Vì Mọi Người Đều Đã Phạm Tội

Kính thưa quý thính giả,

Trong tuần trước, chúng ta đã được nghe sử gia Lu-ca thuật lại rằng Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ Gáp-ri-ên báo tin cho trinh nữ Ma-ri rằng nàng đã được Ngài ưu ái và lựa chọn, nàng sẽ mang thai và sanh một bé trai, sẽ được đặt tên là Jêsus. Tên này cũng có nghĩa là “Đấng Cứu Thế”. Thiên sứ cũng hiện ra với Giô-sép là vị hôn phu của Ma-ri để giải thích và trấn an chàng về bào thai diệu kỳ trong lòng người trinh nữ này như sau: “Nàng sẽ sanh một trai, ngươi hãy đặt tên là JÊSUS, vì chính Con ấy sẽ cứu dân mình khỏi tội.

Kính thưa quý thính giả,

Theo như bản tin thiên sứ gởi đến Giô-sép và Ma-ri, Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế, sẽ cứu nhân loại ra khỏi vòng tội lỗi. Thế nhưng tội là gì? Một công dân bình thường, đi làm, đóng thuế, sống tôn trọng luật pháp thì có tội tình gì mà phải cần phải được cứu vớt. Thế nào là tội?

Tội là suy nghĩ, nói hay hành động không đẹp lòng Thượng Đế.

Kính thưa quý thính giả,

Các việc như gian dâm, phỉnh gạt, cướp của, giết người hiển nhiên là phạm tội, nhưng ở đây chúng ta không dựa vào luật pháp của xã hội loài người, cũng không căn cứ trên những tiêu chuẩn đạo đức của bất kỳ tôn giáo nào hay của một hệ thống triết lý nào, nhưng chúng ta đang soi mình trước tiêu chuẩn thánh khiết tuyệt đối của Ðức Chúa Trời. Ðối với luật pháp loài người, một người bị xem là phạm pháp khi người đó đã hành động trái với luật định, bị bắt quả tang hoặc có chứng cớ kèm theo. Thế nhưng, trước mặt Ðức Chúa Trời là Ðấng dò xét ở nơi sâu thẳm của lòng người, một người không cần hành động, không cần phải có bằng chứng, nhưng nếu trong suy nghĩ có những điều không đẹp lòng Ngài thì đã bị xem là phạm tội.

Trong điều răn thứ nhất, Đức Chúa Trời có phán rằng “Trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác”. Chúng ta thật có đang biết ơn Đấng đã tạo dựng nên con người chúng ta, ban cho chúng ta sự sống, hơi thở, khả năng, tình cảm, cùng muôn sự mà chúng ta đang tận hưởng, hay là chúng ta đang chối bỏ Thượng Đế hoặc thờ lạy ai khác không phải là Đấng Tạo Hóa.

Điều răn tiếp theo là “Người chớ giết người”, nhưng Kinh Thánh cũng cho biết, nếu một người trong tư tưởng có ý ganh ghét, đố kỵ người khác, thì bị xem ngang như tội giết người.

Điều răn khác là “Ngươi chớ phạm tội tà dâm”, nhưng nếu một người đàn ông nhìn một phụ nữ mà trong lòng nảy ra những ham muốn bất chính, thì trong tiêu chuẩn của Chuá, người bị xem ngang như đã phạm tội tà dâm.

Có bao lần chúng ta bẻ cong sự thật để tìm kiếm những tư lợi cho cá nhân mình và làm thiệt hại đến người khác. Đó là chúng ta đã phạm điều răn “Người chớ làm chứng dối”. Đó là chưa kể những việc lẽ ra nên làm và phải làm mà chúng ta không làm.

Kính thưa quý thính giả,

Dưới luật pháp và tiêu chuẩn của con người, chúng ta có thể là những công dân lương thiện, là những người đạo đức, nhưng tất cả chúng ta, không ai là vô tội trước mặt Thượng Đế cả.

Kinh Thánh là lời của Thượng Đế đã khẳng định rõ ràng “Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế


Kính thưa quý thính giả,

Con người chúng ta đầy những tội lỗi. Tội lỗi đã xen vào đời sống, làm hư hoại mọi sự tốt lành mà Đức Chúa Trời đã dựng nên, cướp đi sự bình an và niềm vui trong cuộc sống.

Xã hội băng hoại mà chúng ta đang phải gánh chịu là kết quả của tội lỗi trải qua nhiều thế hệ đã khước từ Thượng Đế và xoay bỏ những những luật lệ đầy yêu thương của Ngài.

Sống trong tội lỗi, con người đã đánh mất phương hướng cùng mục đích sống của mình. Con người đã nhân danh sự tiến bộ, đặt ra những triết lý, những học thuyết để phủ nhận sự sáng tạo của Thượng Đế, điển hình như thuyết tiến hóa cho rằng mọi sự có được là do ngẫu nhiên mà có. Thuyết Tiến Hóa một khi phủ nhận Thượng Đế thì chũng sẽ phủ nhận luôn trật tự và sự công bình của Ngài. Lý thuyết vô thần này là nền tảng của những chủ nghĩa chính trị không tưởng và các chế độ vô nhân, đã gây kinh hoàng cho bao dân tộc trên thế giới trong suốt thế kỷ 20 vừa qua.

Hậu quả của tội lỗi cũng thật rõ ràng, nhan nhãn trước mắt chúng ta khắp mọi nơi trong đời sống mỗi ngày. Theo thống kê cho biết tội ác trong xã hội không suy giảm nhưng cứ tiếp tục ngày càng gia tăng. Trung bình tội ác gia tăng gấp đôi trong mười năm. Điều này có nghĩa là cứ sau mười năm, thì số người ly dị gấp đôi, nghiện ngập gấp đôi, phá thai gấp đôi, khánh kiệt vì cờ bạc gấp đôi, tự tử gấp đôi, bạo động, hành hung gấp đôi vv. Và cứ như thế, tội ác tràn ngập khắp nơi, từ ngoài xã hội cho đến trong gia đình, vào trong lòng người, trong tình bè bạn, vợ chồng, cha mẹ, con cái, tiếp tục gây bao nhiêu đổ vỡ, khổ đau, mất mát, chia lìa.

Hậu quả trước mắt của tội lỗi là bi thảm thế đó, nhưng hậu quả này không chỉ dừng lại ở đó. Kinh Thánh cho biết rằng “Nghiệp báo của tội lỗi là sự chết”. Sự chết ở đây không phải chỉ là sự chết của thân xác, nhưng là sự chia cách vĩnh viễn của tâm linh khỏi Đức Chúa Trời. Khi rời khỏi cuộc đời tạm này, vì hậu quả của tội lỗi, linh hồn chúng ta sẽ bị chia cách, rời xa Đức Chúa Trời là nguồn của sự sống, sự bình an và sự phước hạnh. Sẽ không còn hy vọng. Sẽ không còn sự sống. Chỉ còn lại là sự đau khổ, bóng chết, cô đơn, tuyệt vọng và sợ hãi cho đến vĩnh viễn, cho đến muôn đời.

Vì phạm tội cùng Thượng Đế, sống cũng đã khổ mà qua đời càng khổ hơn. Thật là một thảm họa cho cả nhân loại. Thật là con đường cùng cho tất cả chúng ta.


Kính thưa quý thính giả,

Vì sao khi đã phạm tội và qua đời, linh hồn chúng ta phải bị chia cách vĩnh viễn với Thượng Đế?

Vì Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết như Kinh Thánh cho biết “Mắt Chúa quá tinh sạch không thể nhìn chuyện gian ác, xấu xa”. Đức Chúa Trời gớm ghê tội lỗi. Tội lỗi không thể tồn tại khi có Ngài hiện diện.

Đức Chúa Trời còn là Đấng Công Bằng, vì Ngài đã cho biết rằng Ngài “chẳng kể kẻ có tội là vô tội” và luật công bình của Ngài ghi trong Kinh Thánh rằng “Người nào phạm tội, người ấy chết”.

Con người chúng ta có thể làm lành, tu thân, tích đức để chuộc lại lỗi lầm của mình không? Hay nói một khác, chúng ta có thể tự cứu chúng ta không?

Tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là phải tuyệt đối thánh khiết như lời Kinh Thánh bày tỏ “Cho nên các con phải toàn vẹn giống như Cha các con trên thiên đàng là toàn vẹn”. Chúng ta thường nói “nhân vô thập toàn” vì qua bao đời nay chúng ta biết rằng chẳng có ai là mười phần đều hay, mười phần là tốt cả. Sự khác biệt giữa một con người đạo đức và một người sống buông thả trong tội lỗi, nếu có được chăng, là người này ít tội hơn người kia, nhưng không ai là vô tội, không ai là trọn vẹn trong tiêu chuẩn tuyệt đối của Đấng Tạo Hóa.

Gióp là một nhân vật yêu mến Đức Chúa Trời và thận trọng giữ gìn các điều răn của Ngài, cũng nhận ra bản chất tội lỗi ăn sâu trong con người ông, đến nỗi ông phải than lên rằng “Loài người làm thế nào xứng đáng với Đức Chúa Trời được?”

Trong tiêu chuẩn của Thượng Đế “cả đến những việc đạo đức … cũng như giẻ rách thối tha, bẩn thỉu”. Trong sự công bằng tuyệt đối của Ngài thì “tất cả đều từ chối Chúa, cùng nhau làm việc tội , chẳng ai làm điều lành, dù một người cũng không.


Kính thưa quý thính giả,

Cả nhân loại đều đã phạm tội trước mặt Đấng Tạo Hóa. Không ai sẽ tự cứu được mình nhờ làm lành, tu thân hay tích đức vì không ai sẽ đạt tới tình trạng vô tội cả. Cũng không một tôn giáo nào giúp con người đạt được tiêu chuẩn thánh khiết tuyệt đối của Đức Chúa Trời cả.

Cả nhân loại, từng thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, người này nối tiếp người kia, đang bước vào án phạt đời đời của Đấng Công Bằng Tuyệt Đối.

Thật là cảnh cùng đường, thật là thất vọng.

Thế nhưng, vẫn còn một niềm hy vọng.

Đó là bên cạnh bản tính thánh khiết tuyệt đối, Đức Chúa Trời cũng là Đấng Yêu Thương nữa. Lời Kinh Thánh cho biết “Đức Chúa Trời là Tình Yêu Thương”. Ngài đã từng phán với loài người rằng “Ta luôn luôn yêu thương các con với tình yêu vĩnh cữu”.

Tình yêu của Đức Chúa Trời là tình yêu trọn vẹn, hoàn hảo và vô điều kiện. Con người tội lỗi và giới hạn như chúng ta không sao hiểu cho thấu đáo tình yêu sâu rộng của Ngài. Chính Đức Chúa Trời là Đấng ban tình yêu cho con người vì Ngài là nguồn của tình yêu. Chúng ta có cha mẹ yêu thương chúng ta, chồng vợ khắng khít nhau, chúng ta dồn tình yêu chúng ta vào con cái chúng ta, chúng ta trân quý tình bằng hữu vv. Đó là bởi vì chính Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên chúng ta và ban cho chúng ta những bản tính giống như Ngài, trong đó có bản tính yêu thương. Ngài dựng nên chúng ta vì sự vui thỏa của chính Ngài, để trở nên đối tượng yêu thương của Ngài. Toàn bộ công trình sáng tạo của Ngài, trăng sao, tinh tú, đại dương, muôn vật, muôn loài, thật đẹp đẽ, phong phú và kỳ diệu là để con người vui thỏa và tận hưởng, như lời Kinh Thánh bày tỏ “Vì Chúa vui lòng nơi con dân Ngài”. Ngay cả luật pháp của Ngài như “người chớ giết người”, “ngươi chớ trộm cướp” cũng thể hiện tình yêu của Đấng Tạo Hóa, vì Ngài muốn bảo vệ và gìn giữ chúng ta.

Kính thưa quý thính giả,

Cũng vì tình yêu thương này, Ngài không nỡ nhìn tất cả chúng ta, trong đó có tôi và quý vị, đang bước vào sự khổ đau đời đời vì tội lỗi của chính mình. Như một người cha thương con cái mình, Ngài không chịu nỗi sự chia lìa vĩnh viễn với con người là loài thọ tạo mà Ngài vô cùng trân quý.

Nhưng dầu vậy, vì đức tính công bằng và thánh khiết tuyệt đối, Đức Chúa Trời phải phạt tội chúng ta. Nhưng vì đức tính yêu thương trọn vẹn, Ngài cũng không muốn nhìn thấy chúng ta khổ đau trong lửa địa ngục đời đời.

Kính thưa quý thính giả,

Vì thảm trạng tội lỗi của loài người của chúng ta đã dồn Đức Chúa Trời vào một tình huống vô cùng khó xử. Cuối cùng, chính Đức Chúa Trời đã tự nguyện chọn một giải pháp hoàn hảo nhưng cũng rất đau khổ cho Ngài, một giải pháp vừa thỏa mãn sự công bằng, thánh khiết tuyệt đối của Ngài, vừa thể hiện tình yêu vô đối và trọn vẹn của Ngài đối với chúng ta vậy.

Kính thưa quý thính giả,

Giải pháp đó được thực hiện qua Chúa Cứu Thế Jêsus. Trong những tuần tới, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu Chúa Jêsus là ai và Ngài đã làm gì để cứu cả nhân loại, trong đó có quý vị và tôi ra khỏi án phạt đời đời của Thượng Đế. Xin hẹp gặp lại quý vị trong tuần tới.

Xin xem những bài đọc khác