Nhưng có bao giờ chúng ta dừng lại để tự hỏi mình rằng chẳng lẽ cuộc đời của chúng ta chỉ có thế thôi sao? Nhà Phật có câu ‘Cuộc đời là bể trầm luân.’ Chắc có lẽ không ít người trong chúng ta lắm lúc phân vân về lý do chúng ta có mặt trên hành tinh này. Nói cho cùng, nếu lý do chúng ta có mặt trên hành tinh này là chỉ để chịu dầm mình trong “bể khổ triền miên” thì cuộc đời chúng ta thật là vô vị và thiếu mất ý nghĩa đích thực của nó. Kính thưa quí vị, cũng giống như một cái ổ khóa, dầu chúng ta có nhiều chìa khác nhau, nhưng chỉ có một cái chìa duy nhất mới có thể mở được; thì cũng thế, chúng ta không thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi này cho tới chừng nào chúng ta hiểu được mục đích của sự hiện hữu của mình trên đất.

Thánh Augustine đã nói: “Thượng Đế đã dựng nên con cho chính Ngài và cõi lòng con sẽ chẳng hề yên nghỉ cho đến khi nó được nghỉ yên trong Ngài.”

Tôi nhớ khi đứa con trai của người bạn tôi lên tám tuổi, tôi tặng cháu một chiếc máy bay đồ chơi. Hai dì cháu loay hoay hơn ba tiếng đồng hồ, thế mà chiếc máy bay vẫn chưa hoàn thành. Sau cùng, tôi đành phải nhờ vào sự trợ giúp của cẩm nang chỉ dẫn, thứ cẩm nang mà hiếm khi chúng ta chú ý tới vì cứ nghĩ rằng mình chúng không có thể được thay thế với những suy nghĩ logic của mình. Thông thường đối với những trường hợp đơn giản, chúng ta có thể làm được, nhưng gặp phải những trường hợp phức tạp thì lắm khi chúng ta có thể bị sự tự tin của chính mình đánh lừa. Mục đích của những cuốn cẩm nang như thế là giúp cho chúng ta xử dụng món đồ đúng theo chức năng của chúng và vì thế chúng ta có thể đạt được lợi ích cao nhất từ việc xử dụng đúng cách này. Dĩ nhiên chỉ có người sáng chế ra món đồ mới có thể viết ra được cuốn cẩm nang liên hệ. Cũng một lẽ ấy, nếu chúng ta tin rằng Thượng Đế là Đấng tạo ra mọi sinh vật trong đó có chúng ta, thì chỉ duy có chính Ngài mới có thể thỏa đáp được câu trả lời về mục đích của đời sống chúng ta. Duy chỉ có chính Ngài mới có cuốn cẩm nang liên hệ đến cuộc đời chúng ta. Cho đến chừng nào chúng ta hiểu được sự thật hiển nhiên này thì lúc ấy chúng ta mới mong có được cơ hội để hiểu rõ ý nghĩa đời sống của mình, để tận hưởng Thượng Đế và đời sống mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta trên đất này.

Phúc âm Mathiơ chương 13 câu 44 ví sánh nước thiên đàng giống như của báu, chôn trong một đám ruộng kia. Một người tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó. Thật thế, hiểu được ý nghĩa và mục đích của đời sống mình chẳng khác nào như chúng ta đã tìm được kho báu vô tận, chỉ ước mong sao được sớm làm chủ kho báu đó. Ngày hôm nay đây, đó có phải là ước mơ của mỗi chúng ta hay không? Hãy tìm kho báu chẳng bao giờ hư nát, ten rét mà Thượng Đế đã sắm sẵn cho chúng ta trong Ngài. Ngài tạo chúng ta để chúng ta được vui hưởng kho báu ẩn tàng đó và Ngài lấy làm rất vui thích khi chúng ta khám phá được và sẵn lòng đầu tư vào đó. Nói tới cùng, ước mơ của Ngài là tạo dựng chúng ta và kho báu đó cho chúng ta vui hưởng nó không chỉ trong cõi đời này mà thôi, nhưng mà là đời đời. Chẳng thế mà Phúc âm Giăng chương 3 câu 16 đã nói thật rõ ràng: “Vì Thượng Đế yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài là Jesus, hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

Ước mong trong những ngày cuối năm, ngoài những bận rộn thường nhật, chúng ta sẽ dành một ít thì giờ để suy nghiệm đến ý nghĩa của cuộc đời mình và giá trị vĩnh hằng của nó. Thượng Đế quí sinh mạng của chúng ta giống như con ngươi của mắt Ngài, Ngài không muốn cho một ai chết mất, nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn. Duy chỉ ở trong Ngài thì cuộc đời của chúng ta – những tạo vật yêu dấu của Ngài – mới thật sự tìm được ý nghĩa đích thực của nó.

Xin xem những bài đọc khác