Lu-ca 1:5-7
Kính thưa quý thính giả,
Trong tuần này, chúng ta bắt đầu với câu chuyện đầu tiên trong sách Phúc Âm Lu-ca, giới thiệu về hai nhân vật, là Xa-cha-ri và vợ người, Ê-li-sa-bét. Trong chương 1, câu 5 đến câu 7 có ghi lại thời gian và hoàn cảnh của câu chuyện như thế này:
5. Trong đời Hê-rốt, vua nước Giu-đê, có một thầy tế lễ, về ban A-bi-a, tên là Xa-cha-ri; vợ người là Ê-li-sa-bét, thuộc về chi phái A-rôn. 6. Cả hai đều là công bình trước mặt Ðức Chúa Trời, vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa một cách không chỗ trách được. 7. Hai người không có con, vì Ê-li-sa-bét son sẻ, và cả hai đều cao tuổi.
Hê-rốt, vua nước Giu-đê, cai trị xứ Do thái từ năm 37 đến năm thứ 4 TC (trước Chúa giáng sinh). Ông là vị vua Do Thái đầu tiên lên ngôi kể từ khi vương quốc phía nam Do Thái sụp đổ khoảng 580 năm trước đó. 580 năm bị áp bức và nô lệ dưới tay người Ba-by-lôn, người Ba tư, đế quốc Hy lạp của A-léc-xan-đơ Đại Đế, rồi đến đế quốc Ptolemy của Ai cập và sau cùng bị thống trị bởi người Sy-ri-an. Trong cả 580 năm này người Do thái chỉ hưởng được sự độc lập trong 105 năm, sau khi người Maccabean lật đổ người Sy-ri-an.
Thời gian của câu chuyện trên xảy ra vào lúc xứ Do thái đang nằm trong sự cai trị của người La-mã. Hê-rốt không phải là một ông vua có quyền hành thực sự của dân Do thái. Ông chỉ là một ông vua bù nhìn, đặt dưới quyền sai khiến của La-mã. Ông là một người bại hoại, không phải là một con người của Ðức Chúa Trời. Lẽ ra ông phải là một người lãnh đạo tinh thần, một mẫu mực cho dân chúng, tuy nhiên, ông có tất cả trừ hai điều này. Ðất nước rơi vào cảnh suy đồi đạo đức. Vua Hê-rốt đem vào xứ Do thái những đền thờ La mã và cho tạc những tượng thần của họ. Ông cho du nhập các thú tiêu khiển La mã vào xứ sở Do thái. Ngoại tệ tràn lan khắp xứ này, tạo nên những dao động và mất quân bình về kinh tế. Ông khuyến khích người dân Ba-by-lôn di dân vào xứ Do thái; điều này tạo nên những xáo trộn về kinh tế. Kể cả việc tế lễ trong đền thờ cho Ðức Chúa Trời cũng bị bại hoại, người ta mua bán các công việc và chức tước của các thầy tế lễ. Ðó là thời kỳ nguy ngập của dân Y-sơ-ra-ên, một thời kỳ đen tối, mòn mỏi, đầy dẫy những bất công, bịnh hoạn và kinh tế suy đồi .
Nhưng trong cơn đen tối và bại hoại đó, Lu-ca đã giới thiệu đến chúng ta một cặp vợ chồng thật đơn giản và thủy chung, người chồng là một thầy tế lễ đã cao tuổi và vợ ông, cả hai đều sống một đời sống đẹp lòng Ðức Chúa Trời, cũng giống như Nô-ê trong Cựu Ứơc. Cả hai đều thuộc dòng tộc cuả A-rôn, được sinh ra và lớn lên trong gia đình của các thầy tế lễ là những người hầu việc trong đền thờ tại Jê-ru-sa-lem.
Không một dòng tộc nào trên thế gian này được Chúa tôn trọng và ban cho nhiều vinh dự như dòng tộc của A-rôn và Đa-vít, một dòng tộc được Chúa ban cho vinh dự giữ chức tế lễ, và dòng tộc kia được làm vua. Chính trong dòng tộc A-rôn này, tiên tri Giăng Báp-tít ra đời, làm người mở đường đi trước cho Chúa Jêsus, là người đuợc sinh ra trong dòng dõi vua Đa-vít mà chúng ta sẽ học trong những tuần tới.
Xa-cha-ri thuộc về ban A-bi-a. Theo như trong sách Sử Ký Nhất, chương 24, trong thời vua Đa-vít, khi dòng họ A-rôn đã quá đông , dòng họ này được chia làm 24 ban, mỗi ban thay phiên nhau lo công việc trong đền thờ trong hai tuần mỗi năm. Người đứng đầu ban thứ tám là A-bi-a, con của Ê-lê-a-sa, con đầu của A-rôn. Xa-cha-ri là hậu tự của A-bi-a và tên Xa-cha-ri có nghĩa là “Ðức Giê Hô Va nhớ đến”, trong khi tên người thiếu nữ là Ê-li-sa-bét, có nghĩa là “Lời Ứơc Nguyện của Ðức Chúa Trời”. Khi đặt tên như vậy, gia đình cuả cả hai bày tỏ sự mong đợi Ðức Chúa Trời sẽ thi hành các lời hứa của Ngài trên dân Y-sơ-ra-ên. Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tế lễ A-rôn. Con cháu trong dòng tộc này lấy nhau để bảo tồn phẩm giá của dòng giống được chọn làm tế lễ.
Ðối với gia đình hai bên, hôn nhân của họ thật là một ơn lành Chúa ban. Thật là vinh dự gấp đôi được Chúa ban cho chàng trai nào cưới được một thiếu nữ đồng trinh từ gia đình của thầy tế lễ. Nhưng niềm vui cũng chóng phai tàn khi ngày qua, tháng lại nhưng Ê-li-sa-bét lại son sẻ, không thấy có con . Ðó là “sự xấu hổ của nàng giữa mọi người” (câu 25), là sự nhục nhã, là đề tài đàm tiếu của thiên hạ. Họ phải chịu đựng sự khổ sở này trong suốt cả quãng đời hôn nhân của họ, tuy vậy trước mặt Ðức Chúa Trời, họ là những người thật đáng yêu, thật quyến rũ. Cả hai được mô tả là đẹp đẽ trong đời sống thuộc linh và công chính trước mặt Chúa. Họ có mối liên hệ tốt đẹp với Chúa, với nhau và với những người chung quanh. Bằng chứng về những điều này là sự tận tâm và trung tín trong chức vụ và công việc thờ phượng của họ. Có một sự thống nhất trong đời sống bên trong và đời sống bên ngoài của đôi vợ chồng này. Mặc dầu Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét được mô tả là “không chỗ trách được”, tuy vậy, điều này không có nghĩa là cả hai là vô tội trước mặt Chúa. Cả hai chỉ sống thành thực hết sức mình, từ trong công việc thờ phượng Chúa cho đến đời sống bình thường mỗi ngày, và không ai có những lý do hay bằng chứng hiển nhiên hay công khai để gièm pha hay chỉ trích đời sống của họ. Điều này làm vừa lòng Ðức Chúa Trời và Ngài đã nhìn thấy giữa dân tộc Y-sơ-ra-ên một tôi trai và một tớ gái biết quý mến Ngài.
Con cái là di sản Đức Chúa Trời ban cho, là sự chúc phước quý giá và cũng là niềm ước ao của Xa-cha-ri và E-li-sa-bét. Thế mà, mặc dầu công bình trước mặt Chúa, nhưng nỗi ước ao đó nay trở thành sự thất vọng ghê gớm khi tuổi đời đã chồng chất. Cho nên, không phải mọi sự sẽ xảy ra đúng theo ý riêng cho cả những người yêu mến Chúa. Nhưng giống như những bà mẹ son sẻ đã sinh ra những anh hùng trong Kinh Thánh như Y-sác, Gia-cốp, Giô-sép, Sam-sôn, thì Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét sẽ sinh ra một con trai thật diệu kỳ, đứa con trai “sẽ làm cho ngươi vui mừng hớn hở” như một sự đền bù cho bao năm tháng chịu đựng của đôi vợ chồng già này. Đức Chúa Trời luôn thương xót những ai kính sợ Ngài và ban cho họ những điều quá sức họ mơ tưởng, nhưng theo thời giờ ấn định của Ngài để hoàn thành chương trình và mục đích của Ngài. Đó là điều chúng ta sẽ cùng nhau học vào tuần tới.
Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại tuần tới .
Xin xem những bài đọc khác