Vai Trò Người Cha Trong Gia Đình

Bryan Craig “Signs of Times” Tùng Tri lược dịch

Quý thính giả thân thương,

Trải qua nhiều thay đổi trong xã hội, cái nhìn về vai trò người cha cũng đổi thay theo.

Chúng ta hãy theo dõi câu chuyện gia đình của đôi vợ chồng trẻ, chị Hồng và anh Dũng. Cả hai yêu nhau tha thiết, đầy nghị lực, là những người thuộc thế hệ trẻ, cố gắng quân bình trong việc xây đắp gia đình theo những truyền thống tốt đẹp, nuôi dạy con cái thành công cũng như theo đuổi nghề nghiệp chuyên môn của mình. Nhưng cuộc đời không phải dễ dàng như mong ước.

Anh Dũng thú nhận rằng anh không biết là vợ anh, chị Hồng mong đợi ở anh những điều gì trong vai trò làm cha. Theo chị Hồng thì anh Dũng xử sự ở trong nhà như là “một người quý phái”. Xuất thân từ một gia đình truyền thống và trưởng giả, anh Dũng không quen nhúng tay trong việc những công việc thường nhật của gia đình.

Anh cũng rất thiếu nhạy bén trước nhu cầu của con cái. Anh cảm thấy rất bực mình khi chị Hồng đòi anh phải tắt cái máy điện thoại di động để làm việc này, việc nọ với con. Rõ ràng là khái niệm làm cha của anh Dũng rất khác với quan điểm của chị Hồng. Và đây là một lãnh vực gây nhiều nhức nhối trong mối quan hệ vợ chồng con cái trong gia đình.

Trong thời gian gần đây, cùng với sự thay đổi về kinh tế, kỹ thuật và ý thức hệ trong xã hội, vai trò của người cha cũng được xem xét lại. Vai trò của người cha trong gia đình thực sự là gì? Có rất nhiều ông rất bối rối khi tự hỏi mình câu hỏi này.

Quý bà thì thấy vấn đề rõ ràng hơn là họ mong muốn nhiều sự hợp tác và tham gia của quý ông trong vấn đề nuôi dạy con trẻ. Ngày nay, quý bà dường như lưu tâm ít hơn đến khả năng làm việc của các ông chồng hay vấn đề cung cấp phương tiện vật chất cho gia đình, nhưng quan tâm nhiều hơn đến sự tham gia và hiệp tác của quý ông trong vai trò làm cha mẹ.

Nhìn sơ qua những vấn đề gia đình tại Úc Châu, thì kể từ đầu thiên niên kỷ mới, xã hội Úc có một sự chuyển đổi thật rõ ràng trong về định nghĩa vai trò của người cha trong gia đình. Sự chuyển đổi này làm nổi bật một đòi hỏi các bậc làm cha trong thời đại ngày nay cần có, đó là các bậc làm cha phải thành thạo và trực tiếp liên hệ trong vấn đề nuôi dạy con cái.

Lùi lại khoảng năm 1800, vai trò làm cha và làm mẹ được tách riêng biệt ra. Các ông cha thường là người chủ trong gia đình với trọng trách về sự an ninh, bảo vệ, giám sát tình trạng đạo đức và cung cấp phương tiện vật chất cho gia đình. Các bà mẹ thì liên hệ gần gũi và nuôi nấng con cái. Điều này khiến trong một thời gian dài, người ta quan niệm vai trò người cha là không cần thiết trong sự phát triển của một đứa trẻ.

Nhưng cho đến khoảng đầu thập niên 1960, người ta bắt đầu bày tỏ sự quan ngại vì sự thiếu quân bình trong sự đóng góp của cha và mẹ trong đời sống gia đình và nuôi dạy con trẻ. Phụ nữ bắt đầu có cơ hội nhiều hơn để thành công trong học vấn và nghề nghiệp và dành ít thời giờ hơn ở nhà để lo lắng cho con cái và điều này cũng đòi hỏi các ông cần phải dành nhiều thời giờ hơn với con trẻ. Theo truyền thống, các ông từ nào đến giờ không phải trực tiếp nuôi dạy con cái và hoàn cảnh mới đưa đẩy đã làm không ít các bậc làm cha vô cùng bối rối và lúng túng.

Qua đến thập niên 1970, những nghiên cứu về gia đình làm nổi bật những ảnh hưởng nghiêm trọng về sự thiếu vắng hay ít liên hệ, gần gũi của người cha trên sự phát triển của trẻ con. Các công trình nghiên cứu khám phá thêm là vai trò của người cha quan trọng và cần thiết hơn cả sự tiên đoán trước đó của các chuyên gia chuyên về sự tăng trưởng và phát triển của trẻ con. Thời giờ người cha hiện diện trong gia đình và những tương giao tích cực với con cái sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ trên sự phát triền các giác quan, cách giao tế và cá tính của các em.

Những tìm hiểu về gia đình cũng đưa ra nhận định rằng các bậc làm cha có khả năng làm người nuôi dưỡng và nâng đỡ con cái một cách thành công như các bậc làm mẹ. Ngay từ lúc lọt lòng, con cái cần được gần gũi cả cha lẫn mẹ, vì vai trò của đôi bên là duy nhất đặc biệt và điều này sẽ đặt nền tảng cho đứa trẻ trong việc nhận thức sự khác biệt giữa phái mạnh và phái đẹp về sau.

Ngày nay, người ta công nhận rằng người cha đóng một vai trò quyết định trong việc xây dựng sự tự tin và đời sống tình cảm thăng bằng nơi một đứa trẻ. Những quan niệm lỗi thời về vai trò người cha đã qua đi và các bậc làm cha ngày nay được kêu gọi để học hỏi làm sao để trở thành những người cha mang hiệu quả tốt cho con cái, bên cạnh trách nhiệm làm chồng, làm người nâng đỡ cho vợ mình và đồng thời cũng là người chu cấp cho gia đình.

Đứng trước một trọng trách như vậy, sau đây là những đề nghị thực tế để các bậc làm cha có thể ứng dụng. Và cũng nên nhớ rằng, sự cảm kích của người vợ và sự cảm ơn chân thành của những người con có cha mẹ thương yêu và dìu dắt chúng là món quà vô giá đang chờ đợi quý vị.

Thứ nhất, là ở bên cạnh. Hãy tham gia trực tiếp trong những sinh hoạt về học đường và xã hội của con cái. Hãy tham dự vào những công việc mang lợi ích cho con cái và cho chúng thấy quý vị quan tâm đến chúng. Để làm được điều này, quý vị cần nỗ lực để cân bằng giữa công ăn việc làm và thời giờ công sức chăm lo cho gia đình. Các bậc làm cha chỉ ham thích làm việc có thể là những người thành công nơi sở làm, nhưng lại không phải là nơi nương tựa tình cảm và nâng đỡ cho con cái trong gia đình. Dành thêm thời giờ để chơi đùa với chúng và tham dự các sinh hoạt gia đình sẽ tăng thêm sự gắn bó là điều rất cần thiết cho cảm giác được an ninh và được trìu mến của đứa trẻ. Các nghiên cứu cho thấy những tội phạm của thanh thiếu niên và các hành vi gây hấn hay sanh sự, nhất là các em trai, có khuynh hướng tăng lên trong những gia đình mà người cha thiếu vắng hay không gần gũi với con cái.

Nếu quý vị là người cha phải ở xa gia đình vì công việc bắt buộc, hãy thử một vài đề nghị dưới đây để tăng thêm mối liên hệ cha con. Quý vị có thể mang về một món quà cho con, mua ở nơi quý vị đã đi qua, hay gọi về nhà mỗi ngày và tâm tình với con qua điện thoại. Khi có thời gian ở nhà, cương quyết dành thời giờ tham dự những cuộc thi thể thao của con, những buổi họp mặt, họp phụ huynh trong trường của con, đối xử với vợ mình một cách tử tế và đầy yêu thương để làm gương cho chúng nó và nếu có thể được, mang con cái đi với mình một vài lần trong các chuyến công tác.

Thứ nhì, hãy đáp ứng. Cụ thể là những nhu cầu và sự quan tâm lo lắng của đứa trẻ. Hãy trở nên một người biết lắng nghe, các bậc làm cha có thể xây đắp một sự liên hệ tích cực với con trẻ và đáp ứng cho những nhu cầu và những điều con mình ưa thích và muốn hướng tới. Khi quý vị bỏ mặc, chẳng ngó ngàng tới, quý vị đang gởi một thông điệp tới đứa trẻ là quý vị không quan tâm hoặc quá đỗi bận rộn nên chẳng màng đến con cái suy nghĩ hay cảm nghĩ ra sao.

Hãy tỏ ra gần gũi và đáp ứng con cái với sự cởi mở, chân thành, thân mật và đầy tôn trọng là quý vị đang hướng dẫn con mình làm sao xây đắp một mối liên hệ lành mạnh và tốt đẹp với người khác.

Các bậc làm cha nên học cách biểu lộ tình cảm và điều này rất quan trọng đối với các em trai. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy những vấn nạn trong gia đình và hôn nhân có thể tránh được nếu người đàn ông được dạy dỗ từ thuở nhỏ về cách biểu lộ tình cảm, thay vì dấu kín những cảm xúc riêng của mình, và học đáp ứng trong mối quan hệ riêng tư gần gũi.

Thứ ba, hãy khen ngợi. Người cha đóng một vai trò vô cùng lớn lao trong việc phát triển và xây đắp sự tự tin của đứa trẻ. Điều này có ảnh hưởng lớn lao trong thành tích học tập của các em và lựa chọn nghề nghiệp mai sau. Do vậy, hãy khích lệ con cái mình và phần thưởng sẽ vô cùng lớn lao.

Trẻ con ham mến sự tôn trọng và đánh giá cao của người cha. Chúng nó sung sướng và ấp ủ những lời ngợi khen tận trong tâm hồn cho đến lâu dài. Thêm nữa, người cha sẽ giúp con mình nhận ra giá trị của một người đàn ông hay phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hộI, qua cách đối xử với của người cha với những người chung quanh.

Thứ tư, hãy giữ sự an ninh cho con cái mình. Trẻ con với bản tính tự nhiên có thể cảm nhận quý vị là công bình, tử tế, đáng tin cậy. Trẻ con không thích đến với những cha mẹ làm cho chúng tủi thân và sợ hãi. Do vậy, hãy xây đắp sự quan hệ thân mật để con cái quý vị cảm thấy an tâm và sẵn sàng bộc lộ những suy nghĩ, quan điểm hay một sự nghi ngờ nào của chúng trong đời sống. Đây là một cách thức an toàn giúp cho chúng khám phá ý nghĩa và mục đích của đời sống trong một khung cảnh an toàn và không nặng trĩu những mối đe dọa.

Thứ năm, hãy bày tỏ đức tin của mình. Khi quý vị đã xây dựng được mối liên hệ tốt đẹp với con cái của mình, quý vị đang có một môi trường thích hợp để bày tỏ niềm tin của mình vào Thượng Đế qua sự hướng dẫn không những qua lời nói nhưng bằng chính đời sống làm gương của chính mình. Tình cảm và mối liên hệ tốt đẹp giữa cha con sẽ ảnh hưởng đến việc các em tin nhận Thượng Đế là Cha thiêng liêng ở trên trời. Đây là một trọng trách vô cùng quan trọng mà Thượng Đế phó thác trên các bậc làm cha. Chúng tôi sẽ đề cập riêng đến vấn đề này trong những chương trình phát thanh sắp tới.

Kính chúc quý vị thành công trong thiên chức làm cha và tận hưởng con cái mình.

Xin xem những bài đọc khác