Vấn Đề Sống Chết

Mục sư Trần Thanh Tâm

Kính thưa quý thính giả,

Trong những ngày gần đây, người dân của nước Úc, nhất là dân chúng trong vùng Mildura phía Tây-Bắc tiểu bang Victoria, thật bàng hoàng trước cái chết của sáu em thiếu niên trong cùng một tai nạn. Biến cố thê thảm nầy xảy ra đêm thứ bảy 18/2/06 vừa qua, khi một chiếc xe do một người đàn ông lái, vì lý do chưa biết rõ, đâm sầm vào đám đông 13 em, trong lúc các em đang đứng chờ xe taxi rước về, sau khi tham dự tiệc sinh nhật của một người bạn. Tai nạn nầy đã khiến cho 5 em thiệt mạng tại chỗ và một em khác đã qua đời trong bệnh viện sau đó. Tất cả 6 em nầy đều còn trong tuổi thiếu niên từ 15-17 tuổi. Mọi người nghe tin nầy đều xúc động. Ngay cả Thủ Tướng John Howard cũng đã gởi lời phân ưu cùng các tang quyến. Không xúc động làm sao được! Khi cả cuộc đời thanh xuân, đầy triển vọng của 6 thiếu niên, cùng một lúc biến mất đi. Ai nấy đều tiếc thương cho những những cuộc đời quá ngắn ngủi, ví như những đóa hoa chưa nở đã vội tàn.

Nhân loại từ ngàn xưa cho đến nay luôn khắc khoải trước cảnh tử biệt của con người. Nhưng dầu cho chết vì tuổi già, hay chết trong tuổi thanh xuân, không một người nào sống trên trái đất nầy tránh khỏi việc đối diện với cái chết. Môi-se, nhà lãnh đạo của dân Do-Thái thời xưa, đã viết về sự ngắn ngủi của đời sống, ghi trong Thánh Kinh, sách Thi Thiên 90:10 như sau: “Tuổi tác chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.

Kính thưa quý vị,

Người Việt chúng ta ít thích đề cập đến cái chết, một phần vì đây là đề tài không vui; phần khác, nói đến cái chết là nhắc đến nan đề không giải quyết được của mọi người. Vì vậy, trong ngôn ngữ phong phú của tiếng Việt Nam, chúng ta có hàng chục từ ngữ khác nhau để ám chỉ đến sự chết, mà tránh phải nói đến chữ “chết”, ví dụ như: qua đời, mãn phần, vắng bóng, khuất núi, quy tiên v v… Tuy nhiên, nếu chúng ta biết suy nghĩ về cái chết, thì chúng ta cũng sẽ biết suy nghĩ để tìm cách sống cho có ý nghĩa. Lời của Thượng Đế trong Thánh Kinh cho biết “chết” là quy luật của Đấng Tạo Hóa đặt ra cho con người sống trên trái đất nầy. Quy luật về sự chết nầy ghi trong sách Hê-bơ-rơ 9:27 như sau: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét.”. Quy luật nầy áp dụng cho toàn thể nhân loại kể từ khi tổ tiên loài người, đã bất kể lời cảnh báo của Thượng Đế về hậu quả của việc cãi lời Chúa mà ăn trái cấm. Thánh Kinh sách Sáng Thế Ký 2:17 ghi lại lời Đức Chúa Trời ngăn cấm ông A-đam và bà Ê-va như sau: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.” Sau khi tổ tiên loài người phạm tội với Chúa vì nghe theo lời của Sa-tan cám dỗ, ăn trái cây Ngài cấm, thì từ đó sự chết bắt đầu vào thế gian nầy; và tiến trình: sinh, lão, bệnh, tử đã xảy ra trong đời sống con người như là hậu quả của tội lỗi. Đây là một định luật của Đấng Tạo Hóa dành cho con người. Vì sanh, tử là theo định luật của Tạo Hóa, cho nên ai cũng một lần chết, không trước thì sau, người chết vì già, vì bệnh, người khác chết vì tai nạn, chết lúc còn thanh xuân. Cho nên khi đối diện với cái chết, chúng ta cần có cái nhìn xa và rộng lớn hơn về nguyên nhân đem đến sự chết trong trần gian nầy, và không thể trách oán Thượng Đế đã để cho cái chết xảy đến cho con người.

Sa tan, kẻ chống nghịch với Thượng Đế, đã âm mưu phá hoại công trình sáng tạo cao quý của Ngài, là con người mà Thượng Đế đã tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, bằng cách cám dỗ cho con người phạm tội, hầu có thể đưa sự chết vào trong thế gian như là sự trừng phạt đến từ Đức Chúa Trời theo bản tánh công bình tuyệt đối của Ngài. Tuy nhiên, Thượng Đế vừa là Đức Chúa Trời thánh khiết, công bình; nhưng Ngài cũng vừa là Đấng đầy yêu thương, và đầy quyền năng, cho nên sau khi tổ tiên loài người phạm tội, khiến cho nhân loại chịu lãnh sự chết, thì Chúa đã có chương trình giải cứu nhân loại thoát khỏi sự định tội cho linh hồn. Chương trình cứu rỗi nhân loại của Thượng Đế là như thế nầy: Chúa Cứu Thế Giê-su, Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời đến thế gian, mang lấy hình thể con người, và chịu chết để đền thế tội cho nhân loại, tức là chịu trả bản án theo sự đòi hỏi của bản tánh công bình của Thượng Đế, và qua sự hy sinh chịu chết của Chúa Giê-su, bản tánh yêu thương của Thượng Đế cũng được bày tỏ và làm trọn. Kết quả của sự hy sinh chịu chết thế cho nhân loại đó là: hễ ai chịu ăn năn tội và tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Chúa và Chủ của đời sống mình, thì người đó được giải thoát khỏi hậu quả của tội lỗi của tổ tiên loài người, cũng như tội của chính mình, và được hưởng sự sống vĩnh phúc cho linh hồn trong nước thiên đàng. Thánh Kinh sách Tin Lành Giăng 3:16 viết thế nầy: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất, nhưng được sự sống vĩnh phúc.

Trái với quan niệm của một số người duy vật và vô thần, Thánh Kinh bày tỏ cho chúng ta biết con người có linh hồn, và sau cái chết của thân thể, thì linh hồn con người, hoặc là chịu lãnh sự chết thứ hai, tức là bị trừng phạt trong hồ lửa địa ngục đời đời; hoặc là tránh được sự chết lần thứ hai và hưởng sự sống vĩnh phúc. Những người duy vật, vô thần nói rằng không hề có địa ngục hay thiên đàng. Trong khi đó, Thánh Kinh là lời của Đấng Tạo Hóa, bày tỏ cho chúng ta biết địa ngục là nơi trừng phạt linh hồn những người không chịu tin Chúa Cứu Thế Giê-su; và thiên đàng là nơi mà linh hồn của người tin Chúa sẽ đến trong đời sau. Giả dụ như sự suy nghĩ của những người duy vật, vô thần là đúng, thì những người tin Chúa Giê-su cũng chẳng thua thiệt gì so với người không tin Chúa.

Nhưng kính thưa quý vị,

Đặt trường hợp niềm tin của người tin Chúa Giê-su là quả thật đúng như lời Thánh Kinh bày tỏ, thì những người từ chối không chịu tin nhận Chúa Giê-su ngày hôm nay, sẽ là những người thua thiệt nhất, vì đã bỏ lỡ cơ hội nhận lấy món quà cứu rỗi linh hồn mà Thượng Đế đã dành sẵn cho mỗi người. Chúng tôi đã kinh nghiệm được sự cứu rỗi của Thượng Đế, và biết rằng đây là chân lý, vì đã nhận được sự bảo đảm về sự cứu rỗi cho linh hồn mình, ngay khi còn đang sống trên đất nầy, và đang thật sự hưởng tình yêu và sự bình an do Thượng Đế ban cho. Vì vậy, chúng tôi muốn chia sẻ lại với quý đồng hương yêu mến của chúng tôi, là quý thính giả đang nghe chương trình phát thanh nầy.

Đời sống con người chúng ta mấy mươi năm trên đất, dầu cho có kéo dài đến đâu, cũng có giới hạn và phải có lúc chấm dứt. Nếu chịu suy nghĩ, nhìn lại, thì có thể là một số đông trong số thính giả nghe chương trình phát thanh hôm nay, đã đi qua hơn phân nữa cuộc hành trình của mình trên thế gian nầy rồi. Chúng ta đã chuẩn bị thật nhiều cho cuộc hành trình tạm bợ mấy mươi năm trên đất nầy. Còn chuyến đi vào chốn vĩnh cữu của linh hồn, quý vị đã chuẩn bị như thế nào? Và quý vị đã có sự bảo đảm cho nơi đến của linh hồn mình chưa? Nếu có quý thính giả nào muốn nhận sự cứu rỗi của Thượng Đế, để tội được Ngài tha thứ và linh hồn được Chúa bảo đảm cho sự sống vĩnh phúc trong nước thiên đàng thì xin lập lại lời cầu nguyện sau đây: Kính lạy Đức Chúa Trời, con biết mình là một tội nhân trước mặt Chúa. Con xin ăn năn tội lỗi của mình, và tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Cứu Chúa và làm Chủ đời sống của con. Xin Chúa tha tội cho con, nhận con làm con của Ngài, và cho linh hồn con được bảo đảm hưởng sự sống vĩnh phúc trong nước thiên đàng. Con xin cầu nguyện trong danh Chúa Giê-su Christ. A-men.

Kính thưa quý thính giả,

Nếu quý vị đã cầu nguyện những lời vừa rồi, thì nên sớm tìm đến một Hội Thánh Tin Lành gần nhất để thờ phượng Chúa, và được hướng dẫn thêm về sinh hoạt trong đời sống của một con cái Chúa. Hoặc quý vị của thể liên lạc với chương trình phát thanh Hy Vọng để biết địa chỉ của một Hội Thánh Tin Lành Việt Nam gần nơi quý vị đang sống. Thân ái kính chào quý vị.

Xin xem những bài đọc khác